top of page
Tìm kiếm

Cây trong nhà: Bạn đã chăm sóc đúng cách chưa?

Cây trong nhà (indoor plants) là một lựa chọn tuyệt vời cho ngôi nhà thêm xanh, sạch và thân thiện với môi trường. Đây có lẽ là xu hướng trang trí nội thất đa công năng nhất bởi nó vừa tạo thêm không gian xanh cho căn nhà, vừa đóng góp nhiều cho sức khỏe và hạnh phúc của mỗi người. Tuy nhiên, một điểm thường thấy ở những người mới bắt đầu mua cây đó là quên mất chúng nên được chăm sóc cẩn thận theo một số cách nhất định, chứ không phải chỉ cần đặt ở nơi nổi bật hoặc đẹp nhất trong nhà.


Khi nói đến cây trồng trong nhà, chúng ta không thể không điểm qua những lợi ích đặc biệt của nó. Cụ thể, việc trồng và để các loại cây này ở môi trường xung quanh sẽ giúp mỗi người:

  • Giảm nhịp tim, huyết áp và mức độ căng thẳng (1).

  • Cải thiện sự chú ý, tập trung, gia tăng năng suất và khả năng sáng tạo (2), (3), (4).

  • Cải thiện sự hài lòng trong công việc (5).

  • Tạo ra cảm giác hạnh phúc, đặc biệt là ở những người bị trầm cảm, lo âu, sa sút trí tuệ và các bệnh lý khác (6).

  • Nâng cao chất lượng không khí trong nhà (hiệu quả nhất đối với các loại cây Ficus, cây nhện, cây đa búp đỏ, cây dương xỉ Boston) (7), (8).



Cây quả thực mang lại nhiều tác động tích cực cho cuộc sống chúng ta, nhưng nếu chưa biết cách chăm sóc đúng - điển hình là những nhầm lẫn phổ biến như đặt cây ở nơi thiếu sáng hoặc có gió lùa - cây sẽ không thể phát triển lâu dài và bạn phải tiếp tục mua nhiều cây mới thay thế cho cây cũ đã chết.


Những sai lầm thường gặp này bao gồm những gì? Làm thế nào để khắc phục chúng? (9)


Hiểu sai về “ánh sáng gián tiếp”


Một số người biết về cụm từ “ánh sáng gián tiếp” tin rằng, nơi tốt nhất để đặt cây là ở chỗ tránh ánh nắng trực tiếp. Nhưng thường chúng ta sẽ đặt cây quá xa cửa sổ, nơi có ít ánh sáng gián tiếp, dẫn đến việc cây phát triển kém. Thay vào đó, chúng ta nên tuân theo một số quy tắc sau:

  • Đặt cây càng gần cửa sổ càng tốt. Cửa sổ này nên có kích thước lớn nhất trong nhà và nhìn ra được bầu trời để cây tiếp nhận ánh nắng.

  • Nếu thời gian tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời kéo dài hơn 2-3 giờ, bạn nên che cửa sổ lại bằng một tấm rèm màu trắng. Đây là lý do vì sao những nhà có cửa sổ đặc biệt lớn (hoặc cửa sổ trần) thường có cây đẹp hơn và sống được lâu. Nếu cửa sổ nhỏ và bị che khuất nhiều, cây sẽ phát triển kém dù chúng ta tưới nước đầy đủ thế nào.

  • Thay vì chọn cây dựa trên vẻ đẹp bên ngoài, chúng ta cần lưu ý hơn đến không gian sống, cụ thể là chất lượng ánh sáng ở nhà có đủ tốt để loại cây này phát triển hay không.



Khi cây không nhận đủ ánh sáng, nó dễ gặp các vấn đề như sâu bệnh hoặc các loại bệnh khác. Một số cây có thể tồn tại trong điều kiện ánh sáng yếu nhưng không thể phát triển mạnh. Hầu hết các trường hợp, chúng ta nên cung cấp nhiều ánh sáng cho cây hơn là hạn chế nó.


Đồng thời, bạn cũng cần chú ý tránh đặt cây bên cạnh hệ thống sưởi, điều hòa không khí và những nơi có gió lùa để tránh làm hỏng cây. Tiếp xúc với luồng gió quá nóng hoặc quá lạnh sẽ gây căng thẳng cho cây, khiến lá trở nên vàng, nâu hoặc đen và rụng sớm.

Mỗi lần "chỉ tưới một phần"



Không nên chỉ tập trung tưới vào một khu vực, chúng ta cần tưới đủ khắp nơi xung quanh vùng đất cho đến khi nước chảy ra khỏi lỗ thoát bên dưới đáy chậu. Điều này giúp cho toàn bộ rễ được làm ẩm. Nếu chỉ tưới một bên, rễ bên kia sẽ không nhận được chút nước nào, gây ra tình trạng chết một nửa cây thường thấy, nhất là ở những cây lớn và các loài như xương rồng, dương xỉ cùng các loại cây ưa ẩm.


Ngoài ra, để đảm bảo không tưới quá nhiều hoặc quá ít lượng nước, bạn có thể tham khảo một số lưu ý sau:

  • Không phải tính toán giữa các lần tưới mà chỉ cần cảm nhận đất sâu khoảng 1-2 inch (2-5 cm). Nếu đất khô và nhiều bụi, bạn nên cho cây uống nước. Nếu đất quá ẩm ướt và có mùi, hãy cẩn thận vì cây có thể bắt đầu bị thối. Tùy vào loại cây sẽ được tưới vài ngày một lần, tưới hằng tuần hoặc thậm chí 2 tuần một lần.

  • Nên sử dụng nước ấm để tưới vì hầu hết cây trong nhà không đến từ những vùng lạnh. Nước ấm sẽ hấp thụ vào đất nhanh, hiệu quả hơn cho cây.

  • Hướng dòng nước về phía gốc cây vì nếu đổ nước vào tất cả thân cây, nó sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc có nấm bám vào lá.

  • Bắt đầu với một chút nước, đợi nước ngấm rồi tưới thêm một chút, cứ như vậy cho đến khi cảm thấy nước đã đủ chứ không nên đổ nước vào quá nhanh.

  • Đối với các cây đặt ở cửa sổ có nhiều ánh nắng, chúng khô rất nhanh nên bạn cần để ý tưới ngay khi cây khô.

  • Hãy lưu ý về sự thay đổi theo mùa. Một cây mọng nước (cây sống ở các vùng khô hạn, có khả năng dự trữ nhiều nước như xương rồng, sen đá…) nên tưới vài ngày một lần trong những tháng nắng nóng, nhưng nên tưới một hoặc hai tuần một lần trong những tháng khí hậu lạnh hơn.



Thường xuyên "đổi chậu và vị trí đặt cây"


Thực vật trong tự nhiên thường bám rễ ở một điểm và sống cả đời ở đó. Cây không sinh ra để di chuyển liên tục. Thế nhưng, đôi khi vì muốn thay đổi không gian cho đẹp và hài hòa hơn mà chúng ta liên tục di chuyển các cây từ vị trí này sang vị trí khác trong nhà.


Điều này có thể gây rắc rối cho cây trồng vì chúng đã quen với “cuộc sống” ở vị trí hiện tại. Trước khi quyết định thay đổi, hãy xem nơi đặt mới có các điều kiện tương tự như chỗ cũ không, nó sẽ thích nghi tốt hơn nếu bạn quan tâm đến yếu tố này.

Tương tự với việc thay đổi chậu, nếu chậu hiện tại đã không còn đủ chỗ cho cây phát triển, bạn có thể chọn chậu mới có kích thước lớn hơn một chút (không tăng quá nhiều, đường kính chậu nên lớn hơn khoảng 0,5-1 inch). Điều quan trọng là thực hiện vào đúng thời điểm và chỉ khi cây của bạn đã sẵn sàng. Một mẹo nhỏ để biết là xem rễ của chúng có mọc ra khỏi các lỗ thoát nước ở đáy chậu hay chưa. Nếu rồi, hãy thay chậu mới và lưu ý không chọn chậu quá to để tránh việc tưới quá mức và thối rễ (do kích thước chậu càng lớn càng giữ được nhiều độ ẩm hơn, cây không thể hấp thụ kịp thời). Nếu cây vẫn đang phát triển tốt, bạn có thể cắt tỉa thay vì đổi chậu.




Comments


bottom of page