top of page
Tìm kiếm
Tâm Anh Trương

4 thiết bị công nghệ hiện đại hỗ trợ cuộc sống cho người khuyết tật

Công nghệ hỗ trợ (assistive technology) có thể giúp những người khuyết tật có cuộc sống thuận tiện hơn. Ngành công nghệ này dù còn đang phát triển, nhưng đã có những bước tiến đáng kể. Hãy cùng LeLa Journal tìm hiểu 4 phát minh công nghệ hỗ trợ mới nhất nhé.



Công nghệ hỗ trợ được người khuyết tật sử dụng để hoàn thiện các chức năng khiếm khuyết của cơ thể, bao gồm các thiết bị di chuyển như xe tập đi và xe lăn, các bộ phận cơ thể thay thế phần mô cứng hoặc mềm cùng thiết bị ngoại vi hỗ trợ truy cập máy tính và các công nghệ thông tin khác.


Một vài thiết bị hỗ trợ đã trở nên phổ biến như bàn phím có phím lớn hoặc chuột đặc biệt cho những người khuyết tật về tay, hoặc thiết bị phát ra âm thanh cho những người không nói được có thể nhập văn bản thông qua bàn phím (1). Trong bài viết này, LeLa Journal tổng hợp các phát minh công nghệ mới nhất vừa được giới khoa học sáng chế dành cho người khuyết tật.



1. TranscribeGlass: Cặp kính hiển thị "phụ đề"


Công ty start-up TranscribeGlass - được thành lập bởi hai sinh viên từ Đại học Stanford và Đại học Yale (Hoa Kỳ) - có thay đổi cách con người trò chuyện. Họ đã thiết kế một thiết bị có thể chuyển lời nói thành văn bản, sau đó chiếu "phụ đề" thực tế ảo tăng cường (AR) lên một cặp kính (2), (3), (4).


Madhav Lavakare, CEO và đồng sáng lập TranscribeGlass, cho biết anh đã lên ý tưởng cho TranscribeGlass từ việc bạn trung học của anh phải bỏ học vì gặp khó khăn trong giao tiếp.


"Tại sao không có thứ gì đó có thể giúp bạn tôi tham gia vào các cuộc trò chuyện trong bối cảnh thường ngày?" - Lavakare chia sẻ thắc mắc của bản thân cho tờ The Stanford Daily (4).

Nguồn: The Stanford Daily
Nguồn: The Stanford Daily

TranscribeGlass có khả năng hiển thị phụ đề chi tiết từ bất kỳ nguồn nào trên màn hình của cặp kính. Công nghệ này còn cho phép những người khiếm thính hoặc lãng tai có thể ngay lập tức đọc và hiểu được nội dung của bất kỳ cuộc hội thoại nào đang diễn ra để dễ dàng giao tiếp. Nó cũng có thể phát huy lợi ích trong những môi trường gây nhiễu máy trợ thính, chẳng hạn như ở không gian đông đúc. Có thể nói, phát minh này là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ cộng đồng người khiếm thính hoặc mắc chứng khó nghe trong giao tiếp (2), (3), (4).


2. Giao diện máy tính-não (Brain-computer interface – BCI) cho hội chứng khóa trong (locked-in syndrome)


Theo Sổ tay Chẩn đoán và Trị liệu Merck (MSD Manuals) dành cho chuyên gia y khoa định nghĩa, hội chứng khóa trong là "trạng thái tỉnh táo và có nhận thức nhưng liệt tứ chi và liệt các dây thần kinh sọ phía dưới, dẫn đến mất khả năng biểu hiện khuôn mặt, di chuyển, nói chuyện hoặc giao tiếp, ngoại trừ các cử động của mắt được mã hóa" (5), (6).


Giao diện máy tính-não (Brain-computer interface – BCI) kết nối các tín hiệu não con người với một thiết bị bên ngoài. BCI thu nhận tín hiệu não, phân tích chúng và chuyển chúng thành các lệnh được chuyển tiếp đến thiết bị đầu ra để thực hiện hành động mong muốn.


Theo ghi nhận, có một bệnh nhân 37 tuổi mắc hội chứng khóa trong, bắt nguồn từ hội chứng xơ cứng teo cơ một bên (amyotrophic lateral sclerosis – ASL). Công nghệ BCI đã cho phép bệnh nhân này giao tiếp bằng cách hình thành các từ và cụm từ, mặc dù không có sự kiểm soát cơ. Hệ thống này hoạt động nhờ việc cấy một thiết bị có vi điện cực vào não bệnh nhân và sử dụng phần mềm máy tính tùy chỉnh để giúp dịch các tín hiệu não của ông.


Ông đã học cách thay đổi hoạt động não bộ của mình để đáp lại phản hồi thính giác đó rồi soạn ra những tin nhắn đơn giản. Ông sử dụng công nghệ để xin một cốc bia và nhờ những người chăm sóc bật một bản nhạc rock yêu thích… (7) (8)


Nguồn: ARS Technica
Nguồn: ARS Technica

3. Khung xương sinh học (bionic exoskeleton)


Công nghệ sử dụng khung xương sinh học được gắn bên ngoài cơ thể có thể thay thế việc sử dụng xe lăn.

Kể từ năm 2005, Công ty Ekso Bionics đã sử dụng công nghệ khung xương trợ lực để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người bị liệt. Một khung xương sinh học được thiết kế để giúp những người đang gặp khó khăn với các dạng liệt khác nhau có thể đi đứng, đi lại và thậm chí leo cầu thang. Đối với những người gặp khó khăn trong việc di chuyển, điều này có thể giúp ích rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày của họ.


Ngoài việc giúp những bệnh nhân liệt hoặc chấn thương cột sống, bộ khung ngoài còn giúp công nhân nâng đỡ vật nặng một cách thông minh hơn và an toàn hơn. Cray X - "bộ xương ngoài" được phát triển German Bionics - đã giúp người lao động dễ dàng nâng và đi lại với vật nặng lên tới 30kg với chân và lưng được hỗ trợ đầy đủ. Mặc dù nó không hỗ trợ vai và cánh tay, nhưng Cray X có thể giúp giảm thiểu các chấn thương khi nâng thông thường (9), (10), (11).


Nguồn: Ekso Bionics
Nguồn: Ekso Bionics

4. Mũ bảo hiểm "khôi phục" thị giác cho người khiếm thị


"Mắt Thấy" ("Eye See"), một chiếc mũ bảo hiểm được trang bị tia laser có khả năng phát hiện chướng ngại vật, xác định văn bản và mô tả những người khác, có thể hỗ trợ người khiếm thị trong những việc cuộc sống hằng ngày.


Với camera góc 360 độ, mũ bảo hiểm thậm chí có thể xác định văn bản trên bảng hiệu và nội dung trong sách để truyền tải đến người đội (và cũng là người đọc).

Chiếc mũ bảo hiểm chứa một số cảm biến và camera để lập bản đồ môi trường, sau đó truyền đạt điều thông qua lời nói. Điều này có thể giúp những người gặp khó khăn về thị lực có được sự độc lập hơn và ít gặp phải rủi ro hơn khi đi một mình.


Các nhà phát triển thậm chí còn khẳng định công nghệ AI tích hợp trong chiếc mũ có thể cung cấp các mô tả cơ bản về con người bằng cách nhận dạng hình ảnh. Trong video demo, chiếc mũ bảo hiểm đoán tuổi của người đối diện và ghi chú màu sắc quần áo người đó đang mặc.


Wang Wancen, một trong 5 học sinh đã phát triển "Eye See" cho biết: "Chúng tôi hy vọng rằng thông qua chiếc mũ bảo hiểm, người khiếm thị sẽ có thể ra ngoài, giao lưu và làm những việc mà ta làm hằng ngày" (12), (13).


Nguồn: Tổng hợp bởi Mashable
Nguồn: Tổng hợp bởi Mashable

Có thể nói công nghệ hỗ trợ (assistive technology) vẫn là mảng công nghệ đang phát triển, nhưng cũng đã có những bước tiến khoa học đáng kể trong việc chăm sóc sức khoẻ và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng người khuyết tật.

Comentários


bottom of page