Trong xã hội hiện đại dư thừa vật chất, nhiều người đã chuyển đổi tiêu chuẩn, từ "ăn no, mặc ấm" sang "ăn ngon, mặc đẹp". Bên cạnh đó, nền kinh tế hàng hóa cũng tạo động lực cho người tiêu dùng mua sắm mạnh tay, xu hướng hành vi mà chúng ta hay gọi là "chủ nghĩa tiêu dùng". Vô hình trung, chúng ta trở nên lãng phí đồ ăn, thức uống khi liên tục chất đầy tủ lạnh với các nguyên liệu tươi sống rồi lại ngậm ngùi vứt bỏ vì… hết đát. Điều này vừa lãng phí tiền của, lương thực cũng như... chỗ trống trong tủ lạnh. Vậy chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu sự lãng phí này?
Thực trạng thực hư ra sao?
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, chỉ riêng trong năm 2022, khoảng 17% lượng thực phẩm sản xuất ra bị lãng phí trong ngành dịch vụ ăn uống, ngành bán lẻ và trong các hộ gia đình (1).
Tại Việt Nam, con số này cũng không nhỏ. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 8,8 triệu tấn thực phẩm đã không được sử dụng, gây nên thiệt hại giá trị tương đương 2% GDP Việt Nam (2).
Nhìn chung, có 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này (2):
Tâm lý mua đồ ăn để tích trữ nhưng không dùng hết hoặc lãng quên
Thói quen nấu dư thừa để phần cho những thành viên khác trong gia đình
Người nấu nướng không ước lượng được chính xác khẩu phần để nấu tại nhà, hoặc người ăn không yêu cầu dư phần ăn mà mình có thể dùng trong bữa ăn ngoài hàng
Đối nghịch với tình trạng lãng phí thực phẩm, vấn đề an ninh lương thực đang trở nên ngày càng nghiêm trọng. Chương trình Lương thực Thế giới (World Food Programme – WFP) thống kê rằng 345 triệu người tại 79 quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của nạn đói vào năm 2023 do biến đổi khí hậu, ảnh hưởng sót lại của dịch COVID-19 và tình hình kinh tế sa sút (3). Đã đến lúc người tiêu dùng cần nhìn nhận lại việc sử dụng thực phẩm của mình, bao gồm việc hiểu đúng về hạn dùng thực phẩm và cách bảo quản thực phẩm.
Hiểu đúng về hạn dùng thực phẩm: Tránh mất tiền "oan"
Trên thực tế, người tiêu dùng quan tâm đến hạn sử dụng thực phẩm để đảm bảo mình sẽ mua được sản phẩm tươi ngon và tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, các khảo sát và nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng phần đông người tiêu dùng chưa hiểu đúng về các hạn dùng trên nhãn dán (date-labeling) mà lại mặc định rằng sản phẩm sẽ bị hỏng tính từ hạn sử dụng (4).
Theo Cơ quan Giám sát An toàn Thực phẩm trực thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), có 4 phân loại hạn dùng trên nhãn dán sản phẩm đồ ăn, thức uống lưu hành tại các hệ thống siêu thị (5), bao gồm:
"Best if used by/before…" date – "Tốt nhất nên sử dụng trước ngày…" cho biết sản phẩm sẽ giữ được hương vị và chất lượng tốt nhất cho đến ngày được ghi trên nhãn.
"Sell by…" date – "Bày bán cho đến ngày…" cho biết thời gian mà siêu thị/cửa hàng bày bán sản phẩm, với mục đích hỗ trợ việc quản lý hàng tồn kho (inventory management).
"Use by…" date – "Sử dụng được cho đến ngày…" cho biết ngày muộn nhất mà nhà sản xuất khuyến cáo người tiêu dùng sử dụng sản phẩm để được hưởng chất lượng tốt nhất (peak quality).
"Freeze by…" date – "Trữ đông cho đến ngày…" cho biết sản phẩm cần được trữ đông đến khi nào để tận hưởng chất lượng tốt nhất.
Trong đó, cách ghi "Best if used by/before" hay "Tốt nhất nên sử dụng trước ngày…" là nhãn phổ biến nhất, đặc biệt là tại thị trường hàng hóa Việt Nam.
Cần lưu ý là 4 loại nhãn dán trên đây đều không chỉ ra rằng sản phẩm còn tồn tại sau ngày này sẽ không thể sử dụng được nữa. Hay nói cách khác, ngày ghi trên nhãn không hẳn là ngày quy định mức độ an toàn khi sử dụng thực phẩm (safety date), trừ một số trường hợp đặc biệt như sữa công thức trẻ em với nhãn "use by" date...
Do đó, đối với một số sản phẩm, nếu đã cận hạn, đến hạn hay mới quá hạn, những sản phẩm đó vẫn có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng thay vì bị bỏ đi hoàn toàn.
Một nghiên cứu trên các dòng sản phẩm tồn tại quá ngày "best fefore" được thực hiện qua hai phương pháp khảo sát và làm thí nghiệm đã cho thấy rằng: một tỷ lệ lớn người tiêu dùng vẫn sử dụng các mặt hàng thực phẩm quá ngày này. Đồng thời, kết quả kiểm tra mức độ an toàn của vi sinh vật có trong thực phẩm sau khi quá ngày "best before" 6 tháng vẫn ở trong ngưỡng cho phép (6).
Sự khác biệt duy nhất nằm ở một số thay đổi không đáng kể về mặt cảm quan của sản phẩm, như là kết cấu hay màu sắc. Chẳng hạn, sữa và sốt mayonnaise sẽ chuyển màu ngả sang vàng hơn sau 1 tháng tính từ ngày "best before", mứt hoa quả (jam) chuyển màu sau 3 tháng và mỳ pasta trở nên cứng hơn... (6).
6 mẹo tiêu dùng thực phẩm
Giữa muôn vàn lựa chọn, người tiêu dùng vẫn phải "đau đầu" cắt bỏ nhiều khoản chi tiêu không cần thiết, song lại không thể giảm bớt nhu cầu mua thực phẩm. Để giúp độc giả dễ đưa ra quyết định mua và sử dụng thực phẩm, LeLa Journal gợi ý 6 mẹo sau đây:
1. Đọc kỹ thông tin hạn sử dụng được in trên bao bì: Dựa vào cách phân biệt nhãn dán nêu trên, độc giả có thể tránh được việc bỏ phí các sản phẩm cận date và chuyển đổi mục đích sử dụng phù hợp với các sản phẩm quá "đát" không xa, như là chế biến thức ăn chăn nuôi, bón cây...
2. Chia nhỏ lượng thực phẩm trữ đông: Đối với thực phẩm tươi sống cần bảo quản trong ngăn đông tủ lạnh, bạn có thể chia nhỏ theo nhiều hộp hoặc túi, rồi dùng bút ghi hạn dùng để tiện theo dõi. Việc này giúp bạn kiểm soát lượng đồ ăn nấu ra, tránh rơi vào cảnh "nấu nhiều thì thừa, nấu ít thì thiếu".
Bên cạnh đó, với một số loại rau mua theo bó như là hành, ngò... bạn có thể cắt sẵn và bỏ ngăn đông, hoặc lau khô và bỏ vào hộp kín với giấy ăn lót bên trong rồi bảo quản trong tủ lạnh. Cách làm này có thể kéo dài hạn dùng của những loại rau tươi ngon.
3. Lựa chọn không gian trữ đồ phù hợp: Không phải loại thực phẩm nào cũng cần được bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài các loại thực phẩm tươi sống cất tại ngăn đông, trứng, rau củ và đồ uống để tại ngăn mát, bạn có thể trữ các loại đồ ăn khô trong tủ bếp hay những không gian thoáng mát khác.
Đối với thời tiết nóng ẩm mưa nhiều của Việt Nam, chúng ta cũng cần lưu ý hiện tượng nấm mốc xảy ra với đồ ăn khô để ngoài tủ lạnh. Bạn có thể bỏ thêm gói hút ẩm vào túi đựng thực phẩm, rồi bọc kín để tránh hư, hỏng đồ ăn.
4. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên: Bạn có thể vệ sinh tủ lạnh hằng tuần, hai tuần/lần... Bằng cách đó, bạn sẽ dễ dàng bảo đảm chất lượng thực phẩm, dễ phân loại, cũng như dễ quan sát và ưu tiên lựa chọn sản phẩm cần chế biến trước.
5. Tự quy định thời gian "kiểm kho" đối với thực phẩm trong nhà: Hãy dành ra khoảng 15 phút/tuần để rà soát lại "kho lương" trong nhà xem những thực phẩm nào còn dùng được, cần chế biến càng sớm càng tốt...
Bên cạnh đó, việc "kiểm kho" này cũng giúp bạn kiểm tra những đồ đang thiếu trong nhà. Chẳng hạn, trong một gia đình có thói quen ăn gỏi cuốn, mọi người cũng có xu hướng dự trữ bánh tráng. Việc kiểm kho có thể giúp các thành viên sớm nhận ra nếu trong bếp đã hết bánh tráng, tránh được việc tới giờ ăn mà lại thiếu.
6. "Ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu" - nguyên tắc "vàng" khi ăn buffet: Hãy cố tránh để bản thân rơi vào trạng thái "no bụng – đói con mắt" trước vô vàn những đĩa đồ ăn tươi ngon. Thực tế là ngày càng nhiều nhà hàng, cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam, đưa ra quy định "phạt tiền" thực khách gọi nhiều nhưng không ăn hết (7), (8).
Comments