top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảKhiết Lam

Áp lực không làm nên kim cương: Từ góc nhìn vật liệu học đến sự nam tính "mỏng manh"

Kim cương không nhất thiết phải có áp lực mới trở nên cứng rắn, nam tính cũng vậy. Những định kiến giới phái sinh từ chế độ gia trưởng đang "o ép" nam giới phải trở thành một loại kim cương giả tạo, chực chờ tan vỡ. Bài viết lần này của LeLa Journal nhìn nhận tính nam trong xã hội hiện tại dưới góc nhìn vật liệu học.



Chịu áp lực cao, phải "sinh tồn" trong môi trường khắc nghiệt, không được khóc bất kể ra sao... là những cái khung mà xã hội vẫn đang vô hình trung gò ép vào nam giới (1). Song song với đó, chúng ta thường cho rằng con người không thể tạo ra kim cương nếu thiếu áp lực và nhiệt độ cao. Tổng hợp từ thành tựu của khoa học vật liệu hiện đại, chúng ta có thể bắt đầu một góc nhìn đổi mới hơn và ngẫm về câu hỏi: Cần bao nhiêu áp lực để tạo nên tính nam?

Kim cương có thể được tạo nên mà không cần áp lực


Trong tự nhiên, kim cương được tạo nên dưới điều kiện khắc nghiệt. Phải chịu mức áp suất rất lớn và nhiệt độ vượt hơn 1.000 độ C, những phân tử carbon liên kết với nhau ở các trạng thái và trật tự khác nhau sẽ cho ra những loại vật liệu khác nhau, từ graphite đen cho đến kim cương trong suốt. Thế nhưng, khoa học tinh thể ngày nay đã có thể tạo ra cả vật liệu nano-carbon mà không cần áp lực cao (2).



Theo các nhà nghiên cứu, ống nano-carbon có thể chuyển hóa thành kim cương thông qua hệ thống là "tia plasma thiêu kết" (spark plasma sintering - SPS) trong điều kiện nhiệt độ thấp và áp suất thấp (thậm chí là ở áp suất khí quyển). Dưới điều kiện này, các ống nano-carbon đa vách trở nên không ổn định và chuyển hóa thành kim cương mà không cần thêm chất xúc tác nào.


Sau thí nghiệm, các nhà nghiên cứu thu được các tinh thể kim cương rõ nét, cả đơn lẻ và kết tụ, có kích thước lên tới 100 µm, tại nhiệt độ 1.500 độ C, với thời gian ngâm là 30 phút và áp suất dọc trục là 80 MPa (3).

Khi nhìn về vật liệu, chúng ta sẽ không tránh được những liên tưởng về bản dạng giới và sức chịu đựng áp lực. Phái tính, bản dạng giới và những kỳ vọng (áp lực) của xã hội lên mỗi giới cũng giống như áp lực lên vật liệu, nhất là với phái nam khi họ có một lịch sử dài được kỳ vọng luôn tỏ ra mạnh mẽ như kim cương.


Chúng ta dễ dàng nhận thấy trong xã hội, có không biết bao nhiêu trường hợp mà tính nam, vì những áp lực không đáng có của xã hội, đã trở nên tha hóa và độc hại, để rồi xuất hiện những "vết nứt" đầu tiên về sức khỏe thân-tâm.


Bên cạnh đó, câu chuyện về áp lực của phái nữ là một câu chuyện khác mà LeLa Journal chưa xét tới trong bài viết dưới góc nhìn vật liệu học lần này.



Những áp lực vô hình và nam tính mong manh


Khi được hỏi thế nào là "nam tính", không ít người sẽ trả lời bằng những cụm từ như: phải cường tráng, thành đạt trong sự nghiệp, có chút ít tài sản, phải trở thành trụ cột trong gia đình, gặp khó không được than mà phải tự mình vượt qua...


Những ý niệm này thoạt nghe có vẻ đúng, đặc biệt là trong những thời cũ. Tuy nhiên, trong xã hội ngày nay, ẩn đằng những ý niệm đó là một quan niệm độc hại về tính nam - đặt lên nam giới một áp lực khủng khiếp.


Tương tự như kim cương, nam giới cũng có thể "tan vỡ" nếu có áp lực lớn và đánh trúng góc tới.


Một nghiên cứu của Tiến sĩ Tâm lý học và Chính sách công Adam Stanaland của Đại học Duke về áp lực về tính nam đã có phát hiện ra nhiều khám phá thú vị (4). Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng nếu một người bị thách thức/áp lực về biểu hiện tính nam của mình, "căn tính" (identity) của anh ta sẽ dễ bị tổn thương và anh ta sẽ có xu hướng đe dọa, tỏ ra hung hăng để bảo vệ và duy trì tính nam của mình.


Với 195 sinh viên và 391 đàn ông từ 18 đến 56 tuổi được chọn ngẫu nhiên, nghiên cứu của Stanaland khảo sát về mối quan hệ giữa tính nam nội tại (inner masculinity) hoặc tính nam tham khảo từ quan điểm của mọi người (masculinity relied on other view) với liên tưởng bạo lực (violent association).


Kết quả cho thấy, đàn ông được đánh giá là "kém nam tính hơn mức trung bình" có xu hướng liên tưởng đến việc sử dụng từ ngữ mạnh, thường gây hấn hoặc có hung tính; trong khi người có nhận thức tốt về tính nam của bản thân không tỏ ra gây hấn dù bị đánh giá là "kém nam tính". Cụ thể, người có nhận thức nam tính tham chiếu có điểm số nam tính thấp sẽ tự động điền "—ết" khi được yêu cầu điền vào chỗ trống cho từ "gi—" để tạo thành từ có nghĩa. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thanh niên trong độ tuổi 18 – 29 là nhóm có xu hướng đưa ra những câu trả lời mang tính bạo lực, gây hấn hơn nhóm trên 38 tuổi.


Như vậy, có thể thấy rằng càng lo sợ xã hội đánh giá mình là kém nam tính, nam giới càng hay... "gồng", còn những cá nhân ít quan tâm tới ý kiến xung quanh hoặc vốn tự tin với sự nam tính thì lại ít khi cố chứng tỏ điều đó.

Lý do cho hiện tượng này, theo Stanaland, là vì nhiệm vụ thành nhân chính của giai đoạn thanh niên, theo nhà tâm lý học Eric Ericson là đi tìm và xây dựng bản dạng/căn tính – nên họ cực kỳ nhạy cảm, lo sợ mình sẽ bị lẫn lộn vai trò và dễ thấy áp lực khi bị thách thức về giới và phái tính.



Nam tính độc hại và hệ lụy trong xã hội hiện đại


Theo Ginamarie Guarino, áp lực xã hội lên đàn ông về xuất phát từ lịch sử về vai trò của nam giới, khi họ được mong đợi phải là người bảo vệ, bảo trợ, chu cấp và đôi khi là người chiến đấu. Từ lúc lọt lòng, họ đã vô tình gánh áp lực xã hội là phải mạnh mẽ, nên những "nhãn dán" được cho là mang tính nữ như "nhạy cảm", "dễ xúc động", "ân cần"... dễ bị phán xét là "kém nam tính".


"Đàn ông mà!" - chúng ta dễ dàng nhận xét như vậy về một người đàn ông hung hăng, cộc cằn, ồn ào... và khi thấy một người đàn ông thể hiện cảm xúc buồn bã, sợ hãi, chúng ta lại có xu hướng nói rằng họ không nam tính.

Từ đó, nam giới có xu hướng giấu nhẹm cảm xúc và khía cạnh "mềm mỏng" trong tâm tính. Khi một người nam cảm thấy trong mình những đặc điểm tính cách mà xã hội cho là "nữ tính", họ buộc phải dồn nén và việc này gây nên nhiều mâu thuẫn trong nội tâm.



Các chuyên gia tâm lý và nhà tâm thần học, qua nhiều nghiên cứu, đã chỉ ra mối liên hệ giữa sức khỏe tinh thần và thể chất với tính nam độc hại như tăng nguy cơ tự sát, trầm cảm, bạo lực gia đình, lạm dụng chất, cũng như tham giá vào các hành vi liều lĩnh tính mạng... (5).


Nguyên nhân là bởi định kiến giới khiến cho việc chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ ở nam giới khó khăn hơn và dễ bị đánh giá hơn. Do không có nhiều mạng lưới hỗ trợ xã hội, nam giới thường chỉ còn cách tuân theo khuôn mẫu mà xã hội quy định về tính nam. Càng tuân theo tính nam truyền thống, con người hiện đại càng cảm thấy bất hòa và mâu thuẫn nội tại.



Đi tìm một tính nam lành mạnh


Nghiên cứu "Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập" của ISDS cho thấy, đàn ông Việt vẫn còn bị phán xét về tính nam dựa trên những khuôn mẫu nam tính truyền thống. Những chuẩn mực như phải có sự nghiệp; phải luôn tỏ ra mạnh mẽ; quyết đoán và có chí lớn; cơ thể cường tráng, hoàn hảo; sinh con nối dõi; trở thành trụ cột... đã tạo ra nhiều áp lực cho người đàn ông (6).


Để giúp nam giới thoát được áp lực tạo ra kim cương "ảo" này, truyền thông và giáo dục cần cân nhắc việc nhìn nhận phái tính như một phổ, thay vì sự phân cực mang tính nhị nguyên theo lề thói cũ.


Cũng giống như kim cương, graphite hay các vật liệu cứng cáp quen thuộc khác, chúng ta - cả nam giới lẫn nữ giới - cần một môi trường an toàn để bày tỏ phần dễ bị tổn thương cũng như giới hạn chịu đựng của mình. Điều này giúp cả hai giới cởi mở hơn, cũng như tháo gỡ được phần nào áp lực vô hình đang đè lên tính nam hiện tại.



Comments


bottom of page