top of page
Tìm kiếm

Hiện tượng trần kính, sàn kính & dốc kính: Lý do thực sự ngăn cản cơ hội thăng tiến của phụ nữ

Định kiến giới đang ngày càng trở thành một đề tài nóng hổi trong thời đại TikTok lên ngôiGen Z sẵn sàng lên tiếng nhiều hơn. Trong khuôn khổ bài viết này, LeLa Journal sẽ bàn sâu hơn về cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và khả năng phát triển trong đời sống của phụ nữ, dưới góc nhìn của ba hiện tượng xã hội được ví von bằng hình ảnh "trần kính, sàn kính & dốc kính".


Đã từ lâu, chúng ta thường có nếp nghĩ rằng nhiệm vụ của phụ nữ là vun vén gia đình. Những lối suy nghĩ này, cộng thêm nhiều yếu tố ngoại cảnh lẫn nội tại, đã dựng nên rào cản vô hình cho phụ nữ khi dấn thân vào công việc.


Những khó khăn này được ví von bằng những cái tên đầy tính ẩn dụ, cụ thể là ba hiện tượng trần kính, sàn kính-sàn dínhdốc kính. Tất cả kết hợp lại, tựa như một chiếc hộp kính khiến phụ nữ sống trong cảnh "thập diện mai phục".


Trần kính (glass ceiling)


Thuyết trần kính là thuyết về những trở ngại vô hình ngăn phụ nữ chạm đến các vị trí lãnh đạo cấp cao trong tổ chức. Các trở ngại này phần lớn đến từ định kiến giới cho rằng phụ nữ không phù hợp với việc lãnh đạo.


Nhiều người cho rằng nếu muốn được thăng tiến trong sự nghiệp, phụ nữ buộc phải đập vỡ trần kính đó.

Những trở ngại này là vô hình, bởi đôi khi, ngoài định kiến giới, phụ nữ còn bị kìm hãm bởi chính những điều bên trong họ như cảm xúc, sự kiệt quệ, những lo toan… mà người ngoài cuộc không sao thấy được (1). Trên thực tế, các nghiên cứu trong giai đoạn 2000 – 2010 cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 16% các vị trí lãnh đạo quan trọng trong các tập đoàn lớn; trong đó, chỉ 5% các công ty lớn được điều hành bởi các CEO nữ (2).


Các lãnh đạo nữ đạt được vị trí họ đang đứng dựa vào quá trình đào tạo xuất chúng, sự phù hợp về năng lực và kinh nghiệm làm việc, cũng như sự am hiểu xã hội (cutural capital) của họ. So với lãnh đạo nam, những lãnh đạo nữ phải đầu tư nhiều thời gian và năng lượng hơn để có được "vốn liếng" kiến thức, kỹ năng và thậm chí là sức khỏe (human capital accumulation). Ngoài ra, những lãnh đạo nữ có tỷ lệ kết hôn và sinh con thấp hơn những phụ nữ khác.


Họ có xu hướng từ bỏ một số sở thích cá nhân hoặc thay đổi thói quen giao tiếp và cách tương tác, với mục đích tiếp cận thành công mạng lưới các tập đoàn có nam giới nắm giữ vai trò điều hành quyết định (2).

Một ví dụ tiêu biểu có thể kể đến là việc Cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern từng nhận được rất nhiều những câu hỏi mang đầy định kiến và thậm chí là bất lịch sự từ những phóng viên của các trang tin, tờ báo lớn (3). Những câu hỏi này có liên quan tới đời tư, màu tóc, mối quan hệ xã hội... và bà Ardern luôn phải "khéo léo" đáp trả những câu hỏi "kém duyên" đó. Chẳng hạn như trong đoạn hội thoại sau (lược dịch):


- Phóng viên: Có rất nhiều người thắc mắc liệu có phải hai người [bà Ardern và bà Sanna Marin - Cựu Thủ tướng Phần Lan] gặp nhau vì hai người cùng tuổi và có nhiều điểm chung khi tham gia chính trường... hay không?... - Bà Arden: Câu hỏi đầu tiên của tôi là liệu có ai từng hỏi Barack Obama [Cựu Tổng thống Hoa Kỳ] và John Key [Cựu Thủ tướng New Zealand] rằng có phải họ gặp nhau vì họ bằng tuổi nhau hay không? (4)

Video tổng hợp một số câu trả lời nặng "định kiến giới" mà Cựu Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern từng nhận được, và có thể cũng là những câu hỏi mà rất nhiều người phụ nữ khác phải nhận trong sự nghiệp.


Có thể một số người khi mới xem, nghe qua sẽ nghĩ rằng đây là điều bình thường trong xã hội và người hỏi có thể không mang hàm ý nào. Vậy hãy thử lật ngược lại tình huống trong môi trường thể thao chuyên nghiệp.


Một đoạn video "viral" từ khoảng năm 2016 đã cho thấy phản ứng của các nam vận động viên khi được hỏi những câu hỏi "khiếm nhã" và tọc mạch về cơ thể, đời tư... mà nữ vận động viên thường được hỏi. Những nam vận động viên tỏ rõ thái độ khó chịu, khó hiểu, có thể là im lặng, cười trừ hoặc thậm chí là thể hiện mong muốn từ chối câu hỏi...


Video tổng hợp phản ứng của các nam vận động viên với những câu hỏi khiếm nhã, tọc mạch mà nữ vận động viên vẫn thường được hỏi.


Từ những ví dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng những định kiến giới vẫn đeo đẳng phụ nữ và ảnh hưởng đến con đường thăng tiến của họ, bất kể họ làm ngành nghề nào, họ mang lại thành tích hay vinh quanh nào về cho tổ quốc, tập thể và tổ chức... Qua nhiều quan sát, các học giả đã đưa ra thêm một khái niệm về việc thăng tiến của phụ nữ - hiện tượng dốc kính.


Dốc kính (glass cliff)


Xã hội thường nhìn nhận nam giới là có khả năng lãnh đạo tốt hơn nữ giới. Tuy nhiên, theo hai nhà nghiên cứu Michelle K. Ryan và S. Alexander Haslam (2007) thì nhận thức về vai trò lãnh đạo dựa trên giới tính phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của doanh nghiệp, bao gồm sức khỏe và mức độ ổn định của tổ chức. Trong nhiều trường hợp, khi doanh nghiệp lâm vào khủng hoảng hoặc có nguy cơ giải thể, phụ nữ thường được đề bạt ở vai trò lãnh đạo hơn so với nam giới.


Tương tự như vậy, ở chiều ngược lại, có một điều thú vị là "sức khỏe" doanh nghiệp có thể định hình nhận thức của nhân viên về vai trò lãnh đạo của phụ nữ (5).

Cụ thể, ở những doanh nghiệp đang trên đà tụt dốc, phụ nữ được xem là có năng lực quản lý tốt hơn so với nam giới, bởi vì họ vượt trội hơn về khả năng quản lý các quan hệ liên cá nhân và thường chủ động chịu trách nhiệm cho thất bại. Ngược lại, nam giới thường được cho là những người quản lý lý tưởng cho các doanh nghiệp đang thành công.


Hiện tượng dốc kính dễ được quan sát thấy ở những doanh nghiệp có ban điều hành không quá đa dạng về giới tính (2). Ngoài ra, sự xuất hiện quá nhiều của nam giới ở các vị trí quản lý hoặc vị trí có quyền đưa ra quyết định sẽ củng cố thiên kiến giới và xu hướng lựa chọn những người có chung đặc điểm với mình. Từ đó, các tổ chức này đưa ra nhiều yếu tố quyết định lựa chọn tuyển dụng hay thăng chức trong doanh nghiệp theo hướng hạn chế các cơ hội của phụ nữ.



Điều này có thể được lý giải bởi thuyết định danh xã hội (social identity theory) đề xuất rằng các cá nhân sẽ được nhóm đánh giá tích cực hơn khi có các điểm tương đồng với nhóm. Điều này cũng hạn chế cơ hội của những cá nhân có các đặc điểm khác biệt so với nhóm.

Khi nhìn vào việc tuyển dụng và thăng chức trong doanh nghiệp dưới góc độ thuyết định danh xã hội, ta dễ thấy rằng ở những doanh nghiệp có ban lãnh đạo chủ yếu là nam giới, thì một ứng viên nữ sẽ được xem là "ngoại đạo" và có nguy cơ bị đánh giá kém hơn một ứng viên nam có tính tương đồng về giới tính với nhóm người có quyền ra quyết định. Ngược lại, sự đa dạng về giới tính trong ban điều hành doanh nghiệp có thể giảm thiên kiến và xu hướng lựa chọn tương đồng khi xét đến quyết định tuyển dụng hoặc thăng chức (2).


Ngoài việc giảm được thiên kiến giới và xu hướng lựa chọn tương đồng, sự xuất hiện của nữ giới trong ban điều hành doanh nghiệp cũng có tương quan thuận với thời gian giữ chức CEO của phụ nữ trong doanh nghiệp đó. Do đó, có thể kết luận rằng sự đa dạng về giới tính của nhóm người có quyền quyết định trong doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với khả năng vượt qua các trở ngại ở hiệu ứng trần kính (2).


Tương đồng với hiện tượng dốc kính, nghiên cứu chỉ ra rằng so với đàn ông da trắng, các nhóm thiểu số (bao gồm phụ nữ) thường được chọn để trở thành CEO ở những doanh nghiệp đang tụt dốc.

Nhóm thiểu số phải đối mặt với nhiều thách thức hơn khi trở thành CEO, hơn thế, họ còn thiếu tự do và quyền hành để thể hiện năng lực lãnh đạo của mình. Họ gặp nhiều trở ngại hơn để thành công với vai trò lãnh đạo khi phải dẫn dắt một doanh nghiệp đang gặp khủng hoảng. Và nếu họ thất bại ở vai trò lãnh đạo, những thiên kiến và khuôn mẫu (stereotypes) về họ sẽ càng được củng cố, từ đó dẫn đến hậu quả là cơ hội của nhóm thiểu số lại tiếp tục bị hạn chế (6).



Khi muốn leo lên những thang bậc sự nghiệp cao hơn, phụ nữ vốn đã gặp vô vàn trở ngại, từ xã hội và từ chính bản thân họ. Thế nhưng, kể cả khi chỉ làm những công việc ở tầm trung hoặc thấp, phụ nữ vẫn có những bất lợi. Những bất lợi này còn nằm ở hiệu ứng sàn kính (glass floor) và sàn dính (sticky floor).


Sàn kính (glass floor) và sàn dính (sticky floor)


Hiệu ứng sàn dính (sticky floor) nói về việc những bất công trong xã hội giữ chân một nhóm phụ nữ ở những vị trí thấp trong thị trường lao động. Phụ nữ làm các công việc như thư ký – trợ lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần, bảo mẫu, ngành dịch vụ… được cho là nạn nhân của hiệu ứng "sticky floor".


Tượng tự như vậy, sàn kính tạo ra những rào cản vô hình, hạn chế nam giới tham gia vào các công việc mà xã hội cho là của phụ nữ, như là thư ký, lễ tân, giảng viên, trợ lý hành chính, giáo viên mầm non, nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà, người chăm sóc người già, người dọn dẹp phòng khách sạn/nhà nghỉ... (7)


"Đàn ông ai mà làm mấy cái nghề đấy". Đây là câu nói đã "bóp chết" niềm đam mê và sở thích của các bạn nam, cũng như khoét sâu vào định kiến xã hội dành cho các bạn nữ.

Hiệu ứng này cũng xảy ra khi khoảng cách về lương giữa các nhóm người lao động bị nới rộng. Ví dụ, khi nam giới và nữ giới cùng làm một công việc như nhau, hưởng cùng một bậc lương trong khoảng dao động nhất định, nhưng phụ nữ thường nhận được mức tối thiểu, trong khi nam giới có thể nhận được mức lương cao hơn. Hiện tượng này thường gặp ở các quốc gia kém phát triển hoặc đang phát triển (1).



Bên cạnh đó, định kiến này còn vô tình trở thành tiền đề để "cướp đi" thành quả của rất nhiều người phụ nữ trong lịch sử từ xưa tới nay.

Ở thời điểm hiện tại, xã hội vẫn còn tồn tại một quan điểm khá phổ biến rằng "dù phụ nữ đấu tranh thì thực tế là những sản phẩm, đời sống hiện đại ngày nay đã được xây dựng bởi bàn tay của nam giới". Tuy nhiên, điều này có thể không hoàn toàn chính xác.


Chẳng hạn, ý tưởng sơ khởi về Wi-Fi ban đầu vốn là của một phụ nữ, chính là ngôi sao Hedy Lamarr nổi tiếng tại Hollywood trong khoảng 1930s - 1940s (8). Hay chính xác hơn, việc phát minh ra công nghệ nhảy tần số vô tuyến của Hedy Lamarr là một bước quan trọng trong quá trình sáng tạo ra Wi-Fi (9). Hay như Mary Wells Lawrence, một trong những copywriter thành công nhất trong lịch sử, người phụ nữ từng bị từ chối thăng chức (vì "đụng" phải hiện tượng trần kính), đã lập ra công ty Wells Rich Greene (WRG) (10). Nhiều người có thể không biết tới Mary Wells Lawrence hay nhiều thành tựu của bà, nhưng ít nhất, có một chiến dịch của bà mà hầu hết chúng ta đều biết tới, chính là "I New York".


Chiến dịch "I New York" hay được viết là "I NY" vốn được sáng tạo bởi một người phụ nữ.


Chúng ta còn có nhà toán học Katherine Johnson, người đã viết ra công thức toán giúp NASA đưa con người vào vũ trụ (11). Thậm chí, ngay trong bộ phim được ra mắt trong năm 2023 là Oppenheimer, những khung hình về "Dự án Manhattan" cũng chỉ điểm qua một vài gương mặt phụ nữ. Trên thực tế, vai trò của phụ nữ trong dự án này có thể đa dạng và họ có nhiều đóng góp hơn những gì đã được khắc họa sơ sài trong phim (12).


Vậy thì trong lịch sử phát triển của con người từ trước tới nay, liệu còn có những gương mặt phụ nữ vô danh nào mà chúng ta chưa hoặc không hay biết không?


Từ trái qua: Hedy Lamarr, Mary Wells Lawrence và Katherine Johnson.


Vậy nên, đối mặt với những hiện tượng này, các bạn nữ có thể cảm thấy bản thân như đang sống trong những chiếc hộp kính "thập diện mai phục". LeLa Journal mong rằng các bạn có thể thực sự tìm được niềm đam mê cá nhân và "đập hộp", phá bỏ những rào cản, được phép làm những điều bạn thực sự yêu thích mà không ảnh hưởng tới ai.

Comments


bottom of page