top of page
Tìm kiếm

Bao lâu thì nên giặt đồ mà không bị gọi là "ở dơ"?

Vài người thường có thói quen mặc lại quần áo vài lần trước khi giặt. Thế nhưng mặc bao nhiêu lần trước khi giặt và giặt đồ bao lâu một lần để giữ quần áo luôn bền màu thì vẫn còn là câu chuyện "chín người mười ý".


Câu trả lời thường gặp nhất về vấn đề này chính là tần suất giặt đồ phụ thuộc vào từng loại quần áo, mức độ vận động và lối sống của mỗi người.


Việc giặt giũ quần áo quá thường xuyên không những làm giảm “tuổi thọ" cho quần áo của bạn mà còn tiếp tay “huỷ hoại môi trường" và gây lãng phí tài nguyên. Theo một nghiên cứu nằm trong Chương trình hành động về Chất thải và Tài nguyên (WRAP) ở Anh cho thấy lượng khí thải carbon liên quan đến giặt, sấy và ủi chiếm khoảng một phần ba lượng khí thải trong vòng đời của quần áo. Đáng lo ngại hơn, vi sợi nhựa được thải ra trong quá trình giặt chiếm đến hơn 1/3 tổng lượng nhựa đổ ra đại dương (1).


Tuy nhiên, mặc lại quần áo quá nhiều lần tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ, không chỉ gây ra các bệnh về da mà còn ảnh hưởng đến chất lượng quần áo do mồ hôi và dầu thừa trên cơ thể. Tiến sĩ Annie Gonzalez, một chuyên gia da liễu, cho rằng việc không giặt quần áo thường xuyên có thể dẫn đến nổi mụn trên cơ thể, nang lông bị nhiễm trùng hoặc thậm chí là phát ban (2). Ngoài ra, vết bẩn và bụi, đất bám vào sợi vải càng lâu thì càng khó loại bỏ. Ngược lại, giặt giũ quần áo quá thường xuyên lại làm giảm "tuổi thọ" của quần áo.


Vì vậy, tưởng chừng như đơn giản nhưng giặt giũ cũng cần có quy tắc. Việc áp dụng quy tắc trong giặt giũ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đắn đo nên mặc lại quần áo một lần nữa hay nên bỏ luôn vào máy giặt.


Quần áo nào nên giặt thường xuyên?


Manal Mohammed - giảng viên cao cấp về vi sinh y học tại Đại học Westminster (Vương quốc Anh) - chỉ ra có một số loại quần áo nên giặt sau mỗi lần sử dụng như đồ lót, tất, quần bó, quần legging và quần áo thể thao. Lời khuyên này cũng áp dụng cho tất cả những loại quần áo thường bám bẩn, dính mồ hôi do làm việc, hoạt động và vui chơi ngoài trời (3).

Phân tích sâu hơn, tiến sĩ Anthony Rossi - thành viên của Học viện Da liễu Hoa Kỳ - cho biết những loại quần áo này ôm sát cơ thể chúng ta, nơi có rất nhiều vi khuẩn trú ngụ. Mồ hôi từ hoạt động hàng ngày sẽ tạo ra môi trường ẩm khiến vi khuẩn sinh sôi dẫn đến nhiễm trùng, nấm và các vấn đề về da khác (4).


Quần áo thể thao:

  • Ngoài vi khuẩn từ mồ hôi, trang phục mặc khi vận động còn có thể chứa vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) - loại vi khuẩn nguy hiểm gây ra nhiễm trùng da, loét và phỏng da. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng môi trường thể thao là nơi lý tưởng để vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập vào cơ thể con người. Những bệnh nhiễm trùng này thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn nếu chúng xâm nhập vào máu hoặc các mô bên trong (5).

  • Các chuyên gia khuyến nghị bạn nên giặt đồ tập thể thao mỗi ngày bằng nước nóng. Nước nóng không chỉ giúp loại bỏ bụi bẩn và bã nhờn mà còn giúp diệt khuẩn một cách tối ưu.



Đồ lót:

  • Đồ lót giúp bảo vệ những vùng cơ thể nhạy cảm khỏi vi khuẩn và các chất gây ô nhiễm khác. Tuy nhiên, đây cũng là "nguồn" hấp thụ mồ hôi, chất dịch cơ thể, tế bào chết... nên dễ trở thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi. Chính vì vậy, theo Viện Vệ sinh Hoa Kỳ (ACI), đồ lót nên được giặt hằng ngày, ngay sau mỗi lần mặc (6).

  • Bạn nên tách riêng đồ lót với các loại quần áo mặc ngoài trước khi giặt để ngăn chặn việc vi khuẩn lây lan từ đồ lót sang các loại quần áo khác và ngược lại, tốt nhất nên giặt tay riêng tất cả đồ lót.

  • Yếu tố tiên quyết để tiêu diệt vi khuẩn là lựa chọn nhiệt độ nước phù hợp (từ 40 - 60 độ C). Ở mức nhiệt này, bạn vẫn có thể "đánh bật" vi khuẩn nhưng không làm suy giảm nhiều chất lượng quần áo (7).



Đối với các loại tất (vớ):

  • Tiến sĩ Jeremy Fenton - giảng viên lâm sàng về da liễu tại Bệnh viện Mount Sinai - cho rằng bạn không nên mang lại tất vì giày là môi trường có nhiệt độ, độ ẩm và góc khuất hoàn hảo cho nấm sinh sôi. Nếu không muốn là "nạn nhân" của mùi hôi chân khó chịu thì bạn nên giặt tất sau mỗi lần sử dụng (8).

  • Cũng như đồ lót, tất nên được giặt riêng. Để đảm bảo sạch sẽ, bạn cũng cần lộn trái tất trước khi giặt vì hầu hết vi khuẩn gây mùi đều tích tụ ở mặt trong.



Đồ ngủ có thể mặc một tuần mà không cần giặt?


Đồ ngủ:

  • Có ý kiến cho rằng nếu bạn thường tắm ngay trước khi ngủ và ít (hoặc không) đổ mồ hôi trong khi ngủ thì bạn có thể mặc chúng trong một tuần mà không cần giặt. Andrew Habib - chuyên gia y học gia đình của Hackensack Meridian Medical Group - đưa ra một lưu ý nho nhỏ: bạn nên treo đồ ngủ lên những nơi thoáng khí giữa các lần mặc để tránh tích tụ vi khuẩn (9).

Quần jeans:

  • Nếu không nhìn thấy vết bẩn hay ngửi thấy mùi khó chịu, bạn không cần phải giặt quần jeans quá nhiều. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng giặt quần jeans càng ít sẽ càng tốt cho độ bền của loại vải này (10). Thậm chí, ông Chip Burgh, giám đốc điều hành của hãng thời trang danh tiếng Levi's, còn tuyên bố: "Bạn không cần phải giặt quần jeans, trừ khi nó thực sự cần thiết".



Áo khoác ngoài, áo sơ mi và quần áo khác:

  • Áo khoác không cần phải giặt mỗi tháng vì chúng không tiếp xúc trực tiếp với làn da. Nếu bạn mặc nó hằng ngày, bạn có thể giặt nó hai tuần/lần (11).

  • Đối với áo sơ mi và các loại quần áo khác, chúng phụ thuộc vào lượng mồ hôi, mùi cơ thể tiết ra trong suốt cả ngày. Tuy nhiên, khi gặp những sự cố khiến trang phục của bạn bẩn hơn thường ngày, bạn nên giặt chúng sau lần mặc đó. Bạn cũng nên cẩn trọng kiểm tra các khu vực tiếp xúc trực tiếp với da như cổ áo, tay áo và khuỷu tay để xem xét liệu đây có phải thời điểm thích hợp để giặt chúng hay không.

Comments


bottom of page