top of page
Tìm kiếm

Bớt "làm màu" khi đã yêu lâu: 3 mẹo để yêu nhau vui như thuở đầu

Tại sao một cô nàng có thể vô tư để mặt mộc đi hẹn hò thay vì trang điểm 7-7-49 bước như trước khi yêu? Hay tại sao một anh chàng lại "dám... làm nũng" như một đứa trẻ trước mặt cô nàng người yêu? Phải chăng, khi đã gắn bó đủ lâu và thấu hiểu "nửa kia", chúng ta dễ dàng cảm thông cho họ cũng như mở lòng về những góc khuất trong tâm hồn của mình.



Bộc lộ cảm xúc chân thật sẽ khiến ta dễ được chấp nhận hơn


Trong bài viết về chủ đề "Hôn nhân là mồ chôn tình yêu": Liệu có đúng dưới góc nhìn tâm lý học?, LeLa Journal đã giới thiệu về Thuyết Tam giác Tình yêu của Robert J. Sternberg.


Trong đó, sự thu hút lẫn nhau và việc tận hưởng sở thích chung chỉ phát huy tác dụng gắn kết lúc ban đầu. Đây chính là yếu tố say đắm, đam mê (passion). Khi mối quan hệ phát triển đến giai đoạn mà hai người đã thoải mái và thân mật với nhau hơn, họ sẽ bớt "làm màu" và không còn che giấu cảm xúc của mình. Lúc này, chúng ta sẵn sàng chia sẻ những điều bí mật tưởng như không thể kể với ai.


Tương tự như vậy, thực nghiệm cũng đã chứng minh được rằng hai người dành tình cảm đủ lớn cho nhau sẽ có xu hướng chia sẻ thẳng thắn những cảm xúc giấu kín, đồng thời chấp nhận một phiên bản không hoàn hảo của đối phương (1). Nói cách khác, hai bên trở nên tin tưởng nhau khi nhận thấy những cảm xúc chân thực của đối phương và lấy đó làm cơ sở để duy trì một mối quan hệ lâu dài (long-term relationship).


Hai nhà tâm lý học Allison Tackman và Sanjay Srivastava đã thực hiện một nghiên cứu đo lường phản ứng của những khách thể đối với sự ức chế cảm xúc của người khác. Trong thí nghiệm này, người tham gia được xem hai cảnh phim – một đoạn phim buồn và một cảnh gợi dục. Sau đó, họ được yêu cầu phải đưa ra phản ứng hoàn toàn tự nhiên hoặc cố gắng kìm nén cảm xúc.


Toàn bộ cảm xúc này được máy quay ghi lại để các khách thể quan sát và đưa ra quyết định về việc họ muốn làm bạn với nhóm người nào.

Kết quả cho thấy những người xem video nhưng kiềm chế cảm xúc bị coi là không thiện chí và không dễ mến, ít hướng ngoại và ít dễ chịu hơn so với những người có phản ứng tự nhiên. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể liên quan đến nguyên tắc "có qua có lại". Cụ thể, con người thường không liều lĩnh theo đuổi một mối quan hệ thân mật, mà lại có xu hướng tập trung vào những người có khả năng tương tác phản ứng với mình trong hoàn cảnh cần sự giúp đỡ, liên kết (1).


Trên thực tế, việc thể hiện cảm xúc của mình một cách thành thật và chấp nhận nguy cơ bị tổn thương lại khiến chúng ta trở nên dễ mến hơn trong mắt người đối diện.


Điều này đặc biệt quan trọng đối với những cặp đôi muốn duy trì một mối quan hệ lâu dài để đi đến "happy ending". Bạn có thể không phải phiên bản hoàn hảo nhất, nhưng trong mắt người yêu, bạn là một phiên bản độc nhất vô nhị.


Khi bớt "làm màu", bạn bỗng có giá như một thước phim trắng-đen cổ điển. Điều này sẽ giúp tình yêu của hai bạn trở thành vô giá.


Càng yêu càng… nhịn: Tư duy "đầu độc" mối quan hệ lứa đôi


Thay vì mở lòng và thành thật thể hiện cảm xúc trước đối phương thì nhiều người, vì nhiều lý do, lại lựa chọn kìm nén cảm xúc theo kiểu "một điều nhịn - chín điều lành"


Suy nghĩ này không giúp giải quyết triệt để những xung đột về quan điểm sống và định hướng tương lai của hai người. Ngược lại, nó còn tạo nên những sức ép tâm lý lên một phía, hoặc một cách vô hình là lên cả hai phía.

Các nhà tâm lý học cũng đã chứng minh được rằng trong mối quan hệ, nếu một người thường xuyên kiềm chế cảm xúc thật thì mức độ hài lòng về tình cảm của cả hai đều giảm xuống, so với việc chúng ta thoải mái thể hiện những cung bậc hỉ-nộ-ái-ố với người thương. Cụ thể, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra dữ liệu hôn nhân của 427 cặp vợ chồng lâu năm bằng cách đưa một bảng hỏi để mỗi người tự trả lời và nêu cảm nhận. Bảng câu hỏi này giúp họ đo lường khả năng kiềm chế biểu cảm (expressive suppression) và xem xét mức độ đánh giá của mỗi người về khả năng trao đổi cảm xúc (emotional exchange) của nửa kia (2).


Kết quả cho thấy những người thường xuyên kìm nén biểu cảm thường có mức độ hài lòng thấp hơn và mối quan hệ hôn nhân của họ cũng hay gặp trục trặc, do luôn mang tâm thế phải "đeo mặt nạ" trước người còn lại (2).


Gỡ bỏ "chiếc mặt nạ" cảm xúc: Bí quyết để duy trì một tình yêu bền vững


Tuy mỗi người đều muốn "nửa kia" sống thật với cảm xúc của mình, song chúng ta cũng cần cân nhắc cách bày tỏ những biểu cảm quá khích hoặc gây áp lực với đối phương chỉ nhằm mục đích tìm kiếm sự nâng niu, dỗ dành "vô cớ".



Để có thể giúp người thương thấu hiểu được nỗi lòng của mình, độc giả có thể tham khảo những cách làm sau đây:


1. Xác định bối cảnh để bộc lộ cảm xúc: Cho dù bạn đang xúc động hoặc tức giận, hãy chọn không gian thích hợp. Nếu cần thiết, hai người có thể rời khỏi đám đông để tìm không gian riêng yên tĩnh cho đôi bên giãi bày tâm sự.


2. Thẳng thắn trao đổi về nhu cầu thể hiện cảm xúc của bản thân: Bất kể hai bạn đang trong giai đoạn hẹn hò tìm hiểu hoặc đã bên nhau một thời gian dài, hãy chân thành chia sẻ với người kia về nguyện vọng được là chính mình. Đặc biệt, nếu bạn đang thấy khó kiểm soát cảm xúc của bản thân, hãy nhẹ nhàng bày tỏ để người thương thấu hiểu và tìm cách hỗ trợ tinh thần cho bạn, cũng như hạn chế khả năng họ bị bất ngờ nếu bạn có bất kỳ phản ứng nào thái quá.


"Tương kính như tân" (vợ chồng dù thân gần cũng nên đối xử với nhau như khách, để luôn tôn trọng nhau) cũng là một chiến thuật hay để cả hai thể hiện lòng thương mến, sự trân trọng, cũng như giữ gìn tương tác trong một mối quan hệ.

3. Dành cho đối phương cơ hội nói ra nỗi lòng: Nhiều khi, không chỉ bạn mà "nửa kia" cũng có những tâm tư muốn biểu đạt. Hãy gợi mở một cách khéo léo để người ấy có thể chia sẻ cho bạn nhé.



Hãy luôn ghi nhớ trong tim rằng người sẽ đi cùng bạn đến cuối con đường là người thấu hiểu và chấp nhận con người thật của bạn, cũng như sẵn sàng cho bạn thấy những góc khuất bên trong tâm hồn người ấy.

Comentários


bottom of page