Sự tò mò không xấu, mà ngược lại, còn giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, tìm tòi khám phá cuộc sống quanh mình. Tại sao trẻ em cần trí tò mò để tăng cường khả năng học tập và ghi nhớ? Các bậc cha mẹ có thể khơi dậy điều này bằng cách nào, bắt đầu từ độ tuổi nào của trẻ?... Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu về mối liên kết giữa não bộ và trí tò mò, cũng như điểm qua những khám phá mới của các nhà khoa học về cách nuôi dưỡng sự tò mò ở trẻ nhỏ.
Trí tò mò thay đổi não bộ trong học tập và ghi nhớ
Thông qua hình ảnh quét não, các nhà khoa học đã khám phá ra sự tò mò có liên quan mật thiết đến các mạch não giúp ghi nhớ và cảm giác được tưởng thưởng, từ đó giúp gia tăng khả năng học hỏi thông tin mới của chúng ta. Điều đó có nghĩa là những gì nhàm chán thường khiến con người khó nhớ hơn những gì thú vị. Khi đã có câu trả lời đáp ứng được sự tò mò, não bộ sẽ kích thích phần não cảm thấy hài lòng, tạo cảm giác như nhận được phần thưởng. Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên đã ghi nhớ đúng hơn 17% thông tin mà họ tò mò muốn biết và chỉ nhớ khoảng 4% những điều không liên quan hoặc không thú vị đối với họ (1). Matthias Gruber, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Một số cá nhân học tốt hơn nhiều khi họ tò mò, trong khi những người khác lại tiếp thu được ít hơn. Điều này cho thấy tác động của trí tò mò lên việc học tập của mỗi người khác nhau đáng kể. Những khác biệt này liên quan trực tiếp đến các vùng não xử lý phần thưởng và hình thành ký ức”.
Nhà khoa học nhận thức Elizabeth Bonawitz khẳng định rằng, tính tò mò là đặc trưng bẩm sinh của tất cả mọi người, tương tự cảm giác đói hoặc khát. Sự tò mò giống như một bộ lọc giúp chúng ta nhìn nhận về thế giới, quyết định xem thông tin nào thực sự quan trọng và cần phải tiếp thu. Vì vậy, nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc học tập, đặc biệt là với các bạn trẻ. Để hỗ trợ các nhà giáo dục và phụ huynh hiểu rõ hơn về cách khơi dậy trí tò mò tự nhiên ở trẻ em, Elizabeth Bonawitz đã tổng hợp lại những lưu ý thiết thực từ một nghiên cứu mới công bố về trí tò mò (2).
Những khám phá mới về việc khơi dậy trí tò mò
Không có bằng chứng nào cho thấy chúng ta có thể nuôi dưỡng trí tò mò như một đặc điểm tính cách, nhưng chúng ta có thể tạo ra các tình huống gợi nên sự tò mò ở trẻ. Cũng cần lưu ý phân biệt rõ giữa trí tò mò ham học hỏi với sự tọc mạch không cần thiết. Bonawitz không nghĩ cha mẹ có thể giúp trẻ trở thành “một người tò mò hơn”, bởi tò mò là một phản ứng tự nhiên xảy ra khi tiếp nhận thông tin. Thay vào đó, các bậc phụ huynh nên tập trung vào việc tạo ra những khoảnh khắc khơi dậy phản ứng tò mò ở trẻ, thông qua những cách sau đây:
Nhấn mạnh vào sự mơ hồ: Các bạn nhỏ từ 4 tuổi bắt đầu nhận biết những điểm mâu thuẫn trong một tình huống, hoặc phát hiện ra sự vô lý, không phù hợp giữa một dự đoán và tình huống thực tế. Sự khác biệt mơ hồ này chính là "công tắc" tự động khơi dậy trí tò mò, khiến trẻ muốn tìm hiểu thêm thông tin rõ ràng.
Giúp các bạn thấy được những lỗ hổng kiến thức đang có: Các nhà nghiên cứu gợi ý rằng, khi trẻ cảm thấy kiến thức và câu trả lời của mình chưa đầy đủ, chúng thường có thiên hướng tìm kiếm thêm những thông tin khác. Giúp trẻ nhận ra chúng đang thiếu bằng chứng hoặc chưa có nhiều góc nhìn đa dạng về một vấn đề sẽ khiến trẻ tò mò hơn và tìm hiểu, khám phá.
Khuyến khích trẻ đưa ra dự đoán và giả định về thế giới: Cha mẹ có thể hỏi trẻ các câu hỏi khác nhau được thiết kế để hướng sự chú ý của con đến một hiện tượng cụ thể. Bonawitz gọi đây là các câu hỏi sư phạm (pedagogical questions) - những câu mà người hỏi đã biết câu trả lời, được tạo ra để giúp người khác học hỏi (3). Cách hỏi này sẽ giúp trẻ nghĩ về những niềm tin trước đó, phát hiện ra các điểm không hợp lý và hướng sự chú ý của mình đến kiến thức mới.
Để trẻ bắt chước sự tò mò: Cha mẹ và thầy cô nên cho trẻ thấy việc tìm hiểu, khám phá thế giới là một điều hữu ích và đáng quý, bằng cách làm gương cho trẻ noi theo. Sự bắt chước có thể giúp trẻ học hỏi nhanh hơn và mang tính thực tế hơn vì chúng sẽ noi theo những người gần gũi nhất.
Giảm những rào cản cho việc theo đuổi: Trẻ thường cảm thấy chúng không nên và không có thời gian đặt câu hỏi vì bị người lớn bác bỏ hoặc bị bạn bè cùng lứa trêu trọc. Hãy khuyến khích và tạo dựng sự tự tin cho con để tự do theo đuổi những thắc mắc của mình. Đồng thời, chúng ta có thể hỗ trợ trẻ tìm ra những nguồn thông tin chính xác nếu các bạn không tự tin vào khả năng kiến thức của chính mình.
Giúp trẻ nhận ra sự cân bằng: Nếu cứ bị cuốn vào việc cố gắng giải quyết một vấn đề, trẻ em sẽ bỏ lỡ những thông tin mới có giá trị. Thế nên, ngoài việc khuyến khích con cái khám phá, phụ huynh cần giúp trẻ phân định rõ khi nào nên tò mò và khi nào nên làm theo những điều chúng đã biết. Điều này giúp ích cho sự tập trung và đạt mục tiêu khi học tập của trẻ.
Xây dựng kiến thức căn bản vững chắc: Dạy dỗ trực tiếp là một cách hiệu quả để giúp con học được các thông tin chính xác và nền tảng tiên quyết cho quá trình phát triển kiến thức sau này. Khi đã được trao truyền những thông tin cơ bản quan trọng, trẻ sẽ có nền tảng vững chắc và khơi gợi sự tò mò dễ dàng khi tự học thêm về sau.
“Điều quan trọng là phải không ngừng đặt câu hỏi. Sự tò mò luôn có lý do để nó tồn tại” - Albert Einstein
Như chúng ta đã biết, tò mò đóng vai trò thiết yếu trong việc ghi nhớ kiến thức và tạo động lực to lớn để trẻ có hứng thú khi học. Để duy trì bất cứ sự khám phá hay thậm chí là hành động thực tiễn nào, chúng ta đều cần đến sự tò mò để tìm tòi, đào sâu học hỏi, từ đó có thể đưa ra những ý tưởng sáng tạo mới. Vì thế, cần tạo dựng môi trường khuyến khích trí tò mò của trẻ thông qua những cách dạy dỗ từ nhỏ. Đồng thời, cha mẹ nên hiểu rằng dạy con biết tò mò về thế giới là một hành động hữu ích và cần được duy trì để giúp con có một tương lai tốt hơn, nhất là trong thời đại nhiều thông tin và đa dạng hóa các lĩnh vực như hiện nay.
Comments