Ketosis là gì, Ketones là gì, và cách đo lường Ketones trong máu ra sao? Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu kỹ về những khái niệm này trước khi quyết định giảm cân theo chế độ dinh dưỡng Keto nhé.
Ketosis là gì?
Ketosis là trạng thái cơ thể sử dụng chất béo để chuyển hóa thành năng lượng, từ đó giúp cơ thể giảm cân. Để đạt trạng thái này, bạn cần hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa tinh bột và tăng cường việc tiêu thụ chất béo nhiều hơn bình thường. Khi cơ thể không có tinh bột để chuyển hóa thành năng lượng, gan sẽ bắt đầu tạo ra Ketones để cơ thể sử dụng thay cho tinh bột.
Ketones là gì?
Ketones là tên gọi của một nhóm dưỡng chất cung cấp năng lượng cho cơ thể, bao gồm acetoacetate (AcAc), beta-hydroxybutyrate (BOB) và acetone.
Acetoacetate được tạo ra đầu tiên khi cơ thể đi vào trạng thái Ketosis. Sau đó, beta-hydroxybutyrate được tạo ra từ acetoacetate. Cuối cùng, acetone là sản phẩm phụ được tạo ra khi cơ thể có hai chất đầu tiên.
Hai phương pháp xác định lượng Ketones trong máu
Khi theo đuổi chế độ dinh dưỡng Keto, bạn cần theo dõi lượng Ketones trong máu để có thông tin điều chỉnh lượng và loại thức ăn. Việc tiêu thụ dù chỉ nhiều hơn 50 gram tinh bột sẽ khó giúp bạn duy trì trạng thái Ketosis vì cơ thể vẫn tiếp tục dùng tinh bột làm năng lượng thay vì chuyển qua dùng chất béo. Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá ít tinh bột có khả năng khiến lượng Ketones quá cao, không tốt cho cơ thể.
Đo lường Ketones chính xác sẽ giúp bạn xác định nên giảm tinh bột để đưa cơ thể vào trạng thái Ketosis, hoặc tăng tinh bột để đảm bảo an toàn cho sức khỏe khi theo đuổi chế độ Keto. Hiện tại có hai cách đo lường Ketones phổ biến:
1. Xét nghiệm máu
Đây là phương pháp đo lường Ketones chính xác nhất. Bạn có thể tìm đến bệnh viện để đo lường Ketones hoặc thử tại nhà với các thiết bị đo đường huyết. Hiện tại các thiết bị này đều có khả năng đo chỉ số Ketones trong máu
2. Xét nghiệm nước tiểu
Đây là phương pháp phổ biến có thể thực hiện tại bệnh viện hoặc tại nhà. Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều que thử Ketones. Bạn nên lấy tư vấn từ bác sĩ để lựa chọn que thử tốt nhất cho mình.
Cách đọc hiểu nồng độ Ketones trong máu
Dưới 0.6 mmol/L: Chỉ số bình thường.
0.6 đến 1.5 mmol/L: Cơ thể bắt đầu tạo ra Ketones do bạn đang tiêu thụ ít tinh bột, nhiều chất béo. Cơ thể sẽ bắt đầu vào trạng thái Ketosis nhẹ và giảm cân từ từ.
1.6 đến 3.0 mmol/L: Cơ thể vào trạng thái Ketosis cao và bắt đầu giảm cân nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lượng Ketones gần chạm 3.0 thì có rủi ro bị Ketoacidosis - tình trạng thiếu insulin trầm trọng, làm tăng acid trong máu, có nguy cơ dẫn đến các trình trạng nguy hiểm cho cơ thể. Bạn nên xin tư vấn từ bác sĩ có chuyên môn để xác định tình trạng sức khỏe và điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Lớn hơn 3.0 mmol/L: Lượng Ketones quá cao, nguy hiểm và cần gặp bác sĩ ngay.
Bạn nên duy trì Ketosis trong bao lâu?
Bạn chỉ nên duy trì Ketosis tối đa 90 ngày hoặc khi đã đạt được mức cân nặng mong muốn. Vì việc tiêu thụ chất béo quá lâu sẽ làm tăng mỡ trong máu, gây rủi ro suy yếu thận.
Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp đo lường qua hơi thở khi ăn uống theo chế độ Keto. Phương pháp này không trực tiếp đo lường chỉ số Ketones, tuy nhiên có thể cho bạn biết liệu cơ thể có đang sử dụng chất béo làm năng lượng hay không, hoặc bạn cần tăng hay giảm lượng tinh bột để duy trì trạng thái khỏe mạnh.
Bạn có thể sử dụng Lumen - một thiết bị đo lường hơi thở và cho bạn biết tình trạng trao đổi chất của cơ thể. Thiết bị đi kèm với ứng dụng trong điện thoại được thiết kế đơn giản và rất dễ sử dụng. Bạn chỉ cần mua gói dịch vụ trên trang web của Lumen, sau đó họ sẽ gửi thiết bị và hướng dẫn sử dụng phần mềm này tới bạn.
Keto là một trường phái dinh dưỡng cổ điển dùng để điều trị bệnh động kinh và béo phì, nhưng hiện nay lại được khá nhiều người quan tâm vì có thể giúp họ giảm cân hiệu quả. Khi cơ thể tạo ra Ketones trong khoảng 1.6 đến 3.0 mmol/L, lúc này bạn đang trong trạng thái Ketosis và sẽ giảm cân nhanh chóng. Sau 90 ngày hoặc khi đã đạt được mức cân nặng mục tiêu, bạn nên ngừng trạng thái Ketosis và không nên kéo dài chế độ ăn uống Keto thêm nữa.
Comments