Dấu hiệu bệnh cường giáp phổ biến nhất ở mèo là thèm ăn và giảm cân. Cùng với đó, mèo có thể bắt đầu uống nước và đi tiểu nhiều hơn, lông thường xù, hay nôn mửa và thể hiện các thay đổi về hành vi như hung hăng, hiếu động.
Cường giáp là gì?
Cường giáp là bệnh nội tiết phổ biến nhất ở mèo trên 8 tuổi, kết quả của việc tuyến giáp sản xuất quá mức lượng hormone. Có hai loại khối u gây ra bệnh cường giáp ở mèo, hầu hết các trường hợp đều do khối u lành tính gọi là u tuyến. Nhưng trong một số ca bệnh hiếm hoi, đó có thể là một khối u ác tính, hay còn gọi là ung thư biểu mô tuyến.
Cường giáp thường dẫn đến huyết áp cao (tăng huyết áp) và bệnh tim. Huyết áo cao là do áp lực bơm máu của tim tăng lên. Bệnh tim phát triển do tim phải bơm nhanh và mạnh hơn để đáp ứng nhu cầu trao đổi chất trong cơ thể tăng lên vì cường giáp. Để bù đắp cho khối lượng công việc nhiều hơn này, các cơ tim bị dày lên do hoạt động nhiều, khiến tim to ra và cuối cùng là suy tim. Cường giáp nếu không được điều trị thì gần như tỷ lệ tử vong là 100% (1).
Những dấu hiệu nhận biết
Bệnh cường giáp phát triển từ từ nên chúng ta thường bỏ sót các dấu hiệu ban đầu. Một số đặc điểm nhận biết mèo bị bệnh này bao gồm:
Sụt cân dù cảm giác thèm ăn tăng lên.
Nôn mửa
Tiêu chảy
Hung hăng, hiếu động thái quá
Uống nước và đi tiểu nhiều hơn bình thường
Lông xù
Nếu mèo có những triệu chứng này, hoặc tuyến giáp ở cổ của mèo có cảm giác bị phì đại, bạn cần đưa mèo đến gặp bác sĩ thú y sớm nhất để được kiểm tra và xét nghiệm máu. Nó sẽ giúp bác sĩ đo lường lượng hormone tuyến giáp của mèo. Nếu nồng độ này cao, mèo của bạn sẽ được chẩn đoán mắc cường giáp và thực hiện thêm các xét nghiệm khác để tìm các biến chứng như huyết áp cao hoặc bệnh tim.
Chúng ta chưa biết rõ nguyên nhân tạo nên cường giáp ở mèo, nhưng một số yếu tố góp phần gây bệnh có thể là sự thiếu hụt hoặc dư thừa một số hợp chất trong chế độ ăn uống, tiếp xúc lâu dài với các hóa chất gây rối loạn tuyến giáp trong thực phẩm hoặc môi trường.
Điều trị cường giáp
Có 4 cách để điều trị cường giáp ở mèo, đó là: điều trị bằng chế độ ăn uống, phẫu thuật, dùng thuốc và tiến hành liệu pháp i-ốt phóng xạ. Mỗi lựa chọn đều có ưu điểm, nhược điểm khác nhau và có thể không phù hợp với mọi con mèo.
Phần lớn người nuôi mèo thường chọn chữa bệnh này bằng việc dùng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn. Thuốc sẽ giúp giảm lượng hormone mà tuyến giáp sản xuất. Dù không chữa khỏi bệnh, nhưng thuốc cho phép kiểm soát cường giáp trong một khoảng thời gian. Ưu điểm của nó là dễ tìm mua. Tuy nhiên, một số con mèo có thể gặp các tác dụng phụ như nôn mửa, biếng ăn, sốt, thiếu máu,... (2).
Chế độ ăn uống sẽ hạn chế được lượng i-ốt mà mèo tiêu thụ. Hạn chế ăn nhiều i-ốt sẽ giúp giảm bớt lượng hormone tuyến giáp. Nhưng việc hạn chế tiêu thụ i-ốt lâu dài thường gây tranh cãi vì người ta lo ngại nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Cần thảo luận thêm với bác sĩ thú y để đưa ra phương án tốt nhất cho chế độ ăn của mèo.
Liệu pháp i-ốt phóng xạ thường được khuyến nghị vì đây là một lựa chọn điều trị lý tưởng, giúp phá hủy các mô tuyến giáp bất thường của mèo. Ưu điểm của phương pháp này là chữa được bệnh cường giáp, không có tác dụng phụ nghiêm trọng và không cần gây mê. Chỉ một vài cơ sở được cấp phép đặc biệt mới có thể tiến hành liệu pháp i-ốt phóng xạ và chi phí sẽ khá tốn kém, nhưng nó là cách chữa cường giáp nhanh chóng và hiệu quả.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp tương đối đơn giản và có tỷ lệ thành công cao, giúp chữa khỏi lâu dài hoặc vĩnh viễn ở hầu hết các trường hợp. Nhưng phẫu thuật đòi hỏi việc gây mê toàn thân và sẽ có thêm rủi ro nếu mèo già bị bệnh tim, thận hoặc các vấn đề khác có thể gây biến chứng. Một nguy cơ khác là khi phẫu thuật cắt tuyến giáp, bác sĩ có khả năng vô tình làm tổn thương tuyến cận giáp (bộ phận quan trọng cho việc duy trì nồng độ canxi trong máu ổn định). Dùng thuốc và liệu pháp i-ốt phóng xạ có hiệu quả trong điều trị cường giáp và ít làm xâm lấn hơn như việc phẫu thuật. Vậy nên phẫu thuật thường hiếm khi được khuyến nghị.
Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến gần như tất cả các cơ quan trong cơ thể, do đó bệnh tuyến giáp thường gây ra các vấn đề thứ phát. Điều tốt nhất bạn nên làm là phát hiện kịp thời các dấu hiệu khởi điểm và tiến hành điều trị để ngăn ngừa nó phát triển. Thường xuyên kiểm tra và xét nghiệm máu cho mèo lớn tuổi cũng là việc cần thiết để tầm soát bệnh.
Комментарии