top of page
Tìm kiếm

"Chung nhà, chung giường" còn chung gì nữa? 5 vấn đề cần đồng thuận trước hôn nhân

Tiếp nối bài viết về chủ đề Sau chia tay thì chia... gì? 7 câu hỏi trước khi kết thúc mối quan hệ, LeLa Journal sẽ mở rộng sang câu chuyện chung đôi trong hôn nhân. Hôn nhân được hình thành dựa trên tình yêu và sự tự nguyện của hai người, nhưng trên thực tế, cuộc sống "chung một nhà" lại ẩn chứa nhiều vấn đề khiến hai người (và thậm chí là cả hai gia đình) phải lo lắng, tính toán. Vậy, chung nhà thực ra là chung gì? Dưới đây là 5 lưu ý mà LeLa Journal tin rằng bạn và nửa kia cần trao đổi và đồng thuận trước khi bước vào "ngôi nhà chung".



1. Chung kế hoạch quản lý tài chính


Trong nhiều bài nghiên cứu về lý do ly hôn, 40% người tham gia phàn nàn về cách vợ/chồng cũ của họ tiêu tiền và cho rằng đó là lý do cụ thể khiến cuộc hôn nhân của họ tan vỡ (1). Trên thực tế, đã và đang tồn tại nhiều mâu thuẫn cặp đôi xuất phát từ sự khác biệt trong mức độ ưu tiên khi chi tiêu và quyết định tài chính.


Để tránh tình huống không đáng có này, cặp đôi cần cùng nhau vạch ra một kế hoạch quản lý tài chính rõ ràng trong hôn nhân với tâm thế chuẩn bị sẵn sàng và thẳng thắn từ trước khi chung nhà.

Chẳng hạn, các bạn có thể cân nhắc tới việc có thành lập tài khoản ngân hàng đồng sở hữu bởi hai người hay vẫn tiếp tục sử dụng tài khoản cá nhân của mình.


Một số cặp vợ chồng thường mở tài khoản ngân hàng chung sau khi kết hôn. Tài khoản có hai chủ sẽ hỗ trợ:

  • Kết hợp tài chính, mà từ đó cả hai kiểm soát được tiền lương, chi tiêu sinh hoạt hàng tháng, gồm thuê nhà, hóa đơn điện nước, tiêu dùng, các khoản nợ chung khác…

  • Minh bạch tài chính, với thông tin giao dịch đều được ngân hàng gửi thông báo cho đôi bên.

  • Hưởng lãi suất và giảm các khoản phí dịch vụ.

  • Quản lý dễ dàng giữa hai người đồng sở hữu tài khoản.



Trong trường hợp không mong muốn khi xảy ra tranh chấp, theo khái niệm thuộc Luật hôn nhân, vì quan hệ mật thiết chủ thể (là vợ và chồng), cả hai sẽ có quyền và nghĩa vụ giống như nhau. Do đó, trước khi đưa ra quyết định, bạn cùng bạn đời nên nắm rõ những quy định liên quan.


Ngược lại, nếu không muốn dùng tài khoản chung, cả hai có thể tiếp tục sử dụng tài khoản cá nhân để đảm bảo quyền riêng tư của bản thân trong vấn đề tiền bạc. Mỗi người sẽ có một phần trách nhiệm đóng góp vào ngân sách chung để duy trì sinh hoạt trong gia đình.


Tuy nhiên, việc này đôi khi dẫn tới tình huống bạn và đối phương sẽ khó kiểm soát hoạt động chi tiêu của người còn lại, như là quỹ đen, chi tiêu quá nhiều... Theo báo cáo vào năm 2022, khoảng 32% người Hoa Kỳ được hỏi thừa nhận rằng họ đang bội tín tài chính — tức là không trung thực với "nửa kia" về chuyện tài chính (2).


Chính vì vậy, hãy trao đổi trước với đối phương và tìm ra sự đồng thuận trong cách thức quản lý tài chính hôn nhân.

Nếu muốn sử dụng tài khoản cá nhân, hai người cũng có thể cùng lập ra quy tắc chi tiêu nhằm không gặp phải khó khăn về việc kiểm soát tài chính, gồm một số mục như sau:

  • 50% cho chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước…

  • 30% cho chi tiêu cá nhân như xem phim, du lịch…

  • 20% cho các mục tiêu tài chính như tiết kiệm, trả nợ…



2. Chung quyền sở hữu tài sản


Sau khi kết hôn, nhiều người ngỡ ngàng vì không tìm hiểu kỹ kiến thức về quy định tài sản vợ chồng theo luật pháp, những câu chuyện liên quan tới phân chia tài sản chung - riêng khá nhạy cảm, nhập nhằng và phức tạp. Vậy chúng ta cần nắm rõ điều gì?


Điều 33 "Tài sản chung của vợ chồng", bộ luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 đã ghi rõ:

"Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung".


Đồng thời, "Tài sản riêng của vợ hoặc chồng" cũng được định nghĩa cụ thể tại điều 43 bộ luật này:


"1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này".

Trong khi đó, một số tài sản có giá trị cao, có khả năng cao sẽ dẫn tới xảy ra các tranh chấp phức tạp, ảnh hưởng nhiều tới cuộc hôn nhân giữa hai người, gồm có:

  • Bất động sản;

  • Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

  • Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.


Trong nội dung một bản án lệ của Việt Nam về vụ án ly hôn, quá trình phân chia tài sản khi ly hôn cũng phải xét qua từng yếu tố để đưa ra phán quyết (3), bao gồm:

  • Tính xác thực của quyền sở hữu qua văn bản có sự làm chứng của cơ quan chức năng,

  • Tính ý chí của các đối tượng liên quan trong vụ việc,

  • Đặc biệt trong đó là sự đồng thuận trong quá trình sở hữu tài sản của hai vợ chồng.


Bởi vậy, hai người nếu đã có chung những mục tiêu sở hữu tài sản như mua nhà, mua xe... sau khi kết hôn, thì cần bàn bạc trước với nhau, có sự tôn trọng lẫn nhau trong quyền sở hữu tài sản của mỗi người. Đồng thời, tôn trọng quyền sở hữu tài sản riêng của chồng hoặc vợ mình.


3. Chung trách nhiệm làm việc nhà


Bên cạnh những vấn đề mang tính hợp lý cần để tâm như trên, khi bước vào đời sống vợ chồng, cặp đôi cũng nên thống nhất về chuyện phân chia công việc nhà một cách hợp tình.


Một khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2016 đã chỉ ra rằng, tại Hoa Kỳ, hơn một nửa số người trưởng thành đã kết hôn, bất kể có con hay chưa, cho rằng chia sẻ việc nhà là yếu tố "vô cùng quan trọng" để có một cuộc hôn nhân thành công (4).

Cụ thể, bài khảo sát cũng chỉ ra, nam giới đồng tình với quan điểm này hơn, với 63% nam giới và 58% nữ giới. Tuy nhiên, từ số liệu thống kê cho thấy, trong khi đàn ông tự tin rằng bản thân và vợ đã chia đồng đều khối lượng công việc nhà, phụ nữ lại cho thấy mình mới là người làm nhiều hơn. Sự khác biệt này có thể xuất phát từ việc không bàn đến việc nhà, mà chúng ta còn phải tính cả việc làm công để tăng thu nhập.


Vậy thì, để cuộc sống chung đôi không xuất hiện những cuộc tranh luận hay thiếu cân bằng không đáng có, cả hai hãy trao đổi về kỳ vọng, giải pháp của bản thân với trong vấn đề này. Một số cách các cặp đôi có thể thử gồm có:

  • Lập ra một danh sách và phân rõ ai làm việc nào dựa trên sự thống nhất chung,

  • Cùng trao đổi và quyết định liệu mình có nhận sự giúp đỡ từ các dịch vụ khác không,

  • Vạch sẵn kế hoạch dọn dẹp trong tuần...



4. Chung cảm giác thoải mái trong giao tiếp


Sự song hành của cảm xúcnhu cầu tình dục là yếu tố quan trọng của một cuộc hôn nhân lành mạnh. Sự e ngại, lảng tránh khi nói về những vấn đề tưởng chừng nhỏ bé nhưng vô cùng cần thiết này có thể gây ra hiểu lầm giữa hai người, từ đó, mất đi "cái lửa" trong cuộc sống chung đôi.


Như đã nhắc tới trong bài viết với tựa đề "Hôn nhân là mồ chôn tình yêu": Liệu có đúng dưới góc nhìn tâm lý học? về Thuyết Tam giác Tình yêu của Robert J. Sternberg, chúng ta có thể thấy cảm xúc và nhu cầu tình dục có liên quan tới hai yếu tố quan trọng trong tình yêu là sự thân mật và say đắm.



Có một số ích lợi khi cả hai cùng chia sẻ cảm xúc của mình, dù là sau khi kết hôn (5), gồm có:

  • Có thêm các cuộc đối thoại sâu, giúp cả hai hiểu nhau hơn

  • Gần gũi và thân mật hơn, từ đó, tạo gắn kết bền chặt hơn

  • Tránh cảm giác phẫn uất, oán giận bị kìm nén

  • Giúp cả hai học cách quản lý cảm xúc tốt hơn


Các chuyên gia cho rằng các cặp vợ chồng cũng cần luyện tập, thực hành việc trao đổi về tình dục với thái độ cởi mở và sẵn sàng chia sẻ.

Đặc biệt, ham muốn tình dục cũng biến động theo từng độ tuổi nhất định (6). Điều này dẫn tới tình trạng ở từng thời điểm sau khi kết hôn, nhu cầu giữa hai bên có thể không tương đồng. Do đó, việc chia sẻ về cảm xúc và nhu cầu là vô cùng quan trọng khi cả hai chung nhà, chung giường.



5. Chung quan điểm và phương pháp nuôi dạy con


Có lẽ đây là một trong những cuộc hội thoại quan trọng nhất của một cặp đôi. Ngay từ trước khi "chung nhà chung giường", hai người cần trao đổi về quan điểm cá nhân xoay quanh chủ đề con cái, như là thời điểm phù hợp, nuôi dạy con, các lựa chọn và ưu tiên...

Sinh con và nuôi dạy con luôn là một việc dần dà càng chiếm nhiều thời gian và không gian của hai vợ chồng (7), như là ít thời gian riêng dành cho nhau, ít thời gian ở một mình... Việc làm cha mẹ cũng không dễ dàng gì, đặc biệt với các cặp đôi có con lần đầu.


Vì sự phát triển lành mạnh của con trẻ và sự "bất đồng ý kiến" có thể xảy ra trong hành trình kéo dài nhiều năm, các cặp vợ chồng nên làm rõ thói quen, kế hoạch chung về việc nuôi dưỡng, dạy trẻ ra sao.



Thậm chí, nhiều cặp vợ chồng cũng có thể bất đồng ý kiến trong việc chăm nuôi thú cưng, ngay từ những thói quen nhỏ nhặt nhất như là có cho thú cưng lên bàn ăn hay không, hoặc có cho thú cưng ngủ cùng hay không...

Ngoài ra, việc cùng xác định tính ưu tiên của việc chăm sóc con trẻ và quan tâm đến bạn đời cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu khuyên là cần thiết. Số liệu đã cho thấy rằng, trong 3 năm đầu tiên nuôi dưỡng một đứa trẻ, mức độ hài lòng với hôn nhân của nhiều cặp vợ chồng đã "rớt" một cách đáng kể (8). Chẳng hạn, một người có thể cảm thấy người bạn đời đang dành quá nhiều thời gian và sự ưu tiên con cái mà không mấy quan tâm tới mình nữa.


Tìm ra điểm cân bằng giữa việc nuôi dạy con trẻ và chăm sóc mối quan hệ là một cách các cặp vợ chồng có thể chia sẻ và trao đổi từ trước. Bởi việc nuôi dạy con là vốn của hai người, khi cả hai đều cho thấy sự sẵn sàng của bản thân muốn giúp đỡ đối phương trong việc nuôi dạy con trẻ, vấn đề xảy ra trong hôn nhân liên quan đến con trẻ sẽ được giảm thiểu.



Comments


bottom of page