top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảJason Aquila

Dạy chó các mệnh lệnh theo độ tuổi phù hợp

Chó có khả năng tuân theo mệnh lệnh của chủ, nhưng bạn đã biết những mệnh lệnh nào thích hợp để dạy chó theo từng độ tuổi của chúng?


Dạy chó các mệnh lệnh theo độ tuổi

Việc dạy những mệnh lệnh thiên về kỷ luật cho cún con trong 6 tháng tuổi đầu đời sẽ giúp bạn và thú cưng có những trải nghiệm cuộc sống hòa hợp và dễ chịu. Để đến khi trưởng thành, chú chó sẽ là người bạn đồng hành lý tưởng của gia đình.


Tính kỷ luật mà chúng tôi đề cập ở đây ám chỉ sự vâng lời của cún cưng trong mọi trường hợp, đồng thời là tính kiểm soát nhằm hạn chế những hành vi không tốt như nhảy lên người khách, cắn tay chủ, giật kéo dây dẫn chó, hoặc tự do chạy ra đường,...


Dưới đây, LeLa Journal tóm tắt những mệnh lệnh quan trọng cần đào tạo cho chú chó trong 6 tháng đầu đời.


Mệnh lệnh cần dạy cho chó từ 2 - 4 tháng tuổi


Dạy mệnh lệnh Ngồi Yên, Không, và Nhả Ra chắc chắn khiến cuộc sống với chó con dễ dàng hơn rất nhiều. Chó con thường rất năng động và tìm cách nhảy lên chụp chân của chủ hoặc chân của khách vì chúng mong muốn sự quan tâm. Chúng cũng thường xuyên quấn vào chân bạn khi bạn lên xuống cầu thang, hoặc đang phải mang vác một kiện hàng nặng. Ngoài ra, một số hành vi khác cần kỷ luật như xin ăn, làm phiền khi chủ đang ăn,... Khi những tình huống này xảy ra, bạn có thể ra mệnh lệnh Ngồi Yên hoặc Không để kiểm soát nó.


Dạy chó các mệnh lệnh theo độ tuổi
Ảnh: The Spruce / Kevin Norris.

Chó con cũng rất thích cắn nhẹ vào tay chủ, cắn đồ vật trong nhà và chiếm đồ vật để sở hữu. Chó cắn nhẹ vào tay chủ là một bản năng bình thường vì trong thiên nhiên, chó dùng miệng để vật lộn với con chó cùng đàn nhằm thể hiện khả năng làm đầu đàn của chúng. Chưa kể, con chó đầu đàn thường sẽ chiếm đoạt nhiều thực phẩm nhất. Tuy nhiên, khi chó sống với con người, chúng ta không nên để nó thể hiện bản năng tự nhiên ấy hàng ngày. Khi tình huống này xảy ra, bạn hãy áp dụng mệnh lệnh Không và mệnh lệnh Nhả Ra để kiểm soát chú chó.


Làm quen với vòng cổ tuy không phải là mệnh lệnh nhưng là điều quan trọng cần dạy cho cún cưng vì động vật không quen đeo vòng hoặc bị kiểm soát bởi dây dắt chó. Huấn luyện chó làm quen với vòng cổ là bước đầu để bạn "thuần hóa" nó. Bởi chó con là động vật chưa thuần hóa 100%, vì vậy chúng vẫn cần được rèn luyện bởi con người.


Mang vòng cổ ngay từ tuần đầu tiên về nhà sẽ giúp chú cún làm quen dần cảm giác bị tròng cổ. Tuy nhiên, lần đầu mang vòng cổ có thể khiến cún khó chịu và cố gắng tháo chiếc vòng ra khỏi cổ. Bạn cứ để chú cún vật lộn với vòng cổ cả ngày rồi từ từ nó sẽ quen. Trong thời gian này, bạn nên thi thoảng cho chó con ăn snack để nó ngầm hiểu rằng mọi sinh hoạt sau này sẽ có vòng cổ trên người.


Sau vài ngày (hoặc cho đến khi chó con không còn cố gắng tháo vòng cổ), bạn hãy buộc dây dắt chó vào vòng cổ và thả chú chó đi tự do trong nhà với dây xích đã kết nối. Bạn nên giữ khoảng cách để nó tự do tìm hiểu dây, ví dụ như ngửi, cắn và liếm dây. 10 phút sau, khi chú chó không còn quan tâm đến dây xích nữa, bạn hãy thử cầm dây lên và bước về phía trước. Khả năng cao là chú chó sẽ ngồi hoặc nằm xuống đất mà không đi theo bạn. Lúc này, bạn hãy chuẩn bị snack trong một tay, cầm dây dẫn chó trong tay còn lại, cho chó nhìn thấy miếng snack và dụ nó bước đi cùng với dây. Bạn cần thực hiện điều này đến khi chó con hợp tác hoàn toàn.


Tất nhiên, tùy vào giống chó mà tính hợp tác sẽ thay đổi. Những giống chó có tính kỷ luật cao như Becgie sẽ chấp nhận dây dắt chó rất nhanh vì chúng muốn làm bạn hài lòng. Những giống chó như Lạp xưởng (Dachshund) hoặc Beagle sẽ tốn nhiều thời gian hơn để làm quen với dây dắt chó.

Dạy chó các mệnh lệnh theo độ tuổi

Một bài tập quan trọng khác trong giai đoạn này là tập giao tiếp với nhiều người, chó lạ và các loại động vật khác (trong trường hợp gia đình bạn, hoặc người thân có nhiều giống thú cưng khác nhau). Tập giao tiếp rất quan trọng để ngăn những trường hợp chó cắn khách hoặc cắn thú cưng của người khác. Chó cắn người không phải do bản năng của chúng hung dữ, mà cần hiểu rằng chúng bị nhốt trong nhà, không có cơ hội gặp người lạ, sẽ tự phát triển bản năng bảo vệ lãnh thổ. Vì trong thiên nhiên, chó phải bảo vệ lãnh thổ khỏi thú dữ, và các loại động vật xâm phạm hay trộm thức ăn của chúng. Vì thế, khi bị nhốt trong nhà, chó sẽ vô thức coi tất cả mọi người ngoài gia đình là kẻ xâm phạm. Do đó, để tránh những tình huống không mong muốn, bao gồm chó sủa dai dẳng, chó cắn người hoặc con vật khác, bạn cần cho chúng giao lưu với người ngoài và những loài động vật khác ngay từ khi còn là cún.


Để giúp chó thành thạo những kỹ năng trên, bạn cần khoảng 2 tháng để đào tạo chú cún.

Dạy chó các mệnh lệnh theo độ tuổi

Mệnh lệnh cần dạy cho chó từ 4 - 6 tháng tuổi


Đây là độ tuổi mà chó đang trưởng thành dần nhưng vẫn còn là đứa trẻ. Trong thời gian này, hai kỹ năng quan trọng cần đào tạo cho chó con bao gồm: dạy chó không được giật và kéo dây, và dạy chó không được chạy ra khỏi nhà.


Dạy chó không được giật và kéo dây có ba ưu điểm: thứ nhất, giúp bạn (và trẻ em) tận hưởng buổi dạo bộ thoải mái mà không bị lôi kéo bởi chú chó; thứ hai, giúp bạn kiểm soát chó có ý định tấn công con vật khác; thứ ba, ngăn cản chó ăn đồ bậy bạ trên đường. Ở độ tuổi từ 4 đến 6 tháng, chó đủ trưởng thành để học bài tập này. Khi vừa ra khỏi nhà, nếu chú chó bắt đầu kéo dây và lôi bạn theo, bạn hãy dừng lại ngay lập tức. Bạn nên chờ chú chó dừng theo rồi mới tiếp tục đi. Khả năng rất cao là bạn cần lặp lại điều này từ 10 đến 20 lần để chú cún ngầm hiểu không được kéo dây trước khi đi cùng nhau 100m đầu tiên. Dạy chó cách đi dây sẽ cần khoảng 7 đến 10 ngày, và còn nhiều kỹ thuật quan trọng mà bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây.


Dạy chó không được chạy ra khỏi nhà là mệnh lệnh cần thiết khi chó đang trong độ tuổi trưởng thành. Vì bản năng tò mò sẽ thúc đẩy chúng khám phá thế giới bên ngoài. Dạy mệnh lệnh này cũng giúp bạn không cần lắp đặt thanh chắn hoặc cửa gỗ ngăn chó chạy ra khỏi nhà. Căn bản nhất của việc dạy chó không chạy ra khỏi nhà bao gồm hai bước sau:


  • Bước 1: Yêu cầu chú chó ngồi trước cửa.

  • Bước 2: Hãy hé mở cửa. Nếu chú chó ngồi dậy để chạy ra ngoài, hãy đóng sập cửa lại. Bạn nên lặp lại hai bước căn bản này từ 2 đến 3 ngày để nó bắt đầu hiểu và giảm bớt thói quen chạy ra khỏi nhà trước khi được cho phép. Để chấm dứt hoàn toàn tình huống chó tự ý chạy ra khỏi nhà, bạn có thể đọc thêm chi tiết tại đây.


Comments


bottom of page