Chó con và chó không được dạy dỗ thường có xu hướng giật và kéo dây dắt khi đi dạo. Đây là bản năng tự nhiên của chúng vì trong thiên nhiên, động vật luôn thách thức lẫn nhau để trở thành con đầu đàn.
Chúng ta nên bắt đầu dạy chó không giật và kéo dây ngay tại nhà mình. Để tạo nền cho bài tập này, trước tiên, chú chó cần được đào tạo để không chạy ra khỏi nhà khi cửa mở. Điều này nên bắt đầu từ lúc chú cún còn bé hoặc khi chó vừa nhập gia. Sau khi cún thành thạo, bạn hãy bắt đầu tập cho nó đi dạo bên ngoài.
Căn bản về cách dạy chó đi bộ với dây dắt chó
Khi vừa ra khỏi nhà, nếu chó bắt đầu lôi bạn theo, bạn hãy dừng lại ngay lập tức để dạy chó không giật và kéo dây dắt. Bạn chỉ cần dừng lại, không nói gì và cũng không cần la mắng chú chó, hãy kiên nhẫn chờ cho chú chó dừng theo rồi mới tiếp tục đi. Khả năng rất cao là bạn phải lặp lại điều này từ 10 đến 20 lần để cún yêu ngầm hiểu rằng không được kéo dây trước khi đi được 100m đầu tiên cùng nhau.
Qua vài ngày, sau khi chú chó thành thạo việc ngừng kéo dây, bạn hãy tiến hành dạy nó không được đi trước, và không được ngửi vật lạ trên đường. Chó không được phép đi trước chủ vì trong thế giới động vật, con đầu đàn là con đi trước. Vì vậy, trong mọi tinh huống, bạn nên là người dẫn đầu chú chó. Thêm vào đó, khi đi bộ, người chủ cũng không nên cho chó ngửi vật lạ vì chúng sẽ có khả năng ăn bậy dẫn đến ngộ độc.
Bạn có thể dạy chó không đi trước và không ngửi vật lạ bằng hai cách, (1) giật dây ở góc 90 độ, hoặc (2) dạy hiệu lệnh "chú ý".
Cách 1: Giật dây ở góc 90 độ với vòng cổ.
Mỗi khi chú chó đi trước, bạn hãy giật nhẹ vào vòng cổ theo góc 90 độ vài lần hoặc cho đến khi nó đi chậm lại để bạn tiến về trước. Đừng bao giờ giật dây ngược với hướng tiến lên của chú chó vì bạn sẽ không đủ sức "chơi kéo co" với động vật. Khi thực hiện việc này hàng ngày thì sau một tuần chú chó sẽ bắt đầu hiểu và qua thời gian sẽ bỏ thói quen đi trước chủ.
Cách 2: Bạn nên bắt đầu dạy hiệu lệnh "chú ý" ngay tại nhà.
Bạn hãy gài dây dắt chó vào vòng cổ, chuẩn bị sẵn thức ăn trong tay phải, trước khi bắt đầu bước đi, bạn hãy đưa thức ăn ra trước mũi của chú chó và nói mệnh lệnh "chú ý". Sau khi có sự chú ý, bạn hãy dắt chó đi một vòng tròn 360 độ và luôn chìa tay ra để chú chó để ý nhìn chằm chằm vào tay cầm thức ăn. Cứ đi được một vòng tròn thì bạn cho chó ăn một lần.
Lưu ý rằng cún cưng phải nhìn bạn hoặc nhìn tay cầm thức ăn và không chú ý đến bất kỳ chi tiết nào khác trong phòng. Tùy vào độ tuổi của chó và tần suất luyện tập mà hiệu lệnh này có thể cần đến 10 ngày để chó thuần thục. Khi đi trên đường, bạn chỉ cần nói "chú ý" thì chó sẽ ngưng ngửi vật xung quanh.
Kiểm soát cún cưng khi gặp chó lạ
Với những chú cún còn bé chưa được đào tạo hoặc đang trong thời gian huấn luyện, khi gặp chó lạ, chúng sẽ có khuynh hướng nhào đến để chào hỏi hoặc tấn công mà chưa có sự cho phép của người chủ. Chủ không nên để chó thực hiện hành động này vì chúng sẽ có thói quen lấn át chủ khi có thể. Khi rơi vào tình huống này, bạn hãy thực hiện những bước sau:
Bước 1: Đánh giá tình hình
Khi thấy chó lạ ở xa từ 10 đến 20m, bạn phải chủ động đánh giá hành vi của cún cưng. Nếu cún ta nhìn chằm chằm về phía con chó lạ, tai vểnh lên, thân trên hướng về phía trước, người rướn lên, thì đây là các dấu hiệu cho thấy nó sẽ nhào đến chỗ chó lạ.
Bước 2: Yêu cầu chú chó ngừng chú ý đến con chó lạ
Bạn hãy giật mạnh vào dây dắt chó ở góc 90 độ và nói "không". Bạn nên tiếp tục giật dây cho đến khi chó của mình không còn nhìn về hướng chó lạ. Lúc này, bạn có thể tiếp tục di chuyển nhưng cần liên tục để ý hành vi của chú cún. Cách này giúp bạn tiếp tục đi bộ trên đường mà không cần né tránh chó lạ.
Bước 3: Dùng động tác để ra lệnh cho chó ngừng nhào đến chó lạ
Khi hai chú chó ở cự ly gần từ 1 đến 2m, nếu chú cún của bạn bắt đầu nhào về phía chó lạ, bạn cần giữ chặt dây, kéo dây ở góc 90 độ, giữ thăng bằng cho mình, dùng chân phải và đẩy mạnh vào hông phải của chú chó vài lần cho đến khi nó ngưng nhào về phía trước. Lưu ý: động tác này không yêu cầu bạn đá chú chó, mà là một động tác chạm đủ mạnh vào hông chó để nó ngừng nhào đến con chó khác.
Khi chó của bạn bình tĩnh, không giật dây và không nhào về phía trước thì hai chú chó hoàn toàn có thể đến giao tiếp với nhau dưới sự đồng ý của người chủ.
Comments