Anh Trịnh Văn Cảnh là chủ nhân của chú chó "triệu view" Củ Cải (thuộc giống Labrador). Hiện kênh Youtube Củ Cải đã thu hút hơn 200 triệu lượt xem với gần 500 nghìn lượt đăng ký. Vừa qua, Củ Cải Family - gồm Củ Cải (bố), Kim Chi (vợ) và Cà Rốt (con) - đã cùng chủ nhân thực hiện chuyến đi xuyên Việt. Hãy cùng LeLa Journal khám phá những câu chuyện thú vị trong việc nuôi dạy thú cưng cũng như về trải nghiệm "xê dịch" dọc khắp mọi miền Tổ quốc này qua lời chia sẻ của "con sen" Trịnh Văn Cảnh.
Chào anh Cảnh, anh có thể chia sẻ về cơ duyên khiến anh nhận nuôi Củ Cải cũng như cách huấn luyện để Củ Cải nói chung và các em cún khác nói riêng có thể biết phân biệt tiền, phân biệt đội bóng, nhận biết màu sắc hay biết làm toán... như trong các clip Youtube của anh?
Tôi từng nuôi chó khi còn nhỏ, tuy không phải là giống chó đắt tiền nhưng tôi rất yêu quý và thường xuyên chơi đùa cùng nó. Sau khi chú chó qua đời, tôi không nuôi bất kỳ em thú cưng nào khác nữa. Bẵng đi một thời gian dài, tôi tìm hiểu và biết rằng giống chó Labrador rất thông minh, thân thiện và tình cảm, vì vậy tôi đã quyết định nuôi bé Củ Cải.
Củ Cải rất thông minh. Chỉ sau hơn một tuần về chung một nhà, tôi và "cậu bé" đã trở nên vô cùng thân thiết. Lúc ấy, tôi bắt đầu dạy cho Củ Cải các kỹ năng cơ bản. Tôi dành nhiều thời gian và tình cảm cho "thành viên mới" của gia đình này nên Củ Cải vô cùng hiểu tôi và học các hiệu lệnh cực nhanh. Sau khoảng sáu tháng, Củ Cải đã học được rất nhiều kỹ năng như bạn đã đề cập.
Dĩ nhiên, trong quá trình huấn luyện, tôi đã gặp nhiều thách thức. Việc dạy Củ Cải đi vệ sinh là một trong những khó khăn lớn đầu tiên. Sau nhiều nỗ lực và cố gắng, tôi đã thành công trong việc hướng dẫn Củ Cải đi vệ sinh đúng chỗ.
Tôi nhận ra rằng, trong việc huấn luyện chó, kiên nhẫn và khen thưởng đúng lúc là điều rất quan trọng.
Phương thức huấn luyện này liệu có thể được áp dụng cho các giống chó khác như Poodle, Golden, Corgi, Husky hay Alaska không?
Tôi tin rằng mọi chú chó đều rất thông minh nếu chủ nhân dành nhiều thời gian và tình yêu thương để chăm sóc, chơi đùa và kiên nhẫn dạy chúng.
Với nhiều người chưa có kinh nghiệm và mới bắt đầu nuôi thú cưng, đặc biệt là khi nhận nuôi các giống chó lớn thì quá trình huấn luyện ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn cũng như đôi lúc các "bé bự" không chịu nghe lời nên cào, cắn lung tung. Anh có lời khuyên nào cho các trường hợp này?
Khi chăm sóc chó cưng, chúng ta cần nhớ rằng việc tiêm phòng các loại vaccine (gồm vaccine phòng bệnh và vaccine phòng dại) là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của thú cưng mà còn giảm thiểu rủi ro lây nhiễm cho con người.
Trong quá trình chơi đùa, lỡ như các bé vô tình cào hoặc cắn nhẹ nhưng nếu đã được tiêm vaccine thì ta không cần lo lắng. Tuy nhiên, nếu vết thương quá lớn hoặc chảy máu nhiều thì bạn cần đến bệnh viện hoặc trung tâm y tế để bác sĩ có thể xử lý.
Củ Cải Family nhận được nhiều sự đón nhận từ cộng đồng mạng, điều này được thể hiện rõ rệt qua số lượng khách tham dự đông đảo ở các buổi "họp fan" suốt chuyến du lịch xuyên Việt của gia đình Củ Cải. Anh cảm thấy thế nào khi nhìn lại hành trình vừa qua?
Tôi và Củ Cải Family vừa mới có hành trình xuyên Việt, trong đó có 2 buổi gặp gỡ bạn bè mến mộ, tại Đà Nẵng với khoảng 200 người và tại TP.HCM với hơn 500 người tham dự. Chuyến đi có vất vả và tốn kém nhưng thực sự tôi rất vui khi đã có thể hiện thực hóa mong muốn bấy lâu nay là đưa Củ Cải family đi ngao du, truyền tải được thông điệp yêu thương chó mèo, tạo dựng một cộng đồng lớn và kết nối con người ở khắp mọi miền tổ quốc.
Thật sự tôi rất vui khi nhận được nhiều sự quan tâm và tình cảm của mọi người đến vậy. Nhớ về những buổi "họp fan" ấy mà bây giờ tôi vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc lâng lâng và hạnh phúc. Tôi tin mình sẽ chẳng bao giờ quên được những khoảnh khắc đó.
Để di chuyển một hành trình dài như vậy thì hẳn người cũng mất sức, huống chi là thú cưng. Anh có thể chia sẻ cho độc giả những bí quyết để giúp Củ Cải, Kim Chi và Cà Rốt cũng như các em thú cưng khác duy trì sức khoẻ trên chặng đường di chuyển để những ai muốn du lịch xuyên Việt cùng thú cưng có thể áp dụng?
Việc di chuyển trên một hành trình dài rất vất vả. Nhận thức được sự quan trọng của phương tiện đi lại, tôi đã thuê một chiếc xe rộng rãi để đảm bảo sự thoải mái cho ba chú cún. Sau đó, tôi tính toán khoảng cách di chuyển và lịch trình nghỉ ngơi. Mỗi ngày, tôi sẽ đi từ 300 - 400 cây số. Có những nơi tôi sẽ dừng lại hẳn một vài ngày. Xuyên suốt chặng đường, cả gia đình cũng thường xuyên dừng lại để cho ba bé nghỉ giải lao, vận động, uống nước và đi vệ sinh. Tất nhiên, việc chuẩn bị kỹ càng đồ ăn và nước uống cho ba chú cún suốt hành trình cũng là điều cần đặc biệt lưu ý.
Nhân tiện, có những kỉ niệm thú vị hoặc bài học đáng nhớ nào mà anh đã nhận được kể từ khi bắt đầu nuôi thú cưng không?
Kỉ niệm với gia đình Củ Cải thì rất nhiều, chắc phải kể bắt đầu từ lúc Củ Cải còn ở một mình. Tôi nhớ có một hôm, tôi đã "giả vờ" ngã xuống nước để thử xem Củ Cải sẽ làm gì. Dù không biết bơi nhưng "cu cậu" đã sẵn sàng nhảy xuống nước cứu tôi. Rồi còn những lúc lon ton trên chiếc xe máy chở Củ Cải và Kim Chi về quê với quãng đường hơn 100 cây số hay những lần cả "đại gia đình" quây quần lên sóng truyền hình… Kể ra thì nhiều lắm!
Anh có bất cứ lời khuyên nào cho những ai đang và sẽ nuôi một em cún không?
Đối với bạn, chó có thể chỉ là một vật nuôi, nhưng đối với một chú chó, bạn là cả cuộc đời. Nếu bạn đang nuôi thú cưng dù là bất kỳ con vật gì, hãy yêu thương nó thật nhiều, dành thời gian trò chuyện, chơi đùa cùng nó, cũng như tìm hiểu cặn kẽ cách chăm sóc và đừng bao giờ bỏ rơi em ấy.
Còn với những ai đang có ý định sẽ nuôi một bé cún, hãy tìm hiểu và suy nghĩ thật kỹ càng. Nuôi một bé cún sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Bạn cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc cún đi vệ sinh linh tinh, cắn phá đồ đạc, cho đến rụng lông khắp nhà.
Hãy nuôi một chú cún khi bạn thật sự yêu thương chúng và đã sẵn sàng cho trách nhiệm đó, đừng chỉ vì một sở thích ngắn hạn.
Comments