top of page
Tìm kiếm

"Baby talk" trong tình yêu: Khi yêu đúng người, chúng ta luôn là những đứa trẻ vô ưu

Trong tình yêu, khi cả hai người trở nên thoải mái và gần gũi với nhau hơn, chúng ta sẽ nói chuyện với nhau theo cách tự nhiên hơn, chẳng hạn như nói chuyện kiểu "em bé" (baby talk). Nếu người ngoài nghe thấy thì có thể cho rằng đây là kiểu nói chuyện "sến sẩm", nhưng theo các nhà nghiên cứu tâm lý, việc nói chuyện theo kiểu em bé được coi là một dấu hiệu của một mối quan hệ lành mạnh, an toàn.



Nói chuyện kiểu em bé là thế nào?


Từ điển Merriam-Webster định nghĩa nói chuyện kiểu em bé (baby talk) là cách người lớn cố tình biến đổi âm vần, khiến câu từ không còn chính xác 100%, với tông giọng cao hơn khi nói chuyện với trẻ em, trẻ sơ sinh (1). Bên cạnh đó, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) cũng đã định nghĩa nói chuyện kiểu em bé (baby talk) là lối nói chuyện của các em bé, hoặc của người lớn và trẻ khi giao tiếp với các bé nhỏ hơn (2). Nghiên cứu cho thấy, các bậc cha mẹ khi nói kiểu em bé với con trẻ của mình sẽ thu hút sự tập trung của chúng dễ dàng hơn, so với những lúc nói bình thường theo kiểu "người lớn".


Ví dụ như khi cha mẹ muốn nhờ bé lấy một cái kẹo, thay vì nói "lấy giúp cha/mẹ cái kẹo với" thì chúng ta có thể nói một cách nũng nịu là "em pé lấy giùm cái kẹo đi nà".

Vào năm 2020, 2.329 trẻ sơ sinh đến từ 16 quốc gia đã tham gia vào một thực nghiệm tìm hiểu tầm quan trọng của việc giao tiếp hướng tới trẻ [infant-directed speech - IDS] so với giao tiếp hướng tới người lớn [adult-directed speech - ADS] trong tiến trình phát triển của đứa trẻ (3). Kết quả cho thấy rằng bất kể rào cản ngôn ngữ nào, gần như tất cả khách thể "em bé" đều dành nhiều sự tập trung hơn khi nghe thấy IDS.


Vậy, tưởng như nói chuyện kiểu em bé chỉ là dành cho em bé thôi. Thế thì tại sao, hai người trưởng thành, dù đã "lớn cả rồi" lại sử dụng kiểu nói chuyện này khi yêu nhau?



Khi yêu nhau, chúng ta nói như... hai em bé


Ngay từ thập niên 80s của thế kỷ trước, kết luận từ nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong hai cách nói chuyện là kiểu em bé và người lớn, cách của em bé được cho là tối ưu hơn trong việc biểu lộ tình cảm yêu thương (4).


Cụ thể, theo Tâm lý học Phát triển và Tâm lý học Xã hội, khi trưởng thành, chúng ta phải nhận lãnh trách nhiệm, đặc biệt là với bản thân. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tự thực hiện những việc mà trước đây luôn có người lớn làm hộ. Chẳng hạn như việc chúng ta thường phải kiềm chế để không òa khóc khi bị người khác bắt nạt, hoặc khi "lơ ngơ" sang đường mà không có ai dắt tay...


Tóm lại, khi trưởng thành, mỗi chúng ta đều phải học rất nhiều để... ra dáng một người trưởng thành "đúng chuẩn". Khi ở trong một mối quan hệ tình cảm, hai người có thể trở nên gần gũi hơn và có biểu hiện "mong manh yếu đuối" hơn trước nửa kia. Lối nói chuyện em bé phản ánh điều này.


Một trong những biểu hiện lành mạnh khi yêu là việc mỗi người có thể trở về làm "đứa trẻ bên trong" trước mặt người mình yêu, thay vì phải "gồng" để tỏ ra là một người lớn cứng cáp.

Lối nói chuyện em bé trong một mối quan hệ thể hiện mong muốn được giống như cha mẹ của đối phương để quan tâm, bảo vệ, che chở cho họ, tức là chúng ta cũng coi người mình yêu giống như một em bé cần được yêu thương và chăm sóc.



Ích lợi của nói chuyện kiểu "em bé"


1. Giúp các cặp tình nhân được gắn bó an toàn hơn trong mối quan hệ

Bằng cách nói chuyện kiểu em bé, các cặp tình nhân có thể dễ dàng trở về làm những em bé "dễ vỡ" như lúc còn cần tới người chăm sóc. Sự "nhẹ nhàng" khi nói chuyện kiểu em bé khiến chúng ta dễ mở lòng hơn khi nói về những cảm xúc khó nói, từ đó, giúp các cặp đôi gắn bó an toàn trong mối quan hệ (5).


Khi chúng ta giận yêu thì việc chia sẻ rằng "tôi đang cáu" dường như không phù hợp với những chuẩn mực của người lớn. Do đó, chúng ta có thể nói đùa rằng "người ta đang rất là pực đớiii" với người yêu. Người ngoài có thể nhận định đây là những lời nũng nịu kỳ cục, nhưng sự thật là lối nói này có thể giúp hai người trong cuộc cảm thấy dễ dàng chia sẻ, từ đó có được cảm giác an toàn hơn và gắn bó hơn.

2. Giúp chúng ta sản sinh những hormones cần thiết

Tương tự như việc cha mẹ nói chuyện với ta khi ta còn bé, việc nói chuyện kiểu em bé với người yêu cũng khiến não bộ chúng ta tiết ra những hormones cần thiết:

  • Dopamine kích hoạt hoạt động trong bộ não, thúc đẩy các cặp đôi dành thật nhiều thời gian cùng nhau. Dopamine cũng được sản sinh khi một đứa trẻ được tiếp nhận những sự quan tâm, chăm sóc, gắn bó, đem lại cảm xúc tích cực như vui vẻ, hào hứng...

  • Phenylethylamine là hormone "tình yêu", xuất hiện khi chúng ta "rơi vào lưới tình", tạo ra cảm giác sảng khoái và thoải mái trong mối quan hệ. Tương tự, phenylethylamine cũng xuất hiện khi một đứa trẻ được đồng hành cùng cha mẹ.

  • Oxytocin xuất hiện khi con người tiếp chạm, ôm... Thậm chí, trong trường hợp cha mẹ và con cái tách rời và có cảm giác nhớ nhung, hormone này cũng được sản sinh, giống như cách những người yêu nhau "tương tư".


Bên cạnh đó, nói chuyện kiểu em bé còn khiến chúng ta có vẻ đáng tin hơn.

Nói chuyện với tông giọng cao khiến phần đông nam giới "trông" có vẻ là người chung thủy hơn những người có tông giọng trầm. Trên thực tế, nhiều phụ nữ có xu hướng yêu thích đàn ông có tông giọng trầm, nhưng một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: người với tông giọng cao mang lại cảm giác dễ chịu cho phái nữ và khiến họ yên tâm hơn cả (6).


Vậy thì, ngược lại, đối với những ai không cho phép bản thân tỏ ra yếu đuối trước bất kỳ ai thì sao?



Theo lý thuyết về sự gắn bó (attachment theory), với những người có phong cách gắn bó bất an thì khi trưởng thành, họ thường gặp khó khăn trong việc tự bạch (self-disclosure), tạo lập cảm giác gần gũi, cũng như tỏ ra yếu đuối trước người mình yêu (7).


Điều này có thể phát sinh từ khi họ còn bé, khi cha mẹ họ không quan tâm tới họ đủ nhiều. Từ đó, họ phải học cách sống độc lập và khép mình trong tình yêu.

Vậy còn bạn thì sao? Bạn có cảm thấy bản thân có thể... baby talk với ai không? Và nếu chưa có ai thì bạn đã sẵn sàng để baby talk trở lại chưa?


Comentários


bottom of page