top of page
Tìm kiếm
Trần Anh Thư

Bác sĩ nói gì về 'nên và không nên' khi mang thai?

Từ mạng internet đến những người thân xung quanh, có biết bao lời khuyên và điều cần tránh cho phụ nữ mang thai. Hãy cùng LeLa tham khảo những lời khuyên hữu ích từ Cao Mỹ Hằng, bác sĩ chuyên khoa sản tại Bệnh viện Giao Thông Vận Tải để gỡ rối những điều 'nên và không nên' khi mang thai nhé!



Chào bác sĩ Cao Mỹ Hằng! Có rất nhiều mẹ bầu, đặc biệt những người mới mang thai lần đầu tiên thắc mắc không biết nên đi khám thai bao nhiêu lần và cũng có ý kiến cho rằng việc siêu âm quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên?


Thực ra, việc đi khám bao nhiêu lần trong thai kỳ để đảm bảo kiểm soát sự phát triển bình thường của trẻ được khuyến nghị rất rõ ràng trong “Hướng dẫn quốc gia về Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản” của Bộ y tế 2016. Theo đó, mỗi phụ nữ mang thai phải được quản lý thai và khám thai ít nhất 4 lần trong thai kỳ (1 lần trong 3 tháng đầu, 1 lần trong 3 tháng giữa, 2 lần trong 3 tháng cuối) (1)


Tuy nhiên, trong tình hình thực tế hiện nay, để tăng cường hiệu quả quản lý thai nghén, chẩn đoán trước sinh nhằm đảm bảo cho mẹ có thai kỳ an toàn, khỏe mạnh và phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh cần can thiệp, việc khám thai được thực hiện 8 lần/ thai kỳ với 8 bước khám thai.


Vậy nên, các mẹ nên đi khám tối thiểu 4 lần và tốt nhất là 8 lần trong toàn bộ thai kỳ (2 lần cho 3 tháng đầu, 3 lần cho 3 tháng giữa và 3 lần cho 3 tháng cuối). Cuối cùng, 3 mốc khám thai và siêu âm 4D sàng lọc dị tật quan trọng, dễ nhớ cho thai phụ là 12 tuần tuổi, 22 tuần tuổi và 32 tuần tuổi. Thai phụ nên đi khám và làm sàng lọc đầy đủ để thai nhi được phát triển tốt nhất.


Ngoài ra, cũng có khá nhiều kinh nghiệm dân gian khuyên mẹ bầu nên kiêng không ăn rau ngót, rau răm, dứa khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu vì ăn những loại rau này sẽ gây sảy thai. Theo bác sĩ, kiêng như vậy liệu có khoa học?


Đúng là các bà, các mẹ hay truyền tai nhau những lời khuyên như thế. Trên thực tế, cũng có những bài thuốc Đông y sử dụng rau ngót để chữa sót rau, chậm kinh. Tuy nhiên, bài thuốc đó sử dụng 40gr rau ngót giã nhỏ, pha với nước lạnh và uống trực tiếp (theo cuốn sách "Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam" - tác giả Đỗ Tất Lợi). Còn chúng ta sử dụng rau ngót như món thực phẩm hàng ngày. Rau ngót thường được nấu chín kỹ, có hàm lượng dinh dưỡng cao như canxi, photpho, vitamin C và nhiều loại axit amin, nên rất tốt cho sức khỏe. Đồng thời cũng không có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chỉ ra rằng ăn rau ngót (đã nấu chín) có thể gây sảy thai hay những tác động bất lợi đến thai kỳ nên mẹ bầu hoàn toàn có thể ăn.


Về rau răm cũng tương tự như vậy. Đây là loại gia vị phổ biến trong đời sống hàng ngày. Những ghi chép trong các cuốn dược thư cũng không chỉ ra ăn rau răm có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đến thai kỳ nên các mẹ có thể yên tâm sử dụng.


Nguyên nhân kiêng dứa là do dứa có một chất gọi là bromelain - một loại enzyme làm tăng nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, dứa lại có rất nhiều dưỡng chất như vitamin C giúp tăng đề kháng, chống oxy hóa, các vitamin nhóm B, chất xơ, thúc đẩy sản xuất collagen hỗ trợ sự phát triển da, sụn, xương, gân cho bé,.. Vậy nên, để mang lại hiệu quả tốt về sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu nên ăn từ 1-2 khẩu phần mỗi tuần (mỗi khẩu phần tương đương khoảng 165g). Bởi lượng bromelain trong một khẩu phần dứa không có nguy cơ ảnh hưởng đến thai kỳ. Chỉ khi bạn ăn quá nhiều như khoảng trên 7 khẩu phần/tuần thì mới có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể. Ngoài ra, để an tâm hơn khi ăn dứa, mẹ bầu cũng có thể loại bỏ sạch phần lõi, vì đây là nơi mà lượng bromelain tập trung nhiều nhất.


Tóm lại, trong thai kỳ, các mẹ nên ăn đa dạng món ăn để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Giữ tinh thần thoải mái, luôn vui vẻ, tích cực và không nên quá lo lắng vì dễ dẫn đến căng thẳng có hại cho cả hai mẹ con.


Ngoài ra, nhiều mẹ bầu cũng hay rỉ tai nhau rằng nên ăn trứng ngỗng sẽ bổ và tốt hơn trứng gà, nên ăn nhiều hải sản vì giàu canxi, nên ăn thịt bò vì bổ máu,... theo bác sĩ những điều đó liệu có đúng?


Như tôi đã nói ở trên, điều quan trọng nhất trong chế độ dinh dưỡng của các mẹ bầu là phải ăn đa dạng tất cả các loại thực phẩm trong toàn bộ thai kỳ. Không có thực phẩm nào là hoàn hảo hay có đầy đủ tất cả các nhóm dưỡng chất. Do vậy, việc ăn kết hợp nhiều loại thực phẩm, gia vị trong bữa ăn hàng ngày giúp thai phụ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của thai nhi.


Để trẻ phát triển tốt không phải chỉ cần canxi hay sắt mà còn rất nhiều loại protein, lipid, glucose, vitamin và chất khoáng. Nếu mẹ bầu chỉ tập trung ăn nhiều hải sản, thịt bò thì nguy cơ cao là con sẽ bị thiếu hụt những nhóm dinh dưỡng thiết yếu khác , từ đó tác động trực tiếp đến sự phát triển của trẻ nhỏ.


Có nhiều người cho rằng trứng ngỗng tốt hơn, bổ hơn trứng gà nhưng thực tế không phải. Đến nay, chưa có bất kỳ nghiên cứu khoa học nào chứng minh trứng ngỗng có dinh dưỡng vượt trội hơn trứng gà. Có thể do con ngỗng không được nuôi phổ biến như gà nên trứng ngỗng khó mua hơn nên tạo cảm giác quý hiếm mà thôi. Đồng thời, trứng ngỗng có kích thước lớn hơn trứng gà nhiều lần, do vậy nếu ăn trứng ngỗng. mẹ bầu nên lưu ý chỉ ăn tối đa 2 quả/ tuần, chứ không nên ăn quá nhiều.


Vậy ngoài ăn uống đa dạng, mẹ bầu có nên uống các loại sản phẩm bổ sung dinh dưỡng không, thưa bác sĩ?


Việc uống bổ sung vitamin và dưỡng chất là rất cần thiết cho thai phụ trong cả thai kỳ. Bởi dù có ăn đa dạng thực phẩm đến mức độ nào cũng có những giới hạn nhất định về vùng miền, mùa vụ và khả năng chuyển hóa hấp thu của từng người. Do vậy, thai phụ luôn được khuyến khích uống bổ sung các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng. Cụ thể hàm lượng cần bổ sung của một số nhóm chất như sau:

  • DHA: Tối thiểu 200mg/ngày

  • Sắt: Nên bổ sung 30mg - 60mg/ngày

  • Axit folic: Nên bổ sung 400 mcg (0.4mg)/ngày

  • Canxi: Từ quý 2, thai phụ nên bổ sung 500mg canxi/ngày, 3 tháng cuối bổ sung từ 1000 - 1200mg/ngày. Về canxi, có thể các mẹ bầu sẽ đọc thấy nhiều nguồn thông tin khác nhau, tuy nhiên lưu ý không nên bổ sung quá 1200mg/ngày.

Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu, đặc biệt những mẹ mang thai lần đầu sẽ có nhiều bỡ ngỡ và lo lắng, không biết như thế nào là bình thường và những biểu hiện nào là nguy hiểm. Bác sĩ có thể chia sẻ thêm?


Khi mang thai sẽ có những thay đổi nhất định về nội tiết tố, do vậy thai phụ sẽ có những cảm giác khác so với trước đây. Mỗi người lại có những dấu hiệu khác nhau như người thích ăn chua, người thích ăn cay, người nôn ít, người nôn nhiều, người lại buồn ngủ cả ngày,... Tuy nhiên, có một số dấu hiệu nguy hiểm mà thai phụ nên lưu ý như sau:


1. Đau bụng và ra máu âm đạo: Dù trong giai đoạn nào của thai kỳ thì dấu hiệu này đều rất nguy hiểm. Nếu thai phụ thấy đau bụng và ra máu thì cần đến các cơ sở y tế để khám và theo dõi ngay. Trường hợp chỉ đau bụng mà không ra máu âm đạo thì nên nghỉ ngơi và tránh vận động nhiều. Nếu dấu hiệu đau bụng không giảm thì nên đến những cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.


2. Ra khí hư và ngứa âm đạo: Đây có thể là dấu hiệu của viêm nhiễm âm đạo, dù bệnh này không nguy hiểm cho thai nhi nhưng nếu không điều trị dứt điểm thì sẽ kéo dài cả thai kỳ, gây khó chịu cho thai phụ và gián tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của hai mẹ con. Do vậy, nếu có dấu hiệu này, mẹ cần đi khám để kịp thời điều trị.


3. Không tăng cân, bụng không to lên trong 3 tháng giữa của thai kỳ: Ba tháng giữa của thai kỳ là giai đoạn thai nhi phát triển nhanh nhất do đó mẹ bầu cần đi khám và theo dõi cân nặng đều đặn. Việc mẹ bầu không tăng cân, bụng không to ra có thể là dấu hiệu cho thấy thai nhi bị suy dinh dưỡng, thai chết lưu,... Hãy đến các cơ sở y tế thăm khám ngay để có biện pháp xử lý phù hợp.


4. Thai máy (cử động của thai nhi) bất thường: Từ 3 tháng giữa của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu có những cử động đều đặn, rõ ràng mà mẹ bầu có thể cảm nhận được. Thai máy sẽ xuất hiện đều đặn hàng ngày nên nếu thai phụ cảm thấy thai máy bất thường thì nên đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời.


5. Nhiễm độc thai nghén: Biểu hiện nhẹ là phù, tăng huyết áp, nước tiểu có protein, nặng thì có thể gây ra những hiện tượng như đau đầu, mờ mắt, sản giật rất nguy hiểm. Do vậy, nếu phát hiện ra bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm độc thai nghén, thai phụ cần đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.


Cuối cùng, bác sĩ còn điều gì muốn nhắn gửi các mẹ bầu không ạ?


Trong quá trình mang thai, tâm lý thoải mái là điều quan trọng nhất với một thai phụ. Tâm lý thoải mái sẽ giúp các mẹ luôn vui vẻ, tích cực từ đó ăn uống, tiêu hóa, hấp thu cũng tốt hơn, đồng thời chất lượng giấc ngủ cũng đảm bảo hơn. Do vậy, nếu có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào các thai phụ nên trao đổi trực tiếp với người có chuyên môn để được tư vấn và giải quyết đúng đắn, khoa học. Hạn chế việc nghe quá nhiều những nguồn tin không chính thống, kiêng khem vất vả mà tâm lý lại luôn căng thẳng sợ hãi vì tất cả điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hai mẹ con!


Comentários


bottom of page