top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảThanh Thanh

Hết yêu là chuyện... thường tình khi yêu?

Từ bài trước, LeLa Journal đã chỉ ra rằng phải có nguyên cớ và mâu thuẫn chất chồng thì nhiều người mới xem "hôn nhân là mồ chôn tình yêu". Vậy trong trường hợp chưa kịp cưới nhau, mà ngay khi chỉ mới là tình nhân, bỗng dưng một ngày, một trong hai người lại thấy "nửa kia" không còn "đáng yêu" nữa thì sao? Khi rơi vào tình cảnh đó, ta phải ứng phó thế nào?



Tình yêu thời hiện đại


Sau những chuyện đánh giá "bạn hẹn" bằng màu cờhẹn hò theo kiểu mập mờ, chúng ta đã phần nào thấy được rằng chuyện tình yêu thời hiện đại chỉ có phức tạp hơn chứ chẳng đơn giản đi tẹo nào.

Theo kết luận của nhà nhân chủng học Laude Lévi-Strauss, vào thời nguyên thủy, con người đã biết tán tỉnh nhau, nhưng thứ cảm xúc này không được tính là một yêu đương mà nghiêng về bản năng sinh học nhiều hơn (1). Nhà nhân chủng học Lewis H. Morgan cũng có kết luận tương tự và bổ sung rằng quan hệ lãng mạn thật ra là... "sản phẩm" của xã hội văn minh (2).


Khi dần rời xa khỏi đời sống hoang dã, ý niệm về tình yêu đã có những bước phát triển đầu tiên. Trong tác phẩm Symposium - một trong những tác phẩm đầu tiên về tình yêu, Plato đã phân biệt 6 cấp độ của tình yêu. Trong đó, cấp độ cao nhất là "yêu nguyên mẫu của cái đẹp", chỉ dạng tình cảm thắm thiết chỉ quan tâm đến bản chất thuần túy của nửa kia (3).


Đến cuối Thế kỷ XX, quan niệm tình yêu lãng mạn đã là phổ biến ở hầu hết các nền văn hóa (4). Có thể nói, dạng tình yêu hiện tại của mọi người bây giờ đang hướng đến cấp độ cao nhất khi yêu, chỉ yêu vì cảm xúc của bản thân, muốn được gắn bó với đối phương chân thành chứ không phải vì sự ràng buộc nào khác.



Chuyện hết yêu dưới góc nhìn khoa học


Dù ở thời đại nào thì một mối quan hệ yêu đương cũng sẽ có những điểm đặc trưng nhất định, bao gồm cả sự đắm đuối, cảm giác hân hoan và nhu cầu sở hữu, được chú ý. Ngoài ra, cũng giống như nhiều điều khác trên đời, mối quan hệ lãng mạn cũng có "hạn sử dụng" của nó, tức là cũng có những chu kỳ và thời gian kết thúc.


Các mối tình thường có hai giai đoạn là yêu đắm say và đồng hành cùng nhau. Ở giai đoạn yêu đắm say, các hành động yêu đương như ôm, nói chuyện, chia sẻ... sẽ tạo ra chất dẫn truyền thần kinh Monoamines (dopamine, epinephrine, norepinephrine và serotonin) gây ra tất cả niềm vui, khoái cảm, ghen tuông, ám ảnh, thậm chí là các hiện tượng sinh lý như đổ mồ hôi, run rẩy.


Tuy nhiên, thời gian yêu "quên cả đường đi lối về" thường chỉ kéo dài khoảng 12 - 18 tháng (5). Việc chúng ta mong muốn cuộc tình lúc nào cũng đẹp như thuở ban đầu, tuy là ham muốn chính đáng, lại là một điều không thể. Tiến sĩ Thần kinh học và Sinh lý thần kinh – Fred Nour nhận định rằng khi giai đoạn lãng mạn qua đi, các Monoamines sẽ hoạt động ít dần, khiến cho mối quan hệ không còn thắm thiết, mặn nồng như lúc ban đầu (6).


Cũng theo Thuyết Tam giác Tình yêu của Robert Sternberg, hết yêu có thể là dạng mối quan hệ vô ái (non-love) khi giữa hai người không còn sự cam kết, đam mê/say đắm và cũng không còn muốn cam kết với nhau.



Cách để bước tiếp thay vì dừng lại


Nhiều nội dung trên phim ảnh, tiểu thuyết khiến cho mọi người tin tưởng vào việc tình yêu chân thật sẽ kéo dài đến khi cả hai nhắm mắt xuôi tay. Chính vì tâm lý này mà nhiều người, khi đi đến giai đoạn hết Monoamines, sẽ tưởng rằng đôi bên đã hết yêu.


Khi bắt đầu thấy rằng đối phương không phải người mình tìm kiếm, nhiều người lựa chọn từ bỏ mối quan hệ, rồi tìm kiếm người khác, tạo nên một vòng lặp "đi tìm định mệnh" luẩn quẩn.


Vậy phải làm sao để vượt qua được tình trạng chán nản khi mối tình đã hết nồng cháy mà vẫn chưa muốn dừng lại?


Mặc dù sự đam mê có thể suy giảm trong thời gian ngắn, nhưng sự thân mật và ràng buộc vẫn có thể tiếp tục phát triển dần trong các mối quan hệ dài lâu. Như đã nhắc tới ở trên, sau giai đoạn yêu nồng cháy chính là giai đoạn gắn bó và giai đoạn này cần phải có thời gian để "khởi động".


Não bộ sẽ tiết ra thêm Nonapeptide, tạo ra những cảm giác yêu đương, gia tăng mong muốn gắn bó giữa hai người (7). Để tăng mức độ của chất này, chúng ta có thể thực hiện 3 cách đơn giản, cụ thể như sau:

1. Tăng sự thân mật với những cử chỉ tiếp xúc


Đôi khi chỉ cần một cái nắm tay, một cái ôm hay một cử chỉ âu yếm chân thành cũng giúp cảm xúc thân thương ở đối phương và chính bản thân tăng lên rất nhiều (8). Không chỉ dừng lại ở đó, hãy thử nói chuyện với nhau nhiều hơn, chia sẻ cho nhau những điều mà chỉ hai người biết với nhau (9). Chẳng hạn như nắm tay nhau và chia sẻ cảm xúc tức giận xen lẫn sợ hãi khi lái xe về nhà.


2. Trao nhau ánh nhìn


Nếu bạn nhìn vào mắt người mình yêu trong một phút cả hai sẽ "bỗng dưng" đạt đến một trạng thái kết nối nhất định, thúc đẩy giải phóng oxytocin (10).

Bên cạnh đó, cả hai có thể vừa trao đổi, vừa nhìn vào mắt nhau để "tái kết nối" thông qua việc trò chuyện chia sẻ.


3. Ăn cùng nhau


Cuộc sống hiện đại với nhịp độ hối hả khiến cho chúng ta thường trải qua việc ăn uống một mình để tiết kiệm thời gian.


Tuy nhiên, nếu muốn đầu tư cho tình yêu, bạn có thể dành thời gian ra ngoài để thưởng thức bữa ăn với nửa kia, có thể là cùng chọn một chai rượu rồi cùng nhâm nhi và dành trọn thời gian bên nhau.


Nghiên cứu cũng cho thấy rằng chia sẻ thức ăn và trò chuyện là những hoạt động gắn kết kích thích sản xuất oxytocin (11).



Comments


bottom of page