top of page
Tìm kiếm

Déjà vu: Khi giấc mơ trông quen thuộc mà hóa ra... quen thật

Ắt hẳn nhiều người đã biết tới và thậm chí là trải qua déjà vu. Hãy cùng LeLa Journal khám phá những bí ẩn đằng sau hiện tượng tâm lý "vừa quen vừa lạ" này và cách để giảm thiểu cảm giác bất an khi gặp déjà vu nhé.



Déjà vu là gì?


"Déjà vu" là một từ tiếng Pháp có nghĩa là "đã từng nhìn thấy". Đây là hiện tượng tâm lý khi ta đứng trước một sự kiện, tình huống mới nhưng lại có cảm giác rằng ta đã từng có trải nghiệm này trước đây (1).


Cảm giác quen thuộc từ hiện tượng déjà vu là do sự bất thường về thần kinh, tức là do sự giống nhau giữa hoàn cảnh hiện tại và quá khứ, hoặc do một cảnh tương tự đã từng xuất hiện trong giấc mơ và trí tưởng tượng của bạn. Déjà vu có thể xảy ra ngay cả khi người trải nghiệm không thể nhớ lại sự kiện, cảnh tượng trước đó một cách có ý thức (1).



Cảm giác déjà vu thường gồm hai luồng nhận thức (2), (3):

  • Trải nghiệm thực tế về hiện tượng đang diễn ra, khi bạn nhận diện được rằng tình huống hiện tại.

  • Ý thức, nhận thức rõ rệt rằng cảm giác nhận diện này không hợp lý, vì theo thực tế, bạn chưa từng trải qua tình huống này trước đây.


Vì sao chúng ta gặp déjà vu?



Déjà vu là một hiện tượng tâm lý phức tạp. Cơ chế chính xác của déjà vu vẫn chưa được khám phá hoàn toàn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các cơ chế liên quan đến trải nghiệm déjà vu và những phân tích về mặt thần kinh học như sau:


1. Lỗi nhận diện ký ức quen thuộc của vỏ não thùy thái dương


Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hiện tượng déjà vu xảy ra do hệ thống ghi nhớ ở phần giữa thùy thái dương đã... bị lỗi (4).


Phần giữa thùy thái dương (medial temporal lobe) là một bộ phận nằm ở phía bên trong của thùy thái dương, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và lưu trữ ký ức. Thùy thái dương giữa bao gồm ba bộ phận chính;

  • Vùng hồi hải mã (hippocampus) giúp tạo ra những ký ức mới

  • Hạch hạnh nhân (amygdala) giúp xử lý những ký ức liên quan đến cảm xúc

  • Vỏ não nội khứu (entorhinal cortex) và vỏ não cận hồi hải mã (parahippocampal cortex) giúp xử lý thông tin liên quan đến không gian và môi trường xung quanh


Khi bạn trải nghiệm déjà vu, thùy thái dương giữa của bạn, đặc biệt là vỏ não, sẽ gửi tín hiệu khiến bạn cảm thấy như thể tình huống hiện tại là ký ức bạn đã gặp trước đây, mặc dù thực tế lại không phải vậy.


Điều này tạo ra cảm giác kỳ lạ, khiến bạn tin chắc rằng mình đã từng đến đây hoặc nhìn thấy điều này từ trước.

Chẳng hạn, trong lần đầu tiên bước chân vào nhà hát thành phố, bạn có cảm giác déjà vu. Thực tế là bạn luôn thích nghe nhạc cổ điển và xem các hình ảnh, video đưa tin về các buổi biểu diễn hòa nhạc, nhạc kịch tại các nhà hát nổi tiếng trên thế giới. Điều này có nghĩa là não bộ của bạn đã được "tiếp xúc" và ghi nhớ nhiều về những đặc điểm thường thấy trong các nhà hát, như là bệ gỗ, chi tiết phào chỉ trên tường màu kem, ánh sáng từ đèn trần trên cao...



2. Chứng đau nửa đầu và bệnh động kinh


Một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những chứng rối loạn thần kinh như động kinh, mất trí nhớ, sử dụng ma túy hoặc chứng đau nửa đầu có thể làm tăng đáng kể tần suất bị déjà vu bằng cách làm gián đoạn hoạt động bình thường của não (5). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng kết luận này không đồng nghĩa với việc cứ gặp déjà vu nhiều nghĩa là chúng ta đang mắc những vấn đề thần kinh này. Để có được kết luận chính xác, bạn cần tìm tới sự thăm khám của bác sĩ.


Chứng đau nửa đầu là những cơn đau đầu dữ dội đi kèm với nhiều triệu chứng thần kinh khác nhau. Trong cơn đau nửa đầu, hoạt động điện bất thường có thể lan truyền khắp não, ảnh hưởng đến các vùng não chịu trách nhiệm xử lý ký ức và trải nghiệm. Chúng ta có thể tưởng tượng đây như một sự "chập mạch" tạm thời trong hệ thống não bộ, gây ra sự nhầm lẫn giữa cảm giác về thời gian và sự quen thuộc, tạo ra cảm giác déjà vu.


Trong cơn động kinh, hoạt động điện bất thường ở thùy thái dương giữa có thể làm gián đoạn tiến trình hình thành và truy xuất ký ức, dẫn đến việc nhận dạng sai ký ức và tạo ra cảm giác quen thuộc trong bối cảnh mới lạ.


Bộ não của bạn nhầm lẫn khoảnh khắc hiện tại với ký ức trong quá khứ và do đó, cảm giác déjà vu xuất hiện.

3. Các yếu tố khác


Ngoài các nguyên nhân phổ biến trên, có nhiều yếu tố khác cũng có thể dẫn đến déjà vu như căng thẳng và mệt mỏi, thuốc kích thích, rối loạn giấc ngủ, các yếu tố liên quan đến tuổi tác...


Nghiên cứu cho thấy déjà vu có thể phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi. Điều này có thể là do sự khác biệt trong cách bộ não phát triển xử lý thông tin. Bộ não ở những người trẻ vẫn đang trưởng thành và có thể dễ mắc các lỗi nhận thức hơn, dẫn đến cảm giác "quen thuộc một cách lạ lẫm" (6).


Một số trải nghiệm déjà vu phổ biến



  • Bước đi trong một không gian quen thuộc: Bạn đi bộ trên một con phố lần đầu tiên nhưng lại có cảm giác như đã từng đi những bước tương tự trước đây.

  • Trong các cuộc trò chuyện: Trong các cuộc trò chuyện, déjà vu có thể khiến bạn cảm thấy như thể bạn đã từng thảo luận về cùng một chủ đề, nghe cùng một câu chuyện hoặc gặp cùng một người trước đây, mặc dù bạn chắc chắn rằng đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên.

  • Déjà vu trong giấc mơ: Bạn bước vào một căn phòng, nói chuyện với ai đó hoặc chứng kiến một sự kiện và có cảm giác bạn đã từng mơ về những điều này trước đây, mặc dù bạn không thể nhớ lại chính xác giấc mơ đó.

Câu hỏi thường thấy về déjà vu là liệu nó có hại hay không. Thực tế là thông thường, déjà vu là vô hại.


Cách mỗi cá nhân cảm nhận về déjà vu có thể khác nhau. Một số người thấy thú vị hoặc được kích thích tư duy, trong khi những người khác có thể hơi bất an. Đối với hầu hết mọi người, déjà vu là một cảm giác ngắn ngủi, vô hại và không để lại hậu quả đáng kể về mặt cảm xúc.


Déjà vu không làm giảm khả năng hoạt động bình thường của một người. Mặc kệ cảm giác quen thuộc bất thường với tình huống hiện tại, họ vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động và suy nghĩ của mình như thể không có gì bất thường xảy ra. Thay vào đó, họ chỉ ngạc nhiên vì họ hiểu rõ hơn về tiến trình nhận thức tiềm thức của mình. Bởi lẽ, dù sao thì déjà vu cũng có liên quan tới chức năng siêu nhận thức (metacognition) - khi ta nghĩ rằng mình đang nghĩ (2).


Do đó, déjà vu là một trải nghiệm vô hại, không phải là một bệnh lý, vì nó không có bất kỳ tác động tiêu cực nào đến hành vi của một người và không ảnh hưởng đến khả năng hoạt động bình thường của họ (3). Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý tới cảm giác bất an khi gặp déjà vu.


Chấm dứt nỗi bất an khi gặp déjà vu



Déjà vu là một hiện tượng tự nhiên mà không phải lúc nào cũng có thể ngăn chặn được, nhưng có 6 cách sau có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi gặp hiện tượng này:


1. Nhận thức: Hiểu rõ déjà vu là gì và việc nhận biết rằng đây là một trải nghiệm phổ biến vô hại có thể khiến bạn bớt lo lắng hơn. Đôi khi, cảm giác déjà vu không khó chịu bằng cảm giác bạn không biết déjà vu là gì.


2. Thư giãn: Nếu déjà vu khiến bạn lo lắng, các kỹ thuật thư giãn như thở sâu, chánh niệm hoặc giãn cơ có thể giúp bạn kiểm soát những cảm giác đó.


3. Tập trung vào mặt tích cực: Cố gắng nhìn nhận khía cạnh thú vị của déjà vu có thể giúp bạn thoát ra khỏi cảm giác bất an. Chẳng hạn như một số người xem đây là một trải nghiệm tư duy độc đáo và kích thích họ tìm hiểu sâu hơn về khoa học thần kinh.


4. Kỹ thuật trở về thực tại ("grounding"): Khi gặp hiện tượng déjà vu, hãy sử dụng các kỹ thuật "grounding" để kết nối lại với môi trường xung quanh bạn. Ví dụ, hãy thử gọi tên các đồ vật trong phòng hoặc hít thở sâu để quay về với hiện tại.


5. Nói về hiện tượng này: Chia sẻ trải nghiệm déjà vu của bạn với những người xung quanh, dù là bạn bè hay chuyên gia sức khỏe tâm thần, có thể giúp bạn xử lý cảm xúc và có được một góc nhìn khác.


6. Quản lý căng thẳng: Nhìn chung, thiền, yoga hoặc các kỹ thuật thư giãn mà bạn yêu thích có thể giúp giảm thiểu tần suất và cường độ của déjà vu.


Nếu bạn nhận thấy déjà vu gây ra cảm giác khó chịu đáng kể, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày, hãy cân nhắc tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe tâm thần hoặc nhà thần kinh học để có chiến lược đối phó cụ thể hơn.

​Nếu bạn muốn khám phá thêm về chủ đề déjà vu, bạn có thể tham khảo các bộ phim dưới đây để vừa có thêm nhiều góc nhìn mới, vừa được giải trí:

  • Source Code (2011)

  • Inception (2010)

  • Edge of Tomorrow (2014)



Kommentare


bottom of page