top of page
Tìm kiếm

"Game theory" trong tình yêu: Khi ái tình cũng là trò chơi với 4 nguyên tắc

Khi nhắc đến tình yêu, nhiều người nghĩ ngay tới cảm giác rung động, sự chân thành, lòng chung thủy... nhưng nếu "mổ xẻ" tình yêu dưới góc độ lý thuyết trò chơi (game theory) trong Kinh tế học thì chúng ta sẽ có thêm góc nhìn mới lạ về 4 nguyên tắc giúp "tối đa hóa" tình cảm.



Khoa học ra đời là để lý giải, phân tích và tìm ra đáp án cho những cảm xúc có phần "vô định" của con người, mà tình yêu là một trong số đó. Vậy nó có liên hệ gì tới lý thuyết trò chơi (game theory)?


"Game theory" trong tình yêu


Lý thuyết trò chơi thuộc Toán học ứng dụng, là lý thuyết nghiên cứu các tình huống chiến thuật mà trong một trò chơi, những nhân tố tham gia sẽ hành động để nhận được lợi ích tối đa (1). Ban đầu, lý thuyết được phát triển như là một công cụ để nghiên cứu hành vi trong Kinh tế học. Ngày nay, nó đã được áp dụng trong nhiều ngành khoa học, từ Sinh học tới Triết học, Quân sự, Chính trị và thậm chí là cả Khoa học Máy tính.


Người được xem là cha đẻ của lý thuyết trò chơi là nhà toán học John von Neumann và nhà kinh tế học Oskar Morgenstern. Sau đó, nhà toán học nổi tiếng John Nash có công phát triển lý thuyết này, với thành quả được nhiều người biết tới là "Cân bằng Nash" (Nash equilibrium).


Lý thuyết trò chơi theo đuổi hai giả định căn bản:

  • Mỗi cá nhân hay các nhóm cá nhân được coi như một người/cá thể/đơn vị tham gia trong một cuộc chơi và mục tiêu của họ là làm thế nào để giành lợi ích, có thể là chiến thắng hoặc giảm thiểu thiệt hại.

  • Mỗi hành động của con người được dẫn dắt dựa trên nguyên tắc lý tính. Trước mỗi quyết định, cá nhân đều cố gắng tính toán xem lợi ích/thiệt hại của bản thân mình khi đưa ra quyết định đó.


Như vậy, phân loại các loại trò chơi thường được dựa vào ba yếu tố là số lượng người chơi, chiến lược mà các người chơi lựa chọn và luật/nguyên tắc chơi. Từ đó, chúng ta cũng có những loại trò chơi chính như sau:

Trò chơi có tổng bằng không

Lợi ích của người này đồng nghĩa với thiệt hại hoàn toàn của người khác

Trò chơi với tổng khác không

Các đối thủ trong một cuộc chơi có khả năng đồng thắng giải, với lợi ích của người này không phương hại đến người khác và mọi người đều có thể giành được lợi ích tương đối


Cũng từ đó, người chơi có hai loại chiến lược:

  • Chiến lược hoàn hảo: Đem lại lợi ích cao nhất cho chính người tham gia cuộc chơi, không phụ thuộc vào hành động phản ứng của đối phương. Nói đơn giản là cho dù đối thủ có làm gì đi nữa thì quyết định của bản thân vẫn giữ vững và phải đạt được mục tiêu bằng mọi giá.

  • Chiến lược thông minh: Mục tiêu chính là giảm thiểu mức độ rủi ro cho bản thân, miễn sao giúp bản thân về đích an toàn với mức thiệt hại thấp nhất.


Vậy, tại sao những lý thuyết về trò chơi, chiến lược, bài toán... này lại có liên hệ với chuyện tình cảm lứa đôi? Câu trả lời là "chỉ yêu thôi là chưa đủ". Về điều này, độc giả có thể tham khảo bộ phim When We First Met trên nền tảng Netflix kể về việc vận dụng mọi chiêu trò để "chiến thắng" trong tình yêu. Một bộ phim khác cũng do Netflix sản xuất là Marriage Story (được đề cử 6 giải Oscar vào năm 2020) lại được xem như một "dụ ngôn" đẹp và buồn của việc áp dụng "lý thuyết trò chơi" trong cuộc ly hôn của hai nhân vật chính, nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thất tinh thần cho hai người (và cả con trai của họ).


Thực tế thì yêu đương chính chỉ là một trong các phương diện của cuộc sống mà đôi bên "hợp tác" với nhau. Để có thể nhận được những trải nghiệm quý giá nhất, mỗi người không ngừng "thử và sai". Đó là lý do vì sao kết hôn với người đầu tiên bạn hẹn hò, về mặt chiến lược chung là một ý tưởng tồi bởi bạn sẽ không có nhiều trải nghiệm để tình yêu được thăng hoa nhất, thậm chí còn nguy cơ để lại những sai lầm và đổ vỡ (2). Về điều này, độc giả có thể tham khảo bài viết Áp dụng quy tắc 37% của Toán học để tính độ tuổi kết hôn đã được đăng tải trên LeLa Journal.


Một mối tình bền lâu cùng năm tháng không chỉ dựa vào sự ngẫu nhiên hay duyên phận, mà có thể tồn tại "luật chơi ngầm" về được-mất. Chẳng hạn, một người phụ nữ đưa ra lựa chọn kết hôn dựa trên tình yêu, nhưng cô cũng có sự cân nhắc rằng mình đang cưới về một người con rể cho gia đình và chọn bố cho con mình.


Ắt hẳn, để đưa ra được quyết định đó, chúng ta cũng cần vận dụng vài lý thuyết và áp dụng "chiến lược" phù hợp nhất, tránh tình trạng "được ăn cả, ngã về không".

Nếu mục đích của chúng ta là kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi, như một dạng lợi ích, thì chúng ta cũng cần chú trọng nguyên tắc của "trò chơi ái tình" nhằm tối ưu hóa lợi ích này.



4 nguyên tắc song phương trong tình yêu


Theo lý thuyết trò chơi, mối quan hệ chung thủy chỉ là một hình thức hợp tác xã hội (3). Trong cuốn sách Sự tiến hóa của hợp tác, nhà khoa học chính trị Robert Axelrod đã đưa ra một số quan điểm thú vị về bản chất của sự hợp tác (4), cụ thể như sau:


1. Hãy tử tế đến cùng, đừng bao giờ "đi trước một bước" trong chuyện phản bội: Trong tình yêu, sự tin tưởng và lòng chung thủy rất quan trọng. Nguyên tắc này cho rằng bạn không nên phản bội tình cảm và cam kết của mình đối với người bạn đời.


Điều này bao gồm việc không bắt đầu mối quan hệ với ai khác, một khi bạn đã cam kết với một người.

Hãy nhớ rằng trong lý thuyết tình yêu, việc hợp tác ngắn hạn có liên hệ nhiều với chuyện mất uy tín và sự phân chia bất lợi, trong khi việc hợp tác lâu dài thì lại liên quan tới tính trung thực, uy tín và mang đến sự phân chia lợi ích tốt hơn. Tình cảm, xét theo một phương diện nào đó, cũng vậy.


Triết gia Mark Colyvan từng lập luận rằng: "Sự chung thủy trong các mối quan hệ gắn bó lâu dài, trên thực tế, là kết quả của lợi ích cá nhân hẹp hòi, được đặt trong bối cảnh lý thuyết trò chơi phù hợp. Nhiều người hẳn sẽ ngạc nhiên vì hành vi chung thủy thường được cho là liên quan đến tình yêu, đạo đức và sự quan tâm đến hạnh phúc của bạn đời, nhưng cách giải thích về lòng chung thủy trong lý thuyết trò chơi lại không lãng mạn như vậy. Theo đó, ích kỷ là điều bình thường khi yêu và mối quan hệ chung thủy chỉ là một hình thức hợp tác xã hội cụ thể. Tất cả những gì cần thiết để duy trì sự hợp tác này là lợi ích chung của cả hai, không liên quan đến đúng hay sai, hay việc quan tâm đến nhau" (5).


2. Thực hành "có qua có lại": Nguyên tắc này gợi ý rằng để toại lòng nhau, hai người nên cùng chia sẻ trách nhiệm, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau. Điều này có nghĩa là bạn không nên đặt ra các yêu cầu không hợp lý hoặc đòi hỏi nhiều hơn những gì mình đang đóng góp vào mối quan hệ.


3. Đừng hơn thua: Đừng mang cái tôi quá lớn khi bước vào một cuộc tình. Mối quan hệ nên được xây dựng trên sự tương trợ và tôn trọng đôi bên, nơi mà không ai phải cảm thấy hơn thua hoặc "mình không bằng ai". Đừng bao giờ nên tập trung vào "thắng" người còn lại chỉ để thỏa mãn cái tôi của mình, bởi để làm gì nếu bạn "thắng một cuộc chơi, thua một cuộc tình"?


4. Đừng tỏ ra quá thông minh: Trong tình yêu, việc quá mưu mẹo, xảo quyệt hoặc tham lam có thể dẫn đến mất lòng tin và xung đột. Đừng cố gắng lợi dụng người khác hoặc tận dụng tình cảm của họ. Thay vào đó, hãy hành động một cách chân thành và trung thực để duy trì một mối quan hệ tình yêu lành mạnh.



Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc áp dụng lý thuyết trò chơi vào tình yêu chỉ là một góc nhìn để ta có thể cân nhắc thiệt hơn về cách gìn giữ một mối quan hệ đồng thắng (win-win). Ta không tổn thương người, người cũng không tổn thương ta và đích đến cuối cùng là ai cũng hạnh phúc với những chọn lựa của mình.

Suy cho cùng, một mối quan hệ tình cảm luôn phức tạp và chứa đựng những điều không thể phân định rạch ròi, càng khó để dự đoán tuyệt đối ai thắng ai thua. Sự đồng thắng trong tình cảm chỉ là kết quả sau khi cân nhắc, ưu tiên và lựa chọn gắn bó với nửa kia.


Như vậy, mặc dù áp dụng phân tích thắng-thua giả định theo lý thuyết trò chơi, nhưng trong tình cảm, điểm mấu chốt vẫn là sự rung động và chân thành. Dù có tỉnh táo đến đâu, dù bạn có là một người chơi giỏi thế nào, nếu không đủ chân thành thì chúng ta sẽ không thể gắn bó lâu dài với bất kỳ ai. Về điều này, độc giả có thể sẽ nhớ đến các nhân vật trong phim Em chưa 18 (một trong những "hiện tượng phòng vé" của điện ảnh Việt). Bộ phim cho thấy rằng chúng ta có thể coi ái tình là trò chơi để tính toán, vờn bắt, nhưng đến cùng thì nguyên tắc song phương tình nguyện, sự phù hợp và rung động thật lòng mới là những yếu tố quyết định tình yêu.



Comments


bottom of page