Tìm người phối giống có trách nhiệm | Đánh giá chó con từ việc xem chó mẹ hoặc chó cha | Bệnh di truyền | Tính khí và khả năng giao tiếp của chó con | Kiểm tra nhanh các loại bệnh thấy được trên chó con | Tìm mua hoặc nhận nuôi chó đã trưởng thành
Chăm sóc cún cưng là hành trình mang lại nhiều niềm vui và kỹ năng sống, giúp bạn rèn luyện tính siêng năng, kiên trì và nhẫn nại. Tuy nhiên, hành trình này cũng khá thử thách như việc chó con bị bệnh ngay sau khi về nhà hoặc không vâng lời khiến bạn phiền não. Vì lý do này, LeLa Journal giới thiệu đến bạn những bí quyết chọn mua và nhận nuôi chó cưng.
Để chú chó vừa khỏe mạnh vừa có tính nết phù hợp nhất cho gia đình, bạn có thể áp dụng một trong các phương pháp trong bài viết này.
Phương pháp #1: Tìm người phối giống có trách nhiệm
Bạn nên mua chó con từ trại phối giống uy tín. Người phối giống chó có trách nhiệm sẽ đề cao sức khỏe thể chất, sức khỏe thần kinh và nét đẹp của cún cưng hơn mục đích kinh doanh. Chó con thường có rủi ro mắc bệnh di truyền từ cha mẹ mà chỉ người phối giống mới biết tình trạng này.
Nhiều loại bệnh di truyền chỉ phát sinh khi chó con lớn lên, do đó bạn có thể hoàn toàn không nhìn ra nếu chủ trại không chia sẻ tình trạng chó cha mẹ. Những trại chó tốt sẽ không để chó mang bệnh có cơ hội sinh sản thêm bằng cách triệt sản hoặc tách biệt khu nuôi chó đực và chó cái.
Bạn hãy hỏi những câu sau để tìm hiểu tính trách nhiệm của chủ trại chó:
Chó mẹ mỗi năm đẻ bao nhiêu lứa? Tốt nhất là 2 lứa mỗi năm. Nhiều hơn nữa sẽ khiến chó mẹ mất khả năng chăm sóc nhiều đàn con.
Chó mẹ sinh lứa đầu tiên lúc mấy tuổi? Tối thiểu là từ 1 tuổi trở lên.
Có thể xem chuồng chó mẹ được không? Các trại chó tốt sẽ không ngại để bạn xem môi trường sống của chó cha mẹ. Chuồng chó cái vừa sinh con phải sạch sẽ, yên tĩnh, không gian đủ lớn cho một nhóm từ 3 đến 9 con.
Những bệnh nào thường bị di truyền? Các chủ trại chó tốt sẽ có kinh nghiệm và kiến thức thú y, bạn có thể đọc về các loại bệnh di truyền ở phần kế tiếp của bài viết.
Phương pháp #2: Đánh giá chó con từ việc quan sát chó cha mẹ
Nếu tò mò muốn biết chó con lớn lên có đẹp hay không, bạn cần quan sát chó cha mẹ để đánh giá. Chó con sẽ thừa hưởng đặc điểm di truyền từ chó cha mẹ, bao gồm màu lông, khuôn mặt, trọng lượng, kích thước. Người phối giống có kinh nghiệm sẽ lựa chọn chó đực kỹ càng trước khi cho chó cái của mình phối giống. Ví dụ: với chó cái có màu lông vàng, họ sẽ tìm chó đực có màu lông tương tự và không tối hơn; với chó cái có khuôn mặt dài, họ sẽ tìm chó đực với khuôn mặt tương tự và không ngắn hơn.
Ngoài nét đẹp, sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng. Để đánh giá sức khỏe thần kinh của đàn chó con, bạn cần quan sát biểu hiện của chó mẹ:
Chó mẹ có biểu hiện bình tĩnh nếu thường xuyên được chăm nuôi đàn con và đặc biệt bình tĩnh khi tin tưởng chủ trại không ngược đãi con mình. Khi có người lạ đến, nó sẽ vẫy đuôi chào đón và cho đến gần chó con.
Chó mẹ bị căng thẳng sẽ thường đi qua đi lại, tìm cách ra khỏi chuồng hoặc vượt chướng ngại để đến gần chó con do bị tách đàn quá lâu. Chó mẹ tỏ ra căng thẳng do không tin chủ trại chó. Khi bị căng thẳng, chó mẹ không có khả năng chăm sóc tốt cho chó con dẫn đến việc cả đàn phát triển kém về thần kinh.
Đàn chó con khi không được mẹ chăm sóc thường phát triển không đồng đều. Từng con trong đàn chó này sẽ có tính khí và khả năng giao tiếp với con người rất khác nhau. Vì vậy khi mua chó, bạn nên ưu tiên đến các trại có chó mẹ.
Dưới đây là các bệnh di truyền mà bạn có thể đánh giá thông qua việc quan sát chó cha mẹ:
Bệnh thoát vị đĩa đệm và bệnh liệt hông: khi chó di chuyển, bạn sẽ thấy hai chân sau yếu, thiếu lực, khập khiễng. Khi thấy chó cha mẹ có bệnh này, khả năng cao là chó con sẽ bị di truyền.
Kiểm tra mắt của chó cha mẹ xem có bị đục thủy tinh thể, nếu có thì khả năng truyền cho con sẽ xảy ra.
Kiểm tra da của chó cha mẹ xem có bị eczema - vết phát ban đỏ, nóng, khô và ngứa, có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều chỗ trên mặt và thân thể.
Triệu chứng loạn sản khung xương cũng có thể đánh giá qua quan sát. Nếu chó cha mẹ không muốn di chuyển, hoặc khập khiễng hai chân trước thì khả năng là chúng đang bị loạn sản khung xương. Bệnh này có khả năng di truyền cho chó con.
Phương pháp #3: Đánh giá tính khí và khả năng giao tiếp của chó con
Phương pháp đánh giá tính khí sẽ giúp bạn lựa chọn cún cưng phù hợp khi không tìm thấy trại chó tốt, hoặc không được thấy chó cha mẹ. Các phương pháp sau đây sẽ giúp bạn lựa chọn chó con tại siêu thị thú cưng, hoặc khi mua chó từ người quen.
Dựa vào sở thích và tính cách cá nhân, bạn cần quyết định liệu mình mong muốn loại chó mạnh mẽ, dễ bảo, nhiều năng lượng, hay bình tĩnh.
Chó con mạnh mẽ
Chó con mạnh mẽ sẽ thể hiện rõ tính cách đầu đàn khi còn ở trong đàn. Loại chó này sẽ tìm cách đạp lên đầu, đè lên thân, lấy đầu húc vào thân con khác, dùng sức chiếm đoạt đồ vật, chiếm không gian, làm phiền các con đang nghỉ ngơi và tỏ vẻ "kiêu ngạo" bằng cách không liếm các con khác. Khi bạn đến gần, nó có thể phớt lờ, hoặc tỏ ra mạnh mẽ hơn bằng cách lấy chân đè lên tay bạn, bấu chặt tay, bấu chặt giày,... Điều này khiến người chưa có kinh nghiệm quan sát chó con sẽ lầm tưởng rằng nó đang vui đùa với mình. Bạn cũng cần hiểu rằng chó mạnh mẽ không phải là chó dữ sẵn sàng tấn công các con chó khác, mà đây chỉ là bản năng thích làm đầu đàn của chúng.
Nếu là người mạnh mẽ, bạn có thể nuôi một chú chó tương tự. Bạn cần dành thời gian huấn luyện cho cún hiểu rằng bạn là chủ để nó vâng lời ngay từ ngày đầu tiên về nhà. Loại chó này cũng cần thời gian để học cách nhường lại không gian, đồ vật và ứng xử nhẹ nhàng với trẻ em. Qua quá trình chuyên tâm huấn luyện, chú chó mạnh mẽ của bạn sẽ phát triển bình thường và vâng lời bạn.
Chó con dễ bảo
Chó con dễ bảo thường thể hiện tính cách đặc trưng qua việc nằm gần chuồng, gần cha mẹ, giữ khoảng cách với người lạ, dễ đầu hàng khi bị giành đồ chơi hoặc thức ăn. Loại chó này thường hiền lành, tỏ thái độ thân mật khi đến gần con người, và rất thích nằm kế chủ.
Chó con tỏ vẻ dễ bảo chủ yếu do bị lấn át bởi các con cùng đàn, vì thiếu sự chăm sóc của chó mẹ, có thể do đây là lứa đầu nên chó mẹ chưa có đủ kinh nghiệm và năng lượng để chăm sóc cả đàn. Chó mẹ sau 2 lứa đẻ sẽ có kinh nghiệm chăm sóc cả đàn để đảm bảo sự phát triển đồng đều nhất.
Nếu mong muốn nuôi cún cưng luôn bày tỏ tình cảm thân mật, bạn có thể chọn chú chó dễ bảo. Bạn cần kiên nhẫn, bình tĩnh, nói giọng nhẹ nhàng với nó vì chú cún có thể bỏ trốn sau khi nghe đe dọa. Nếu được huấn luyện tốt, nó sẽ phát triển bình thường như các con chó khác và mất đi nhu cầu bỏ trốn. Loại chó này rất hiền hòa và nhẹ nhàng với trẻ em. Chúng thường không tranh giành không gian, đồ vật và vâng lời tuyệt đối trừ những lúc sợ hãi. Chúng tất nhiên vẫn có khả năng trông nhà vì canh giữ và báo động là bản năng tự nhiên của loài chó.
Chó nhiều năng lượng
Loại chó này thường rất thân thiện với tất cả mọi người và mọi loài động vật. Chúng hoạt động không ngừng nghỉ, như vật lộn, làm phiền các con chó khác, chạy khắp vườn, vẫy đuôi mạnh mẽ, nhưng tôn trọng khi bị từ chối. Chúng thường chào đón người lạ và làm thân ngay lập tức. Nếu ưa thích các hoạt động thể thao ngoài trời, bạn có thể chọn nuôi chú chó nhiều năng lượng.
Bạn cần dành nhiều thời gian để cho chúng đi bộ hoặc chạy bộ để đốt hết năng lượng. Chú chó còn dư năng lượng sẽ tìm sự chú ý từ bạn bằng cách nhảy lên người, bám vào tay chân bạn, sủa để thúc dục bạn chơi với nó. Loại chó này có khả năng trông nhà nhưng không giỏi ứng dụng bản năng này vì chúng thường mừng rỡ khi thấy người.
Khi nuôi một chú nhiều năng lượng, bạn không nên đào tạo nó canh nhà hoặc giữ đồ vì những bài tập này không sử dụng năng lượng, do đó đi ngược với bản chất chú chó. Bạn nên cho nó học các bài vận dụng năng lượng như đuổi bắt bóng, đánh hơi tìm kho báu,...
Chó bình tĩnh
Là chú chó thể hiện tính cách trung lập, tức không thiên về cực nào. Chúng thân thiện và độc lập, không làm phiền các con khác, sẵn sàng chia sẻ thức ăn và đồ vật nhưng không nhượng bộ nếu bị tranh giành.
Loại chó con này thường chào đón người lạ bằng cách ngồi gần, không lấn át không gian và không bấu víu tay chân con người. Chúng thường tôn trọng người chủ và vâng lời tuyệt đối do đó dễ huấn luyện từ khi còn nhỏ. Loại chó này phù hợp với mọi gia đình và mọi lứa tuổi.
Kiểm tra nhanh các loại bệnh thấy được trên chó con
Bạn nên dành thời gian quan sát kỹ bộ lông chú chó để kiểm tra các bệnh về da. Bộ lông chó cần sạch sẽ, dày và trơn bóng. Trên lông có thể bám bụi bẩn, đất cát nhưng khi vạch ra thì lớp da chó con không nên có các đốm đỏ, hồng hay màu lạ.
Tai, mũi và mắt chú chó cần sạch, không có đốm đỏ, màu lạ, không sưng, nhầy, hay mủ.
Bệnh về bao tử và đường ruột thường có thể phát hiện khi bụng chó con phình to, chó không có năng lượng, nằm yên một chỗ, kêu đau hoặc bỏ ăn.
Tìm mua hoặc nhận nuôi chó đã trưởng thành
Mua hoặc nhận nuôi chó đã trưởng thành là lựa chọn tốt cho các gia đình không mong muốn dành thời gian đào tạo chó con. Khi nuôi chó con, bạn thường tốn nhiều thời gian lau dọn chất thải trong giai đoạn chó chưa học cách đi vệ sinh đúng chỗ.
Phần lớn chó con từ 8 đến 16 tuần tuổi chưa phát triển hoàn toàn khả năng đánh hơi, do đó khó tìm vị trí đi vệ sinh đúng theo yêu cầu chủ nhà. Chó trưởng thành sẽ có khả năng đánh hơi tốt hơn, vì vậy bạn sẽ dễ dàng dạy chúng đi vệ sinh đúng chỗ. Ngoài ra, chó trưởng thành cũng chỉ cần đi vệ sinh từ 2 - 3 lần/ngày và ngày nào cũng đúng giờ nên bạn có thể chủ động dành thời gian cho chó ra ngoài "đi dạo".
Chó trưởng thành sẽ thể hiện rõ tính cách ngay lần đầu tiên gặp bạn và giúp bạn định hình khả năng mà nó hòa nhập vào gia đình. Chúng cũng có khả năng học mệnh lệnh nhanh hơn và thường cố gắng làm hài lòng chủ. Trong khi đó, chó con rất dễ mất tập trung trong lúc tập luyện vì chúng còn ham chơi và chưa có nhu cầu làm hài lòng người chủ.
Cuối cùng, các căn bệnh di truyền cũng sẽ dễ nhận thấy trên chó trưởng thành, từ đó giúp bạn chủ động quyết định có muốn nhận nuôi các chú chó bất hạnh hay không.
Qua bài viết tóm tắt bí quyết chọn mua và nhận nuôi cún cưng, LeLa hy vọng bạn sẽ có trải nghiệm thú vị trong hành trình tìm và chăm sóc chú chó của gia đình!
Comments