Với cha mẹ, con cái luôn được xem như những đứa trẻ đáng yêu, bé bỏng và cần được bao bọc, nâng niu. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng luôn đáng yêu như vậy. Một vài cha mẹ có thể sẽ phải đối mặt với những tình huống bất ngờ mà một trong số đó là việc con “bỗng nhiên” trở thành kẻ bắt nạt.
Những hành vi thể hiện trẻ bắt nạt người khác
Trong một số trường hợp, cha mẹ có thể nhận ra những hành vi bắt nạt bạn của trẻ từ sớm như:
Trẻ thường xuyên trêu chọc bạn khác nhiều lần bằng cách đặt những tên, biệt danh mang ý nghĩa miệt thị; đem những khuyết điểm về ngoại hình, hoàn cảnh, sai sót của bạn bè ra để đùa giỡn với người khác hoặc cố ý lan truyền những thông tin xấu về bạn.
Cố ý phớt lờ hoặc ngăn không cho bạn tham gia vào những hoạt động chung của tập thể.
Tranh, giành các vật dụng, đồ chơi của bạn.
Chửi rủa bạn, thậm chí còn có thể đánh, làm tổn thương bạn.
Hùa vào cùng người khác để bắt nạt bạn.
Khi gặp những tình huống như vậy, một số cha mẹ có thể sẽ cảm thấy giận dữ, buồn bã, thất vọng về con mình, hoặc ngay lập tức có suy nghĩ đổ lỗi cho người khác. Tuy nhiên, những điều này hoàn toàn không giúp ích được gì cho trẻ. Khi bạn thấy con mình trở thành kẻ bắt nạt thì điều đó có nghĩa là con đang cần có sự giúp đỡ - con đang cần được học về cách đối xử tôn trọng và cảm thông người khác. Học được cách đối xử tôn trọng với mọi người xung quanh là việc vô cùng quan trọng để tạo nền tảng cho con bạn phát triển được những kỹ năng xã hội và cảm xúc sau này.
Trẻ trở thành kẻ bắt nạt đồng nghĩa với việc trẻ đang cần được học để đối xử với người khác một cách tôn trọng và cảm thông.
Vậy cha mẹ có thể làm gì để giúp con trong giai đoạn này?
Tìm hiểu nguyên nhân
Trên thực tế, không bỗng dưng trẻ trở thành kẻ đi bắt nạt người khác. Hành vi bắt nạt bạn của trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
Trẻ bắt chước những hành động bạo lực ở trường, trong phim ảnh, TV, trên internet hay từ trong chính gia đình qua cách các thành viên trong gia đình đối xử với nhau hay đối xử với trẻ.
Trẻ cũng là nạn nhân của việc bắt nạt nên trẻ dùng cách đó để đối xử với những người yếu thế hơn mình hoặc làm vậy để tránh bản thân trở thành nạn nhân của một vụ bắt nạt.
Trẻ có lòng tự trọng thấp cũng dễ trở thành kẻ bắt nạt người khác bởi mong muốn có thể kiếm soát được mọi chuyện xảy ra xung quanh.
Khi thấu hiểu được nguyên nhân, bạn mới có thể tìm biện pháp giải quyết một cách phù hợp và hiệu quả nhất.
Nói chuyện và chia sẻ với con một cách tôn trọng
Trẻ trở thành kẻ bắt nạt bạn có thể xuất phát từ việc con không ý thức được rằng hành vi của mình có thể gây tổn thương cho người khác. Nói chuyện và giải thích cho con về khái niệm thế nào là hành vi bắt nạt người khác để con có thể hiểu được rằng việc con đang thực hiện là không tốt và bạn muốn con dừng những hành vi đó lại ngay lập tức.
Sau đó, bạn có thể giúp con học cách đặt mình vào vị trí của người khác để con có thể hiểu được cảm giác khi bị bắt nạt bằng cách đặt những câu hỏi như “Nếu con cũng bị bạn đối xử như vậy, con sẽ cảm thấy như thế nào?”, “Con có muốn các bạn khác cũng đối xử bằng cách này với con hay không?”. Từ đó, trẻ có thể tự cảm nhận và ý thức được về những hậu quả mà hành động của mình có thể gây ra cho người khác.
Nếu trẻ cố gắng phủ nhận rằng mình không phải là kẻ bắt nạt thì bạn cần cho trẻ một thời gian để trẻ tự nhận ra điều đó thay vì cố gắng áp đặt suy nghĩ của bản thân lên trẻ. Bạn chỉ nên yêu cầu con dừng những hành động không phù hợp đó lại.
Thảo luận với thầy cô và nhà trường
Ngoài thời gian ở nhà với gia đình thì trường học là nơi trẻ dành phần lớn thời gian trong ngày và có cơ hội để thể hiện ra những nét tính cách khác mà khi ở nhà chưa từng bộc lộ. Việc nói chuyện với thầy cô có thể giúp cho cha mẹ hiểu thêm được tính cách của con, hình dung được bối cảnh thực tế và nhận định được phần nào lý do con bắt nạt người khác. Ngoài ra, việc nói chuyện với thầy cô cũng giúp bạn có thể tìm ra những biện pháp ngăn chặn hành vi bắt nạt của trẻ một cách phù hợp để trẻ có thể hiểu được hành vi đó của trẻ là không được chấp nhận và sẽ không bao giờ lặp lại lần nữa.
Trở thành một tấm gương tốt
Để làm một căn phòng tối trở nên sáng hơn, chúng ta không thể lấy bóng tối ra mà chỉ có thể đem ánh sáng vào để xua tan bóng tối. Cũng như vậy, việc con bạn có những hành vi chưa tốt không thể được cải thiện bằng việc áp đặt hoặc dùng bạo lực để khiến cho trẻ thay đổi theo cách bạn mong muốn, mà bạn chỉ có thể trở thành một hình mẫu bằng việc đối xử với những người xung quanh bạn một cách thân thiện, tôn trọng và cảm thông. Khi nhìn thấy cách cha mẹ đối xử với mọi người xung quanh, trẻ sẽ nhận ra được những lời nói, hành vi, cử chỉ nào được chấp nhận hay không được chấp nhận, từ đó tự lựa chọn hành động phù hợp cho mình.
Nuôi con là một hành trình thực sự không dễ dàng khi cha mẹ luôn phải đối mặt với những vấn đề bất ngờ, không hề lường trước. Tuy vậy, mỗi khi con làm điều chưa phù hợp, bạn có thể hiểu rằng con vẫn đang là một đứa trẻ cần được chỉ dạy và hướng dẫn làm thế nào để có thể sống hòa hợp với thế giới xung quanh. Do đó, cha mẹ hãy dành thời gian để quan tâm, hướng dẫn và kiên trì để con có thể vượt qua được những giai đoạn khó khăn và phát triển tốt một cách nhất.
Comments