top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảTuyết Nhi

Trào lưu khoe "flex đến hơi thở cuối cùng": Khi flex mà không... "fake"

Dạo quanh mạng xã hội những ngày gần đây, chúng ta sẽ bắt gặp những bài viết mang tính "flex" thu hút lượng lớn người quan tâm. Đặc biệt trong đó là sự nổi lên của hội nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" trên facebook, khi vừa ra mắt trong thời gian ngắn đã có hơn 1 triệu thành viên.



Ở thời điểm hiện tại, nhóm Flex đến hơi thở cuối cùng trên facebook đã có những "thành tích" gây sốc sau bảy tuần thành lập với 1,2 - 1,3 triệu thành viên, hơn 6.000 thành viên mới mỗi tuần, hơn 1.000 bài mỗi tuần... và đặc biệt là các chỉ số vẫn đang tăng chóng mặt.

Tại đây, mọi người có thể khoe về bất cứ thứ gì mà bản thân tự hào, từ thành tích học tập, sự nghiệp, người yêu, gia đình cho đến tài sản cơ ngơi đồ sộ... mà không sợ bị chỉ trích là khoe khoang.


Người người nhà nhà đua nhau flex, đâu là giới hạn cho trào lưu "khoe khoang" này?



"Flex" là gì mà được nhiều người hưởng ứng như thế?


Từ điển Merriam - Webster đã định nghĩa "flexing", theo cách sử dụng không chính thức, là từ lóng được dùng để chỉ việc kể lể và hành động khoe khoang thành tích, của cải… của bản thân (1).

Những lúc "flex", chúng ta có thể đưa ra lời nói hoặc hành vi quá lố khiến người khác cảm thấy khó chịu.


Flex có nguồn gốc từ rap và hiphop, được các rapper sử dụng để chơi chữ và khiến bài hát trở nên cuốn hút hơn. Không chỉ là lời bài hát, flex còn bao gồm những hành động khoe khoang mà các rapper thể hiện trong các MV ca nhạc, như việc giơ tay khoe bàn tay lấp lánh nhẫn và vòng... bling bling.


Flex chính là hình thức khoe "lợn cưới áo mới" đậm chất Tây phương.


Thời gian gần đây, flex trở nên phổ biến hơn trên mạng xã hội, bắt đầu từ một nhà báo nổi tiếng. Người này thường chia sẻ về cuộc sống giàu có trên trang cá nhân của mình. Sau đó, những đoạn "văn mẫu" của anh được cộng đồng mạng sử dụng lại một cách hóm hỉnh và hài hước. Đây cũng là nguyên nhân ra đời của nhóm Flex đến hơi thở cuối cùng trên Facebook.


Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc flex về của cải và những thứ "vật chất phù phiếm" có thể khiến chúng ta lâm vào tình trạng "đầy vật chất, vơi bạn bè" (2), nghĩa là chúng ta sẽ có xu hướng mất dần những người bạn tốt nếu cứ liên tục khoe khoang về tiền bạc, tài chính...

Tương tự như flex, còn có một thuật ngữ khác khá phổ biến trong văn hóa đại chúng Âu-Mỹ và đặc biệt là trong showbiz, đó chính là sự khiêm tốn khoe khoang. Khiêm tốn khoe khoang (humblebrag) là khi chúng ta tỏ ra khiêm tốn, nhún nhường, tự chỉ trích bản thân... cốt để khoe khoang (3). Tuy nhiên, giới trẻ - ít nhất là giới trẻ Việt Nam ngày nay - dường như ưa chuộng flex hơn là sự khiêm tốn khoe khoang, vì ít ra là khi flex, chúng ta biết rằng người kia đang khoe.



Hơn nữa, flex không dừng lại ở đó mà phức tạp hơn thế nhiều. Khi "rơi" vào tay Gen Z, văn hóa flex đã được biến tấu theo hướng giải trí, tích cực hơn.

Khi nhiều ngôi sao trong showbiz Việt cũng hòa vào trào lưu flex, mọi người có thể flex mọi chủ đề, mọi tình huống, như là dự án nghìn tỷ, chụp hình với thần tượng, bài hát triệu views... Trào lưu này được nhiều người chú ý bởi sự hài hước, dí dỏm của người đăng bài cùng những màn flex "đáp trả" dưới bình luận của cộng đồng mạng.


Những màn flex khiến người đọc tò mò, hứng thú bởi câu chuyện đằng sau thành thích của người khác hoặc giúp con người ta thỏa mãn nhu cầu được công nhận và tán thưởng - thứ mà nhiều người trong chúng ta khó tìm được ngoài đời thực.



Flex làm gia tăng áp lực...


Nhiều người đọc những bài flex được vài ngày đã cảm thấy choáng ngợp bởi mỗi ngày có đến chục "con nhà người ta" đăng bài flex thành tích, sự nghiệp. Những bài đăng hàng nghìn tương tác như học bổng du học toàn phần, thu nhập trăm triệu ở tuổi 20, đoạt huy chương vàng, giải nhất các cuộc thi… khiến nhiều người tự hỏi "Liệu group này còn ai sống một cuộc đời bình thường như mình không nhỉ?"


"Có thế mà cũng khoe!" là một lời nhận xét mà chúng ta gần như không phải "chịu đựng" khi lỡ flex quá đà, vì xung quanh... ai cũng flex như nhau.

Áp lực cuộc sống từ lâu đã phổ biến trong giới trẻ, nhưng nếu bình thường, bạn chỉ thỉnh thoảng bắt gặp những câu chuyện về người giỏi và thành công trên mạng xã hội, trên các chương trình truyền hình hoặc trong bữa cơm gia đình qua lời kể của bố mẹ thì giờ đây, trào lưu flex cho bạn nhìn thấy nhiều người tài giỏi ở khắp mọi nơi. Họ là những người vừa đúng ở độ tuổi của bạn, có nhan sắc và sự nghiệp, số dư tài khoản lên đến vài tỷ, đi du lịch rất nhiều nơi, trải nghiệm rất nhiều thứ.


Trào lưu flex "nở rộ" khiến mọi người xung quanh cũng mạnh dạn phô ra những mặt tốt đẹp của bản thân. Mỗi mét vuông lại có chục người thành công khiến chúng ta không khỏi so sánh bản thân mình với xã hội ngoài kia, cảm thấy mình tự ti nhỏ bé hơn bao giờ hết. Những bài flex không chỉ chúng ta thấy áp lực đồng trang lứa (peer pressure) mà còn có thể khiến chúng ta có đôi chút khủng hoảng về bản thân và cuộc sống. "Tôi là ai?", "Tại sao tôi lại xuất hiện trong cuộc đời bị bủa vây bởi... thành công của người khác?"


Những gì chúng ta flex chỉ là hạt cát, những gì người khác flex là cả... một đại dương.


…và áp lực lại tạo ra kim cương


Tuy nhiên, nhiều người cho rằng trào lưu flex khiến họ có động lực phấn đấu nhiều hơn. Mọi người chia sẻ thành công của mình cùng câu chuyện đằng sau về hành trình cố gắng, vượt qua khó khăn làm người xem ngưỡng mộ và có suy nghĩ người khác làm được, mình cũng làm được.


Nhìn người khác tranh nhau flex bản thân, chúng ta cũng muốn flex. Thậm chí, bên cạnh các dạng bài flex "truyền thống", flex "đáp trả"... chúng ta còn dễ dàng đọc được những bài flex "hộ", tức kể câu chuyện của nhau, của người thân, của thế hệ trước...


Khi thấy mọi người flex, bạn có rất nhiều động lực cố gắng để một ngày đạt thành tựu và được flex "vô tư" như mọi người. Flex cũng là cơ hội để chúng ta trân trọng thành quả và chặng đường của mình hơn.

Thế hệ trẻ ngày nay sinh ra trong thời đại công nghệ phát triển, xung quanh có quá nhiều con người tài giỏi nên họ có xu hướng đánh giá thấp nỗ lực và thành quả mà bản thân đạt được. Vậy khi đọc những bài flex thì sao?


Dường như trào lưu flex đang "tái định nghĩa" thành công và giá trị của mỗi cá nhân. Khi đọc ở đâu đó những bài flex và những comment không phán xét, chúng ta có quyền cảm thấy rằng mọi thứ đều có thể đem ra flex và đều mang ý nghĩa của riêng nó. Một người làm việc tốt cũng đáng được khen như một người thu nhập cao, một người đáng tin cũng "có tư cách" flex như một người học giỏi, một người đủ dũng cảm để thức dậy và mỉm cười cũng có nhiều ý nghĩa như một người mang lại nhiều đóng góp của cải cho xã hội, hoặc thậm chí, một người... không đăng bài flex cũng có giá trị như một người chăm flex.


Flex mà không... "fake". Khi tất cả mọi người đều có thể flex thì mỗi người chỉ việc đi tìm khía cạnh giá trị quan trọng của bản thân và tập trung vào nó. Chúng ta không chỉ flex về những món đồ vật chất hữu hình mà còn là những giá trị vô hình nhưng lại đặc biệt có ý nghĩa... tới hơi thở cuối cùng.

Dưới góc độ tích cực, văn hóa flex giúp thế hệ trẻ học cách nhìn nhận đúng giá trị của mình. Nhờ có trào lưu flex, mọi người có cơ hội được khoe ra điều mà bản thân cho là thành công và nhận về sự công nhận xứng đáng, thay vì cố chạy đua theo những tiêu chuẩn chung. Khi ở trong một group với hơn 1 triệu thành viên flex năng nổ, chúng ta càng không phải cố tô vẽ những điều giả dối (fake) chỉ để nhận về những lượt like tung hô.


Bạn là một viên kim cương biết flex chứ không phải một viên kim cương "fake"


Thành tựu trong các khía cạnh công việc, gia đình, bạn bè, xã hội, tìm hiểu bản thân, tìm hiểu vũ trụ, sáng tạo... đều là thành công. Và cũng chỉ khi chúng ta biết cách trân trọng thành tựu và câu chuyện của mình, người khác mới có thể công nhận và tán thưởng nó.


Đứng giữa dòng văn hóa flex, bạn hoàn toàn có thể đón nhận nó như một động lực để yêu bản thân hơn, nâng cao lòng tự tôn hơn, cũng như cố gắng nhiều hơn.


Tin cập nhật Vào ngày 21/7/2023, admin nhóm Flex đến hơi thở cuối cùng đã cho đăng bài tuyên bố tạm dừng hoạt động của nhóm trong sáu tháng, với thời gian hoạt động trở lại được dự kiến là 0h00 23/1/2024.


Cá nhân người viết bài này xin phép được hỏi độc giả rằng: Từ lúc vào trang của LeLa Journal tới giờ, bạn có thấy bài nào flex như bài này chưa?



1 Comment


Dao Yen
Dao Yen
Jul 20, 2023

Haha, mình rất thích giọng văn của tác giả à nha, hẳn bạn là một Gen Z? Đúng là mấy hôm nay có dịp online là mình lại bắt gặp người người nhà nhà flex, gọi là đu trend cũng được mà khoe khéo cũng được, mình thấy đây là một trào lưu vui đấy chứ. Nó khiến mình có thêm động lực để làm cái gì đó hay ho hơn, sau có cái mà flex cho con cháu nghe.

Like
bottom of page