top of page
Tìm kiếm

Bảng tầm nhìn 2023: Tạo hứng khởi để làm việc mỗi ngày

Những người hài lòng với công việc của mình có khả năng tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả và đầy hứng khởi. Từ đó, họ sẽ cải thiện đáng kể sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.



Nếu bạn không có nhiệt huyết với công việc hiện tại và mỗi ngày đều có cảm giác chán chường với con đường nghề nghiệp của bản thân thì rất có thể bạn đang là một “zombie công sở”. Đây là danh từ ví von của các nhà tuyển dụng, ám chỉ những người mang tâm lý cầm chừng trong sự nghiệp, đi làm cho qua ngày, tới đâu hay tới đó.


Theo một nghiên cứu tâm lý học, cảm giác hạnh phúc và hiệu suất công việc có tác động đến nhau. Nói cách khác, những người hạnh phúc thường làm việc tốt hơn và những người đang làm tốt công việc hiện tại có nhiều khả năng hạnh phúc hơn (1). Vào năm 2020, CNBC và SurveyMonkey đã bắt tay cùng thăm dò ý kiến ​​của hơn 9.000 nhân viên trong các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ để khảo sát mức độ hạnh phúc. Trong đó, có 47% người nói rằng họ không hề thích công việc hiện tại (2).


Rất nhiều người ngán ngẩm công việc của mình bởi vì họ cảm thấy như bị mắc kẹt trong một lối mòn, cụ thể như: không có cơ hội thăng tiến, thiếu công bằng khi nhận lương - thưởng và không có sự hài lòng với thành tích cá nhân. Những lý do khác bao gồm: không được sếp đánh giá cao, mâu thuẫn với đồng nghiệp, khác biệt với văn hóa công ty...


Để nối tiếp chủ đề xây dựng bảng tầm nhìn (vision board) trong năm mới, LeLa Journal gợi ý đến bạn đọc một vài gợi ý để nâng cao hiệu suất công việc, cải thiện cảm giác hài lòng, đồng thời tạo ra mối quan hệ khăng khít trong môi trường công sở.


Nuôi dưỡng niềm hạnh phúc trong công việc



1. Tìm ra nguyên nhân


Có nhiều nguyên nhân khiến cho một người không vừa ý với sự nghiệp của mình, nên bạn cần tìm ra những lý do khiến bạn không có sức sống với công việc để tìm cách khắc phục. Chẳng hạn nếu khối lượng công việc nhiều không đếm xuể thì bạn có thể trao đổi thẳng thắn với cấp trên và tìm cách san sẻ cùng đồng nghiệp. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể dùng những công cụ quản lý thời gian, bao gồm:


Nguyên tắc Pareto (nguyên tắc 80/20)


Nguyên tắc này là kết quả nghiên cứu của Pareto - một nhà kinh tế học người Ý. Ông cho rằng 80% hệ quả đến từ 20% nguyên nhân, từ đó có thể thấy mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra là bất bình đẳng.


Nói một cách cụ thể, 80% thành quả công việc của bạn được tạo ra bởi 20% thời gian làm việc hiệu quả. Cho nên bạn cần xem xét lại 20% thời gian đó rơi vào thời điểm nào trong ngày, ở hoàn cảnh nào, với công việc nào, được làm với cách thức nào… Từ đó, bạn có thể mô phỏng lại và mở rộng 20% thời gian hiệu quả nhất này để nâng cao hơn nữa thành quả lao động của mình.


Phương pháp Batching


Batching là phương pháp phân chia các việc giống nhau vào cùng một nơi và làm chúng trong một thời điểm nhất định. Ví dụ, thay vì cứ nhận được email là bạn trả lời ngay lập tức thì bạn có thể gom chúng lại và trả lời vào khung giờ nhất định (trừ những email thông báo khẩn cấp). Phương pháp này giúp tăng hiệu quả và giảm thời gian thay đổi giữa các công việc với nhau.


Ma trận Eisenhower


Chiến lược của Eisenhower rất đơn giản. Đầu tiên, hãy liệt kê những nhiệm vụ bạn phải làm, kể cả những nhiệm vụ không quan trọng nhưng tốn thời gian của bạn. Sau đó, tiến hành sắp xếp các nhiệm vụ đó dựa trên tầm quan trọng và tính cấp thiết của chúng.


  1. Khẩn cấp và quan trọng (nhiệm vụ cần phải làm ngay lập tức), chiếm khoảng 15% – 20% thời gian.

  2. Quan trọng nhưng không phải khẩn cấp (nhiệm vụ được lên kế hoạch để làm sau), chiếm khoảng 60% – 65% thời gian.

  3. Khẩn cấp nhưng không quan trọng (nhiệm vụ nên bàn giao cho người khác), chiếm khoảng 10% – 15% thời gian.

  4. Không khẩn cấp cũng không quan trọng (nhiệm vụ có thể được loại bỏ), chiếm dưới 5% quỹ thời gian.


Bạn có thể sử dụng ma trận Eisenhower cho cả những kế hoạch công việc cả tuần cũng như những kế hoạch nhỏ hơn gói gọn trong ngày.


2. Phát triển mối quan hệ tốt với đồng nghiệp



Trung bình mỗi tuần bạn sẽ dành khoảng 45 - 52 giờ ở công ty. Nếu không tạo được sợi dây gắn kết với những đồng nghiệp, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt và chán ngắt. Thậm chí, khi không có người để sẻ chia những tâm sự về công việc, bạn sẽ nghĩ môi trường này không dành cho mình và có xu hướng thay đổi công việc.


Những cách để làm thân với đồng nghiệp, bao gồm:


  • Ngôn ngữ cơ thể: Khi giao tiếp trực tiếp, hãy chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của mình và quan sát nét mặt của đối phương. Ví dụ, để tăng tính lịch sự, khi nói chuyện thì nên mỉm cười nhẹ và gật đầu 3 lần (triple nod) để thể hiện sự đồng tình. Tránh sử dụng điện thoại khi đang trò chuyện và trao đổi cùng người khác.

  • Lắng nghe: Thạc sĩ tâm lý, giảng viên trường Đại học Fairfield, ông Thomas Larkin đúc kết: “Bất kể mối quan hệ nào cũng sẽ có hai khía cạnh: cho và nhận. Chúng song hành với nhau và không tách rời dù với lý do gì. Để người khác yêu quý mình, hãy biết lắng nghe đúng lúc. Khi họ đưa ra quan điểm, hãy kiên nhẫn lắng nghe hết câu chứ đừng nên xen vào. Chỉ trả lời khi họ muốn tham khảo ý kiến của bạn.”

  • Xây dựng điểm chung: Cố vấn giao tiếp, Kate Dixon gợi ý: “Một cách tuyệt vời để xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp chính là tìm những điểm chung giữa các bạn và xây dựng chúng. Đây có thể là bất cứ thứ gì, từ sở thích cá nhân, hay những cuốn sách mà cả hai đều thích đến những giá trị mà bạn chia sẻ, những món ăn bạn thích hoặc những thói quen mà bạn đang cố gắng phát triển. Chia sẻ sở thích và kinh nghiệm giúp xây dựng tình bạn dễ dàng hơn” (3).


3. Đi làm sớm và nỗ lực hết mình


Dậy sớm và đến văn phòng vào lúc chưa có người sẽ khiến bạn có động lực hơn so với việc đi làm ngay sát giờ quy định rồi cuống cuồng lo sợ trễ giờ “chấm công”. Đến nơi làm việc sớm hơn cũng sẽ khiến não bộ của bạn ghi nhận là bạn đang hài lòng với công việc hiện tại, chứ không phải mỗi sáng đi làm đều là một áp lực. Ngoài ra, đó cũng là cách cho cấp trên thấy bạn đang nghiêm túc và nỗ lực hết mình với các dự án được giao phó. Khi được đánh giá cao về tinh thần trách nhiệm trong công việc, bạn có thể được cân nhắc lên một vị trí cao hơn (4).


4. Tạo niềm vui khác ngoài công việc



Hãy dành thời gian quan tâm và chăm sóc sức khỏe cá nhân. Ngoài công việc, bạn có thể ghi danh vào những hoạt động yêu thích sau giờ làm, như luyện tập thể thao, những diễn đàn kết nối âm nhạc, hoặc đến thư viện đọc sách, gặp gỡ bạn bè… Hãy làm bất cứ điều gì mà bạn muốn, miễn là nó đem lại niềm vui và cảm giác hạnh phúc để giúp bạn cân bằng lại tâm trạng sau 8 tiếng đồng hồ ở công ty.


5. Nhìn vào điểm tốt trong công việc


Dù biết rất khó để xây dựng lòng biết ơn ngay khi có nhiều mối bận tâm và mệt mỏi. Nhưng hãy nhìn vào điểm tích cực của công việc và đưa ra đánh giá khách quan nhất có thể. Dù có thể bạn đang ngán ngẩm công việc hiện tại, nhưng hãy nghĩ đến rất nhiều người đang khao khát tìm được một công việc hòng trang trải cuộc sống. Công việc của bạn có thể không hoàn hảo nhưng nó vẫn là một công việc đem đến cho bạn nguồn thu nhập nhất định và giúp bạn tạo ra những giá trị cho cuộc sống của bản thân lẫn gia đình.


Comments


bottom of page