top of page
Tìm kiếm

Những bậc "cha mẹ bình tĩnh": Không la mắng trẻ, kể cả khi nóng giận

Cha mẹ nào cũng muốn trở thành những bậc phụ huynh bình tĩnh, kiên nhẫn và dạy con nên người bằng những phương pháp giáo dục đúng đắn. Thế nhưng, cơn nóng giận và tiếng la mắng của phụ huynh vẫn thi thoảng diễn ra trong các gia đình Á đông bởi lối suy nghĩ truyền thống "thương cho roi cho vọt" hoặc "cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư". Vậy các bậc phụ huynh phải làm sao để luôn giữ được "tâm bình khí hòa" trên hành trình nuôi dạy con trẻ?



Những tác động lên trẻ bị la mắng thường xuyên


Nhiều bậc cha mẹ Á đông cho rằng la mắng, thậm chí đánh đòn con nhỏ là điều bình thường, nhưng trên thực tế, có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những tác động tiêu cực đối với trẻ lớn lên trong môi trường bị bạo hành bằng ngôn từ:

  • Thay đổi sự phát triển của não bộ: Một nghiên cứu của giáo sư Akemi Tomoda tại Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em thuộc Đại học Fuikui đã so sánh ảnh chụp MRI não của những đứa trẻ có tiền sử bị cha mẹ la mắng và những đứa trẻ bình thường khác (1). Kết quả cho thấy sự khác biệt rất lớn trong phân khu xử lý âm thanh và ngôn ngữ của não. Các quan sát về hành vi cũng nhận thấy việc trẻ em lớn lên trong môi trường bị bạo hành ngôn từ thì thường rụt rè, kém tự tin trong giao tiếp.

  • Khiến mọi vấn đề càng thêm trầm trọng: Phụ huynh thường la mắng con trẻ khi chúng phá phách hoặc không nghe lời. Việc la mắng hoàn toàn không giúp giải quyết vấn đề mà còn khiến cho tình hình trở nên trầm trọng hơn. Đó là kết luận của nghiên cứu do tiến sĩ Ming Tea Wang thuộc Đại học Pittsburgh thực hiện, cho thấy những đứa trẻ 13 tuổi bị cha mẹ la mắng đã phản ứng bằng cách tăng mức độ nghiêm trọng của các hành vi xấu trong những năm tiếp theo (2). Và nếu có ai đó cho rằng việc "kỷ luật thép" thay cho la mắng là giải pháp thiết thực hơn thì một nghiên cứu khác đã phát hiện ra điều ngược lại: "Các hành vi và vấn đề mà trẻ gặp phải đều trở nên tệ hơn khi áp dụng các hình thức kỷ luật tiêu cực" (3).

  • Có thể dẫn đến trầm cảm: Ngoài việc trẻ cảm thấy buồn bã và chán nản khi bị ba mẹ la mắng thì việc này còn gây ra các vấn đề tâm lý lớn hơn. Rosana E. Norman và các cộng sự tại Đại học Queensland đã nghiên cứu và thấy rằng có sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm ở những đứa trẻ chịu nhiều sự la mắng khi chúng bước vào độ tuổi trưởng thành (4).

  • Ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất: Những trải nghiệm từ thuở bé định hình chúng ta theo nhiều cách kể cả khi ta không nhận ra. Việc bị cha mẹ bạo hành bằng lời nói có thể gây ra các tác động tiêu cực lên sức khỏe sau này. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng những căng thẳng về mặt tinh thần do tiếng la mắng và quát tháo có khả năng làm tăng nguy cơ mắc một số căn bệnh liên quan đến thể chất (5).

  • Gây ra những cơn đau mãn tính: Gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy mối liên hệ giữa những trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu với các cơn đau mãn tính của trẻ khi trưởng thành. Các tình trạng bao gồm viêm khớp, đau đầu dữ dội, các vấn đề về lưng và cổ cùng các cơn đau mãn tính khác (6).

Rất nhiều nghiên cứu xung quanh việc phụ huynh la mắng con cái cho thấy một sự quan tâm rất lớn của cộng động khoa học - giáo dục đối với vấn đề này. Nhận ra được sự vô ích của việc bạo hành ngôn từ và những tổn thương to lớn mà trẻ phải chịu đựng chính là bước đầu tiên trong quá trình điều chỉnh hành vi này ở mỗi bậc cha mẹ.


Tại sao nhiều người lại có xu hướng la mắng trẻ nhỏ?


LeLa Journal chia vấn đề này làm hai nguyên nhân chủ yếu để có thể tìm kiếm các phương pháp giải quyết phù hợp.

  • Vì nó luôn "có vẻ" hiệu quả: Một trong những lý do mà nhiều phụ huynh vẫn giữ thói quen la mắng là vì họ "gần như" đạt được mục đích làm cho trẻ nhỏ chịu nghe lời. Nhưng điều làm cho bọn trẻ tạm thời nghe theo quyết định của người lớn chỉ là sự sợ hãi chứ không phải vì chúng nhận thức được điều hay lẽ phải, điều gì nên làm và không nên. Và đương nhiên, trẻ sẽ không vì thế mà sửa đổi hành vi hay thái độ sau này. Việc này dẫn đến khả năng trong những lần sắp tới, phụ huynh sẽ càng phải la hét nhiều hơn, trẻ sẽ lại càng bướng bỉnh hơn và vòng lặp này cứ thế tiếp tục.

  • Vì chính cha mẹ cũng từng là những đứa trẻ chịu tổn thương: Khi tỉnh táo và sáng suốt, chúng ta có thể nhẹ nhàng dạy bảo con trẻ cũng như cố gắng kiên nhẫn khi chúng không nghe lời. Nhưng khi cơn giận kéo đến, những lý lẽ, sách vở, kiến thức "nuôi con không đòn roi, la mắng" dù bổ ích thế nào cũng không còn tác dụng nữa. Thậm chí, vài người trong chúng ta có thể đã lớn lên trong một môi trường mà tiếng la mắng, quát tháo của người lớn mỗi khi nóng giận là điều hiển nhiên, thế nên, điều này đã ăn sâu vào tiềm thức khiến họ trở thành một người tương tự. Não bộ chúng ta ghi nhớ điều này như một phương pháp "lười biếng" và "có sẵn" để giải quyết các vấn đề khi phải đối mặt với sự ngỗ nghịch của con trẻ. Nói cách khác, những bậc cha mẹ thường la mắng ấy cũng chính là nạn nhân, và "kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác”.



Học cách trở thành một phụ huynh “bình tĩnh”


Debbie Pincus, một chuyên gia có hơn 24 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực "nuôi dạy con một cách bình tĩnh” (calm parenting) đã nhấn mạnh rằng yếu tố quan trọng nhất trong quá trình này chính là cha mẹ kiểm soát được hành vi của họ.


"Nuôi dạy con cái là một trải nghiệm rất riêng tư và cảm xúc của chúng ta sẽ chi phối rất nhiều trên hành trình đó. Cần phải hiểu rằng mọi cảm xúc là điều tự nhiên và có thể chấp nhận được nhưng mọi hành vi thì không. Thử thách của chúng ta là biết chấp nhận cảm xúc và phải kiểm soát hành vi của mình, đặc biệt là khi nó bùng phát mạnh mẽ".

1. Rèn luyện cách phản ứng với cảm xúc: Quá trình này bắt đầu bằng việc chúng ta thừa nhận cơn nóng giận xuất phát từ bản thân và có thể kiểm soát được. Tất cả chúng ta đều bị chi phối bởi những cảm xúc mạnh, nhưng yếu tố dẫn dắt đến trạng thái tâm lý bùng nổ đó thì có thể sẽ rất khác nhau. Các chuyên gia cho rằng chính những trải nghiệm rất riêng trong cuộc sống của mỗi người đã tạo ra điều này.


Ví dụ như khi trẻ cố tình phớt lờ ý kiến của một người mẹ dẫn đến việc bà ấy nổi cáu. Đây có thể là một tổn thương đến từ quá khứ khi bà lớn lên trong một môi trường không được sự công nhận của gia đình và bạn bè. Còn một bà mẹ khác có lẽ sẽ không cảm thấy điều đó là nghiêm trọng, nhưng lại nóng mặt mỗi khi nghe con mình sử dụng từ ngữ thô thiển… Các yếu tố kích hoạt cơn nóng giận này là khác nhau ở mỗi người. Mỗi lần gặp phải những hành động khơi gợi lên vết thương lòng trong quá khứ hoặc cảm xúc đó, nó làm cho tim chúng ta đập nhanh, sự tức giận tăng lên, đánh mất suy nghĩ lý tính và tiếng la hét, quát mắng là điều không thể tránh khỏi.


Tin tốt ở đây là việc thừa nhận và tìm ra những yếu tố kích hoạt cơn giận sẽ giúp chúng ta xoa dịu cảm xúc, cũng như không để điều này chi phối hành vi của mình khi nuôi dạy con. Chỉ cần thực hành thường xuyên, chúng ta sẽ kiểm soát được "cơn sóng cuộn trào" mỗi lần nổi nóng. Hãy để ý đến nội tâm của mình khi xuất hiện một trong những cảm giác của sự vô vọng, bất lực, thiếu sót, nỗi sợ, cảm giác tội lỗi... Tự hỏi bản thân tại sao những điều này lại gây khó chịu với mình rồi viết những suy nghĩ đó xuống giấy. Chính việc đào bới và hiểu thấu nỗi đau của bản thân sẽ có tác dụng trong việc chữa lành và giúp chúng ta đối diện với cảm xúc tiêu cực một cách tỉnh táo hơn.


2. Học cách chấp nhận suy nghĩ "Không thể bắt người khác sống theo ý mình": Hãy nhớ rằng chúng ta luôn có xu hướng muốn người khác phải suy nghĩ và hành động theo cách mà chúng ta muốn, đặc biệt là khi chúng ta đang hoảng loạn. Đây được gọi là bản năng “chăn gia súc” (herding instinct), nó khiến chúng ta cảm thấy bình tĩnh hơn khi trẻ nhỏ hành động theo suy nghĩ của chúng ta. Rất tiếc là thực tế lại diễn ra hoàn toàn trái ngược. Trẻ em rất thông minh, chúng có thể nhìn thấy các biểu hiện của sự lo lắng, căng thẳng và mất kiểm soát của cha mẹ. Cứ mỗi lần phụ huynh to tiếng quát tháo trong trạng thái này sẽ càng khiến chúng cảnh giác, bất an hoặc thiếu tin tưởng, không nể phục. Quả thật, ngay cả chúng ta cũng chẳng thể tin tưởng bất kỳ thông điệp hoặc yêu cầu nào từ một người đang nóng giận gào thét, khua tay múa chân.


3. Giáo dục "não": Đây chính xác là việc dạy dỗ bộ não của mình theo đúng nghĩa đen. Bộ não của chúng ta học rất nhanh và thông qua những cách không ngờ đến. Các bậc phụ huynh có thể cân nhắc dành thời gian đọc và tiếp nhận nhiều hơn những bài viết có kiến thức khoa học bổ ích thay vì các thông tin đậm chất "drama", hóng chuyện vô thưởng vô phạt trên mạng xã hội. Điều này nghe có vẻ cứng nhắc và không mấy hào hứng nhưng lại rất quan trọng. Nhắc nhở bản thân mình hằng ngày rằng việc giữ bình tĩnh khi giáo dục con cái là điều quan trọng, bổ sung kiến thức từ các thông tin chính thống đã được khoa học bình duyệt sẽ rèn luyện bộ não của chúng ta, tiếp thêm động lực cho hành trình nuôi dạy con một cách sáng suốt.


4. Giải phóng căng thẳng thông qua tập thể dục: Những bài tập thể dục hữu ích cho tâm trạng và cải thiện khả năng bình tĩnh của chúng ta đều tương đối nhẹ nhàng và không cần sử dụng nhiều đến cơ bắp. Đó là các bài tập phổ biến như yoga, đi bộ, cầu nguyện, thiền định và thực hành chánh niệm. Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về thực hành "Chánh niệm trong nuôi dạy con cái" của LeLa Journal tại đây.



Các mẹo hay để dạy trẻ nghe lời mà không cần la mắng

  • Cho trẻ biết là bạn đang tức giận: Không một đứa trẻ nào muốn bị người thân thương nhất của mình giận hờn và quát mắng cả. Thế nên việc cha mẹ nhẹ nhàng nói ra cảm xúc của mình bằng một thái độ nghiêm túc có thể khiến trẻ cân nhắc về những hành vi sắp tới của chúng.

  • Yêu quý trước khi yêu cầu: Sự yêu quý ở đây chính là khả năng kết nối với lũ trẻ. Trước khi yêu cầu trẻ phải làm gì, hãy đảm bảo cả cha mẹ và con cái đều đang ở trong cùng một trạng thái, hoặc ít nhất là có người nói và có người lắng nghe. Tránh việc chúng ta đưa ra mệnh lệnh trong khi trẻ vẫn đang dán mắt vào màn hình tivi. Thay vào đó, hãy cố gắng dừng các công việc mà bạn đang làm để nhẹ nhàng tiến vào thế giới của trẻ bằng cách đặt ra các câu hỏi liên quan như: "Bộ phim mà con đang coi có vẻ thú vị đấy, nhưng giữa chuột Jerry và mèo Tom thì con thích ai hơn?”. Sau khi đã có được sự kết nối với trẻ, lúc này bạn hãy yêu cầu trẻ một cách nhẹ nhàng và từ tốn: "Con ơi, đã đến lúc tắt tivi và đi ngủ rồi".

  • Cho trẻ lựa chọn: Tìm kiếm sự tự chủ luôn là một quá trình thuộc về bản năng tự nhiên và chúng ta nên để trẻ học được điều này thông qua việc cho chúng lựa chọn. Tuy nhiên, cha mẹ cần khéo léo đưa ra các lựa chọn hợp lý để giải quyết được mục tiêu ban đầu. Nếu muốn con mình học bài, hãy đặt ra câu hỏi với các lựa chọn như: “Con muốn giải bài tập Toán hay soạn bài Tiếng Việt trước?”. Còn khi muốn trẻ tắm gội thay đồ nhanh chóng thì có thể hỏi chúng rằng: “Con muốn mặc quần hay mặc áo trước? Con muốn mặc áo thun hình siêu nhân hay mặc áo sơ-mi sọc caro?”...

  • Cúi xuống thấp hơn khi nói chuyện: Trẻ em và người lớn có một khoảng cách không chỉ bởi tuổi tác mà còn bởi sự khác biệt về ngoại hình, cụ thể là chiều cao. Điều này thể hiện qua việc mỗi khi đến chỗ mới lạ, trẻ em thường tìm cách bắt chuyện với những bạn cùng tuổi hay nói đúng hơn là cùng chiều cao. Chúng sẽ cảm thấy thoải mái và ngang hàng hơn, lời nói vì thế cũng sẽ dễ dàng tiếp thu và lắng nghe hơn. Vậy nên, việc cúi xuống thấp và ngang tầm với trẻ sẽ giúp cho những yêu cầu của cha mẹ trở nên hiệu quả hơn nhiều.

  • Chọn từ ngữ tích cực nhiều hơn tiêu cực: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra vai trò của ngôn ngữ tích cực và các cuộc trò chuyện của cha mẹ trong sự phát triển não bộ của trẻ. LeLa Journal cũng có bài viết "Cha mẹ trò chuyện càng nhiều, con càng học tốt", độc giả có thể đọc thêm tại đây.

Nhưng, sẽ có lúc chúng ta thất bại...


Mặc dù đã tìm hiểu và cố gắng áp dụng các phương pháp giáo dục tối ưu nhưng cũng sẽ có lúc chúng ta không hoàn thành được tôn chỉ "dạy con không la mắng" của mình. Những lúc ấy, các bậc phụ huynh không nên quá thất vọng mà hãy can đảm xin lỗi con trẻ. Mặc dù việc này là rất khó khăn, đặc biệt là trong văn hóa Á đông vốn coi trọng "áo mặc sao qua khỏi đầu", nhưng lời xin lỗi là cần thiết và rất xứng đáng trong hành trình làm cha mẹ. Mới đây, nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh vừa nhận được giải thưởng điện ảnh Quả Cầu Vàng 2023 nhờ vai diễn trong bộ phim Everything Everywhere All at Once vì đã xuất sắc vào vai một bà mẹ châu Á tự nhận lỗi với con mình sau những bất đồng trong gia đình. Quan trọng nhất là sau khi cha mẹ nói lời xin lỗi, hãy cố gắng lắng nghe trẻ phản hồi để xem tâm tình con cái như thế nào.


Trở thành một bậc phụ huynh bình tĩnh và không la mắng con trẻ là điều hoàn toàn có thể đạt được, nhưng nó đòi hỏi một sự cam kết và thực hành nghiêm túc. Đây sẽ là một hành trình rất dài nhưng cũng rất tuyệt vời vì không chỉ mang lại tình yêu thương và giáo dục tốt nhất cho trẻ, mà còn giúp chính chúng ta hoàn thiện bản thân bằng sự thấu suốt, nhẫn nại, bao dung.





Comments


bottom of page