top of page
Tìm kiếm
Trang Ps

Vì sao trẻ ăn trộm và cha mẹ nên hành xử thế nào?

Khi còn học mẫu giáo, trong trí nhớ của tôi, gần như không có hiện tượng ăn trộm, nhưng kể từ khi bắt đầu lên tiểu học, tôi chứng kiến những vụ trộm cắp trong lớp của mình với chỉ gồm khoảng 20 học sinh.


Như bạn biết, mỗi đứa trẻ tiểu học thường có một chiếc cặp sách sinh động, với nào là sáp màu nếu hôm đó có môn vẽ, nào là giấy màu, keo gián giấy, kéo,… nếu hôm đó có môn thủ công, và chắc chắn lúc nào cũng có vở, bút mực, bút chì, thước kẻ,... Thậm chí nhiều bạn còn có một chút tiền lẻ trong cặp để mua dụng cụ học tập hay đồ ăn vặt.


Trẻ con thường rất vô tư và năng động, mỗi lúc tín hiệu đánh trống vang lên báo hiệu giờ ra chơi, gần như đứa trẻ nào cũng ùa ra ngoài sân chơi trò chơi như nhảy dây, ô ăn quan, đánh chuyền,… Nhưng cứ thi thoảng, vào giờ học, có bạn thì kêu mất bộ sáp màu, có hôm có bạn kêu mất tiền như 2000 VND hay 5000 VND. Giờ đây, số tiền ấy quá sức nhỏ, nhưng với những năm 2000, đó là một số tiền có thể mua được 4 chiếc bút chì hay nhiều hơn thế. Và với mỗi đứa trẻ, số tiền đó quả thực quý giá. Những đứa trẻ bị mất cắp thường ngay lập tức mách chuyện với cô, lòng rất hậm hực, tủi thân rồi khóc sướt mướt đỏ hoe cả hai con mắt. Cô giáo chủ nhiệm chúng tôi biết thế rất tức giận, liền phạt cả lớp cuối giờ học đứng xếp hàng nghiêm trước lớp để cô lục soát người, cặp sách của từng học sinh. Nhưng ít khi, cô tìm ra “thủ phạm”. Có khi tìm ra, thì cô liền phạt học sinh đó phải tưới cây suốt tuần hay dọn dẹp nhà vệ sinh của trường học. Đó là mức hình phạt có thể khiến một vài đứa trẻ khác hả hê, nhưng trong lòng đứa trẻ có hành vi trộm cắp, em cảm thấy bị tủi thân, tách biệt và thậm chí tức giận. Đặc biệt, chúng tôi chứng kiến sau khi bị phạt, đứa trẻ ấy vẫn còn hành vi trộm cắp ở một số học kỳ tiếp theo.


Cuối những năm lớp 4 và lớp 5, tình trạng trộm cắp trong lớp dần thuyên giảm, lâu lâu một kỳ học mới có một, hai trường hợp. Lên cấp 2 và cấp 3, tôi hiếm khi gặp chuyện này trong lớp học của mình. Vậy tại sao trẻ trộm cắp và phụ huynh chúng ta cần hành xử với trường hợp này của trẻ ra sao cho khéo léo để các con nhận ra vấn đề đạo đức đúng - sai mà không bị mang tâm lý tội lỗi hay tái phạm?


Nguyên do cho hành vi trộm cắp ở trẻ em



Khi con nhỏ có hành vi trộm cắp, cha mẹ nên đặc biệt quan tâm. Vì trong giai đoạn này, chúng ta cần giáo dục con ngay để hành vi này không có cơ hội phát triển thêm khi con lớn lên.


Một đứa trẻ còn nhỏ có thể lấy một thứ gì đó để kích thích sự quan tâm là điều hết sức bình thường. Điều này không nên coi là ăn cắp, cho đến khi chúng đủ lớn, thường là 3 – 5 tuổi, để hiểu rằng lấy đồ của người khác là sai (1). Trẻ em dưới 3 tuổi lấy đồ vật vì chúng không hiểu về sự khác biệt cái gì là “của tôi” và cái gì không. Trẻ em trong độ tuổi 3 – 7 tuổi bắt đầu biết tôn trọng những thứ thuộc về người khác. Khi đứa trẻ lên 9, chúng sẽ tôn trọng tài sản của người khác và hiểu rằng ăn cắp là sai trái (2).


Dù người lớn đều biết rằng trộm cắp là sai nhưng với con nhỏ, chúng ăn trộm vì nhiều lý do. Một đứa trẻ có thể ăn cắp để có cảm giác bình đẳng khi thấy anh/chị/em họ được ưu ái bằng tình cảm hoặc quà tặng. Đôi khi, trẻ ăn cắp để thể hiện tính dũng cảm, gan dạ, táo bạo với bạn bè, hoặc để làm quà cho gia đình, bạn bè, hay vì được các bạn đồng trang lứa chấp nhận. Có trẻ ăn cắp để không muốn “phụ thuộc” vào ai, vì vậy chúng lấy những gì chúng cảm thấy cần. Chúng cũng dễ bị ảnh hưởng bởi thói trộm cắp từ người thân trong gia đình hay môi trường sống tiêu cực xung quanh. Đồng thời, trẻ có thể cố gắng trộm cắp để cảm thấy tự hào về điều gì đó mà chúng đã làm nếu không nhận được lời khen hay phản hồi xứng đáng từ cha mẹ.


Cha mẹ cần tích cực dạy con về quyền tài sản và nên là hình mẫu cho con noi theo. Nếu bạn trở về nhà với những câu chuyện “khoe khoang” sai lầm trộm cắp của mình ở quầy thanh toán trong siêu thị thì con có thể nhiễm thói xấu này, và không thể học bài học về tính trung thực.


Cha mẹ nên cân nhắc xem trẻ có ăn trộm để được quan tâm. Trong trường hợp này, trẻ có thể biểu lộ không hài lòng, tức giận, hậm hực. Với trẻ, vật mà con đánh cắp có thể thay thế cho tình yêu hoặc tình cảm. Cha mẹ nên gần gũi và cho con thấy con là một thành viên quan trọng trong gia đình.


Nếu cha mẹ thực hiện những cách quan tâm thích hợp thì trong hầu hết trường hợp, hành vi trộm cắp sẽ dừng lại khi con lớn lên. Các bác sĩ tâm thần trẻ em và trẻ vị thành niên đã khuyến cáo điều cha mẹ cần làm khi phát hiện con mình ăn trộm (3):

- Nhẹ nhàng nói với trẻ rằng ăn cắp là sai.

- Giúp con sẵn sàng trả lại đồ vật đánh cắp.

- Đảm bảo rằng đứa trẻ không được hưởng lợi từ hành vi trộm cắp dưới bất cứ hình thức nào.

- Không coi trẻ là kẻ trộm, kẻ xấu. Không xúc phạm, bêu rếu trẻ giữa chốn đông người.

- Chia sẻ nhẹ nhàng với trẻ rằng hành vi này là hoàn toàn không thể chấp nhận trong truyền thống gia đình và cộng đồng.


Khi trẻ sẵn sàng trả lại món đồ mà chúng vừa đánh cắp, cha mẹ không nên nhắc lại vấn đề này để tránh con có cảm giác tội lỗi hay ám ảnh.

Nhưng khi hành vi trộm cắp vẫn tiếp diễn hoặc trẻ có biểu hiện những triệu chứng nghiêm trọng như: khó khăn trong việc phát huy tình cảm với gia đình, bạn bè; khó tin tưởng người khác và khó hình thành các mối quan hệ thân thiết; thay vì cảm thấy sai trái xấu hổ khi trộm cắp, con đổ lỗi cho người khác và lý luận “vì họ từ chối cho nên con trộm nó”, thì chúng ta nên đưa con đến bác sĩ tâm lý để đánh giá kỹ hơn và phát triển kế hoạch chăm sóc, điều trị.


Dạy con rằng mọi vật chất đều từ công sức lao động mà có


Nếu bạn thực sự muốn giải quyết vấn đề trộm cắp của con, hãy bình tĩnh đặt mình vào thế giới quan của chúng. Trong lăng kính của trẻ con, tiền bạc hay của cải không phải là thứ mà một người kiếm được bằng chính công sức của mình. Thay vào đó, những thứ này được trao “một cách miễn phí” bởi những người nắm quyền, thường là cha mẹ chẳng hạn. Như vậy, chúng ta nên dạy cho con từ khi còn nhỏ rằng con phải làm việc để có mọi thứ. Ví dụ, con cần dọn dẹp phòng mình, tưới cây, rửa chén bát, phụ cha mẹ chăm em,... thì sẽ nhận được tiền tiêu vặt trong tuần này. Với người lớn, làm việc mới có tài chính hay vật chất là điều hiển nhiên. Khi bạn dạy trẻ hiểu rõ điều này, đứa trẻ dần dần hiểu ra rằng không có gì là của mình nếu không bỏ công sức lao động. Từ đó, chúng sẽ biết cách tôn trọng vật chất và thành quả lao động của mình và người khác.



James A . Powells - nhà tâm lý học lâm sàng với 48 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn - khuyên phụ huynh nên cẩn thận “tránh giao kèo” cho trẻ những thứ có thể làm nguy hiểm đến chúng. Chẳng hạn, bạn hứa với con làm đủ việc nhà trong một tháng thì được mua máy chơi điện tử mới, nhưng sau đó con chơi hàng giờ đồng hồ mỗi đêm và không làm bài tập về nhà. Cuối cùng, việc học của con sút giảm, bạn can thiệp lấy đi đồ điện tử mà chúng coi là vật sở hữu. Điều này sẽ khiến trẻ cảm thấy chúng bị kiểm soát và đối xử không công bằng. Trẻ sẽ nghi ngờ lời dạy của bạn và cho rằng bạn đang không tôn trọng “thành quả làm việc nhà của chúng” để có món đồ chơi. Trong mắt trẻ, giờ đây, chẳng phải bạn đang “đánh cắp” máy chơi trò chơi của chúng sao? Vì thế, rốt cuộc lời dạy của bạn sẽ không thuyết phục (4).


Chúng ta không nên đưa cho con những thứ mà mình có thể muốn lấy lại. Ví dụ, con bạn hoàn thành nhiệm vụ được giao và chúng muốn có đồ chơi điện tử. Bạn có thể mua cho con một chiếc nhưng phải nói rõ rằng đó là của bạn, và con chỉ được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, chứ không thể tùy ý. Việc hạn chế sử dụng nằm trong thỏa thuận giữa bạn và con, nên bạn sẽ không bị coi là ăn cắp khi lấy lại món đồ. Như vậy, để con không ăn trộm thì bạn cần làm gương cho con, rằng bạn không hề đánh cắp của con hay của bất cứ ai điều gì.


Hãy nhìn hành vi trộm cắp của con với thái độ nghiêm khắc và từ bi


Nhà tâm lý học James A . Powells khuyên rằng, giả sử, bạn phát hiện con lấy tiền từ ví của mình, thay vì giấu ví, hãy để chiếc ví ở quầy bếp chẳng hạn, nơi dễ nhìn thấy và giao cho con trách nhiệm trông coi chiếc ví an toàn. Chúng ta sẽ nói với con rằng, nếu phát hiện thiếu tiền, thì con sẽ chịu trách nhiệm, thay vì hỏi ai đã lấy tiền. Ví dụ, nếu phát hiện bị mất 50.000 VND, hãy bảo con nhiệm vụ là cần trông coi ví cho an toàn và hình phạt là lau 3 cửa sổ và dọn 2 bồn rửa mặt. Nhưng nếu con xin lỗi và đảm bảo ví được an toàn, thì con chỉ cần lau 2 cửa sổ. Lúc đó, đứa trẻ sẽ có động lực trước hình phạt nhẹ hơn và tự đưa ra lời xin lỗi. Con sẽ xem bạn là người tích cực chứ không phải tiêu cực (5).


Sự kỷ luật này là thông minh, thay vì bất lực trước sự trộm cắp của con. Điều này cũng giúp con biết học cách cẩn thận và ngầm nhận ra trộm cắp quả thực là một điều không nên làm. Và bằng cách này, phụ huynh đang xoay chuyển sự cám dỗ trộm cắp nơi trẻ thành hành vi bảo vệ đồ vật và tính trung thực.


Nhưng có một lưu ý, hành vi trộm cắp khi đã ngấm vào vô thức rất dễ để tái phạm. Cha mẹ nên kiên nhẫn với con và thực hiện kiểu tiếp cận này trong thời gian dài, thói quen này của con sẽ dần biến mất.



Khen thưởng trẻ khi chúng trung thực


Khi trẻ nhặt được món đồ nào đó bị rơi trên đường và đến đưa cho bạn, phụ huynh nên khen con về hành vi hết sức trung thực này. Đồng thời, chúng ta có thể cùng con đến công an phường để con chứng kiến rằng bạn và con đang nỗ lực trả lại món đồ cho người đánh rơi. Dù chỉ là việc nhỏ nhưng nó sẽ để lại kỷ niệm quý giá in sâu trong tiềm thức con, để sau này con phát huy tính trung thực trong bất kỳ môi trường sống nào.


Ngay cả khi con trung thực với hành vi sai trái mà mình vừa làm, cha mẹ cũng nên lắng nghe đầu đuôi câu chuyện vì sao con lại hành xử như vậy, để từ đó có thể đặt mình vào trường hợp của con và thấu hiểu. Vì khi con biết hối lỗi, nghĩa là con đã biết sai, và đó chính là khởi đầu cho những hành vi đúng đắn.

Chẳng hạn, con đi học về và ăn món bánh mà bạn định dùng để biếu bà ngoại. Khi thấy bạn về, con liền thành thực kể mình đã lỡ "ăn trộm" chiếc bánh mà bạn chưa cho phép. Dù kế hoạch của bạn cho món bánh đã có sẵn, nhưng không vì thế mà bạn nổi giận với con. Bạn hỏi con vì sao con ăn bánh, và con bảo vì đi học về đói quá, nên thấy bánh liền mừng rỡ ăn ngay mà không nghĩ ngợi gì. Lúc này, hãy nhẹ nhàng bảo con rằng không sao, và nói rõ với trẻ sau này đói có thể ăn những món bạn để tại ngăn tủ dành riêng cho con. Đồng thời nói rõ lý do chiếc bánh kia là để bạn dành biếu bà. Lúc ấy, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng và có động lực tích cực để tiếp tục trung thực và không còn tái phạm lỗi lầm.

コメント


bottom of page