top of page
Tìm kiếm

Giải mã nghịch lý: Vì sao Halloween đáng sợ mà chúng ta vẫn... chill?

Nói đến Halloween là chúng ta nghĩ ngay đến những hình ảnh mang màu sắc u tối và "rợn tóc gáy" đã trở thành biểu tượng của mùa lễ hội này, từ ma cà rồng, phù thủy cưỡi chổi, quái vật Frankenstein, zombie, người sói, đến những chú hề, dơi, nhện, những bộ xương người, máu, búp bê hắc hóa... Khung cảnh kinh dị và không gian bài trí đậm chất hắc ám cũng khiến cho không ít người yếu tim "sởn gai ốc" khi trải nghiệm. Vậy nhưng mỗi năm, hàng tỷ người trên thế giới vẫn hân hoan chào đón Halloween và "chill hết nấc" với lễ hội này. Vì sao lại như vậy?



Chúng ta thích đi… ban phát nỗi sợ


Có một sự thật dễ nhận thấy ở con người là chúng ta dễ bị run sợ trước những thứ kỳ bí, nhưng đồng thời cũng thích thú khi đi… dọa người khác, bằng cách này hay cách khác. Khi còn nhỏ, chúng ta đã quen với việc hù dọa đám bạn bằng nhiều trò ranh mãnh, như đột ngột nhảy ra từ một ngóc ngách nào đó, thả sâu vào cặp nhỏ bạn thân, dọa ma lẫn nhau bằng cách trùm áo, la hét vào buổi tối…


Khi bước vào tuổi dậy thì, sự tò mò kích thích chúng ta khám phá nỗi sợ và tự mình trải nghiệm qua việc đọc truyện ma, xem phim kinh dị, thử những trò chơi thử thách can đảm như vào nhà ma trong công viên, thậm chí là túm tụm chơi trò cầu cơ, gọi hồn... Sau khi trưởng thành và lập gia đình, các ông bố bà mẹ lại tiếp tục "ú òa" với trẻ con bằng nhiều câu dọa nạt rất vô thưởng vô phạt như là "Nếu con không ăn cơm/không nín khóc đi/không học bài... thì ông kẹ sẽ bắt đi đấy"...


Ở lứa tuổi nào, con người cũng bày tỏ sự hào hứng khi đi… ban phát nỗi sợ cho người khác, đồng thời hiếu kỳ trước những câu chuyện hay sự vật mang yếu tố liêu trai (1). Chúng ta dễ thấy điều này trong ngành công nghiệp điện ảnh, khi những bộ phim kinh dị liên tiếp xô đổ kỷ lục phòng vé nhiều năm liền. Nổi bật nhất trong đó là "vũ trụ điện ảnh kinh dị" Ám ảnh kinh hoàng (tựa gốc Conjuring) với tổng doanh thu là 2,1 tỷ USD (hơn 51 ngàn tỷ đồng) (2).


Độc – lạ Halloween: Càng sợ càng… thích


Không giống bất cứ lễ hội nào khác trong năm, Halloween đi ngược lại tất cả các yếu tố tạo nên sự hạnh phúc như gam màu rực rỡ, những câu chúc tốt lành, khung cảnh trang hoàng ấm cúng... Cụ thể hơn, người ta tìm đến lễ hội này để chìm đắm trong sự ma mị, cảm giác nguy hiểm và thậm chí u ám. Loài người vốn luôn mưu cầu Chân – Thiện – Mỹ, vậy tại sao Halloween đậm chất ma quái lại hấp dẫn chúng ta đến thế?



Tất cả có thể được giải mã bởi Tâm lý học về Nỗi sợ (Psychology of Fear), với 4 lý do sau đây:


1. Con người thích tận hưởng cảm giác sợ hãi do đặc điểm sinh học (3)


Nỗi sợ là phản ứng mang tính cảm xúc của con người đối với sự đe dọa hoặc những tình huống nguy hiểm. Khi sợ hãi, cơ thể chúng ta tiết ra adrenaline và một số hormone khác, dưới sự "chỉ đạo" của não bộ nhằm kích thích bản thân hình thành cơ chế chiến-hoặc-biến (fight or flight) để bảo vệ bản thân (4). Khi tham gia các hoạt động rùng rợn trong lễ hội Halloween, chúng ta có thể trải nghiệm phản ứng chiến-hoặc-biến này trong sự an tâm, vì đây không phải tình huống nguy hiểm trong thực tế.


Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng nhiều người thích kiếm tìm những khoảnh khắc "thót tim" để tìm kiếm "cảm giác mạnh" (sensation seeking) khi hòa mình vào nghịch cảnh, đòi hỏi đấu tranh sinh tồn để vượt qua.

Những người có mức độ kiếm tìm cảm giác mạnh cao thường nhìn nhận tích cực về nỗi sợ, trong khi người có mức độ thấp trong việc kiếm tìm cảm giác mạnh lại coi nỗi sợ là một điều gây khó chịu, bất an và tìm cách tránh né. Điều này góp phần lý giải nguyên nhân tại sao có những người xem phim kinh dị mà không hề chớp mắt, nhưng cũng có những người… che gối kín mặt (nhưng vẫn cố nheo mắt ngóng chờ điều hồi hộp sắp đến) (5).



2. Halloween cho chúng ta cơ hội khám phá những khía cạnh của nỗi sợ thông qua sự tương tác gắn bó về mặt xã hội (social bonding) (3)


Halloween là dịp giới trẻ hòa mình vào những bữa tiệc hóa trang và tập trung tại các địa điểm đông người để tận hưởng cảm giác "lễ hội ma quỷ". Hoặc đơn giản hơn, chúng ta sẽ quây quần trong một căn phòng tối để xem phim kinh dị.


Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những người mê xem phim kinh dị có nhu cầu tương tác xã hội và kích thích cảm xúc cao hơn mức bình thường (6).

Ngoài ra, khi chúng ta sợ hãi, cơ thể sẽ tiết ra hormone oxytocin giúp tăng cường trí nhớ và tạo điều kiện cho các cá nhân gắn kết với nhau. Do đó, việc tham gia các hoạt động vào dịp Halloween là một dịp độc đáo để mọi người gần gũi và thân thiện với đối phương theo những cách... rùng rợn (7).



3. Halloween là dịp hiếm hoi để ta được "đường đường chính chính" phá vỡ các quy chuẩn xã hội và thể hiện căn tính (identity) cá nhân (3)


Khi hóa trang thành một nhân vật ma quái mà mình yêu thích, tô lên gương mặt lớp make-up u ám hoặc chỉ đơn giản là đeo một chiếc mặt nạ bí ẩn, chúng ta đã tự cho phép mình được bước ra khỏi vùng an toàn (comfort zone) về một bản dạng chỉn chu thường nhật.


Quan trọng là nếu bạn xuất hiện trên đường với diện mạo này vào một ngày bình thường, tất cả mọi người sẽ đổ dồn ánh mắt về phía bạn và cho rằng bạn là một kẻ lập dị.

Nói cách khác, Halloween là dịp để chúng ta chấp nhận sự nổi loạn của người khác, đồng thời cho phép bản thân phá cách (lẫn phá phách) mà không sợ bị đánh giá, từ đó, gia tăng sự đồng cảm giữa người với người trong xã hội. Một nghiên cứu khoa học về việc sự đồng cảm ảnh hưởng đến phản ứng của con người đối với phim kinh dị như thế nào đã kết luận rằng: Những cá nhân có sự đồng cảm cao độ, sẵn sàng chia sẻ với cảm xúc đau buồn của người khác, thường ít có xu hướng quan tâm đến kết cục của phim.


Họ chỉ tập trung vào tận hưởng những cảm xúc kinh dị do phim mang lại và bất kể phim kết thúc như thế nào thì họ vẫn chấp nhận cái kết đó (8).



4. Những nhân vật đại diện cho Halloween phản ánh một phần vừa lạ vừa quen về chúng ta (9)


Ma cà rồng, phù thủy, quái vật Frankenstein, zombie, người sói, những chú hề... khiến chúng ta sợ, nhưng đồng thời, ta dễ nhận thấy rằng chúng mang những đặc điểm có phần... thân thuộc. Chúng vừa giống người, nhưng cũng có những cái kỳ quái của riêng chúng, do đó, hình ảnh của chúng dần xóa nhòa đi ranh giới giữa người sống và người chết, giữa vật đang sống và vật vô tri.


Nỗi sợ mà chúng mang lại bắt nguồn từ nỗi sợ cái chết – một điều hiển nhiên sẽ xảy ra trong vòng đời của mỗi người (sinh – lão – bệnh – tử). Khi đón nhận những "biểu tượng đại chúng" của Halloween, chúng ta cũng ngầm thừa nhận với mình rằng cái chết không đáng sợ như mình vẫn nghĩ. Đồng thời, ta cũng có cái nhìn tích cực hơn về những điều vô thường xảy đến trong đời.


Komentarze


bottom of page