top of page
Tìm kiếm

"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

Đồng nghiệp ở công ty đang nói chuyện rất rôm rả, nhưng khi bạn cất lời thì cuộc nói chuyện lại nhanh chóng đi đến hồi kết, mọi người tản ra và không ai tiếp chuyện với bạn. Bạn hoặc người thân quen đã bao giờ phải chịu hoàn cảnh lạc lõng như vậy chưa? Đây được xem là một ví dụ điển hình của vấn đề "con cừu đen" nơi làm việc. Vậy làm sao để nhận diện "tình trạng cừu đen" này và làm sao để thoát khỏi nó?


Những con cừu đen bị coi thường vì bộ lông màu đen không có giá trị kinh tế như những bộ lông trắng (1). "Con cừu đen" thường được dùng để chỉ những người ít được coi trọng trong nhóm, hoặc thậm chí là thành viên gây ảnh hưởng tới danh tiếng của nhóm đó (2). Khái niệm "con cừu đen tại nơi làm việc" cũng được hiểu theo nghĩa như vậy.


"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

Bên cạnh "con cừu đen", cụm từ "kẻ ngoài cuộc" (outsider) cũng được dùng để nhắc tới những người luôn cảm thấy bản thân không thể thuộc về một cộng đồng dù họ đã rất cố gắng.

Dù được gọi là con cừu đen hay kẻ ngoài cuộc thì khi xét trong phạm vi một nơi làm việc, dễ dàng nhận thấy họ có nhiều sự khác biệt và khó đạt được quy chuẩn chung của văn hóa tại công ty đó. Rất nhiều người, dù đã rất nỗ lực, vẫn chưa thể hòa nhập được với môi trường và đồng nghiệp.


Bạn có thật sự là một con cừu đen?


Tình huống này thường xảy ra với những người vừa mới vào công ty, nhưng cũng có nhiều người là nhân viên lâu năm mà vẫn ở trong tình trạng này. Nhà tư vấn lãnh đạo Joshua Miller đã gợi ý một số dấu hiệu giúp bạn phân biệt rõ vấn đề cừu đen này (3):


1. Thường xuyên bị người khác lảng tránh hoặc chế nhạo: Nếu những người khác cố gắng tránh tương tác với bạn, hoặc tệ hơn là chế nhạo bạn dù bạn không làm gì sai trái thì khả năng cao là bạn đang bị cho ra rìa.


2. Luôn là người trễ nải: Thói đi muộn không chỉ một trong những nguyên nhân hàng đầu "giết chết" sự nghiệp của bạn, mà còn có nguy cơ xóa sổ cả những mối quan hệ của bạn. Khả năng quản lý thời gian ảnh hưởng lớn hiệu suất làm việc và cách người khác đánh giá mức độ uy tín của bạn. Khi đồng nghiệp nhận thấy khả năng quản lý thời gian của bạn quá yếu kém, bạn được xem như một mối nguy tiềm ẩn trong cả nhóm làm việc.


3. Đưa ra rất nhiều lời bào chữa: Nếu bạn liên tục viện cớ hay bào chữa cho những sai phạm của mình, đây cũng có thể là một lý do khiến cho các nhóm đồng nghiệp trong công ty không còn hào hứng làm việc cùng bạn nữa.

"Những lời biện minh là đinh ốc để xây nên ngôi nhà của sự thất bại" - Joshua Miller (4).

"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

4. Không tuân theo chuẩn mực: Không chỉ là chuẩn mực chung của xã hội, chuẩn mực riêng tại nơi làm việc cũng là một điều đáng lưu ý. Việc không hiểu rõ văn hóa công ty mà bạn làm việc là một dấu hiệu đáng báo động. Những người mắc phải điều này thường giao tiếp và ứng xử theo lối không phù hợp với văn hóa công ty. Họ không biết cách bắt đầu một cuộc trò chuyện, cũng như cách thảo luận các chủ đề tại nơi làm việc. Dần đà, sự thiếu hiểu biết này có thể dẫn họ đến thái độ nhút nhát, ngại giao tiếp, tự tách mình ra khỏi đám đông.


Tuy nhiên, hãy phân biệt rõ chuẩn mực và các "quy tắc ngầm" có phần vô lý. Ví dụ, phòng làm việc của bạn có thông lệ "bất thành văn" là nhân viên mới phải mời thuốc lá các nhân viên cũ, nhưng sẽ thế nào nếu bạn không hút thuốc hoặc không dư dả tài chính để mua những bao thuốc lá xịn mà họ thích?


Vi phạm chuẩn mực, chống đối gây ảnh hưởng tới người khác và lịch sự yêu cầu người khác tôn trọng quyền cá nhân của mình là hai việc khác nhau.

5. Phản kháng lại quá nhiều thứ: Không ai thích những người quá kiêu ngạo với thái độ không hòa đồng. Nếu bạn cứ tiếp tục nhận định bản thân là "hơn người" thì điều đó lại càng khẳng định rõ vị trí con cừu đen của bạn.


"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

"Màu lông cừu" quan trọng tới vậy sao?


Có một sự thật không thể bỏ qua là việc sống đơn độc có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.


Trong nghiên cứu của mình, nhà tâm lý học Kipling Williams cho thấy được nếu các nhân bị giảm tương tác với xã hội, họ sẽ có tâm lý cảm thấy mình như không tồn tại. Ý nghĩ này sẽ làm suy yếu ý thức về giá trị của bản thân họ, dẫn đến lâm vào trạng thái luôn hoài nghi về chính mình (5).


Theo hướng tiếp cận tiến hóa, từ khi tổ tiên loài người còn sinh sống trên các hoang mạc Châu Phi, sự gắn bó với đồng loại giúp con người không bị bỏ rơi và mất đi quyền sinh sản và duy trì nòi giống, cũng từ đó, sự tự tin và lòng tự tôn của con người được gia tăng khi chúng ta được gắn bó với một nhóm nào đó (6).

Cũng theo lý thuyết về sự sở thuộc (belonging theory) (7), con người luôn cố gắng để được chấp nhận và để có được cảm giác bản thân đang thuộc về một tập thể nào đó. Khi cảm thấy bản thân nằm "ngoài rìa", một người nhân viên thường cố gắng, nỗ lực, làm việc 200% để được công nhận. Tuy nhiên, nếu duy trì lâu dài thì điều này chắc chắn sẽ khiến họ cảm thấy kiệt sức và cạn kiệt cảm xúc (8). Dù vậy, không có gì bảo đảm được rằng những cố gắng của họ sẽ được ghi nhận.


"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

Cách để "nhuộm trắng" lông cừu đen


Nếu bạn đã ra quyết định về việc trở nên hòa nhập hơn cộng đồng, đây là một số gợi ý có thể giúp bạn:


1. Thật sự là một phần của nhóm: Kết quả nghiên cứu đã gợi ý rằng các nhà quản lý nên cố gắng tạo ra môi trường làm việc có nhiều kết nối đối với nhân viên, bằng cách khuyến khích họ làm việc theo nhóm để có cơ hội xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp của mình, cũng như nhận ra năng lực và giá trị của người khác (9).


Nếu bản thân bạn là một người nhân viên, bạn cũng có thể cố gắng tận dụng những khoảng thời gian làm việc chung để giúp đỡ, hỗ trợ những người chưa thật sự hiểu về bạn. Quá trình tương tác có sự hỗ trợ đã được chứng minh là sẽ khiến một mối quan hệ trở nên gắn bó hơn vì trong thời gian đó, mọi người cùng phải xử lý một mối quan tâm chung, cũng như đánh giá được đồng nghiệp của mình.


"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

2. Không chỉ là đồng nghiệp: Một nghiên cứu của Officevibe cho thấy 70% nhân viên nói rằng bạn bè tại nơi làm việc là yếu tố quan trọng nhất để có cuộc sống làm việc hạnh phúc và 58% nam giới sẽ từ chối công việc được trả lương cao hơn nếu điều đó đồng nghĩa với việc không hòa thuận với đồng nghiệp (10).


Tình bạn thực sự là chìa khóa cho sự thành công, sức khỏe và hạnh phúc trong sự nghiệp lâu dài của chúng ta. Nhu cầu cơ bản của con người về tình bạn mang lại cho chúng ta cảm giác thân thuộc, sự tự tin và sự hài lòng. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không xem đồng nghiệp là bạn bè vì chúng ta cố gắng tách biệt đời sống văn phòng và đời sống cá nhân mà lại bỏ qua một sự thật là con người thường dành phần lớn thời gian ban ngày tại nơi làm việc.


"Con cừu đen" nơi làm việc: Bạn có đang bị cho ra rìa?

Công ty nghiên cứu và tư vấn nhân sự Future Workplace đã thực hiện một nghiên cứu với hơn 2.000 nhà quản lý và nhân viên tại 10 quốc gia. Nghiên cứu tiết lộ rằng cứ 10 người thì chỉ có khoảng một người không có bạn bè ở nơi làm việc và hơn một nửa trong số đó chỉ có từ năm người bạn trở xuống (11).


Nếu bạn cảm thấy bản thân đang là con cừu đen thì chớ vội vã xông thẳng vào một nhóm người để hòa nhập. Thay vào đó, bạn có thể tìm kiếm và kết bạn với một người thật sự phù hợp rồi mới dần hòa nhập với nhiều người. Điều này không chỉ giúp bạn tiếp cận với đám đông, mà còn tạo cho bạn một động lực làm việc nhờ vào tình bạn nơi công sở.

3. Cảnh giác với sự tẩy chay: Việc bị "cừu đen hóa" có thể không tới từ sự thiếu hòa đồng mà lại tới từ "sự tẩy chay ở nơi làm việc" (workplace ostracism) - khi một người nhận thấy bản thân đang bị người khác phớt lờ hoặc không cho phép người đó hòa nhập với nhóm (12).


Nếu bạn nghĩ rằng mình chỉ cần tập trung làm tốt công việc của bản thân thì có thể là bạn đã nhầm. Tình trạng bị cô lập chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần và năng suất làm việc của bạn, từ đó hình thành tâm lý muốn phản kháng.


Sự tẩy chay tạo nên sự xa cách trong môi trường làm việc, khiến cho cảm giác gắn bó (engagement) của nhân viên với công ty của họ bị giảm đi rất nhiều (13).

Cách tự bảo vệ bản thân phổ biến là giảm cam kết (ít hoạt động, không tuân theo lịch trình, giảm năng suất…) hoặc thậm chí là rời khỏi công ty (14).


Trong những tình huống như thế, bạn nên nhờ sự can thiệp của bên thứ ba, đặc biệt là những quản lý cấp cao để hỗ trợ bạn giải quyết sự tẩy chay.


Comments


bottom of page