top of page
Tìm kiếm

Điện thoại thông minh: "Chiếc núm vú giả" của người trưởng thành

Cách vài phút là bạn lại cầm điện thoại lên xem dù màn hình chẳng hiện bất cứ thông báo nào.


Một cuộc khảo sát của công ty phân tích dữ liệu Gallup tiến hành với gần 16 ngàn người dùng smartphone ở độ tuổi trung niên cho thấy: 41% người tham gia có thói quen kiểm tra điện thoại của họ vài lần một giờ, và có đến 11% người được hỏi cho biết cứ cách vài phút họ lại xem điện thoại một lần. Tỷ lệ này tăng mạnh hơn ở độ tuổi từ 18-29 với con số lần lượt là 51%22% (1).


Tại Việt Nam, trung bình mỗi người truy cập đến hơn 20 ứng dụng/tuần và dành ra 5-6 giờ/ngày để truy cập chúng (2). Trong đó, phụ nữ sử dụng nhiều ứng dụng hơn nam giới, đặc biệt là các ứng dụng mạng xã hội, mua sắm online và nhắn tin.



"Dán mặt" vào điện thoại gần hàng giờ đồng hồ là câu chuyện không của riêng ai. Dù vừa lướt Facebook, Instagram, TikTok chán chê và chẳng tìm ra được điều gì mới nhưng bạn vẫn không thể kiềm lòng mà cầm điện thoại nghịch thêm một chút. Bạn cứ mở lên lướt lướt vài phút rồi lại tắt nhưng nếu không động đến điện thoại thì lại cảm thấy bứt rứt, khó chịu vô cùng. Biết chắc rằng các dòng tin tức trên mạng sẽ không mất đi nhưng tại sao ta vẫn luôn sợ sẽ bỏ lỡ chuyện gì?


"Nghiện" gì cũng có hại


Bản thân chiếc điện thoại đã có sức hấp dẫn rất lớn với nhiều tính năng, công cụ thú vị. Thế nhưng, những ứng dụng mạng xã hội nằm bên trong nó còn có sức hút mạnh mẽ hơn nữa. Bạn sẽ cảm thấy phấn khích khi ai đó "tag" bạn vào một cái meme hài hước, thấy mong đợi những lượt "thả tim" khi đăng một tấm hình mới hay háo hức hóng drama mới "nổ". Những dòng thông tin mới được cập nhật liên tục trên mạng xã hội làm tâm trí của bạn "thèm muốn" được lấp đầy một cách liên tục.


Phó giáo sư, nhà thần kinh học Jorge L. Almodóvar-Suárez phân tích rằng: "Mạng xã hội mang lại cảm giác hưng phấn cho người dùng tương tự như khi chơi cờ bạc. Với mỗi bức ảnh hay dòng trạng thái được cập nhật, số lượng tương tác sẽ đóng vai trò như phần thưởng kích thích sự mong đợi. Khi bạn liên tục đăng ảnh, viết status để mong nhận được 'phần thưởng', hành vi này sẽ khắc sâu vào não bạn. Theo thời gian, bộ não sẽ khao khát sự tưởng thưởng đó một cách thường xuyên hơn." (4)



Về mặt sinh học, điều này xảy ra do bộ não bị tác động bởi một phân tử nhỏ "hormone hạnh phúc" dopamine. Theo nghiên cứu của tiến sĩ Anna Lembke, điện thoại thông minh khiến chúng ta trở thành những kẻ "nghiện dopamine". Mỗi lần lướt, "thả tim" và chia sẻ trên mạng xã hội là mỗi lần chúng ta chăm bón, nuôi dưỡng thói quen "nghiện ngập" của mình (5).


Về mặt tâm lý, người kiểm tra điện thoại thường xuyên là người đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng FoMO (Fear of Missing Out), luôn lo sợ rằng mình đang không nắm bắt kịp thời những thông tin, sự kiện xung quanh (6).


Một số nhà nghiên cứu gọi điện thoại thông minh là "chiếc núm vú giả của người lớn" (8). Sự thoải mái và tiện lợi khiến sự hiện diện của chiếc điện thoại thông minh trở thành một điểm tựa yên tâm cho người dùng. Khi ta cáu kỉnh hay buồn chán, điện thoại sẽ xoa dịu chúng ta như cách một chiếc "núm vú giả" dỗ dành một đứa trẻ quấy khóc.


Làm thế nào để cắt "cơn nghiện" điện thoại?


Nhà thần kinh học Elliot Berkman nói rằng: "Bắt đầu làm một điều gì mới sẽ dễ hơn rất nhiều so với việc từ bỏ một thói quen" (10). Việc cắt "cơn nghiện" điện thoại khó khăn tương tự như việc bỏ thuốc lá nhưng không phải là không thể vượt qua.



Dưới đây là những đề xuất giúp thói quen sử dụng điện thoại của bạn trở nên lành mạnh, hữu ích hơn:

  • Tạm dừng vài giây trước khi mở khóa điện thoại và tìm ra lý do chính đáng vì sao mình cần xem điện thoại vào lúc này.

  • Kiểm tra đều đặn mục thời gian hoạt động trên điện thoại để theo dõi thói quen sử dụng.

  • Chuyển các ứng dụng gây sao nhãng như Facebook, TikTok… vào thư mục ẩn khó tìm.

  • Khi cần tập trung làm việc, đọc sách hay nghiên cứu, bạn hãy tắt hẳn kết nối wifi trên điện thoại để tránh các thông báo quấy nhiễu.

  • Sau khi đăng ảnh, video hay cập nhật trạng thái trên trang cá nhân, hãy tạm thời tắt thông báo điện thoại để giảm bớt sự mong đợi, phấn khích khi thấy lượt thích và bình luận của bạn bè.

  • Ngưng sử dụng các thiết bị điện tử trước khi ngủ khoảng 2-3 giờ để đầu óc được thả lỏng. Ánh sáng xanh từ màn hình điện thoại, máy tính, tivi… còn khiến quá trình sản sinh hormone melatonin bị ức chế, khiến bạn khó đi vào giấc ngủ.


コメント


bottom of page