top of page
Tìm kiếm

Nhu cầu chia sẻ về bản thân dưới góc độ khoa học thần kinh: Khi cố quá trở thành... quá lố

Chia sẻ về bản thân thì tốt, nhưng chia sẻ nhiều quá thì dễ thành "lố". Vậy tại sao chúng ta lại có nhu cầu này và làm sao để chia sẻ mà vẫn giữ được hình tượng đẹp trong mắt mọi người?


Trong bài viết về chủ đề Bí quyết của TED Talks: 8 điều làm nên bài hùng biện cuốn hút, LeLa Journal đã đề cập đến cách lồng ghép nghệ thuật kể chuyện cá nhân một cách khéo léo. Trên thực tế, khoa học thần kinh đã tìm ra những bằng chứng khẳng định được rằng con người thích được nói và nghe người khác nhắc đến mình trong cuộc đối thoại, kể cả khi có mặt "chính chủ" hay không.



Chia sẻ về chính mình: Nhu cầu xã hội chính đáng của con người


Chắc hẳn bạn đã từng rất ngóng trông khoảnh khắc tên mình được vinh danh trong một buổi khen thưởng hay lễ tốt nghiệp, háo hức chờ bạn thân đăng ảnh chụp chung và "tag nhẹ" tên tài khoản Instagram hay Facebook của mình, hoặc chỉ đơn giản là… hồi hộp đếm từng người ấn "like" (thích) bài đăng mới nhất.


Nếu có những cảm xúc như thế, bạn hoàn toàn có thể yên tâm rằng không có gì là "ố zdề" cả, vì sự thật thì chúng ta luôn có nhu cầu chia sẻ về bản thân với mọi người xung quanh.

Trong một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2012 với chủ đề xoay quanh chuyện nói về bản thân, hai nhà nghiên cứu về khoa học thần kinh tại Đại học Harvard là Diana I. Tamir và Jason P. Mitchell đã thực hiện 5 thí nghiệm chụp hình não bộ, kết quả sau đó đã chứng minh được rằng một trong những hành vi, nhu cầu cơ bản và thôi thúc mạnh nhất của con người là chia sẻ thông tin cá nhân với người khác (1).



Ban đầu, Tamir và Mitchell thiết kế những nghiên cứu với mục đích quan sát và cố gắng định lượng giá trị của việc chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc. Để xác định xem những tình nguyện viên tham gia thí nghiệm coi trọng việc chia sẻ về bản thân tới mức độ nào, Tamir và Mitchell đưa ra mức tiền thưởng cho bất kỳ ai trả lời những câu hỏi không liên quan đến bản thân. Một số câu hỏi bàn về các chủ đề thông thường như sở thích và gu cá nhân (với mức thưởng rất thấp hoặc không có phần thưởng), một số câu khác tập trung vào các đặc điểm tính cách, như là sự tò mò, tính cách hiếu thắng hay trí thông minh.


Các nhà nghiên cứu nhận ra rằng, đa số những người tham gia sẵn sàng chia sẻ về bản thân hơn là nhận tiền. Thực tế là trung bình một người tham gia sẵn sàng từ bỏ 17 - 25% khoản tiền thưởng chỉ để được chia sẻ thông tin về chính mình.

Sau đó, Tamir và Mitchell dùng một máy quét cộng hưởng từ chức năng (fMRI) để quan sát phần não bộ bị kích thích nhất khi đối tượng nói về bản thân. Từ đây, các nhà khoa học đã tìm thấy mối tương quan giữa việc chia sẻ về bản thân và hoạt động gia tăng ở các vùng não thuộc hệ viền giữa (mesolimbic dopamine system). Đây cũng là vùng não phụ trách xử lý thông tin và phản ứng khi con người được thỏa mãn các nhu cầu trong "tứ khoái" của con người – bao gồm cả nhu cầu ăn uống và nhu cầu tình dục.


Điều này có nghĩa là các đối tượng tham gia vào mỗi cuộc đối thoại hoặc những tình huống xã hội cảm thấy mãn nguyện khi được chia sẻ về chính họ. Từ đó có thể thấy về mặt sinh học, việc con người muốn chia sẻ và truyền đạt những suy nghĩ của mình là hoàn toàn chính đáng (1).


Điều này cũng phù hợp với những khao khát thể hiện bản thân của con người như được minh họa bằng hai tầng trên cùng của Tháp Nhu cầu Maslow (Maslow’s hierarchy of needs) - tức là tập trung vào nhu cầu về lòng tự tôn (esteem) và tựu thành tiềm năng - hay còn là hiện thể hóa bản thân (self-actualization).


Chắc hẳn chúng ta còn nhớ những nhân vật trong phim ảnh như Sharpay Evans (Ashley Tisdale thủ vai) trong High School Musical, tiểu thư tài phiệt London Tipton (Brenda Song thủ vai) trong The Suite Life of Jack and Cody và đặc biệt là Regina George (Rachel McAdams thủ vai) trong Mean girls.


Đặc điểm chung của những cô nàng này là sự kiêu ngạo và khoe mẽ, dễ khiến đối phương khó chịu. Như LeLa Journal đã từng chia sẻ về trào lưu flex, chúng ta luôn nhu cầu thể hiện cũng như và khơi gợi sự công nhận của cộng đồng đối với năng lực của bản thân.



Chia sẻ về bản thân: Vừa đủ thì hiệu quả, làm quá hóa ra… lố


Khi chia sẻ về mình một cách tế nhị và khiêm tốn, ở mức độ vừa phải và hợp hoàn cảnh, bạn sẽ dễ dàng có được sự trân trọng và nhận được thiện cảm từ người khác. Song song với đó, mọi người cũng sẽ mở lòng để kể cho bạn nghe về họ - bước khởi đầu cho một mối quan hệ bền vững. Ngược lại, khi chỉ tập trung vào nói về bản thân, bạn vô tình biến mình trở thành "cái rốn của vũ trụ", đồng thời khiến đối phương nghĩ rằng bạn là người hợm hĩnh, hiếu chiến và cư xử thiếu suy nghĩ.


Thay vào đó, hãy tận dụng mong muốn được chia sẻ về bản thân của mọi người như một cơ chế để đạt được thành công trong xã hội, bằng cách chủ động để mọi người nói về họ nhiều hơn.

Trong khi trò chuyện, hãy bày tỏ sự hiếu kỳ (ở mức độ vừa phải) về những nỗ lực và thành công của đối phương, cũng đặt ra những câu hỏi chân thành và ý nhị để họ có cơ hội kể về bản thân. Hãy biết cách khai thác những điểm mạnh của người đối diện và tập trung trò chuyện về điều đó để họ tự khắc họa bản thân một cách tích cực.


Ở chiều ngược lại, người "kể chuyện" hoặc "flex" về bản thân phải khoe thế nào để được người khác đón nhận và lắng nghe? Mời bạn đến với 4 mẹo nhỏ sau đây của LeLa Journal.



4 mẹo kể chuyện cá nhân một cách tinh tế


Nhu cầu chia sẻ câu chuyện bản thân là điều chính đáng, song chúng ta cần chú ý cách thể hiện để không khiến cho đối phương có cảm giác khó chịu hay ngượng ngùng. LeLa Journal "mách nước" 4 mẹo để độc giả tham khảo.


1. Gợi mở câu chuyện cá nhân mang tính đồng điệu với người khác: Những câu chuyện theo hướng này có thể tạo nên sự đồng cảm giữa những người tham gia đối thoại, khiến chúng ta mở lòng hơn và xây dựng nên sự tin tưởng lẫn nhau (2).


2. Tránh sa đà vào những chủ đề nhạy cảm, dễ gây hiểu lầm: Có những đề tài hội thoại tạo ra sự chênh lệch vô hình về địa vị xã hội, năng lực tài chính, diện mạo, hoàn cảnh sống... giữa những người tham gia một cuộc trò chuyện, ví dụ như học vấn, thu nhập, tình trạng hôn nhân, xu hướng tính dục... Nếu không khéo dẫn dắt, bạn sẽ khiến đối phương cảm thấy rằng bạn đang khoe mẽ và thiếu tế nhị trong giao tiếp.


Do đó, hãy hướng câu chuyện sang một đề tài dễ chịu hơn liên quan đến điểm chung của mọi người thay vì xoáy sâu vào những chủ đề trên.

3. Hạn chế đề cập cụ thể về những nhân vật xuất hiện trong câu chuyện cá nhân của mình: Những biến cố hoặc sự kiện diễn ra trong cuộc đời được bạn nhắc tới ắt hẳn sẽ gắn với một hoặc một vài nhân vật "người thật - việc thật". Song, nếu đó là những câu chuyện không vui, bạn cần tránh gợi mở chi tiết về những nhân vật này khiến đối phương nảy sinh tò mò và tìm hiểu sâu, từ đó dẫn đến những điều không hay. Khi bạn là nhân vật chính, câu chuyện nên tập trung nói về bạn, thế là đủ.


4. Thể hiện sự lạc quan qua những trải nghiệm cá nhân: Hạnh phúc cũng lan tỏa như một trạm wifi tinh thần, do đó hãy chia sẻ câu chuyện của mình với những góc nhìn tươi sáng để cuộc đối thoại của bạn đem đến những giá trị tích cực khi mọi người rời đi. Hãy nói về những bài học xương máu mình có được, những người bạn tốt mình kết thân, những thành tựu nho nhỏ sau mỗi lần vấp ngã... Chỉ từng ấy thôi là đủ để người khác luôn muốn tìm đến bạn để tâm sự về sau.



Có thể bạn đã biết... Một số nghiên cứu tâm lý học khác đã chỉ ra khả năng "vi diệu" của con người trong việc nhận ra ai đó đang nhắc đến mình khi cả hai đang cùng đứng trong đám đông. Cụ thể hơn, hiện tượng này được gọi là "hiệu ứng tiệc cocktail" (cocktail party effect), dùng để mô tả khả năng nghe có chọn lọc (selective hearing ability) của con người khi nhận ra các thông tin liên quan đến mình như tên mình hoặc thông tin liên quan tới mình... Đặc biệt, hiệu ứng tiệc cocktail dễ nhận thấy nhất trong một cuộc trò chuyện giữa không gian ồn ào, vì vậy, đôi khi có thể coi như "vô tình" nghe lén. Hiện tượng này có thể được giải thích bởi cơ chế lọc tiếng ồn ở não trái của con người mà qua đó, mọi thông tin qua tai được truyền đến não trái để xử lý. Tại đây, não trái "bắt" tín hiệu với những mẩu thông tin (hay từ khóa) liên quan đến "chính chủ" và phản hồi lại để tai tiếp tục diễn trình thu nhận thông tin ở mức độ tiệm cận người phát ngôn hơn. Do vậy, chúng ta thường có xu hướng tiến lại gần để "nghe ngóng" đối phương nhắc đến mình bất kể thông tin nhận được là tích cực, tiêu cực hay trung lập (3), (4).


Commenti


bottom of page