top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHạnh Nhân

Bí quyết tận hưởng niềm vui cuối năm: Đừng sợ lễ tết

Những ngày cuối năm thường là khoảng thời gian nhộn nhịp, nô nức vì không khí lễ hội đang tràn ngập khắp nơi. Thế nhưng, đối với một số người trưởng thành, điều đó chưa hẳn là niềm vui, thậm chí nhiều người còn thừa nhận rằng bản thân phải trải qua những ngày rối loạn cảm xúc khi ngày lễ “gõ cửa”.


Hiểu được những lo toan, bộn bề mà bất cứ người trưởng thành nào cũng có thể mắc phải, LeLa Journal chia sẻ một số thủ thuật để mọi người có thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui mùa cuối năm, mời các bạn cùng đọc.



Vì sao người trưởng thành sợ lễ Tết?


1. Kỳ vọng quá nhiều


Giả sử, chàng trai mà bạn "thầm thương trộm nhớ" từ lâu ngỏ ý mời ăn tối, chắc hẳn bạn sẽ cực kỳ phấn khích. Song song đó, bạn sẽ hao tâm tổn trí để lên kế hoạch và tưởng tượng xem hôm đó sẽ phải mặc gì, nói gì, cười như thế nào để gây ấn tượng với chàng. Từng giây từng phút đợi tới buổi hẹn, bạn mong cho thời gian chóng qua, cho đường xa ngắn lại để có thể gặp người trong mộng. Vậy mà, thực tế thì thường xuyên phũ phàng, anh ấy có việc đột xuất ở công ty và bạn phải một mình đối diện với bữa tối chán ngắt.


Hy vọng về một ngày lễ hoàn hảo như mơ không chỉ khiến bạn thất vọng mà còn có khả năng gây ra các triệu chứng trầm cảm (1).

Bác sĩ tâm lý Mark Sichel (tác giả cuốn sách Healing From Family Rifts) cho biết: “Những ngày lễ sẽ không bao giờ diễn ra chính xác như mọi người dự đoán đâu. Có nhiều người cho rằng khi mọi thành viên trong gia đình tụ họp thì vui vẻ hơn nhiều nhưng đa phần các xung đột, tranh cãi lại xuất hiện nhiều hơn trong giai đoạn đó."


Vì thế, hãy tận hưởng thời gian một cách hiệu quả và bỏ qua những suy nghĩ tiêu cực có thể làm ảnh hưởng đến tâm trí bạn. Thật ra, ăn tối với ai cũng không quan trọng bằng sự vui vẻ trong chính tâm hồn của mình, nếu bạn không tự cảm thấy “đủ”, thì dù ở bên cạnh người nào, làm việc gì cũng thế mà thôi.


2. Áp lực công việc


Có hơn 73% người trưởng thành ở Mỹ cho rằng việc phải ôm đồm quá nhiều công việc về nhà trong dịp nghỉ lễ khiến họ rơi vào hội chứng “sợ lễ”. Hầu hết những người làm việc văn phòng đều có tâm lý muốn giải quyết hết việc tồn đọng trong năm, dẫn đến áp lực về chỉ tiêu, deadline, chỉ số đo lường hiệu quả (KPI)... trở thành một trong những nguyên do ảnh hưởng đến chất lượng kỳ nghỉ.


Bạn có thể tham khảo ma trận Eisenhower (2), phương pháp batching để có thể quản lý thời gian hiệu quả, cân bằng giữa cuộc sống và công việc nhé.


3. So sánh bản thân với người khác


Việc chưa hiểu đúng, hiểu rõ về bản thân sẽ dễ nảy sinh tâm lý đố kỵ

Những ngày cuối năm, mọi người thường sẽ viết những status (dòng trạng thái) trên các nền tảng xã hội. Ở đó, người ta có thể liệt kê những thành quả mà họ có được trong năm qua. Mua nhà, sở hữu chiếc xe mới, tìm thấy true love (tình yêu đích thực)… là những việc nổi bật được nhiều người chia sẻ nhất. Và khi nhìn thấy cuộc sống trong mơ của người khác thì bản thân mình sẽ co lại và tự ti. Con người ta luôn mắc sai lầm là đem những cảnh "hậu trường" (behind the scenes) ngổn ngang của đời mình so sánh với trailer hào nhoáng của cuộc đời người khác. Điều đó chưa bao giờ khiến mọi thứ tốt hơn mà còn làm cho cảm xúc của chúng ta trở nên tiêu cực, thậm chí là căm phẫn, độc đoán (3).


Nhiều người cảm thấy hụt hẫng, khổ sở không phải vì không có được những điều mình muốn, mà là không có bằng người khác.

Bác sĩ tâm lý Sichel cũng cho biết: “Lẽ ra, gia đình đã có một vài ngày sum họp thì bạn lại rơi vào khoảng trống của sự vắng lặng và ấm ức. Ngột ngạt, cáu gắt và cảm thấy cuộc sống bất công khiến bạn không thể vui vẻ, từ đó cũng ảnh hưởng tới những người xung quanh. Bạn đã đánh mất đi ý nghĩa của những ngày lễ từ lúc nào không hay”.


4. Bỏ rơi chính mình


Cuối năm là khoảng thời gian bận rộn, đặc biệt với những người con xa xứ. Vừa sắp xếp công việc tổng kết, vừa phải lên kế hoạch mua sắm, chi tiêu cho vừa túi tiền, thời gian còn lại để săn vé tàu, xe để về quê thăm ba mẹ. Quay cuồng với những kế hoạch cũng là lúc bạn bỏ quên bản thân như ăn uống không đúng giờ, quên thói quen tập thể dục đầy đủ, thậm chí, ngủ cũng thiếu giấc.


Rồi sau đó một thời gian, bạn thấy mình tăng cân nhanh chóng, da sạm đi thấy rõ, điều đó càng khiến bạn lo âu và căng thẳng. Nên thay vì nước đến chân mới nhảy thì ngay từ bây giờ hãy tự sắp xếp thời gian cho hợp lý, tự yêu thương, chăm sóc bản thân và giữ thói quen sống lành mạnh nhé.


5. Không bàn tay nắm, không người chờ đợi


Mỗi dịp Tết, đứng trước câu hỏi "Khi nào lập gia đình?" cũng khiến cho người ta cảm thấy đầy áp lực
Vào những ngày lễ, người hạnh phúc sẽ càng hạnh phúc. Người cô đơn sẽ càng cô đơn.

Có thể nói, độc thân là một trong những nguyên do chính gây ra tình trạng áp lực và bực dọc ở người trưởng thành. Theo một nghiên cứu từ Đan Mạch, những người cô đơn có nguy cơ mắc bệnh tim và trầm cảm cao gấp 3 lần so với người bình thường, và lời khuyên của các bác sĩ tâm lý hàng đầu dành cho những người chưa tìm được một nửa của mình là: “Tự tạo niềm vui cho bản thân thay vì trông chờ vào người khác, sẽ không bị làm sao đâu nếu bạn không có người đồng hành. Vui vẻ và đi tiếp, bạn sẽ thấy được là vấn đề chỉ xảy ra nếu như bạn nghĩ rằng nó tồn tại” (4).


Không thể phủ nhận tình yêu là liều thuốc tinh thần tốt nhất mà mỗi người đều nên trải nghiệm, nhưng gặp được nhân duyên phù hợp không phải là chuyện một sớm một chiều. Sự yêu thương tiếp thêm sức mạnh nhưng cũng khiến ta "chết trong lòng một ít" như nhà thơ Xuân Diệu từng viết.



Làm sao để vượt qua những áp lực tâm lý mùa lễ tết?


Không riêng giai đoạn cuối năm, mà ngay cả trong cuộc sống thường nhật, mệt mỏi và ưu phiền cũng trú ngự nơi tâm trí chúng ta, chờ chực và tấn công mỗi khi ta mệt mỏi, yếu đuối. Vậy nên, điều bạn cần làm không phải là sợ hãi hay trốn tránh mà là đối mặt và vượt qua.



Ngoài việc kiểm soát chi tiêu, sắp xếp công việc thì viết nhật ký cũng là cách có thể khiến bạn vui vẻ hơn trong những dịp cuối năm.


Thay vì tập trung vào những gì bạn phải làm, hãy dành thời gian viết ra những gì bạn đã có được. Nếu không nghĩ về mọi thứ đã diễn ra trong năm, bạn sẽ có cảm giác tương lai mờ mịt, các dự tính tương lai khó lòng đạt được.


Lập danh sách ít nhất 5-10 thành tích dù nhỏ nhưng đáng nhớ với bản thân. Lưu ý rằng bạn càng tập trung vào những điều tốt đẹp, thì tâm trí bạn càng tích cực hơn.


Đặt ra câu hỏi:


  • Thành tựu lớn nhất trong năm nay của bạn là gì?

  • Bản thân tự hào nhất về điều gì?

  • Bài học quý giá nhất mà bạn đã học được từ các mối quan hệ xung quanh?

  • Có bao nhiêu tháng hoàn thành tốt chỉ tiêu trong công việc?


Thay vì viết: “Sau hai năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19, tinh thần tôi càng suy sút, kinh tế thì khó khăn, không biết tương lai sẽ ra sao, cảm thấy mờ mịt quá” thì bạn có thể thay đổi một chút, như: “Mặc dù hai năm vừa qua có nhiều biến động, số tiền tiết kiệm cũng không còn nhiều nhưng may mắn là bản thân còn khỏe mạnh, bố mẹ ở quê nhà vẫn bình an. Tôi có một nơi để về, một công việc để duy trì được cuộc sống."


Cuộc sống sẽ luôn có những thăng trầm không tránh khỏi. Không hụt hẫng chỗ này cũng khó chịu ở chỗ kia, nên đứng trước những điều trái ý nghịch lòng như thế, hãy luôn giữ suy nghĩ lạc quan, tích cực. Thực hành lòng biết ơn, nuôi dưỡng tình thương yêu mỗi ngày từ những việc nhỏ nhặt nhất thì cuối cùng, vào cuối năm, điều còn lại ở nơi này sẽ là nụ cười ở trên môi.


Comments


bottom of page