Những trò đùa nơi công sở có thể khiến bầu không khí trở nên vui vẻ, gia tăng sự gắn kết với đồng nghiệp và chất lượng công việc. Tuy nhiên, cũng có nhiều trò đùa chỉ nhận về cái nhìn "ái ngại" của những người xung quanh.
Khi nào thì trò đùa trở nên không vui?
Tại sao có trò đùa chúng ta thấy hài hước, nhưng cũng có trò đùa chẳng thấy "miếng hài" nào? Điều này có thể giải thích bằng lý thuyết vi phạm vô hại/lành tính (benign violation theory), được phát triển bởi Peter McGraw, giáo sư marketing và tâm lý học tại Đại học Colorado Boulder (Hoa Kỳ) (1). Theo đó, có 3 yếu tố tạo nên sự hài hước:
1. Tình huống/câu nói đó là một sự "vi phạm": Sự vi phạm này có thể hiểu là đi ngược lại, làm trái lại những điều mà người nghe mong đợi, nhằm khiến họ bất ngờ. Chẳng hạn, các trò đùa chơi chữ thường gây cười, bởi chúng mang ý nghĩa mà chúng ta không ngờ tới.
2. Tình huống/câu nói đó "vô hại", tức là trò đùa đó không mang tính xúc phạm, gây hại hay khiến người nghe cảm thấy khó chịu.
3. Người nghe nhận ra sự "vi phạm" và "vô hại" tồn tại đồng thời trong trò đùa đó. Ngược lại, khi người nghe không thể cùng lúc nhận ra sự bất ngờ và sự vô hại thì câu đùa đó không còn hài hước. Một ví dụ rõ ràng nhất cho điều kiện này là nếu người nói phải giải thích trò đùa của mình thì nó không còn gây cười nữa.
Nếu một "miếng hài" đáp ứng đủ ba điều kiện trên, nó được xem như một miếng hài hay, bởi người nghe thực sự thấy nó hài hước.
Ngược lại, "miếng hài" sẽ trở nên không vui nếu nó không thể gây bất ngờ cho người nghe, hoặc khiến họ cảm thấy không thoải mái. Trong một số trường hợp, nếu ba điều kiện trên bị vi phạm quá mức, câu đùa có thể trở nên vô duyên hay thậm chí là mang tính xúc phạm.
Đặt trong bối cảnh công sở, những câu đùa cợt càng dễ vi phạm các điều kiện kể trên. Bởi trong môi trường này, chúng ta có xu hướng cẩn trọng hơn và đôi khi là xa cách hơn. Vì thế, một câu nói đùa, dù bình thường khi nói với bạn bè, nhưng có thể bị coi là đi quá giới hạn khi nói với đồng nghiệp.
Hài hước nơi công sở: Quăng miếng hài sao cho cả làng cùng cười hahaha?
Không thể phủ nhận những lợi thế mà khiếu hài hước mang lại cho chúng ta trong môi trường làm việc. Những người có khiếu hài hước được coi là tự tin hơn và có năng lực cạnh tranh cao hơn, từ đó, thường được tín nhiệm trong các vị trí lãnh đạo. Tuy vậy, nếu không biết đùa một cách khéo léo thì lời nói đùa sẽ gây ra phản ứng ngược, gây ảnh hưởng đến công việc và vị trí nơi làm việc (2).
Vậy làm sao để "quăng miếng hài" mà vẫn duyên dáng? Dựa trên thuyết vi phạm lành tính nêu trên, bạn có thể áp dụng 3 bí quyết sau đây:
1. Hiểu rõ mức độ thân thiết của người nói với người nghe
Độ thân thiết với một ai đó quyết định cách chúng ta giao tiếp, ứng xử với họ. Mối quan hệ với đồng nghiệp thường được coi là không quá gần gũi, cần sự trang trọng và giữ khoảng cách nhất định (3), vì thế nên những câu đùa cần được giữ ở mức độ nhẹ nhàng và bảo đảm ý nhị.
Nếu đùa về những chủ đề nhạy cảm, chúng ta sẽ gặp nguy cơ đi quá giới hạn.
Chẳng hạn, những câu nói đùa mang hàm ý 18+, dù vui vẻ khi nói với bạn bè, nhưng nếu đặt trong bối cảnh một người quản lý đùa với nhân viên, rất có thể trò đùa đó sẽ được coi như một hành vi quấy rối tình dục (3). Đây cũng là vấn đề được đề cập đến trong phong trào #MeToo, một phong trào xã hội chống quấy rối và bạo hành tình dục.
Trong tất cả các trường hợp bất kể mức độ thân thiết, chúng ta không nên đùa về giới tính, xuất thân, gia đình, tôn giáo hay sở thích cá nhân của người khác - những yếu tố thuộc về bản sắc cá nhân và không phù hợp để bình phẩm.
2. "Khán giả" là trên hết
Một nhà diễn thuyết cần chú ý đến phản ứng của khán giả để truyền tải hiệu quả thông điệp của mình. Tương tự, khi nói đùa với đồng nghiệp, chúng ta cần để ý phản ứng của họ khi tiếp nhận trò đùa đó, rồi nhận ra "gu hài hước" (vùng "lành tính") của họ, cũng như những "vùng cấm" (vùng "vi phạm") mà nhất thiết không được nhắc đến.
Nói về điều này, Giáo sư Jennifer Aaker (Đại học Stanford, Hoa Kỳ) cho rằng: Khi đùa, chúng ta không nên quá quan tâm đến việc câu nói đùa có khiến mình trở nên hài hước hay không.
"Thay vào đó, hãy tự hỏi: Câu đùa đó khiến người nghe cảm thấy như thế nào", Giáo sư Jennifer Aaker nhấn mạnh (4).
Bởi xét cho cùng, nói đùa là cách khiến bầu không khí xung quanh trở nên dễ chịu và vui vẻ, chứ không phải để thỏa mãn cái tôi cá nhân.
3. Hài hước không đồng nghĩa với việc "phải biết đùa"
Theo Robert Provine, nhà tâm lý học tại Đại học Maryland (Hoa Kỳ), chúng ta thường cười nhiều nhất khi ở bên cạnh bạn bè thân thiết. Điều đáng nói ở đây, chúng ta không cười vì những câu đùa, mà vì sự gần gũi và thoải mái khi được thể hiện bản thân mình (5).
Sự gắn kết giữa những người đồng nghiệp chính là nền tảng tạo nên bầu không khí hài hước và những trò đùa nơi công sở. Nó đến từ việc tôn trọng cá nhân và tạo không gian cho những tính cách riêng biệt được bộc lộ mà không bị phán xét.
Lấy việc tôn trọng người khác làm nền tảng, dưới đây, LeLa Journal gợi những điều nên và không nên làm khi đùa tại nơi làm việc, để tạo ra bầu không khí vui vẻ mà vẫn duyên dáng:
Những điều nên làm để đùa vui | Những điều cần tránh vì "giỡn vầy hổng vui" |
Đặt câu nói đùa hướng đến tình huống chung của cả đội nhóm. Đồng thời, hãy đảm bảo rằng bạn khiến tất cả mọi người đều có thể tham gia vào cuộc đùa vui. | Tránh trò đùa trực tiếp hướng tới một người cụ thể, đặc biệt khi họ là người mới đến. Đồng thời, hãy tránh việc bỏ rơi hay làm lơ ai đó. |
Biết rõ giới hạn của trò đùa và hiểu rõ chủ đề khiến người nghe thoải mái hoặc không thoải mái. | Tuyệt đối không đùa cợt về những chủ đề mang tính cá nhân như gia đình, giới tính, niềm tin tôn giáo... |
Đùa trong khung giờ, tình huống hợp lý, như là giờ nghỉ trưa, khi tan làm... | Không đùa trong cuộc họp hoặc khi đang tranh luận căng thẳng. |
Đùa theo chiều hướng tích cực. | Tránh những trò đùa mang tính "cà khịa". Bởi lẽ, kiểu trò đùa này có thể gây tác dụng ngược, gây tổn thương cho đối phương, nhất là khi mối quan hệ của bạn với họ không quá thân thiết. |
Comments