top of page
Tìm kiếm

Chiêm tinh dưới góc nhìn khoa học: Vì sao "chuyện tâm linh không đùa được đâu"?

Từ hàng trăm triệu năm nước, nhân loại đã sử dụng vị trí các vì sao để tính toán, dự đoán số mệnh và sự kiện trong cuộc sống. Dù không thể lý giải được, nhưng cho đến ngày nay, rất nhiều người vẫn bị cuốn theo những câu chuyện chiêm tinh, xem bói, thậm chí là xem bài tarot... Vậy thì lý do và "động cơ" đằng sau những việc này là gì?



Khi các vì sao kể chuyện


Chiêm tinh học (Astrology) là một phương thức sử dụng các thông tin được quy ước dựa trên vị trí của các chòm sao, hành tinh, Mặt Trời, Mặt Trăng để dự đoán các sự kiện (1). Từ "astrology" bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại, là sự kết hợp giữa từ "astron" (vì sao) và "logia" (kể chuyện) (2). Vậy nên, chiêm tinh học có thể hiểu rằng như một bộ môn để "kể câu chuyện của các vì sao".



Gần như chưa ai có thể dự đoán chính xác được thời điểm mà bộ môn Chiêm tinh học được ra đời. Dù thế, các nhà khoa học cho rằng bộ môn này được bắt nguồn từ người Babylon cổ đại - những người đã xây dựng hệ thống 12 cung, tương ứng với 12 chòm sao xuất hiện trên bầu trời (3).


Ngay tại các quốc gia châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc... cũng có hệ thống riêng để dự đoán dựa vào chòm sao. Phần lớn các hệ thống này đều được sử dụng để tiên đoán sự việc ở tương lai, mô tả số mệnh được sắp đặt sẵn (4).



Ở thời kỳ Trung cổ, Chiêm tinh học rất được tin dùng, Nữ hoàng Catherine de Médicis thậm chí đã cho Nostradamus tiên tri về cái chết của chồng bà (Vua Henri II của Pháp). Tại Việt Nam, việc xem tử vi cũng được xem như một hoạt động có "truyền thống lâu đời".


Ngay cả bộ môn Thần số học (numerology) được nhắc tới nhiều trong những năm gần đây, với nguyên lý căn bản dựa vào 9 con số (1-9), cũng đã có nguồn gốc từ hàng ngàn năm trước, tại Babylon, Ai Cập, Hy Lạp... (5). Còn bài tarot (với 78 lá bài, gồm 22 lá ẩn chính và 56 lá ẩn phụ) đã xuất hiện ở châu Âu từ giữa thế kỷ XV và bộ môn đọc bài tarot cũng đã trở nên vô cùng phổ biến cho tới tận ngày nay (6).



Đến thế kỷ XIX, các nhà nghiên cứu khoa học dần phủ nhận độ chính xác của Chiêm tinh học (7), bộ môn này dần mất dần vị thế của mình, nhưng mức độ phổ biến và sức hấp dẫn của Chiêm tinh học, cũng như những bộ môn dự báo tương lai khác, vẫn ngày một gia tăng. Do đâu mà những bộ môn dự báo xoay quanh 78 lá bài, 12 cung, 9 con số... lại thu hút tới vậy?

Câu chuyện triệu năm còn hấp dẫn


Theo nhà tâm lý học Monisha Pasupathi, con người là một sinh vật ưa thích việc tường thuật (kể chuyện) và đặc biệt là luôn tìm kiếm những lời giải thích cho mọi điều trong cuộc sống (8). Trong thời đại có nhiều biến động như hiện nay, mọi người càng có nhu cầu tìm hiểu, xác định bản sắc cá nhân.


Trùng hợp là Chiêm tinh học lại là bộ môn có thể đáp ứng được những nhu cầu đó. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng Chiêm tinh học thường đưa ra những mô tả khá mơ hồ nhưng lại mang tính tích cực (8). Ngoài ra, các thông tin được đưa ra cũng được dựa trên ngày và giờ sinh của từng người. Với khả năng cá nhân hóa khá cao như vậy, nhiều người dễ dàng đưa ra mặc định rằng những thông tin ấy chỉ dành riêng cho bản thân, để rồi dễ dàng chấp nhận và sử dụng chúng như điểm đặc trưng của bản thân.



Theo Janoff-Bulman (1989), con người luôn có niềm tin vào giá trị bản thân bằng cách đánh giá mình là người tốt, tử tế và nhiều tính từ tốt đẹp khác (9). Với những thông tin tích cực từ Chiêm tinh học, mọi người lại càng dễ dàng ghi nhận chúng. Đây cũng chính là biểu hiện của hiệu ứng Barnum.


"Hiệu ứng Barnum" là xu hướng tin rằng những dự báo mơ hồ hoặc mô tả tính cách chung, chẳng hạn như những dự báo mà Chiêm tinh học đưa ra, có thể được ứng dụng một cách cụ thể đối với bản thân (theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ - APA).

Hãy thử hình dung, bản đồ sao của một người hé lộ rằng người ấy rất giỏi tài chính và có thể tạo dựng một sự nghiệp thành công trong lĩnh vực này. Nắm bắt được điều đó, người ấy bèn đăng ký học tài chính - ngân hàng, sau đó cố gắng theo đuổi ngành nghề bất chấp sự khó khăn của nền kinh tế, để rồi thực sự trở thành một nhà đầu tư thành công. Vậy sự thành công này tới từ những đặc điểm đã xuất hiện trên bản đồ sao hay do sự cố gắng của chính người đó?


Cũng theo Janoff-Bulman, con người thường định nghĩa các giá trị cá nhân thông qua sự tự chủ lẫn may mắn. Theo góc nhìn của Chiêm tinh học, các thiên thể tác động lên con người và ngược lại, những hoạt động của con người cũng có ảnh hưởng đến các hành tinh; tương tự như vậy, khi xem bài tarot, tâm trí và bàn tay chúng ta đều có tác động tới những lá bài - đấy chính là sự tự chủ. Nói cách khác, khi đến với Chiêm tinh học và các bộ môn dự báo, mọi người được phép tin rằng họ đang sống trong một thế giới mà mọi sự kiện đều có thể được dự báo và kiểm soát.


Từ đó, chúng ta có thể quan sát được những lời tiên tri tự ứng nghiệm (self-fulfilling prophecy) hay còn là hiệu ứng xác nhận hành vi (behavioural confirmation) (10), (11) - khi những lời dự báo đã tác động tới con người và khiến nó trở thành sự thật. Giống như trong ví dụ mà chúng ta vừa nói tới ở trên, lời dự đoán rằng một người sẽ thành công trong ngành tài chính khiến người đó tập trung phát triển sự nghiệp trong ngành này.


Hành động thực tế của một cá nhân (như ở ví dụ trên là xây dựng sự nghiệp trong ngành tài chính) có thể bị ảnh hưởng bởi hai dạng kỳ vọng (12). Một là kỳ vọng từ người khác (người đọc bản đồ sao, người cùng đi xem bói...), được gọi là "hiệu ứng kỳ vọng liên cá nhân" (interpersonal expectancy effect). Hai là kỳ vọng của chính bản thân, được gọi là "hiệu ứng kỳ vọng nội cá nhân" (intrapersonal expectancy effect). Mặc dù xuất phát từ hiệu ứng nào thì thực tế việc tham khảo các dự báo từ Chiêm tinh học, tử vi, bài tarot... đều khiến chúng ta đặt cược vào các kỳ vọng.


Cơ chế đối phó với những căng thẳng hằng ngày


Đôi khi, chúng ta tìm đến các bộ môn dự báo không chỉ vì muốn tìm hiểu bản thân, mà trong vô thức, chúng ta cũng đang tìm kiếm một lời an ủi. Những tiên đoán mang tính mơ hồ lại có thể trở thành một liều thuốc xoa dịu tinh thần rất hữu hiệu. Hình thức dự đoán tương lai với viễn cảnh tươi sáng khiến cho họ có thêm niềm tin để vượt qua những khó khăn thực tại và tự nhủ trong lòng "chuyện gì rồi cũng sẽ qua" (13). Thậm chí, có nhiều trường hợp mà chúng ta đi xem bói chỉ để được trò chuyện cùng "người lạ", tuy lạ mà lại nắm được rất nhiều thông tin riêng tư của chúng ta.


Nghiên cứu của nhà tâm lý học Graham Tyson đã chỉ ra rằng tham khảo Chiêm tinh học cũng là một cơ chế đối phó với những chuyện căng thẳng trong cuộc sống (14). Đặc biệt, khi gặp những khủng hoảng nghiêm trọng hoặc trong những thời điểm lạc lối, như ly hôn hoặc mất việc làm, thì các bộ môn dự báo lại là công cụ có thể dễ dàng mang lại cảm giác thoải mái cho chúng ta (15).



Khi đối diện với những tình cảnh khó khăn có thể làm lung lay ý chí của một người về tương lai lẫn giá trị bản thân, đôi khi con người buộc phải tìm kiếm một viễn cảnh lạc quan hơn trong tương lai để giành lại niềm tin, kiểm soát nỗi sợ bản thân và nâng cao lòng tự trọng của mình (16).

Trong thời gian xảy ra suy thoái kinh tế, ở Hoa Kỳ, số lượng các bài báo về Chiêm tinh học gia tăng đáng kể (17). Đặc biệt, trong giai đoạn sau khi dịch bệnh COVID-19 kết thúc, các bộ môn dự báo cũng phát triển mạnh mẽ để mọi người sử dụng để xoa dịu những thương tổn mà đại dịch đã gây ra. Theo Google Trends vào năm 2020, lượt tìm kiếm về các cung hoàng đạo và biểu đồ ngày sinh đã đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại (18).


Như vậy, dù chúng ta không thể thật sự tìm ra lý do cho mối liên hệ giữa con người và những vì sao, lá bài hay con số, nhưng chúng ta cũng không thể chối bỏ khao khát của con người trong việc khám phá cuộc sống, xã hội, vũ trụ, bao gồm cả vũ trụ nhỏ mang tên bản thân.

Comments


bottom of page