top of page
Tìm kiếm

Giấc ngủ của tuổi "teen": Vì sao thanh thiếu niên mê thức khuya dậy muộn?

Nhiều bậc phụ huynh cảm thấy phiền lòng khi các con bước vào tuổi "teen" bỗng dưng có thói quen thức khuya dậy muộn, thậm chí là bỏ bữa sáng và bữa trưa để ngủ xuyên đến chiều. Điều này làm nhiều người thấy lo lắng vì con tuổi teen bỗng sinh hoạt trái giờ giấc và thiếu khoa học, từ đó e sợ rằng về lâu về dài, con sẽ sống theo một nhịp sinh hoạt không điều độ. Tuy vậy, các nghiên cứu đã chứng minh được rằng sự "mê ngủ" này là hoàn toàn bình thường.



Nối tiếp bài viết về việc người già không ngủ được trong Giấc ngủ của người lớn tuổi: Khi có thêm thời gian ngủ thì lại... dậy sớm, bài viết lần này tập trung vào sự thiếu ngủ gần như "liên tục" của các bạn tuổi "teen".


Tuổi teen chỉ là một khoảng trong tuổi vị thành niên. Cụ thể, vị thành niên (adolescence) là giai đoạn phát triển kéo dài từ thời thơ ấu cho tới tuổi trưởng thành, có thể bắt đầu từ 10 tuổi và kết thúc vào năm 21 tuổi (1), còn độ tuổi "teen" lại bao gồm những bạn 13-19 tuổi.


Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị người trong độ tuổi 13-18 (chiếm phần lớn nhóm tuổi teen) cần ngủ đủ 8 - 10 giờ trong tổng 24 giờ trong ngày để bảo đảm sự phát triển sức khỏe tối ưu (2), (3). Không chỉ như vậy, một nghiên cứu khác còn cho thấy tuổi teen cần ngủ 9 - 9,5 giờ mỗi đêm để não bộ và chức năng nhận thức được phát triển toàn diện (4).


Hóa ra, sự mê ngủ của tuổi teen là do... cơ thể và não bộ bảo vậy.


Tuổi teen mê ngủ – lời thanh minh của bộ não "mới lớn"


Nghiên cứu đã được tiến hành với những tình nguyện viên tuổi teen (5), sau đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện được một vài điều thú vị.


Ở lứa tuổi này, teen bắt đầu phát triển nhiều các mối quan hệ cần tới giao tiếp và làm quen với các nhiệm vụ mới trong cuộc sống, như chủ động kết bạn, học tập tại trường, hình thành sở thích và cá tính... một cách hiệu quả.

Khi thực hiện những nhiệm vụ trên, não bộ con người, đặc biệt là các bạn tuổi vị thành niên, được gia tăng hoạt động ở các khớp synapse thần kinh hay các kết nối thần kinh (nerve connection). Những kết nối này giảm dần khi teen tìm ra cách giải quyết các nhiệm vụ tối ưu hơn, nhờ đó, các dây thần kinh được bao phủ bởi lớp lipid cách điện myelin dày thêm, giúp tin nhắn truyền giữa các khu vực của não bộ nhanh hơn (6).



Bác sĩ nhi khoa Michael Crocetti của Đại học Johns Hopkins (Hoa Kỳ) cũng đồng tình rằng những thay đổi này chứng tỏ con người đang trải qua giai đoạn phát triển thứ hai của tiến trình trưởng thành về mặt nhận thức (cognitive maturation) (4). Cùng với việc hoạt động thể chất gia tăng, cơ thể teen tiêu hao nhiều năng lượng hơn và nhanh chóng cảm thấy mệt mỏi, vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex) sẽ phát ra tín hiệu giảm hoạt động để cơ thể chìm vào giấc ngủ (5).


Chính trong lúc này, hoạt động của các synapse cùng chất myelin được đẩy mạnh, giúp não bộ ghi nhớ tốt hơn và làm việc năng suất hơn do tốc độ truyền tin qua dây thần kinh nhanh hơn. Đây là một tiến trình "gia cố" siêu tinh vi, đòi hỏi thời gian ngủ kéo dài và sâu giấc, do đó, tuổi teen có xu hướng thèm ngủ hơn so với người ở lứa tuổi trưởng thành (5).


Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở chức năng nhận thức của não bộ, nghiên cứu còn chỉ ra rằng trong độ tuổi thanh niên, nếu không ngủ đủ, các bạn có xu hướng trở nên thừa cân, nhu cầu ăn nhiều hơn nhưng cơ thể lại quá mệt mỏi để luyện tập (7), (8).



Cha mẹ hỗ trợ teen vì những giấc ngủ chất lượng


Tuổi teen trong thời đại công nghệ đang đối mặt với tình trạng thiếu ngủ (sleep deprivation) do việc lạm dụng smartphone, áp lực học tập cường độ cao, cố gắng đi làm bán thời gian để sớm có kinh nghiệm, dành thời gian dành cho các hoạt động phát triển bản thân... khiến giấc ngủ bị rút ngắn (9).



Khi thấu hiểu lý do vì sao con em mình "mê ngủ" và nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ dài ở lứa tuổi teen, các bậc phụ huynh có thể đồng hành với các bạn, thông qua việc áp dụng 5 mẹo sau (10):

  1. Hạn chế các thức uống và thực đơn chứa caffeine trong bữa ăn hằng ngày;

  2. Đặt ra thời gian biểu dành cho teen và nhắc nhở thực hiện (cố định thời gian ngủ mỗi ngày để đảm bảo cân bằng với việc học để tránh nợ ngủ làm suy giảm sức khỏe);

  3. Quy định thời gian sử dụng smarphone cho ban ngày và buổi tối;

  4. Bố trí không gian phòng ngủ thích hợp cho giấc ngủ (có rèm kín và tối màu, không khí lưu thông thường xuyên, giường được dọn dẹp ngăn nắp và thay ga/vỏ gối/chăn đều đặn...);

  5. Hạn chế đặt quá nhiều thiết bị điện tử trong phòng ngủ.


1 Comment


Guest
Aug 17, 2023

Có thể hiểu vui là tuổi teen còn vô lo vô nghĩ nên ngủ nhiều cũng được, chứ đến lúc đi làm lại bị cơm áo gạo tiền bủa vây thì có không muốn cũng phải chui ra khỏi giường xách xe đến công ty hihi.

Like
bottom of page