top of page
Tìm kiếm

Chiều cao tỷ lệ thuận với thành công: Khoa học nói gì?

Thành công được tạo nên bởi nhiều yếu tố như năng lực, sự may mắn, sự kiên trì... vốn là những yếu tố vô hình mà chúng ta cần thời gian trải nghiệm và đánh giá. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiều cao cũng là một "trợ thủ" hữu hình, đóng góp vào sự thăng tiến của các cá nhân. Thực hư chuyện này ra sao?



Tiếp nối bài lần trước về chủ đề Yếu tố "bí mật" quyết định thành công vốn đã nằm trong bản tính chúng ta - Bill Gates đã nói gì?, bài viết lần này của LeLa Journal tập trung vào sự liên quan giữa thành công và chiều cao.


Chúng ta nhìn nhận người khác như thế nào thông qua chiều cao của họ?


Nhiều người quan tâm đến lĩnh vực giải trí trong chúng ta ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng không ít những ngôi sao Hollywood – đặc biệt là các sao nữ - có chiều cao dưới mức trung bình của người dân Hoa Kỳ. Chẳng hạn, Kristen Bell (lồng tiếng Anna trong Frozen) chỉ cao 1m55, Scarlett Johansson (thủ vai Black Widow trong vũ trụ phim Marvel) cao 1m6 hoặc nữ hoàng nhạc pop Madonna cao 1m63.



Vậy nhưng khi thấy họ xuất hiện trên sân khấu hay màn ảnh, ta có thể sẽ có cảm giác những ngôi sao này cao hơn nhiều so với chiều cao thực của họ. Đây là suy nghĩ tương đối phổ biến và đã trở thành đề tài nghiên cứu của khoa học trong nhiều năm trở lại đây.


Giáo sư Di truyền học Timothy Frayling tại Đại học Y khoa Exeter giải thích thêm rằng chiều cao và chỉ số BMI đóng một phần vai trò trong việc xác định nhiều khía cạnh của con người bao gồm tình trạng kinh tế - xã hội. Những người thấp hơn mức trung bình và có chỉ số BMI cao thường bị đánh giá là có địa vị xã hội thấp hơn và kiếm được ít tiền hơn (1), (2).


Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng cho rằng chiều cao nổi bật của một người có thể giúp thay đổi địa vị của người đó trong mắt người khác. Nhà tâm lý học Paul Wilson đến từ Đại học Queensland, Úc đã tiến hành một thí nghiệm để chứng minh cho luận điểm này. Ông giới thiệu một học viên của mình cho nhiều nhóm sinh viên với những chức danh khác nhau theo mức độ tăng tiến, lần đầu là sinh viên cùng lớp, lần thứ hai là giảng viên, lần thứ ba là một giảng viên kỳ cựu có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và lần cuối cùng là một vị giáo sư uyên bác. Sau đó, Wilson yêu cầu các nhóm sinh viên đánh giá chiều cao của người này đối với mỗi lần được giới thiệu về nhân vật mới.


Điều thú vị là nhận thức của các sinh viên về chiều cao của người đàn ông này đã thay đổi cùng với địa vị anh ta được nhắc đến. Cụ thể, khi được coi là sinh viên cùng lớp, anh ta được cho là chỉ cao 1m73, tuy nhiên đối với vai trò một giảng viên, anh ta đã được "nâng hạng" chiều cao thêm 2,5 cm thành 1m75,5. Khi được thêm một vài năm kinh nghiệm, lần thứ ba, vị "giảng viên có thâm niên" này lại được cho là cao thêm khoảng 25 cm nữa, tức cao khoảng 1m78 trong mắt các sinh viên. Tuy nhiên, khi anh ta được "thăng hàm" lên học vị giáo sư, các nhóm sinh viên không ngại ngần kết luận anh ta có chiều cao khoảng 1m83 (3).



Chiều cao trong kinh doanh và chính trị: Càng cao càng… giỏi


Đối với lĩnh vực kinh doanh, những người cao lớn luôn chiếm ưu thế trong việc thể hiện tư chất lãnh đạo (leadership), kỹ năng tương tác (interpersonal skill) và nhiều kỹ năng điều hành doanh nghiệp... Những khả năng này một phần tới từ sự rèn luyện, đã được phát triển trong độ tuổi "teen" (teenager) - thanh thiếu niên và thậm chí là kết hợp với tăng cường thể chất tối đa (4).


Vào những năm 1940, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng những nhân viên bán hàng có chiều cao vượt trội đạt được doanh số tốt hơn hẳn những đồng nghiệp thấp bé. Trong một cuộc khảo sát năm 1980, kết quả thống kê cho thấy hơn một nửa các CEO của các công ty góp mặt trong danh sách Fortune 500 của Mỹ có chiều cao tối thiểu là 1m82 (5).


Giáo sư Timothy Judge của Đại học Florida và đồng nghiệp là Daniel Cable đã phân tích dữ liệu từ bốn nghiên cứu lớn trong suốt cuộc đời của một nhóm đối tượng tình nguyện, kết hợp với các dữ liệu về đặc điểm tính cách, chiều cao, trí thông minh và thu nhập của họ. Khi tập trung vào mối quan hệ giữa chiều cao và thu nhập, Judge khám phá ra rằng cứ mỗi inch (2,54 cm) chiều cao trên trung bình tương ứng với việc một người kiếm thêm 789 USD/năm. Ví dụ, một người cao 1m82 cho thấy anh ta kiếm được thêm 4.734 USD/năm so với một đồng nghiệp khác cao chỉ 1m67 có năng lực tương đương. Nếu một người kéo dài sự nghiệp trong 30 năm, một người có chiều cao vượt trội có lợi thế thu nhập nhiều hơn đến hàng trăm nghìn USD so với những người thấp bé (6), (7).


Lĩnh vực chính trị cũng ghi nhận những xu hướng khác biệt về thành công của người có chiều cao vượt trội, tương tự như môi trường kinh doanh. Trong lịch sử thế giới, hoàng đế Pháp Napoleon vẫn bị các sử gia đánh giá là vị vua có "chiều cao khiêm tốn", nhưng thực tế các kết quả nghiên cứu đã chứng minh được rằng ông cao khoảng 1m7, tức là cao hơn mức trung bình của nam giới Pháp thời bấy giờ (8). Thành Cát Tư Hãn – vị vua gieo rắc nỗi khiếp sợ trên toàn châu Á và châu Âu với những cuộc chinh phạt lớn nhỏ bởi vó ngựa Mông Cổ - cũng sở hữu chiều cao khoảng 1m73 (9). Tính riêng tại Hoa Kỳ thời hiện đại, trong số 46 tổng thống Mỹ tính đến năm 2023, chỉ có 5 người có chiều cao dưới trung bình. Hầu hết các tổng thống đều cao hơn người bình thường, dù là vài cm, chẳng hạn như Joe Biden cao 1m82, một số vị là Ronald Reagan, John F. Kennedy và Barack Obama đều cao 1m85, Donald Trump cao đến 1m91 và thậm chí là Abraham Lincoln còn cao đến 1m93 (10).



Giới truyền thông quan sát và đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy một số ứng cử viên tổng thống đã nhận ra tầm quan trọng của chiều cao đối với ấn tượng của cử tri, do đó, họ đã khôn khéo tận dụng mọi biện pháp để đạt được bất kỳ lợi thế nào. Trong cuộc tranh luận giữa hai ứng viên tổng thống năm 1988, George Bush (Cha) đã chào đón ứng viên Michael Dukakis – Cựu thống đốc Bang Massachusetts bằng một cái bắt tay lâu quá mức cần thiết. Đây được coi như một động thái do ekip tranh cử của Bush (Cha) sắp xếp nhằm tạo ra một hình ảnh có lợi khi cử tri quan sát và so sánh chiều cao của hai người, sau đó quyết định chọn bầu cho Bush (Cha) vì ông có chiều cao nhỉnh hơn đối thủ (11).



Cải thiện chiều cao để có thêm lợi thế - tại sao không?


Con người sẽ không cao thêm sau khi bước vào giai đoạn trưởng thành từ ngưỡng 18 – 20 tuổi trở đi. Do đó, việc cải thiện chiều cao nên được thực hiện khi chúng ta trong độ tuổi phát triển xương tính từ khi còn nhỏ đến giai đoạn dậy thì. Về cơ bản, con người có thể cao hơn trung bình 5 – 8 cm so với mức tối thiểu đạt được nếu kết hợp giữa việc ăn uống đủ chất và tập luyện thể thao, ngủ sớm và đủ giấc đồng thời duy trì lối sống lành mạnh (12).


Còn với những người đã có sẵn chiều cao ấn tượng, các bạn hãy tận dụng lợi thế này kết hợp với kiến thức, kỹ năng và cơ hội trước mắt để tạo nên thành công của riêng mình. Đừng để chiều cao bị "phí hoài" nhé!




1 commentaire


Invité
25 août 2023

Người cao 1m56 như tui đọc bài này xong chỉ biết khóc huhu. Thui thì mình không cao nhưng cố gắng làm người khác ngước nhìn bằng kiểu gì đó độc đáo hơn vợi.

J'aime
bottom of page