top of page
Tìm kiếm

"Thương cho roi cho vọt": Có còn đúng trong xã hội thời nay?

Việc dạy trẻ nề nếp kỷ luật là vô cùng cần thiết để hình thành lối sống đạo đức và chuẩn mực về sau, đặc biệt là trên hành trình con trẻ dần khôn lớn, va chạm nhiều hơn với xã hội.


Chúng ta thường thấy nhiều đề tài hay cuốn sách hướng dẫn dạy con thành thiên tài hay người thành công nhưng đó chưa hẳn là phương pháp giáo dục tối ưu nếu các bậc phụ huynh bỏ qua nền tảng đầu tiên. Đó là giúp con nhận thức đúng-sai-tốt-xấu để con không sa ngã khi bước vào đời.


Tuy nhiên khi đứng trước những hành vi sai phạm của con, nhiều bậc cha mẹ vẫn thường loay hoay và lúng túng không biết nên kỷ luật con như thế nào cho hợp tình hợp lý. Đánh đòn thì đôi khi không nỡ và sẽ dễ để lại sang chấn tâm lý cho con về sau. Còn nếu dễ dãi bỏ qua lại khiến con "tích tiểu thành đại", nghĩa là từ những sai phạm vụn vặt được tích lũy và tạo đà lấn tới để mắc lỗi lớn hơn, đồng thời có thói quen hành xử xấu một cách nghiễm nhiên từ lúc nào không hay.


Không nên mang tâm lý trừng phạt con



Hầu hết các bác sĩ nhi khoa và chuyên gia nuôi dạy con cái khuyến khích cha mẹ không nên đánh con nhưng đại đa số cha mẹ trên khắp thế giới đều thừa nhận đã từng ít nhất một lần trót lỡ nặng tay với con cái (1). Với nhiều phụ huynh, họ cảm thấy đánh đòn có vẻ là cách nhanh và hiệu quả nhất để thay đổi hành vi của trẻ. Điều này cũng có thể hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng các nghiên cứu lại cho thấy trừng phạt thân thể lại gây ra nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài với trẻ em.


Các nghiên cứu liên tục chỉ ra rằng về lâu dài, trừng phạt thể xác không hiệu quả và có thể khiến vấn đề hành vi nơi trẻ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Đánh đòn khiến trẻ có xu hướng hung hăng hơn, nhiều đứa trẻ bị đánh đòn có nhiều khả năng đánh người khác (2). Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy trẻ em bị trừng phạt về thể xác, chẳng hạn như bị đánh đòn, bị xô đẩy, bị quát mắng... có nhiều khả năng bị rối loạn sức khỏe tâm thần, rối loạn lo âu, lạm dụng chất kích thích và rối loạn nhân cách... (3)


Khi hầu hết các bậc cha mẹ đánh đòn trẻ, thực chất động cơ cho việc này xuất phát từ cơn giận dữ. Và họ vô thức giải quyết cảm xúc tức thời này bằng cách tác động vật lý đến trẻ. Nhưng hành vi này lại đang vô tình dạy trẻ giải quyết các vấn đề bằng bạo lực, hay nói cách khác là gieo vào tiềm thức của trẻ rằng "hễ khi nào tức giận thì đều có thể đụng tay đụng chân".

Trẻ con sẽ dễ vô thức học ngay cách mà người lớn xử lý vấn đề. Nếu trước hành vi sai trái của con, bạn nổi cơn thịnh nộ, trẻ cũng sẽ bắt chước tâm lý này và dễ dàng nổi cơn thịnh nộ tương tự trước các hành vi khiến chúng cảm thấy khó chịu của người khác. Cũng như vậy, nếu hành vi của bạn là vừa tức giận vừa đe dọa đánh đòn, trẻ sẽ "noi gương" bạn để ứng xử giống hệt cho các tình huống trong cuộc sống. Như vậy, dù ý muốn của cha mẹ là dạy con rằng làm như vậy là sai, hy vọng con khắc phục để tốt hơn, nhưng cha mẹ lại vô tình "truyền đạt" cho con cách ứng xử sai lầm bằng sự mất kiểm soát cảm xúc và hành vi của chính mình.


Chúng ta không thể dạy con rằng điều con làm là sai, khi mà ta lại chính là người đang có hành vi sai.

Việc đánh đòn cũng đến từ tâm lý muốn trừng phạt và "thống trị" người khác của bản ngã con người. Thực ra, chúng ta không thể giáo dục con một cách đúng đắn bằng cách trừng phạt. Vì điều này là đang dạy con rằng con cũng có thể trừng phạt người khác và thậm chí là chính bạn. Cách kỷ luật này thực chất chỉ là đang tiếp thêm một thói xấu vào tâm trí con, khiến con dễ hình thành thói quen ăn hiếp, bắt nạt hay thậm chí là gây bạo lực với người khác.


Như vậy, hành xử của các bậc cha mẹ là vô cùng quan trọng. Tâm lý của cha mẹ ra sao, thì sẽ ảnh hưởng đến tư duy và cảm xúc của con như vậy. Nếu trước hành vi sai trái của con, cha mẹ bực bội, giãy nảy, không thể kiểm soát được lời nói và hành vi bạo lực, thì con cũng sẽ "thừa hưởng" cách xử lý vấn đề này. Nhưng nếu trước hành vi của con, cha mẹ lại bình tĩnh đón nhận và lắng nghe, thì điều đó sẽ khiến con cũng có xu hướng bình tĩnh để suy xét lại nhận thức và hành vi của bản thân.


Cùng con trải nghiệm đời sống để dạy con thấu hiểu vấn đề



Cứ 3 tháng một lần, gia đình anh chị họ của tôi lại tổ chức cho hai bé nhỏ ở nhà tham gia hoạt động tình nguyện tại trại trẻ mồ côi. Tình nguyện luôn là một điều tốt đẹp, cho các bé đi tình nguyện cùng cha mẹ lại càng tuyệt vời hơn. Nhưng lý do thực tế đằng sau chuyện này thì được chị tôi kể lại như sau.


Cả hai trẻ (bé trai 9 tuổi, bé gái 13 tuổi) thường xuyên lãng phí đồ ăn, ham thích mua nhiều thứ ngoài nhu cầu cần thiết để phục vụ cho sở thích như chơi điện tử, ăn mặc đẹp, đi chơi với bạn bè sau giờ học... Ban đầu, khi nhận thấy thói quen lãng phí này của con, anh chị cũng tỏ vẻ khó chịu và thậm chí nhiều lần khuyên bảo con rằng không nên làm vậy. Nhưng cả hai đứa trẻ vẫn chưa nhận thức thấu đáo vấn đề nên tiếp tục vòi vĩnh và lấy lý do rằng các bạn xung quanh đều như vậy.


Vì muốn dạy con cách sống giản dị, trân trọng thành quả lao động của cha mẹ để từ đó biết chi tiêu hơn khi trưởng thành, anh chị quyết định dẫn hai bé đi tình nguyện ở một số trại trẻ mồ côi trong tỉnh. Tại đây, cả hai con có cơ hội chứng kiến nhiều đứa trẻ sống trong môi trường hết sức đơn sơ, tối giản, không có quần áo đẹp, không có thức ăn ngon, không đồ chơi điện tử, không điện thoại thông minh. Có một số bạn nhỏ còn phải đọc chung một cuốn sách, dùng chung một tấm chăn, nhưng rất năng động, chăm chỉ làm và học cũng như biết giúp đỡ và san sẻ với người khác. Khi hai đứa trẻ trực tiếp tham gia các hoạt động như dạy các em nhỏ học tiếng Anh, cùng nấu nướng, ăn chung, chơi chung với các em tại trại trẻ, chúng bắt đầu ngầm thấu hiểu cuộc sống vốn có nhiều người đồng trang lứa còn khó khăn và thiếu thốn hơn. Chị nói: "Sau vài lần tham gia như vậy, bọn trẻ không còn vòi vĩnh nữa, thậm chí còn biết san sẻ sách, quần áo của mình cho các em ở trại trẻ".


Trong việc giáo dục trẻ, tấm gương từ cha mẹ là bài học quan trọng hàng đầu đối với con. Cảm xúc, suy nghĩ, lời nói, hành động của cha mẹ đều để lại dấu ấn nhận thức nơi con, từ đó định hình nên lối sống của đứa trẻ khi trưởng thành. Đôi khi, trước những hành vi sai của con, chúng ta không nên đưa ra một lập luận vội vàng, không nên dán nhãn con thành đứa trẻ hư hay đứa trẻ xấu, bởi vì bất cứ đứa trẻ nào cũng có sẵn sự tốt đẹp nếu cha mẹ có thể cùng con trải nghiệm, để con sớm phát huy nhận thức tốt đẹp và đúng đắn đó. Như câu chuyện trên là một ví dụ, bằng cách trải nghiệm cùng con đến trại trẻ mồ côi, cha mẹ đang giúp con thực hành sự thấu hiểu với vấn đề của người khác, tự nhìn nhận lại chính mình để biết sửa sai, không còn lãng phí, chứ không cảm thấy bị ép buộc vào khuôn khổ như những giáo điều khô khan.


Và với cách giáo dục này, việc kỷ luật trẻ bằng những hình thức như thể không kỷ luật, tức là cha mẹ đang dạy dỗ con một cách tự nhiên, đi vào đời sống thực tiễn, chứ không qua giáo điều hay qua một hình thức răn đe có hại đến tâm lý con.

Comments


bottom of page