top of page
Tìm kiếm

Chuyển nhà, đổi chỗ ở: Những biến động nhỏ nhưng tác động lớn đến tâm lý trẻ thơ

Trong cuộc sống hiện đại, không ít bậc phụ huynh buộc phải chuyển nhà để phù hợp hơn với điều kiện công việc cũng như hoàn cảnh khách quan của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với những thứ mới mẻ có thể sẽ mang lại nhiều thách thức cho trẻ nhỏ. Trên thực tế, việc di chuyển nơi ở vào thời thơ ấu có thể tác động rất lớn đến sức khỏe tinh thần của con cái. Vậy đâu là những dấu hiệu giúp chúng ta nhìn thấy điều đó ở trẻ và làm thế nào để đối mặt với những rủi ro này?



Theo một nghiên cứu tại Đại học Queens ở Belfast, những đứa trẻ chuyển nhà từ năm lần trở lên trong thời thơ ấu có nguy cơ gặp các vấn đề về chăm sóc sức khỏe tinh thần cao gấp ba lần so với những đứa trẻ sống định cư yên ổn (1).

Tiến sĩ Foteini Tseliou, tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chuyển nhà có thể là một trải nghiệm căng thẳng với cả phụ huynh và trẻ nhỏ vì nó liên quan đến những thay đổi trong môi trường và xã hội xung quanh. Các bậc phụ huynh cần lưu ý rằng những thay đổi này có thể gây căng thẳng hơn cho trẻ vì tinh thần của chúng có thể nhạy cảm và yếu ớt hơn người lớn".


Cách đảm bảo việc chuyển nhà diễn ra thuận lợi với trẻ


Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Để tránh phải đối mặt và giải quyết các vấn đề tâm lý phát sinh sau này ở trẻ, đồng thời giúp cho trải nghiệm chuyển nhà trở thành những kỷ niệm đẹp đáng nhớ, quý vị phụ huynh có thể cân nhắc một số gợi ý sau:


1. Cho trẻ cùng tham gia vào các quyết định nhiều nhất có thể


Trẻ nhỏ, dĩ nhiên, khó có quyền quyết định những vấn đề quan trọng, nhưng việc bố mẹ khéo léo cho trẻ cùng tham gia vào quá trình này là một bước chuẩn bị tốt cho tâm lý của trẻ. Nó sẽ giúp trẻ cảm thấy việc chuyển nhà là một phần trách nhiệm của bản thân. Thông qua đó, tâm trạng của trẻ dần ổn định lại, không còn quá ngỡ ngàng và nhận ra mình cũng là một phần cho những sự thay đổi sắp tới. Một số hoạt động mà phụ huynh có thể để trẻ quyết định như: chọn phòng trong nhà mới, chọn cách sắp xếp, trang trí đồ đạc trong phòng riêng hoặc góc học tập riêng của trẻ. Và nếu trẻ cảm thấy hứng thú, hãy để trẻ tự lựa chọn phong cách trưng bày riêng cho căn phòng đó, dù không phù hợp với thẩm mỹ của bố mẹ hoặc không gian chung của ngôi nhà nhưng sẽ là một nơi hoàn hảo đối với trẻ.


2. Đóng gói đồ đạc thân quen


Trước khi rời khỏi tổ ấm cũ, hãy để trẻ tự đóng gói những món đồ yêu thích hoặc có giá trị kỷ niệm. Bảo quản đồ đạc trong một chiếc hộp nhỏ để trẻ có thể mang theo bên mình và giúp chúng cảm thấy an toàn trong suốt chặng đường chuyển nhà. Nếu được, cha mẹ có thể làm một album ảnh “Nhà cũ” bao gồm những bức ảnh lưu niệm của chúng với bạn bè trong khu phố để trẻ có thể tìm xem mỗi khi nhớ lại những điều đã trải qua trong thời thơ ấu.



3. Nói lời tạm biệt


Sau khi đóng gói đồ đạc thì một điều quan trọng khác cũng cần được đóng gói chính là cảm xúc. Trẻ em cần được biết rằng cuộc đời là một hành trình dài có hội ngộ lẫn chia ly, thế nên việc học cách nói lời tạm biệt với những người bạn hàng xóm, thầy cô, người quen trong khu phố... sẽ giúp cho nhận thức cùng trải nghiệm của trẻ dần định hình và trưởng thành trọn vẹn hơn.


4. Khám phá nơi ở mới


Một nơi ở mới, một khởi đầu mới. Đây có thể xem là một trong những điều thú vị nhất khi chuyển nhà. Còn gì tuyệt vời hơn khi cùng con trẻ khám phá những địa điểm thú vị xung quanh nơi ở mới bằng bản đồ khu phố hoặc chỉ dẫn từ những người hàng xóm mới quen. Trong suy nghĩ của trẻ, điều này cũng giống như công việc của những nhà thám hiểm khi đặt chân lên những vùng đất chưa từng được khai hoang. Nó sẽ khơi dậy sự tò mò, ham tìm hiểu và xua đi những cảm xúc tiêu cực trong quá trình chuyển nhà. Đây cũng là một điều rất cần thiết để ổn định tâm lý cho trẻ và là cơ hội để chúng có thể làm quen với những người bạn mới trong khu phố hoặc hàng xóm xung quanh.


5. Nhận ra những dấu hiệu cho thấy trẻ cần được giúp đỡ


Các vấn về sức khỏe tinh thần do chuyển nhà thường bắt gặp ở trẻ trong những giai đoạn sau khi đã về nơi ở mới một thời gian. Có những đặc điểm tâm lý chung của trẻ đang gặp vấn đề mà chúng ta có thể quan sát được sau khi chuyển nhà như:

  • Trẻ thích ở nhà nhiều hơn ở trường: Mặc dù đây có thể là dấu hiệu lười biếng nhưng các bậc phụ huynh cũng nên để tâm quan sát. Kể cả khi trẻ không hứng thú với việc học hành thì gặp gỡ bạn bè luôn là một thú vui của trẻ ở độ tuổi đến trường. Vì vậy, nếu con chỉ muốn ở nhà thì rất có thể môi trường học tập mới không phù hợp với con hoặc con không tìm được bạn bè mới để chơi cùng ở đây.

  • Có những cơn đau đầu hoặc đau bao tử: Đầu tiên cần phải đảm bảo sức khỏe cho trẻ bằng việc đi thăm khám để loại trừ những nguyên nhân về mặt thể lý. Sau đó hãy cân nhắc đến việc đây có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang chịu nhiều áp lực từ môi trường sống mới.

  • Không có nhiều bạn, thường xuyên cảm thấy chán: Trẻ em luôn luôn thích chơi với bạn bè hơn là ở một mình, và trẻ cũng hiếm khi cảm thấy chán nản. Vậy nên chúng ta cần lưu ý để tìm hiểu xem con đang gặp phải vấn đề tâm lý gì và dạy con cách kết bạn, làm quen bạn mới, hòa nhập môi trường mới...

Phụ huynh cũng nên chuẩn bị tâm lý rằng trẻ em sẽ cần thời gian để thích nghi với môi trường mới. Để đảm bảo quá trình này trở nên tốt đẹp, vai trò đồng hành của cha mẹ là rất quan trọng để giúp con luôn cảm nhận được sự ổn định và an toàn trong chính tổ ấm mới, để từ đó, con thêm tự tin khám phá và hòa nhập vào cuộc sống mới quanh mình.


Comments


bottom of page