Khi mệt mỏi, chúng ta uống một tách cà phê để tỉnh táo và tăng cường hiệu suất công việc, nhưng điều này lại ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm, dẫn đến tình trạng uể oải vào sáng hôm sau. Để giải quyết cảm giác này, nhiều người lại.... nạp thêm một tách cà phê nữa. Và như vậy, vòng lặp của việc tiêu thụ cà phê bắt đầu. Nếu như cảm thấy lo ngại về sức khỏe cũng như tình trạng giấc của ngủ của bản thân liên quan đến cà phê như thế nào thì bài viết này là dành cho bạn.
Một ly "đen đá": Sức tàn phá không ngờ
Hiện nay nhiều tổ chức vẫn khuyển cáo chúng ta rằng: chỉ tiêu thụ 400mg caffeine thì sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe (1). Dựa trên một số thống kê ngoài nước, nhiều người cho rằng 400mg này tương đương với 4 ly cà phê. Nhưng đây là một quan niệm sai lầm, bởi cà phê Việt Nam đậm đặc hơn nhiều.
Đó là lý do tại sao chúng ta thường nghe câu chuyện quen thuộc rằng người nước ngoài đến Việt Nam bị "say cà phê". Đơn giản bởi một ly cà phê của chúng ta bằng cả 6 đến 7 ly cà phê của họ. Chưa kể là ờ một số vùng, robusta "bản địa" của chúng ta cũng "nặng đô" hơn nữa.
Do đó, việc tìm hiểu kỹ trước khi lựa chọn và tiêu thụ các loại cà phê là điều cần thiết, bởi việc sử dụng liều lượng nhiều hơn 1.200mg caffeine mỗi ngày có thể gây ngộ độc cho cơ thể (4). Nhưng thực tế là không cần đến 1.200mg, mà chỉ 400mg thôi cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giấc của ngủ chúng ta rồi.
Mối liên quan giữa caffeine và giấc ngủ sâu
Chúng ta không ít thì nhiều, cũng đã nghe qua những tác dụng phụ của cà phê đối với giấc ngủ. Nhưng những nghiên cứu dưới đây có thể cung cấp cho nhiều người cái nhìn rõ ràng hơn mối liên hệ này:
Caffeine trì hoãn đồng hồ sinh học của cơ thể: Một nghiên cứu cũng cho thấy caffeine có thể trì hoãn thời gian sinh học của cơ thể người. Những tác động này khiến chúng ta ngủ muộn hơn, ngủ ít giờ hơn và khiến giấc ngủ kém chất lượng hơn (5).
Caffeine làm giảm thời lượng giấc ngủ sâu: Một nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ caffeine 6 giờ trước khi đi ngủ sẽ làm giảm tổng thời gian ngủ xuống 1 giờ (6). Những tác dụng này mạnh hơn ở người lớn tuổi bởi cơ thể họ mất nhiều thời gian hơn để xử lý caffeine.
Caffeine giảm giấc ngủ sóng chậm (slow-wave sleep): Giấc ngủ "sóng chậm" là một giai đoạn quan trọng giúp cơ thể sảng khoái hơn vào hôm sau. Cà phê tác động tiêu cực đến điều này (7).
Caffeine tác động đến giấc ngủ REM: Khiến chất lượng giấc ngủ nam giới suy giảm là nội dung của một nghiên cứu vào năm 2021 (8).
Caffeine liên quan đến chứng mất ngủ (insomnia): Theo tổ chức giấc ngủ quốc tế, những người mất ngủ mạn tính hưởng được rất nhiều lợi ích khi loại bỏ hoặc giảm lượng caffein tiêu thụ hằng ngày (9).
Tác động của giấc ngủ sâu đối với cơ thể chúng ta
Mặc dù tất cả các giai đoạn của giấc ngủ đều cần thiết nhưng giấc ngủ sâu đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe và chức năng của não. Bởi giai đoạn này của giấc ngủ giúp não nghỉ ngơi và phục hồi, bổ sung năng lượng. Nó cũng đóng một vai trò trong việc củng cố trí nhớ tường thuật hoặc ghi nhớ các sự kiện.
Theo Viện Y học Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM), một giấc ngủ sâu và chất lượng có thể tác động tích cực tới cơ thể theo nhiều cách như sau (10):
Thúc đẩy việc duy trì, kiểm soát cân nặng
Cải thiện tâm trạng
Cải thiện khả năng ra quyết định
Cải thiện sức khỏe não bộ và ngăn ngừa các tình trạng như chứng mất trí nhớ
Giảm tần suất bệnh tật
Giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tim và tiểu đường loại 2
Kết luận
Cho đến nay, có rất nhiều nghiên cứu tác động của cà phê lên cơ thể với những kết quả khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do thể trạng riêng cũng như khả năng hấp thu, đào thải caffeine giữa ở từng người có nhiều sự khác biệt. Vậy nên, tự quan sát bản thân để sử dụng thức uống này sao cho phù hợp với chính mình là điều rất cần thiết với mỗi người. Trong trường hợp bị mất ngủ hoặc có vấn đề liên quan tới việc này, bạn hãy cân nhắc đến việc hạn chế hoặc giảm thiểu cà phê. |
Comments