top of page
Tìm kiếm

Gaslighting nơi công sở: Làm sao để detox?

Môi trường công sở là một xã hội thu nhỏ mà ở đó, bạn có thể tìm thấy đủ kiểu người với các kiểu tính cách khác nhau. "Gaslighting" là một trong hằng hà sa số chiến thuật thường thấy ở nơi công sở. Nó phổ biến tới mức có thể bạn còn không biết mình đã từng bị... gaslighted "nhân danh" những lời nói đùa. Vậy nếu nó độc hại (toxic) tới vậy thì làm sao để chúng ta detox?



Nối tiếp bài lần trước về chủ đề thao túng nơi công sở, nội dung lần này là về vấn nạn gaslighting nơi công sở.


Thuật ngữ "gaslighting" (tạm dịch là "thắp đèn ga") lần đầu tiên được sử dụng trong một vở kịch sân khấu năm 1938 có tên là Gaslight, sau này được chuyển thể thành phim vào năm 1944 với sự tham gia của Ingrid Bergman và Charles Boyer. Cốt truyện xoay quanh việc nhân vật người chồng đã lừa vợ mình để cô ấy thực sự tin rằng bản thân bị điên (1).


Gaslighting là một tiến trình liên tục "gieo hạt giống" nghi ngờ bản thân vào tâm trí một người, khiến người đó nghi ngờ cảm xúc, suy nghĩ hoặc ký ức thật sự của mình (2). Xét theo nghĩa đen của thuật ngữ, chúng ta có thể hiểu đây chính là hành vi "tung hỏa mù", thắp lên thứ niềm tin và ý niệm "giả" trong đầu nạn nhân. Gaslighting có lẽ được xem như một hiện tượng xã hội học hơn là một hiện tượng tâm lý, bởi nó bắt nguồn từ sự bất bình đẳng xã hội, bao gồm cả giới tính, địa vị, quyền lực... (3).


Đặc biệt, gaslighting cũng cần được phân biệt với các hành vi khác như thao túng, nói dối, bất đồng, "ném đá", bắt nạt, tẩy não, bêu rếu... bởi các định nghĩa về chúng tuy không loại trừ lẫn nhau nhưng cũng không hoàn toàn là trùng lặp (4).

Vậy, ở nơi công sở, chúng ta có thể bị "gaslighted" như thế nào?



Khi công sở đã đủ sáng nhưng người ta vẫn "thắp đèn ga"


Gaslighting có thể "núp bóng" những lời nhắc nhở như "bạn quá nhạy cảm" hoặc "bạn đang nghĩ nhiều". Ký ức về các sự kiện của bạn nghe có vẻ bị sai lệch nhưng bạn lại cảm thấy chắc chắn rằng mình đúng.


Chẳng hạn, người sếp "độc hại" khẳng định đã giao file cho bạn nhưng bạn không có ký ức về nó. Chỉ tới khi kiểm tra mail và tin nhắn thì bạn mới hết ngộ nhận, để rồi "ngộ ra" rằng chẳng có file nào cả.

Các gaslighters (kẻ đi gaslight người khác) thường có đặc điểm hành vi hoặc tâm lý như sau:

  • Ưa thích thao túng/kiểm soát người khác

  • Ý thức thấp về giá trị bản thân hoặc lòng tự tôn cá nhân

  • Sự bất an, được che đậy bằng cách liên tục chỉ ra những sai sót của người khác

  • Ái kỷ, có các phẩm chất của một lãnh đạo độc hại (5), chẳng hạn như trong ví dụ vừa rồi



Dưới đây là một vài hình thức gaslighting phổ biến nơi công sở để bạn kiểm tra và đối chiếu xem mình từng bị gaslighting hay chưa.


1. Chối bỏ thông tin:

Khi chối bỏ, gaslighter có thể hoàn toàn phủ nhận sự thật hoặc thông tin mà bạn đã trình bày. Họ có thể phản bác rằng bạn đã hiểu sai hoặc họ sẽ công kích cá nhân bạn. Điều này có thể khiến bạn nghi ngờ về khả năng nhận định, hiểu biết và suy nghĩ của mình. Ví dụ:

  • Bạn đề xuất rất nhiều ý tưởng mới và gaslighter nói: "Không, tôi thấy ý tưởng này đơn điệu quá, bình thường quá, chưa có gì đặc sắc".

  • Bạn đã báo cáo một vấn đề trong một dự án và ai đó nói: "Tôi không nhớ bạn báo cáo nó khi nào cả".


2. Xuyên tạc thông tin:

Gần giống với điều trên, khi xuyên tạc, gaslighter có thể thay đổi hoặc bóp méo thông tin để tạo ra sự mâu thuẫn, làm bạn nghi ngờ về sự thật. Họ có thể tạo ra một "phiên bản khác" của sự thật hoặc của cuộc trò chuyện để làm cho cả thế giới nghi ngờ bạn hoặc... bạn nghi ngờ cả thế giới, nhưng tệ nhất vẫn là bạn nghi ngờ chính bạn. Ví dụ:

  • Bạn và gaslighter có cuộc thảo luận và sau đó họ kể lại nội dung cuộc họp theo một hướng hoàn toàn khác với nội dung và hoàn cảnh sai lệch.


3. Môi trường quá cạnh tranh:

Môi trường làm việc cạnh tranh cao hoặc không lành mạnh, với những tiêu chuẩn giữ chân khắt khe, có thể tạo điều kiện cho gaslighting xuất hiện. Nạn nhân bị gaslighted có thể cảm thấy thiếu tự tin trong cuộc cạnh tranh. Ví dụ:

  • Một người hoặc một nhóm có thể chế giễu bạn về một vài thất bại trong quá khứ và ám chỉ rằng bạn không thể cạnh tranh được với họ trong dự án tiếp theo.


4. Đánh giá sai lệch:

Gaslighter sử dụng đánh giá sai lệch để làm cho bạn cho rằng "mình không đủ tốt" hoặc thậm chí không đáng tin, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của bạn. Ví dụ:

  • Khi sản phẩm của bạn trở nên được lan truyền trên mạng (viral), gaslighter nhận định rằng: "Sản phẩm truyền thông lần này có sao hạng A nên viral là do may mắn thôi, ai làm cũng viral được mà", hoặc "dự án này cũng bình thường, so với mặt bằng chung thì chưa có gì đặc sắc".


5. Xem nhẹ, châm chọc nỗ lực và thành tựu của người khác:

Hơi khác với đánh giá sai lệch ở trên, gaslighter xem nhẹ công việc và nỗ lực của bạn có thể làm cho bạn cảm thấy công việc của mình không được đánh giá cao và không quan trọng. Họ cũng có thể châm chọc, giễu cợt hoặc loại bỏ nỗ lực và thành tựu của bạn, làm cho bạn cảm thấy thiếu tự tin và không đủ xuất sắc. Ví dụ:

  • Họ nói những lời như "Công việc này đơn giản mà, tại sao em cần nhiều thời gian để hoàn thành thế nhỉ?" hoặc "wow, bạn thật giỏi, nhưng trước đây người khác làm cái này có kết quả tốt hơn thế nhiều".


6. Sử dụng quyền lực và vị trí để kiểm soát người khác:

Người có vị thế trong tổ chức có thể lợi dụng điều này để áp đặt ý kiến của họ và gaslight để làm người khác không dám phản đối hoặc không còn tin tưởng vào quan điểm của bản thân nữa. Ví dụ:

  • Một người quản lý có thể nói "Cái này em không phải giải thích, chuyện này để ban lãnh đạo tụi anh quyết định".



Hậu quả của gaslighting đối với cá nhân và tổ chức


Gaslighting có thể tác động đáng kể đến môi trường làm việc và sự phát triển cá nhân. Dưới đây là một số hậu quả chính của gaslighting đối với cả cá nhân và tổ chức:


Đối với cá nhân:

Gaslighting có thể gây ra stress, lo âu, trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác cho người bị ảnh hưởng (6). Từ đó, nạn nhân bị gaslighted có thể bị giảm hiệu suất và chất lượng công việc. Bên cạnh đó, gaslighting có thể làm cho một người cảm thấy bị kiềm chế và không có cơ hội để phát triển tài năng cũng như khả năng của mình. Nặng nề hơn, gaslighting có thể gây ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, khiến nạn nhân cảm thấy mất niềm tin và không thể mở lòng với người khác.


Đối với tổ chức:

Gaslighting yếu tố "đầu bảng toxic" tạo ra môi trường làm việc căng thẳng và thiếu cảm giác an toàn. Điều này dẫn đến giảm tinh thần đồng đội cũng như sự hài lòng về công việc. Khi nhân viên cảm thấy bị ảnh hưởng bởi gaslighting, thay vì dành thời gian tập trung làm việc, họ phải đối mặt với những vấn đề tâm lý và phải liên tục trấn an suy nghĩ của mình.


Một môi trường làm việc có yếu tố gaslighting có thể không hấp dẫn cho những nhân tài tiềm năng và có thể dẫn đến việc mất đi những nhân viên có kinh nghiệm và năng lực.

Trong thời đại mạng xã hội phát triển như hiện nay, nếu tin tức về gaslighting trong tổ chức lan truyền, danh tiếng và thương hiệu của tổ chức sẽ bị ảnh hưởng. Nặng nề nhất là việc mất đi sự tín nhiệm từ phía khách hàng, đối tác và đội ngũ nhân viên có ý định nộp đơn trong tương lai.


"Phốt" gaslight cũng là một điều mà các doanh nghiệp, tổ chức cần tránh để thu hút nhân tài.


Vẫn biết gaslight là toxic, nhưng làm sao để... detox?


Nghiên cứu của Trades Union Congress cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bắt nạt tại nơi làm việc hơn nam giới, và gaslighting chính là một trong những hình thức bắt nạt ấy (7).


Công sở là nơi mà mọi người đều muốn thể hiện bản thân và tìm kiếm thành tựu để tăng lòng tự tôn cá nhân, nên sẽ thật khó để tránh những lời ra tiếng vào và càng khó hơn để nhún nhường. Tuy nhiên, ai cũng cần phải bảo vệ bản thân, vậy nên hãy xây dựng cho mình một quy trình làm việc cá nhân hóa, chuyên nghiệp và rõ ràng.


Tổ chức càng chuyên nghiệp hóa, gaslighting sẽ chỉ còn là một "trò mèo"... nghiệp dư.


1. Xây dựng quy trình làm việc chuyên nghiệp, không nói miệng: Hãy bảo đảm rằng tất cả những gì bạn đã, đang và sẽ làm tại nơi công sở đều là vì công việc, với thông tin và đầu việc liên quan luôn rõ ràng và đầy đủ.


Bên cạnh đó, hạn chế thảo luận riêng hai người nếu điều đó không cần thiết. Bạn không có nghĩa vụ thảo luận hoặc tham gia thảo luận với những người không trực tiếp giám sát mình. Với những cuộc họp lớn, các công ty thường khuyến khích mọi người ghi lại mọi thông tin đã trao đổi. Đặc biệt, nếu có những đầu việc liên quan đến mình, bạn hãy cố gắng xác nhận lại lần nữa qua email. Những điều này có thể giúp bạn "giải cứu" bản thân nếu chẳng may gaslighter lộ diện.


2. Xây dựng lòng tin vào bản thân và giữ vững lòng kiên định: Đây là tiến trình cần thời gian và nỗ lực. Hãy đánh giá bản thân dựa trên thành tựu và khả năng của bạn chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào ý kiến ​​của người khác. Hãy luôn nhận thức đúng và đủ về giá trị của bản thân, gồm cả sự công nhận, các thành tựu, khả năng và phẩm chất tích cực của bạn. Hãy thừa nhận những lỗi lầm hay thất bại, nếu có, và biết rằng không một ai hoàn hảo.


Nếu ai đó cứ mãi "chọc gậy bánh xe", hãy nhớ rằng từ câu chuyện ấy, bạn đã tiến bộ hơn một chút, chỉ có họ là vẫn còn đang ở đó với "những chuyện đã cũ xì".

3. Tìm hỗ trợ từ người tin cậy và chia sẻ vấn đề với quản lý: Nếu tình huống gaslighting là do đồng nghiệp gây ra, hãy chia sẻ với quản lý theo từng cấp bậc của bạn, bởi quản lý là những người có trách nhiệm giao việc cũng như đảm bảo các quyền lợi liên quan đến bạn trong công việc, vì nếu bạn có vấn đề gì, chính người quản lý và công ty cũng sẽ phải mất thời gian và công sức để khắc phục hậu quả.


Nếu tình huống gaslighting là do quản lý gây ra, hãy cân nhắc thảo luận trực tiếp với họ về vấn đề này.

4. Tìm kiếm sự thay đổi trong môi trường làm việc: Nếu gaslighting xuất hiện thường xuyên và ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn, hãy xem xét việc tìm kiếm sự thay đổi, chẳng hạn như thay đổi vị trí công việc hoặc tìm kiếm môi trường làm việc khác. Quan trọng nhất là bạn bảo đảm bản thân không cống hiến toàn bộ sức lực cho một nơi liên tục "bào mòn" những giá trị của bạn.



留言


bottom of page