top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảMinh Đức

Ghen tuông là biểu hiện của tình yêu: "Đúng nhận sai cãi" dưới góc nhìn khoa học

Ghen tuông từ lâu là đã một chủ đề tranh luận sôi nổi trên khắp các nền văn hóa trên thế giới, từ bức tranh dân gian "Đánh ghen" của làng Đông Hồ cho đến "Đôi mắt của Othello" tượng trưng cho sự ghen tuông trong vở kịch cùng tên của Shakespeare. Nhưng thật sự có phải "ghen quá đấy... nghĩa là yêu mất rồi" như nhà thơ Nguyễn Bính đã từng viết? Hãy cùng Lela Journal tiếp cận những góc nhìn khoa học khách quan nhất về chủ đề ghen tuông, từ đó biết thêm các phương pháp quản lý và làm chủ cảm xúc phức tạp này.


Ghen tuông là biểu hiện của tình yêu

Ghen tuông không phải là tình yêu, ghen tuông là một hiện tượng phức tạp được định nghĩa là "nhận thức về sự đe dọa bị đánh mất mối quan hệ quý giá vào tay đối thủ thực sự hoặc tưởng tượng" (1). Mặt khác, tình yêu lại là một cảm xúc tích cực liên quan đến sự quan tâm và cảm tình của chúng ta dành cho ai đó.



Những phát hiện khoa học về tính ghen tuông


1. Ghen tuông mang đến nhiều sự tiêu cực: Tác giả Mark Attridge đã tổng hợp một loạt các nghiên cứu trước đó về kết quả lẫn hậu quả mà ghen tuông mang lại trên chuyên trang khoa học uy tín "Personality and Social Psychology". Tổng hợp cho thấy có hơn 40 nghiên cứu chỉ ra những điểm xấu trong khi chỉ có khoảng tám nghiên cứu bàn về điểm tốt của ghen tuông (2).


2. Ghen tuông có liên quan đến lòng tự trọng: Ghen tuông có thể nảy sinh từ cảm giác bất an và suy nghĩ rằng bản thân không đủ tốt hoặc xứng đáng để nhận được tình yêu thương, dẫn đến niềm tin rằng người khác đang cố lấy đi những gì thuộc mình. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có lòng tự trọng thấp có xu hướng trải qua cảm giác ghen tuông mãnh liệt và thường xuyên hơn (3). Các nghiên cứu khác cũng gợi ý rằng ghen tuông có thể làm giảm mức độ hài lòng trong các mối quan hệ, dẫn đến sự suy giảm thêm lòng tự trọng và gia tăng cảm giác bất an (4).


3. Ghen tuông vô cớ có thể là một biểu hiện của chứng loạn thần kinh: Giáo sư tâm lý học xã hội Robert G. Bringle, trong cuốn sách "Tâm lý học của ghen tuông và đố kỵ" (5) của mình đã đưa ra một cách giải thích hợp lý về sự tồn tại của hai kiểu ghen tuông. Loại thứ nhất là ghen tuông phản ứng phát sinh khi xuất hiện một mối đe dọa từ bên ngoài dành cho đối tượng nhận được sự quan tâm của bạn. Loại thứ hai là ghen tuông vô cớ, chủ yếu liên quan đến suy nghĩ đáng ngờ và hành vi rình mò phát sinh khi không có bất kỳ mối đe dọa thực sự nào từ bên ngoài. Loại ghen tuông này về bản chất là loạn thần kinh vì nó chủ yếu phản ánh tình trạng rối loạn nội tâm và liên quan đến các vấn đề cá nhân của người ghen tuông như lo lắng và lòng tự trọng thấp. Thông thường thì kiểu ghen tuông này sẽ biến bản thân thành một đối tượng kém hấp dẫn hơn trong mắt người khác.


4. Ghen tuông giữa đàn ông và phụ nữ cũng khác nhau: Tiến sĩ Brad Sagarin của Đại học Northern Illinois và các đồng nghiệp đã công bố các phân tích tổng hợp về 40 nghiên cứu đo lường sự khác biệt của giới tính trong ghen tuông. Họ tìm thấy sự khác biệt đáng kể về giới tính trong phản ứng đối với sự không chung thủy về tình dục và tình cảm. "Phần lớn đàn ông sẽ cảm thấy ghen tuông khi phát hiện sự không chung thủy về tình dục, còn phụ nữ sẽ cảm thấy ghen tuông với sự không chung thủy ở mặt tình cảm" (6). Một nghiên cứu khác của Tiến sĩ David Frederick năm 2016 khi tiến hành khảo sát trên 63.894 người cũng chỉ ra điều tương tự (7).


5. Động vật cũng biết ghen: Một nghiên cứu của Christine Harris đã củng cố thêm lý do cho giả thuyết về tính bản năng của ghen tuông khi tiến hành thí nghiệm trên chó. Ông phát hiện ra rằng chó "thể hiện hành vi ghen tuông đáng kể nhiều hơn như xen vào giữa, gạt chân, sủa... khi chủ của chúng gần gũi với những con chó khác" (8).


Ghen tuông là biểu hiện của tình yêu

Ghen tuông là biểu hiện của tình yêu: Làm sao để ghen tuông không đi quá giới hạn


Các nghiên cứu trên chỉ ra ghen tuông ở mức độ bình thường có thể chấp nhận được vì đó chỉ là cảm giác bản năng khi đối diện với sự đe dọa bị lấy mất một thứ gì (ở đây là mối quan hệ tình cảm). Tuy nhiên, nếu để nó đi quá giới hạn và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như các mối quan hệ của chúng ta thì hoàn toàn không.


Tiến sĩ Robert Leahy, một nhà tâm lý học với bề dày kinh nghiệm ở lĩnh vực trị liệu cảm xúc, trong cuốn sách "Phương thuốc chữa bệnh ghen tuông" của mình đã nhấn mạnh: "Sự ghen tuông bắt nguồn từ những trải nghiệm trong quá khứ, sự bất an và lối suy nghĩ tiêu cực".

Đồng thời, ông cũng cung cấp một liệu trình để giải quyết vấn đề này, bao gồm ba yếu tố quan trọng là: Cải thiện lòng tự trọng, xây dựng lòng tin trong các mối quan hệ và vượt qua tính chiếm hữu của bản thân.


1. Cải thiện lòng tự trọng: Tiến sĩ Leahy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao lòng tự trọng và giá trị bản thân như một cách để giảm cảm giác ghen tuông.

  • Chấp nhận bản thân: Nắm lấy điểm mạnh và điểm yếu của bạn, và chấp nhận con người thật của bạn.

  • Tử tế với bản thân: Hãy tử tế và thấu hiểu bản thân, đồng thời tha thứ cho những sai lầm và thất bại của bản thân.

  • Thách thức những suy nghĩ tiêu cực: Xác định và thách thức những suy nghĩ tiêu cực về bản thân, đồng thời thay thế chúng bằng những câu chuyện tích cực và mang tính xây dựng.

  • Theo đuổi các mục tiêu và sở thích cá nhân: Tập trung vào sự phát triển cá nhân và theo đuổi các mục tiêu, sở thích có ý nghĩa như một cách để nâng cao lòng tự trọng.

2. Xây dựng lòng tin trong các mối quan hệ:

  • Minh bạch và trung thực: Hãy cởi mở và trung thực về suy nghĩ, cảm xúc cũng như hành động của bạn với đối tác.

  • Giữ lời hứa: Thực hiện theo các cam kết và giữ lời hứa với đối tác của bạn.

  • Tránh thao túng: Tránh thao túng tâm lý hoặc ép buộc đối phương trong các mối quan hệ, thay vào đó hãy xây dựng lòng tin thông qua sự tôn trọng và hợp tác lẫn nhau.

  • Tha thứ và hướng về phía trước: Hãy tha thứ cho đối tác của bạn khi họ mắc lỗi và cùng nhau tiến lên, xây dựng lại niềm tin.

3. Vượt qua tính chiếm hữu của bản thân: Tính chiếm hữu có thể là nguyên nhân chính đẩy cảm giác ghen tuông vượt xa khỏi mức bình thường. Để kiểm soát được tính chiếm hữu của bản thân, ngoài việc cải thiện lòng tự trọng, tiến sĩ Leathy còn đề xuất các cách giải quyết sau:

  • Thực hành chánh niệm: Chánh niệm có thể giúp giảm bớt cảm giác ghen tị và chiếm hữu bằng cách cho phép các cá nhân ở trong thời điểm hiện tại, không bị cuốn vào những suy nghĩ về quá khứ hoặc tương lai. Có thể đọc thêm bài viết về thực hành chánh niệm của LeLa Journal tại đây.

  • Giao tiếp cởi mở và trung thực: Giao tiếp cởi mở và trung thực có thể giúp xây dựng lòng tin trong mối quan hệ và giảm cảm giác chiếm hữu.

  • Thiết lập ranh giới lành mạnh: Điều quan trọng nhất là biết thiết lập ranh giới trong một mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau. Điều này có thể giúp giảm cảm giác sở hữu, tăng cảm giác an toàn và tin tưởng.

Trong trường hợp cảm thấy vấn đề ghen tuông của mình vượt quá sức chịu đựng, bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà trị liệu. Một chuyên gia được đào tạo bài bản có thể cung cấp hỗ trợ và hướng dẫn trong việc quản lý, khắc phục tính chiếm hữu trong một mối quan hệ.

Comments


bottom of page