Nếu bạn vẫn chưa biết nên chọn hạng mục đầu tư nào để "lướt sóng" trong năm 2023 được dự đoán đầy biến động kinh tế này thì hãy nhớ đến câu nói nổi tiếng của Warren Buffett "Khoản đầu tư tốt nhất là chính là đầu tư cho bản thân. Càng học được nhiều điều, càng kiếm ra nhiều tiền". Đầu tư công sức, thời gian và tiền bạc để trau dồi, cải thiện bản thân thành một phiên bản tốt hơn của chính mình không phải là điều xa lạ với nhiều người, thế nhưng thực hiện điều này dựa trên các nguyên tắc đầu tư tài chính để tối đa hóa "lợi nhuận" đạt được lại là một chuyện ít được nhắc đến.
Hướng đến mục tiêu dài hạn
Sở dĩ "ông trùm đầu tư" Warren nhấn mạnh việc đầu tư cho bản thân là quan trọng nhất vì cùng với đầu tư tài chính, cả hai đều có chung bản chất cốt lõi là gia tăng giá trị theo thời gian.
Đầu tư là chuyện lâu dài, khó thể thu được kết quả trong một sớm một chiều, và nếu có thể thì kiểu đầu tư "lướt sóng" như vậy thường đi kèm rất nhiều rủi ro. Trong cuộc sống, mọi thứ đều cần thời gian để phát triển và sự kiên trì của người trong cuộc. Thế nên, việc đặt một mục tiêu dài hạn trở thành yếu tố then chốt giúp chúng ta có tầm nhìn rõ ràng hơn về tương lai và hoạch định kế hoạch hành động sao cho phù hợp.
Tầm quan trọng của việc đặt một mục tiêu dài hạn để theo đuổi đã được các học giả quan tâm từ lâu và chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Chẳng hạn như Locke và Latham vào năm 2002 đã cho thấy rằng việc thiết lập các mục tiêu cụ thể và đầy thách thức sẽ dẫn đến hiệu suất công việc cao hơn so với các mục tiêu mơ hồ hoặc dễ dàng (1). Ngoài ra, hai tác giả khác là Gollwitzer và Brandstätter thông qua công trình vào năm 1997 đã làm sáng tỏ rằng việc đặt ra các kế hoạch dài hạn và có thời gian cụ thể sẽ giúp tăng đáng kể khả năng gặt hái thành công (2).
Khi dành thời gian phát triển một lĩnh vực nào đó mà không thấy ngay thành quả thì chúng ta rất dễ nản lòng. Đó cũng là lý do mà có đến 80% những người hăng hái đặt ra quyết tâm vào đầu năm mới nhưng đều không thực hiện được đến cùng (3). Vậy nên, nguyên tắc tiếp theo để giữ cho khoản đầu tư của mình được tiếp tục duy trì đó chính là "tự trả cổ tức cho bản thân".
"Cổ tức của bản thân" là gì?
Trong đầu tư tài chính, chúng ta ít nhiều đều nhìn thấy cụ thể các khoản đầu tư sinh lời ra sao. Đặc biệt là với các nhà đầu tư lâu năm đã hiểu được giá trị của "lãi suất kép" - một "kỳ quan thế thới thứ 8" theo cách gọi của Albert Einstein. Thông qua niềm vui khi nhìn thấy dòng tiền đổ vào của mình cứ ngày một tăng lên, việc nuôi dưỡng niềm tin và duy trì khoản đầu tư trở nên dễ dàng hơn.
Áp dụng chìa khóa này, việc đầu tư vào bản thân cũng cần được khuyến khích thông qua những phần thưởng ngắn hạn, do chính ta tự trao cho mình.
Nghiên cứu năm 2021 của Giáo sư Milkman và đồng nghiệp Angela Duckworth, người đồng điều hành chương trình "Behavior Change for Good Initiative" tại Đại học Pennsylvania, đã khảo sát tác động của các chương trình tặng thưởng đến việc tập thể dục. Một phát hiện đáng chú ý là những người bỏ lỡ một buổi tập sẽ được nhận một phần thưởng khuyến khích là điểm thưởng có thể quy đổi thành tiền mặt nếu họ vẫn trở lại tập sau đó. Chương trình tặng thưởng này đã giúp tăng số lần đến phòng tập thể dục lên tới 27% (4).
Phần thưởng giúp biến một mục tiêu dài hạn thành một loạt các mục tiêu theo đuổi ngắn hạn. Ví dụ như nếu muốn giảm 20kg trong vòng 12 tháng, chúng ta có thể thiết lập mục tiêu giảm 1kg mỗi tháng và thiết lập phần thưởng như tặng cho bản thân một bộ quần áo mới khi hoàn thành mục tiêu này. Chiến lược này cũng cho phép chúng ta điều chỉnh lại những nguyện vọng xa vời thành những điều nhỏ bé thú vị, thay vì những mục tiêu bất khả hoặc nhiệm vụ nặng nề.
Tham gia vào một nhóm hoặc cộng đồng những người "cùng tần số" hoặc tìm cách thực hiện cam kết lâu dài mang tính xã hội sẽ giúp nhiều người nhìn thấy rõ ràng mục tiêu của họ. Ngay cả khi đã thành công ở một vài bước đầu, ta sẽ thấy rằng việc chia sẻ, kể lại quá trình của mình cho người khác với vai trò là "người đi trước khuyên bảo" sẽ giúp bản thân đạt được thêm tiến bộ trong mục tiêu đề ra.
Giáo sư Milkman cũng cho rằng: "Khi hướng dẫn người khác làm điều gì đó mà bản thân cũng hy vọng đạt được, kết quả cho thấy chính mình cũng tốt hơn ở nhiệm vụ đó. Vì vậy, đôi lúc lời khuyên còn giúp ích cho cả người đưa ra nhiều hơn là cho người nhận được".
Đa dạng hoá và phân bổ nguồn lực hợp lý
Hãy thử tưởng tượng rằng bạn luyện tập viết tay 10 năm, dành rất nhiều tâm huyết cũng như nỗ lực để trở thành một người viết thuê chuyên nghiệp và bùm, máy gõ chữ ra đời, thổi bay cả giấc mơ cùng "khoản đầu tư" công sức, thời gian, sự rèn luyện... trước đó. Câu chuyện tưởng như hi hữu này thực chất đã từng xảy ra trong lịch sử, khi mà ở phương Tây từng có thời gian phong trào luyện viết chữ tay trở nên rầm rộ trước khi máy móc ra đời.
"Chẳng ai bỏ trứng vào một giỏ cả" - đấy là nguyên tắc quan trọng khi đầu tư tài chính và điều này cũng hoàn toàn đúng với đầu tư vào bản thân. Việc áp dụng nguyên tắc đa dạng hóa giúp chúng ta đạt được sự cân bằng và đảm bảo tiến bộ đều đặn trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Ba khía cạnh quan trọng nhất cần được phân bổ một cách phù hợp đó là: trình độ học vấn, sức khỏe (cả về thể chất lẫn tinh thần) và mối quan hệ. Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra việc đầu tư những điều này vào bản thân làm gia tăng tài sản của chúng ta lên gấp nhiều lần. LeLa Journal tổng hợp các nghiên cứu này dưới đây, như là một cách để chúng ta có thêm động lực trong việc bắt tay vào quá trình "thép đã tôi thế đấy".
Nâng cao trình độ học vấn: Một nghiên cứu của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ cho thấy mức giáo dục cao hơn thường dẫn đến mức thu nhập cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn (5).
Sức khoẻ và lợi ích kinh tế: Ngoài việc cải thiện sức khỏe sẽ giảm được chi phí đi khám chữa bệnh, nhiều nghiên cứu sâu hơn còn chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa việc duy trì sức khỏe thể chất và năng suất lao động cao (6). Không chỉ với sức khỏe thể chất, điều này còn đúng với cả sức khoẻ tinh thần (7).
Mối quan hệ: Dễ dàng nhận ra rằng có nhiều mối quan hệ thì đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội thăng tiến (8).
Điều cốt lõi chính là chúng ta cần phân bổ quỹ thời gian của mình để đầu tư cân bằng vào ba yếu tố trên, hạn chế rủi ro và tăng khả năng thành công của mình về lâu dài.
Comments