Đang đứng yên ngoan ngoãn, một số chú chó bỗng trở nên kích động khi nhìn thấy một chiếc xe chạy ngang qua. Chúng cứ thế rượt theo xe mặc kệ tiếng gọi lớn của bạn, vì sao lại thế?
Đường phố vốn đông đúc càng thêm rối ren vì một chú chó cứng đầu và một người chủ đuổi theo trong hoảng loạn, tình huống này gây nguy hiểm cho cả người lẫn chó. Để đảm bảo an toàn cho thú cưng nhà mình và trật tự giao thông, chủ nuôi nên huấn luyện thế nào để ngăn chó chạy theo xe?
Đuổi theo xe là bản năng của chó
Chó vốn là động vật săn mồi có bản năng tự nhiên là đuổi bắt. Mỗi khi nhìn, nghe hoặc ngửi thấy một tác nhân kích thích, thường là một động vật khác hoặc một vật thể chuyển động như xe ô tô, xe đạp hoặc người đang chạy, bản năng này sẽ ngay lập tức khởi động và đưa chó vào trạng thái "đi săn" (1).
Qua quá trình tiến hóa, bản năng đuổi bắt trở nên mạnh mẽ hơn ở một số giống chó, biểu hiện ở ham muốn săn mồi, tầm nhìn xa và khả năng chú ý nhạy bén. Có một số giống chó dưới đây thường thích chạy theo xe (2):
Chó săn: chó săn thỏ (Beagle), chó Phú Quốc.
Chó sục: chó sục bò (Bull Terrier), chó sục lông mượt (Silky Terrier).
Chó chăn nuôi: chó chăn cừu Đức (Shepherd, còn gọi là chó becgie).
Nguy hiểm khôn lường từ thói đuổi bắt
Bên cạnh ô tô, chó cũng có xu hướng đuổi theo những phương tiện di chuyển khác như xe máy, xe đạp, ván trượt hay giày trượt. Bị thu hút và kích thích bởi các chuyển động này, thế nhưng, khi hoà vào dòng xe giữa đường, ánh sáng và tiếng ồn phát ra từ các phương tiện giao thông khiến chó rơi vào trạng thái hoảng sợ và mất phương hướng.
Người lái cũng bị bất ngờ bởi sự xuất hiện đột ngột của một chú chó kích động, dẫn đến chệch tay lái hoặc ngã xe. Một số tài xế vì muốn tránh chú chó mà lệch hướng, va chạm với các xe đang cùng lưu thông. Một số tài xế vì không kịp quan sát và điều chỉnh tay lái mà gây thương tích cho chó, đặc biệt là những chú chó nhỏ nằm ngoài tầm quan sát.
Ngoài ra, việc chó đuổi bắt trên đường cũng có thể ảnh hưởng đến người đi bộ, khiến họ bị thương vì té hoặc chó cắn.
Ngăn chó đuổi theo xe
Tuy hành vi đuổi bắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ, song chúng ta không thể buộc chúng từ bỏ hoàn toàn thói quen này bởi đây là bản năng của loài. Sau thời gian dài bị ức chế, chó thường có những phản ứng hung dữ như cắn phá, gầm gừ hay gây sự với những con chó khác, người khác (3). Vì vậy, chủ nuôi nên áp dụng những biện pháp ôn hòa nhưng bền bỉ, tạo cho chó thói quen tốt về lâu dài.
Cả khi dắt chó đi dạo lẫn để chó ở gần đường lớn nhiều xe cộ, chủ nuôi phải luôn giữ chó an toàn và trong tầm kiểm soát, tuyệt đối không thả chó tự do chạy nhảy. Dụng cụ cần thiết là dây đeo ngắn, chắc (dưới 160cm) và rọ mõm tùy trường hợp. Bạn có thể khống chế chó tốt hơn bằng cách:
Giữ dây chặt trong lòng bàn tay hoặc chọn một loại dây có thể đeo vào cơ thể.
Điều khiển chó giữ khoảng cách với xe cộ và duy trì sự chú ý của nó vào mình.
Xây bờ rào, khóa cửa và đưa chó vào chuồng khi ra ngoài.
Bên cạnh các biện pháp ngăn chó đuổi theo xe kể trên, nếu có thể, bạn nên huấn luyện chó để tạo một thói quen tốt về lâu dài. Một phương pháp phổ biến là huấn luyện điều kiện hóa ngược (counterconditioning), thực hiện như sau:
Bước 1: Dạy chó ngồi. Tham khảo bài viết này.
Bước 2: Tập cho thú cưng làm quen với việc đi bộ cùng dây xích
Bước 3: Tại nơi cách đường phố vừa đủ để chó tập trung vào chủ, cứ mỗi khi có xe chạy ngang, chủ sẽ khen và thưởng đồ ăn cho chó, hoặc bấm một cái nếu dùng bấm huấn luyện (clicker training).
Bước 4: Đa số chó sẽ nhanh chóng nhận ra mối liên hệ giữa xe với phần thưởng. Hãy liên tục tán dương và cho chó thức ăn vì đã chú ý vào chủ dù có xe chạy ngang.
Bước 5: Khi chó đã bắt đầu quen với việc nhìn về phía chủ để được thưởng khi xe qua, chủ có thể giảm dần khoảng cách giữa chó với đường giao thông (4).
Bằng phương pháp này, chó sẽ có khả năng giữ bình tĩnh, ít bị kích thích bởi âm thanh, chuyển động của xe cộ và từ đó, kiểm soát hành vi đuổi bắt. Nếu việc huấn luyện không hiệu quả, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ từ các chuyên gia hoặc huấn luyện viên chuyên nghiệp.
Ngoài ra, chủ nuôi cũng nên tạo điều kiện cho chó thỏa mãn bản năng đuổi bắt và rèn tính kỷ luật bằng những trò chơi như kéo co, rượt đuổi trong không gian an toàn hoặc nhặt đồ. Những đồ chơi mà chó yêu thích là đĩa bay, thú bông kèm dây hoặc cần câu chó.
Dù có tức giận vì sự vô ý và ngây thơ của chó đến mấy, bạn cũng không nên trừng phạt nó bằng cách đánh đập, bỏ đói hay nhốt (5). Những biện pháp cực đoan này không chỉ kém hiệu quả mà còn làm mất niềm tin và tình cảm của chó dành cho chủ.
Những chú chó mang suy nghĩ đơn giản như một đứa trẻ con, bản thân chúng không ý thức được hành vi của mình gây ra nguy hiểm nghiêm trọng. Trong vai trò là chủ, là "phụ huynh" của những "đứa trẻ lắm lông" này, bạn cần làm dạy cho chúng biết là có thể làm gì và không được phép làm gì.
Comments