top of page
Tìm kiếm

Cha mẹ phải làm gì khi trẻ bị béo phì?

Thừa cân là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Hiện nay, cân nặng vượt ngưỡng bình thường ở trẻ em đang là vấn đề thách thức đối với sức khỏe cộng đồng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2016, có khoảng 41 triệu trẻ dưới 5 tuổi và 340 triệu trẻ em từ 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.


Ở Việt Nam, tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Theo kết quả cuộc tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc thì béo phì tại Việt Nam đang tăng nhanh báo động trong 10 năm qua, đặc biệt tại thành thị. Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì ở khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. Trước đó, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng đã công bố tỷ lệ béo phì ở trẻ em nội thành tại TP. HCM đã vượt 50%, tại Hà Nội vượt 41%.


Tình trạng thừa cân kéo dài sẽ gây rối loạn chức năng trong cơ thể, cứ thế diễn tiến thành bệnh béo phì. Bệnh tiến triển âm thầm trong một quãng thời gian dài khiến việc điều trị, phục hồi sẽ vô cùng khó khăn và tốn kém. Theo chuyên gia, thừa cân, béo phì cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao và quá trình dậy thì của trẻ, đồng thời để lại nhiều nguy cơ mắc bệnh khi trưởng thành.


Cách tính chỉ số béo phì (dựa trên chỉ số BMI) được tính từ cân nặng và chiều cao của trẻ. Theo đó: BMI = Cân nặng (kg)/[Chiều cao (m)]²


Nếu BMI < 18,5: Trẻ bị thiếu cân.

Nếu 18,5 ≤ BMI < 25: Cân nặng của trẻ bình thường.

Nếu 25 ≤ BMI < 30: Trẻ bị thừa cân.

Nếu 30 ≤ BMI < 35: Trẻ béo phì cấp độ I.

Nếu 35 ≤ BMI < 40: Trẻ béo phì cấp độ II.

Nếu 40 ≤ BMI < 50: Trẻ béo phì cấp độ III.

Nếu BMI ≥ 50: Siêu béo phì cấp độ IV.


Hãy thoải mái chia sẻ với con về cân nặng để trẻ hiểu rõ hơn về hình thể bản thân cũng như cách lựa chọn thực phẩm đúng đắn, phù hợp lứa tuổi

Trong nền văn hóa ngày nay, cân nặng luôn là một chủ đề nhạy cảm, đặc biệt là đối với trẻ em và thanh thiếu niên. Vậy làm thế nào để có thể nói chuyện với con trẻ, nếu như bạn thấy con mình đang trên đà tăng cân? (1)

1. Biết lý do vì sao con trở nên “mũm mĩm”: Một số trẻ em thường có xu hướng tìm đến đồ ăn mỗi khi căng thẳng, buồn chán hoặc muốn tự an ủi bản thân những lúc lo lắng, bồn chồn. Khi xác định được nguyên nhân gây ra thừa cân ở trẻ, cha mẹ hãy thường xuyên quan tâm thăm hỏi để biết bé có gặp vấn đề gì ở trường lớp hay không, hoặc có đang lo âu về vấn đề gì không. Khi được tháo gỡ khúc mắc trong lòng, con sẽ không còn phụ thuộc vào đồ ăn vặt nữa.

2. Khuyến khích đối thoại cởi mở: Thẳng thắn nói với con về kiến thức cân nặng và khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc về hình ảnh cơ thể mình. Khi hiểu ra mối quan tâm của trẻ về cân nặng thì bạn nên giải thích rằng vóc dáng và cân nặng của mọi người đều khác nhau với đủ kích thước cao-thấp-mập-gầy và bạn luôn yêu con của mình cho dù thế nào đi nữa (2).


Bằng sự cởi mở, phụ huynh sẽ tìm được cách điều chỉnh chế độ ăn của con (Ảnh: Oscar Wong - Getty Images)

3. Thay đổi lành mạnh trong chế độ ăn: Hãy nhớ rằng trẻ em thì khó giảm cân hơn người lớn, sự non nớt trong ý chí cũng như “chiếc bụng đói” muốn ăn hết những món ngon mà chúng bắt gặp càng khiến cho công cuộc giảm béo càng trở nên khó khăn. Nhưng đứng trên cương vị là phụ huynh, hãy kiên nhẫn! Thay vì cấm cản “Ăn nhiều gà rán sẽ khiến con béo phì đấy” thì bạn hãy khéo léo dạy con rằng “Con nhớ ăn xen kẽ các món thịt và rau quả nhé, nếu không các món rau xanh sẽ buồn vì bị bỏ rơi đấy”.

4. Không quy chụp người béo là tốt hay xấu: Thông thường, nhiều người thường có xu hướng nhận xét người khác, đặc biệt là về tính cách hoặc hình thể. Nhưng trước mặt trẻ con, các bậc phụ huynh đừng nên như thế. Thay vì đánh giá một người có ngoại hình quá cỡ là tốt hay xấu thì hãy dùng những cụm từ như “Đây không phải là cân nặng hợp lý ở tuổi của con” hoặc “Người kia có vẻ như đang ở mức cân nặng trên trung bình một tí” (3).

5 Duy trì lời khen ngợi & động viên: Dù cân nặng của con trẻ có như thế nào, chúng ta cũng có thể tán thưởng để không ảnh hưởng lòng tự tôn của trẻ. Khen ngợi và khuyến khích những phẩm chất không liên quan đến ngoại hình, chẳng hạn như “Hôm nay mẹ rất thích cách con giúp đỡ bạn khi bạn ốm”, “Bố lấy làm tự hào khi con giải quyết được các bài tập khó khăn ở trường” hoặc “Con đã rất cố gắng khi tự chơi một mình”…

6. Không nhận xét tiêu cực: Cố gắng không đưa ra những nhận xét tiêu cực, xét đoán. Trẻ em không thích bị cằn nhằn và có xu hướng cãi lời nếu chúng bị tổn thương.


Không chỉ trích, không so sánh con với bất kỳ ai khác

7. Không so sánh: Ngừng việc so sánh con bạn với một ai khác. Chỉ một câu nói "Bạn học của con mặc cái đầm này xinh vì bạn gầy” hoặc “Con mà gầy thì sẽ xinh hơn bạn nữa” cũng sẽ khiến con bạn buồn tủi và sẽ có ác cảm với người bạn kia.


Có nhiều bậc phụ huynh cho rằng giảm cân rất dễ dàng. “Chẳng phải chỉ cần ăn ít lại thôi sao?” là câu nói có thể bắt gặp trong một vài bữa cơm gia đình. Thế nhưng, đối với một đứa trẻ mà nói, để có thể giảm trọng lượng cơ thể là một chyện vô cùng khó khăn. Không phải cứ thúc ép con mình ăn nhiều rau, hạn chế thức ăn dầu mỡ là sẽ được như ý. Có nhiều lý do để dẫn đến việc thừa cân, ngoài việc chưa có chế độ ăn phù hợp thì còn có thể kể đến yếu tố di truyền, một số khác là do môi trường. Ngay cả bệnh tật và thuốc cũng có thể là nguyên nhân.


Mỗi đứa trẻ là mỗi cá thể và trường hợp khác nhau, nên hãy kiên nhẫn với các chỉ số cân nặng của con trẻ. Nếu chẳng may mà quá trình giảm cân của con có chậm hoặc con chưa nghiêm túc thực hiện chế độ ăn lành mạnh thì cũng chớ nên cáu gắt. Lấy khoa học để chia sẻ, dùng tình thương để bao dung. Vì chỉ có như vậy, thì đứa trẻ đó mới có thể hiểu sâu sắc những gì mình cần làm, cần thay đổi để có được một lối sống tích cực hơn, khỏe khoắn hơn.

Comments


bottom of page