Sau khi biết tin đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sẽ tạm dừng công việc giảng dạy tại trường đại học, LeLa Journal đã tìm đến anh để lắng nghe bước chuyển mình sắp tới của người làm nên các tác phẩm điện ảnh "Thưa Mẹ Con Đi", "Bằng Chứng Vô Hình"... Trong buổi nói chuyện này, anh đã chia sẻ hết sức thẳng thắn về một số thực trạng đang diễn ra của nền điện ảnh Việt, về lý do của những tác phẩm không đạt chuẩn vẫn ồ ạt ra rạp, về các tựa phim trăm tỷ liệu có phải là phim có nội dung tốt hay không?
Thông tin về việc anh kết thúc hành trình tám năm với công việc giảng dạy làm tôi khá ngạc nhiên. Dĩ nhiên, mỗi chặng đường khép lại sẽ mở ra một hành trình khác, chỉ là tôi không đoán được hành trình mà anh đang nhắm đến là gì, chỉ có cách nhờ anh giải đáp?
Tôi sẽ tiếp tục công việc giảng dạy ở một môi trường khác và vào thời điểm khác. Phải bắt đầu nói từ đâu đây? Tôi vẫn hay chia sẻ với mọi người rằng việc làm phim quá mất cân bằng. Trước hết, tôi cần ở riêng một mình trong một thời gian dài và không gian riêng để viết kịch bản, sau đó mới làm việc với một nhóm nhỏ trong quá trình tiền kỳ. Tiếp theo, tôi phải đối diện với hàng trăm người trên trường quay, cùng rất nhiều quyết định phải đưa ra trong lúc sản xuất và nhiều câu hỏi phải trả lời cho ê-kíp. Bước vào giai đoạn hậu kỳ, tôi lại tập trung chỉnh sửa cùng với người dựng phim và chuyên viên âm thanh trong một căn phòng tối, kín, yên ắng hàng tháng trời. Đến lúc phát hành, tôi phải "phơi" mặt mình ra ánh sáng, đứng trước nhiều khán giả cùng giới truyền thông để quảng bá phim và đón nhận những phản hồi.
Quá trình đó có quá nhiều cung bậc cảm xúc và thay đổi trạng thái của tôi liên tục. Nên tôi cho rằng làm phim cần có điểm dừng để tái tạo năng lượng và nguồn sáng tạo, cũng như nhìn lại đời sống xung quanh mình. Tôi nghĩ hai năm làm một phim là đẹp, hoặc nhanh nữa là ba năm làm hai phim.
Trong những giai đoạn khi việc làm phim phá vỡ trạng thái ổn định của đời sống, công việc giảng dạy đem đến cho tôi sự cân bằng rất cần thiết. Về tương lai gần, tôi chỉ có thể bật mí là mình đang chuẩn bị cho vài dự án nhưng chưa thể tiết lộ cụ thể hơn vào lúc này.
Muốn bền bỉ với công việc sáng tạo, tôi nghĩ chúng ta phải có ít nhất một thú vui khác để kích thích sự sáng tạo, như vậy mới tái tạo năng lượng được. Điều này cũng đúng với anh chứ?
Bạn nói đúng. Tôi cũng đồng tình về điều này, nhưng khác một chút là tôi nghiêng nhiều hơn về thưởng lãm những bộ môn liên quan đến nghệ thuật. Dạo gần đây, tôi rất thích xem múa ba lê và nghe hoà nhạc ở nhà hát. Tôi cũng đang tìm hiểu nhiều hơn về hội hoạ so với trước đây. Như bạn nói, những kiến thức liên ngành đó giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc của mình.
Từng thử sức ở nhiều mảng như phim tài liệu, phim ngắn, phim điện ảnh... vậy anh nghĩ mình là kiểu đạo diễn có tham vọng thách thức bản thân về nội dung phim hay thể loại phim?
Về thể loại mà nói, ngay từ lúc đi học, tôi đã thích pha trộn những thể loại khác nhau trong bộ phim. Sau khi chứng kiến thành công vang dội của một vài tác phẩm xuất sắc, đơn cử như "Parasite" (Ký sinh trùng - 2019) của đạo diễn Bong Joon Ho hay "Decision to Leave" (Quyết tâm chia tay - 2022) của đạo diễn Park Chan Wook với sự kết hợp khéo léo giữa nhiều thể loại, tôi càng có lòng tin về sự lựa chọn của mình. Chúng ta luôn có thể đan xen nhiều thể loại khác nhau nhưng thử thách lớn nhất vẫn là phải là "kể một câu chuyện như thế nào". Chúng ta phải tìm được câu chuyện mà bản thân kết nối sâu sắc với nó, hiểu thật sâu về nó đến mức không ai có thể kể kể nó tốt hơn mình.
Để không ai có thể kể câu chuyện đó tốt hơn mình, chắc hẳn cần một sự tin tưởng tuyệt đối vào bản thân?
Giai đoạn hoài nghi về bản thân của tôi đã qua khá lâu. Mỗi người khi làm nghề một thời gian cần phải xây dựng được lòng tin nhất định cho riêng mình. Đó phải là một sự tự tin đến từ quá trình trau dồi, rút tỉa từ những mất mát và sai lầm trong nghề, chứ không phải là "lạc quan tếu". Vẫn có đó cảm giác chộn rộn, hồi hộp và hào hứng trước mỗi dự án, nhưng tôi không hoài nghi về những quyết định lựa chọn diễn viên hay cách xử lý bất kỳ một cảnh quay nào nữa.
Là một người đạo diễn, anh từng nói rất muốn diễn viên có thể bứt phá khỏi giới hạn của họ. Cá nhân anh thì sao, đâu là những lần anh đã bước qua một lằn ranh giới hạn?
Bộ phim tốt nghiệp bên Mỹ của tôi có nhiều ý tưởng và cái kết gây tranh cãi. Với một bộ phim tốt nghiệp, dù biết có rủi ro nhưng tôi vẫn muốn làm. Còn với bộ phim đầu tay "Thưa Mẹ Con Đi" buộc tôi phải làm việc cùng lúc với khoảng 10 diễn viên, trong khi hồi xưa chỉ làm với ê-kíp nhỏ vài ba người. Thú thật, tôi không thấy thoải mái khi có nhiều người trước mặt, nhưng tôi biết mình phải vượt qua thử thách đó. Rồi khi thực hiện bộ phim "Bằng Chứng Vô Hình", tôi phải học cách đối mặt và bước qua những nỗi sợ to lớn hơn như quay cảnh cháy nổ, làm việc với động vật...
Các đạo diễn/nhà sản xuất thường nhận định rằng điện ảnh Việt có nhiều triển vọng. Chúng ta vẫn có vài tác phẩm gây tiếng vang trên trường quốc tế, và một vài tác phẩm đạt doanh thu trăm tỷ trong nước, nhưng những tác phẩm chinh phục được các giải quốc tế vẫn như muối bỏ biển, còn các phim chưa đạt chuẩn vẫn xuất hiện ở rạp. Tôi cảm thấy sự rực rỡ của điện ảnh Việt tựa như một tia sáng trong màn đêm. Vậy xin hỏi anh, cái gọi là "triển vọng" ở đây cụ thể là gì?
Dù trong nghệ thuật không có một sự xếp hạng cụ thể thoả đáng nào. Nhưng có một điều chúng ta phải thừa nhận và thẳng thắn với nhau, đó là khoảng cách của nền văn hoá nghệ thuật Việt Nam vẫn còn cách khá xa với bản đồ nghệ thuật thế giới. Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Cách đào tạo cũng như nền tảng về văn hoá nghệ thuật đã không được xây dựng một cách bài bản và kỹ lưỡng đối với lứa học sinh, sinh viên. Đôi lúc chúng ta dễ dãi với tất cả mọi thứ, kể cả bản thân người làm và những người xung quanh. Ngoài ra, cũng có một bộ phận khán giả chấp nhận những chuẩn mực mà họ đang thấy.
Tôi nghĩ trong cuộc sống này, nếu mình phát hiện mình dở cái gì đó thì mình không vui, còn mình giỏi và biết mình giỏi thì đương nhiên sẽ cảm thấy hạnh phúc. Tuy nhiên, trong trường hợp mình dở mà lại không ý thức được điều đó, cũng là một kiểu hạnh phúc. Những bộ phim không đạt chuẩn vẫn ra rạp và gây xáo trộn thị trường như bạn nói, có lẽ xuất phát từ người làm phim không nhận thức tác phẩm của họ chưa hay, chưa thuyết phục.
Trở lại câu chuyện về "triển vọng" mà bạn băn khoăn, tôi cho rằng đó là vì chúng ta đang có những con người tài hoa ý thức được cái tầm của họ, và cả những người giỏi nhưng đang khá bẽn lẽn và kém tự tin một chút thôi. Hai đối tượng đó chính là niềm hy vọng của điện ảnh Việt Nam.
Nhân nhắc tới phim chiếu rạp, không thể bỏ qua chủ đề "phim trăm tỷ". Anh nghĩ doanh thu trăm tỷ là tín hiệu của một tác phẩm hay chứ?
Thật khó để nhận định một tác phẩm đạt doanh số "khủng" có nội dung hay hoặc không. Nhưng có một sự thật là những đạo diễn đó đã tiếp cận được tệp khán giả họ muốn. Tôi nghĩ bạn cũng như tôi, sẽ có một vài tác phẩm làm chúng ta thấy rất thoải mái và vui, còn một số thì chưa ưng lắm. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải công bằng thừa nhận "điểm chạm" tài tình của một bộ phim trăm tỷ - đó là làm cho khán giả đại chúng cùng khóc hoặc cùng cười.
Nghe có hơi trừu tượng nhưng người ta vẫn bảo điện ảnh là những giấc mơ - giấc mơ của tôi, của anh, của tất cả chúng ta. Vậy khi nào là giấc mơ riêng và lúc nào sẽ là giấc mơ chung?
Đúng là rất trừu tượng (cười). Quá trình làm phim đúng thực phản ánh giấc mơ riêng và giấc mơ chung rõ nhất. Nó là giấc mơ riêng của mỗi thành viên trong ê-kíp nhưng sẽ là giấc mơ chung khi họ tề tựu cùng nhau. Nhưng trong nỗi niềm chung đó vẫn có những mơ mộng của riêng từng người. Gần như không thể phân định rạch ròi lằn ranh giữa chung và riêng. Một khi khán giả đến rạp thưởng thức, thì giấc mơ chung sẽ càng lớn hơn nữa, vì nó được nhân lên rất nhiều lần. Nhưng trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi khán giả, họ sẽ có những suy ngẫm rất riêng tư về tác phẩm; và vì vậy, một lần nữa, cái chung không thể tách rời khỏi cái riêng và ngược lại.
Điện ảnh có một sức mạnh tuyệt vời với khả năng lan toả vô cùng lớn. Cho nên tôi nghĩ những người làm phim rất may mắn khi có cơ hội chạm đến một lượng lớn khán giả, đồng thời lưu lại những khoảnh khắc tuổi trẻ của các diễn viên đồng hành cùng mình. Đó là một điều rất xúc động và làm tôi bồi hồi mãi. Vì vậy làm phim là một công việc vô cùng ý nghĩa và xứng đáng để cống hiến hết mình.
Sau cùng, chúng ta nên bắt đầu từ đâu để từng bước trở thành một nhà làm phim? Tôi nghĩ những lời khuyên kiểu mẫu như hãy bắt đầu bằng một bộ phim ngắn, thực chất rất mông lung và vô định.
Tôi nghĩ bắt đầu bằng một bộ phim ngắn cũng là bước khá xa rồi. Thay vào đó, chúng ta nên bắt đầu bằng câu hỏi rằng "Mình có muốn kể một cái gì đó không?". Bạn nên bắt đầu bằng một hình ảnh bất kỳ trong cuộc sống, bằng những gạch đầu dòng về một câu chuyện ấp ủ trong lòng. Từ sự thôi thúc đó, mình mới bắt đầu tò mò, đặt bút viết kịch bản, trò chuyện với nhiều người để thuyết phục họ đồng hành và bắt tay làm một bộ phim ngắn. Nếu không có sự thôi thúc mạnh mẽ và dai dẳng thì mọi bước đi tiếp theo đều không thể thành hình.
Comments