top of page
Tìm kiếm

Cha mẹ nên làm gì để giúp con nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc?

Giáo dục về trí tuệ cảm xúc (EQ) từ khi con còn nhỏ là bước quan trọng để xây dựng một tinh thần vững vàng cho con sau này. EQ không chỉ giúp trẻ hiểu rõ cảm xúc bản thân, quản lý căng thẳng, mà còn dạy trẻ cách đồng cảm và tôn trọng cảm xúc người khác.


Lợi ích của trí tuệ cảm xúc đối với trẻ nhỏ


Ảnh: Note Thanun

Trong nhiều thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện trí tuệ cảm xúc mang lại nhiều tác động tích cực và giúp ích cho con bạn trong suốt cuộc đời. Những lợi ích điển hình của EQ bao gồm:

  • EQ cao có liên quan đến chỉ số IQ cao:

Trẻ em có EQ cao thực hiện các bài kiểm tra tốt hơn và có xu hướng đạt điểm cao hơn (1).

  • Tăng sự sáng tạo:

Trẻ thông minh về mặt cảm xúc thường có khả năng sáng tạo cao, kể cả khi bị tắc ý tưởng. Chúng có thể cải thiện kỹ năng giải quyết vấn đề nhanh chóng bằng cách sử dụng trí tưởng tượng của mình (2).

  • Tạo dựng các mối quan hệ tốt đẹp:

Các kỹ năng của trí thông minh cảm xúc như sự đồng cảm và thái độ bình tĩnh sẽ giúp trẻ quản lý xung đột hiệu quả và phát triển được những tình bạn sâu sắc.

  • EQ thời thơ ấu đóng góp vào thành công khi trưởng thành:

Nghiên cứu kéo dài 19 năm được công bố trên tạp chí American Journal of Public Health cho thấy các kỹ năng về xã hội và cảm xúc của một đứa trẻ ở độ tuổi mẫu giáo có thể dự đoán trước việc thành công. Những đứa trẻ có khả năng chia sẻ, hợp tác và biết làm theo hướng dẫn ở tuổi lên 5 sẽ tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm toàn thời gian vào 25 tuổi nhiều hơn (3).

  • Cải thiện sức khỏe tinh thần:

Những bạn sở hữu mức độ trí tuệ cảm xúc cao thường có ít nguy cơ bị trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác (4).


Hỗ trợ con bạn nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc là điều cần thiết và nên làm ngay từ bây giờ. Một đứa trẻ tự làm dịu cơn giận có khả năng đối phó với những thách thức trong cuộc sống một cách thông minh. Một đứa trẻ bộc lộ cảm xúc của mình theo cách lành mạnh cũng duy trì được những mối quan hệ sâu sắc, hơn là những bạn hay la hét hoặc nói lời gây tổn thương khi sự việc không theo đúng ý mình. Tất cả trẻ em đều có khả năng học về trí tuệ cảm xúc, các bạn chỉ cần người lớn chỉ dẫn đúng cách.


Khuyến khích con chấp nhận cảm xúc


Ảnh: Aaron Burden

Trước khi chấp nhận cảm xúc, trẻ em cần học cách nhận biết cảm xúc nào đang khởi lên. Chúng ta có thể giúp con bằng cách đặt tên cảm xúc mà con đang cảm nhận. Khi bé đang khó chịu hoặc buồn vì mất đồ chơi hoặc phải chia sẻ thứ gì đó, hãy thử hỏi “Con đang cảm thấy tức giận đúng không?” hay “Con có đang buồn điều gì không? Các từ như “tức giận”, “khó chịu”, “hồi hộp”, “vui sướng” đều là những từ vựng giúp diễn đạt cảm xúc. Biểu đạt cảm xúc bằng lời nói như vậy sẽ giúp bé tránh việc phớt lờ cảm xúc hoặc không biết mình đang cảm thấy gì.


Nghiên cứu chỉ ra rằng cha mẹ có EQ cao thường có con thông minh về mặt cảm xúc (5).

Họ là những người làm gương để con thể hiện cảm xúc một cách thích hợp. Sử dụng các từ mang tính cảm nhận trong cuộc trò chuyện hàng ngày sẽ giúp trẻ nghe theo và bắt chước, chẳng hạn như những câu “Tôi cảm thấy không vui khi thấy điều này” hoặc “Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được mời bạn bè đến ăn tối”. Cách tốt nhất để dạy con cách thể hiện cảm xúc là tự mình làm mẫu cho con những kỹ năng này.


Khi đã thể hiện được cảm xúc, điều đó cũng có nghĩa là con bạn đang học cách chấp nhận cảm xúc của mình, và điều này củng cố thêm trí thông minh cảm xúc. Chấp nhận nghĩa là trẻ công nhận cảm xúc của mình mà không phán xét hay cố gắng thay đổi chúng, chấp nhận rằng những cảm xúc này đang tồn tại mà không cố kìm nén hoặc đẩy chúng ra xa (6).


Thể hiện sự đồng cảm với con


Lắng nghe cẩn thận khi con chia sẻ về cảm xúc của mình cũng giúp trẻ cảm thấy được hiểu và cảm thông, một nhu cầu trẻ luôn cần đến từ cha mẹ. Điều này giúp xây dựng niềm tin rằng cha mẹ là chỗ dựa an toàn mà các bạn có thể tìm đến, thay vì chạy trốn vào những lúc căng thẳng và khủng hoảng.


Ảnh: Khadeeja Yasser
Cần lưu ý rằng, khi con khó chịu, nhất là lúc cảm xúc của con hơi thất thường và có vẻ kịch tính, nếu chúng ta đưa ra những lời nhận xét có tính chất bác bỏ, vô tình trẻ sẽ hiểu rằng điều chúng đang cảm nhận là sai, dẫn đến việc che giấu hoặc chạy trốn cảm xúc của mình.

Một cách tiếp cận tốt là xác thực cảm xúc của con và thể hiện sự đồng cảm - ngay cả khi bạn không thực sự hiểu tại sao con lại khó chịu đến vậy. Ví dụ như, nếu con khóc vì không được đi công viên cho đến khi học bài xong, hãy nói điều gì đó như “Ba/mẹ cũng hay cảm thấy không vui khi không được làm những gì mình muốn. Đôi khi thật khó để làm những gì mình không thích”. Cho con thấy bạn hiểu cảm giác của con sẽ giúp chúng cảm thấy được động viên và đồng cảm hơn.


Dạy con kỹ năng phản ứng lành mạnh


Chúng ta nên giúp con hiểu ra tâm trạng không nhất thiết phụ thuộc hoàn toàn vào ngoại cảnh, thay vào đó, mỗi người đều có khả năng tự quản lý cảm xúc của mình. Như vậy, con có thể tự đứng lên và rút ra bài học kinh nghiệm sau mỗi lần gặp chuyện không ổn, thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác.


Bạn có thể hướng dẫn một số kỹ năng cụ thể để giúp con phản ứng lành mạnh, bao gồm việc học cách hít thở sâu một vài lần khi chúng tức giận để giúp tâm trí bình tĩnh, hay nhắm mắt lại một lúc để cảm nhận những cảm giác và thư giãn những nơi căng thẳng trên cơ thể. Một số hoạt động vui chơi bổ ích cũng giúp trẻ điều chỉnh cảm xúc tốt hơn như tô màu, nghe nhạc không lời, đốt nến thơm... Những cách này thu hút được các giác quan và xoa dịu cảm xúc của trẻ.


Ảnh: Sigmund
Hiểu được cảm xúc và phản ứng phù hợp là một nền tảng quan trọng của EQ. Nghiên cứu đã chỉ ra, khi trẻ em quản lý cảm xúc của mình tốt, việc học ở trường cũng tiến bộ hơn và trẻ tạo được thêm nhiều tương tác tích cực với bạn bè và giáo viên (7).

Xử lý được những cảm giác không thoải mái chẳng hạn như lo lắng và tức giận là điều tốt cho sức khỏe. Nhưng hãy làm rõ việc có những cảm xúc như vậy là hoàn toàn bình thường, để tránh trường hợp con nghĩ rằng “mình không nên cảm thấy đau buồn” và bắt đầu cố gắng hết sức để tránh phải đau buồn. Trên thực tế, đau buồn hay tức giận không phải việc xấu. Điều quan trọng là chúng ta đối phó với cơn giận theo cách lành mạnh hay không, có hóa giải được cảm xúc trong tâm trí hay vô tình trút lên những người khác.


Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc là hành trình liên tục


Cho dù con chúng ta đã thể hiện được sự thông minh về mặt cảm xúc nhưng vẫn sẽ có chỗ cho việc cải thiện và tiến bộ. Khi lớn lên, chúng sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống xã hội phức tạp, đòi hỏi cách xử lý thông minh và khả năng quản lý cảm xúc nhanh nhạy. Nhất là trong bối cảnh xã hội thay đổi nhanh chóng và có nhiều sự đổi mới, sở hữu trí tuệ cảm xúc cao sẽ giúp con chúng ta thích nghi với cuộc sống tốt hơn.


Cha mẹ có thể chia sẻ nhiều hơn với con về EQ và biến nó thành mục tiêu để con hướng đến. Trao đổi về cảm xúc nhiều hơn sẽ giúp con hiểu rõ về cách nhận biết, điều chỉnh và quản lý cảm xúc của mình. Trò chuyện về những nhân vật trong sách, trong phim và thảo luận về các hướng giải quyết cảm xúc cũng là cách giúp con động não và suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này.


Khi con đã có sự tin tưởng nhất định, cha mẹ có thể chia sẻ về những sai lầm của con để rút ra bài học kinh nghiệm. Chẳng hạn như khi trẻ làm tổn thương cảm xúc của ai đó, hãy dành thời gian để bàn bạc về những lựa chọn tốt hơn mà con nên làm trong tương lai. Với một thái độ lắng nghe tập trung và cảm thông, trẻ sẽ hiểu ra vấn đề và điều chỉnh được phản ứng của mình.


Ảnh: James Wheeler

Đa phần trẻ em chưa được sống trong một môi trường tôn trọng cảm xúc và khuyến khích chúng thể hiện cảm xúc của mình. Trẻ được dạy cách kìm nén và che giấu cảm xúc để không thể hiện sự yếu đuối hoặc do không phù hợp với các chuẩn mực. Lael Stone, tác giả, diễn giả và là nhà tư vấn về nuôi dạy con cái, đã đặt ra những câu hỏi như sau (8):

  • Sẽ thế nào nếu chúng ta cung cấp cho các bậc cha mẹ những công cụ và kiến thức để lắng nghe con cái của họ một cách từ bi?

  • Sẽ thế nào nếu cha mẹ gỡ bỏ được quá khứ tuổi thơ của mình, để không phải mang hàng trang ấy đặt lên vai con cái?

  • Sẽ thế nào nếu chúng ta ủng hộ và khuyến khích các bé trai khóc và các bé gái bày tỏ sự tức giận, để tìm ra tiếng nói và lên tiếng vì những điều cần thiết?

  • Sẽ thế nào nếu thay vào những hình phạt khắc nghiệt, chúng ta lắng nghe với lòng từ bi và sự yêu thương?

  • Sẽ thế nào nếu chúng ta lấy tất cả những ý tưởng này và đặt vào hệ thống giáo dục của mình?


Cha mẹ là những người đóng vai trò quan trọng trên hành trình trưởng thành của con và là tấm gương để con cái noi theo, hình thành nên những suy nghĩ, hành vi của mình. Chúng ta nên nghiên cứu những phương pháp nuôi dạy khoa học và phù hợp nhất để hỗ trợ trẻ phát triển cảm xúc toàn diện.


Sự hỗ trợ và hướng dẫn liên tục của cha mẹ chính là món quà quý giá để con nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc và sức mạnh tinh thần, từ đó vượt qua được các chướng ngại và chinh phục những ước mơ trong tương lai một cách vững vàng.

Comentarios


bottom of page