top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Tại sao nhiều nghiên cứu khoa học khẳng định chơi nhạc "sướng" hơn nghe nhạc?

Chúng ta đã biết khả năng xoa dịu của việc thưởng thức âm nhạc đối với sức khỏe tinh thần và thể chất. Vậy tự mình tấu lên những giai điệu đó thì mang lại tác động như thế nào? Điều gì khiến nhiều bậc phụ huynh cho con em mình học nhạc cụ? Hãy cùng LeLaJournal khám phá những tác động của việc chơi nhạc.



Không bao giờ là quá muộn để học chơi nhạc cụ


Học chơi nhạc cụ từ sớm sẽ dễ dàng hơn vì khi còn bé, não chúng ta hoạt động linh hoạt và tiếp thu thông tin nhanh chóng hơn (1) (2). Ở thời điểm đó, chúng ta sở hữu khả năng tập trung cao độ. Khi lớn lên, việc dành 100% tâm trí để học nhạc cụ trở nên khó khăn hơn bởi ta có quá nhiều thứ phải suy nghĩ và bận tâm.


Thế nhưng, đừng vì vậy mà nản lòng bởi hơn tất cả, sự kiên trì là yếu tố quyết định sự thành bại của mọi việc, kể cả chơi nhạc. Bằng chứng là có rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ thành công dù bắt đầu con đường chơi nhạc khi "quá tuổi" như:

  • Ian Anderson: Là giọng hát chính kiêm tay chơi guitar và thổi sáo của ban nhạc rock nổi tiếng nước Anh Jethro Tull, Ian Anderson mới bắt đầu học thổi sáo từ năm 20 tuổi – khi ban nhạc mới vừa thành lập.

  • Paul Wittgenstein: Theo học piano từ nhỏ và lần đầu ra mắt vào năm 1913 nhưng sự nghiệp của Paul Wittgenstein lại nhanh chóng bị gián đoạn khi Thế chiến thứ nhất nổ ra năm 1914. Thảm kịch chiến tranh đã lấy đi cánh tay phải của Paul Wittgenstein, sự nghiệp piano của ông quay trở về con số 0. Ở tuổi 27, ông luyện chơi piano lại từ đầu chỉ với cánh tay trái.

  • Trong một chủ đề tương tự được đem ra thảo luận trên trang Quora thì đã có rất nhiều người chia sẻ về sự thành công cũng như hạnh phúc của mình khi quyết tâm theo học nhạc cụ dù không còn trẻ.

Thời điểm tốt nhất để học nhạc cụ là khi còn bé, còn thời điểm tốt thứ hai là ngay bây giờ. Đừng để một vài năm nữa chúng ta sẽ lại tiếc nuối tại sao không đưa ra quyết định sớm hơn.



Hãy để Lela Journal tiếp thêm động lực cho bạn qua những dẫn chứng khoa học cho thấy lợi ích tuyệt vời của việc chơi nhạc cụ.


Lợi ích từ việc chơi nhạc cụ


Âm nhạc là công cụ duy nhất có thể thu hút đồng thời sự chú ý của nhiều vùng não một lúc, hơn bất kỳ hoạt động nào khác trong cuộc sống hằng ngày. Giai điệu tác động đến những phần não phụ trách ngôn ngữ, cảm xúc, trí nhớ, kỹ năng tư duy, sự tập trung chú ý… nhờ đó giúp cải thiện chức năng điều hành, nhận thức xã hội và điều tiết cảm xúc của não bộ (3).


Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu ví von việc kết hợp các chức năng trong não khi nghe nhạc là "một bức tranh đầy màu sắc" thì việc chơi nhạc cụ sẽ tạo nên một "màn pháo hoa rực rỡ" trong đầu các nhạc công (4).


Không nhất thiết phải chơi nhạc xuất sắc như các nghệ sĩ, chúng ta vẫn có thể nhận được các lợi ích đáng kể khi tự mình tấu lên những giai điệu:

  • Tăng cường khả năng nhận thức: Đọc bản ký âm và chơi nhạc cụ cùng lúc đòi hỏi sự kết hợp giữa các giác quan và hệ thần kinh vận động. Chính hoạt động phức hợp này giúp cải thiện trí nhớ, sự chú ý và khả năng vận động (5).

  • Cải thiện kết quả học tập: Trẻ em chơi nhạc cụ có xu hướng học tập tốt hơn những đứa trẻ chỉ nghe nhạc. Việc học chơi một nhạc cụ giúp nâng cao khả năng ngôn ngữ, toán học và khoa học của trẻ (6).

  • Nâng cao khả năng sáng tạo: Sự biến đổi linh hoạt của những nốt nhạc là nguồn cảm hứng cho quá trình đổi mới không ngừng. Việc ứng biến khi chơi nhạc và hoạt động sáng tác cho phép người chơi thoải mái thể hiện cá tính bản thân, từ đó phát triển sức sáng tạo của riêng mình (7).

  • Giảm căng thẳng: Cortisol - hormone được sản sinh bởi tuyến thượng thận để đối phó với tình trạng căng thẳng - nếu có hàm lượng cao trong thời gian dài sẽ kéo theo các vấn đề sức khoẻ như tăng huyết áp, đái tháo đường… Việc chơi nhạc có thể làm giảm mức cortisol nhiều hơn so với việc chỉ nghe nhạc (8).

  • Tăng cường các kỹ năng xã hội: Hoạt động trong các ban nhạc, dàn nhạc có thể giúp người chơi phát triển kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp và lãnh đạo (9).

  • Mang lại cảm giác hài lòng: Việc học chơi một nhạc cụ đòi hỏi tính kỷ luật và sự kiên trì. Vậy nên, người chơi sẽ thấy thỏa mãn khi đạt được thành tựu trong quá trình luyện tập. Điều này cũng góp phần thúc đẩy lòng tự trọng tích cực của mỗi người (10).

Hiện nay, với sự phát triển của mạng Internet, việc học nhạc cụ không còn quá khó khăn, thứ chúng ta cần chính là sự cam kết với một quá trình "dài hơi" nhưng rất xứng đáng để nỗ lực.



Comments


bottom of page