top of page
Tìm kiếm

Hiểu con theo từng độ tuổi để nuôi dạy cho đúng

Khả năng thấu hiểu quan điểm của người khác - còn được gọi là "lý thuyết về tâm trí" (theory of mind) - là một kỹ năng cơ bản quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, trẻ nhỏ phải mất vài năm mới có thể đạt được kỹ năng này. Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong đợi con mình phát triển về mặt trí tuệ cảm xúc, có kỹ năng giao tiếp tốt, cũng như biết cách duy trì những mối quan hệ xã hội tích cực và lành mạnh. Muốn đạt được mục tiêu đó, một trong những điều kiện tiên quyết là người lớn cần phải dành thời gian để thấu hiểu suy nghĩ và nhận thức của trẻ.


Để có thể thật sự hiểu con, hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu về các giai đoạn chính trong những năm đầu đời của trẻ, qua đó có cái nhìn rõ hơn về trải nghiệm cá nhân của từng trẻ. Chỉ khi nào người lớn cung cấp cho trẻ sự thấu hiểu và cảm thông trong chính mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thì trẻ mới có khả năng chiêm nghiệm về bản thân, đồng thời phát triển EQ (trí tuệ cảm xúc) trong những mối quan hệ khác trong tương lai.


Thời thơ ấu của trẻ có thể được chia thành một số giai đoạn khác nhau với những đặc thù phát triển riêng biệt về tâm lý. Trong bài viết này, LeLa Hournal tạm chia thành các nhóm: trẻ sơ sinh là trẻ dưới 1 tuổi; trẻ mới biết đi (toddler) là trẻ từ 1 đến 3 tuổi; từ 3 đến 5 tuổi được coi là lứa tuổi mẫu giáo; và trẻ tiểu học thường từ khoảng từ 6 đến 10 tuổi. Mỗi giai đoạn đều có nhiều đặc điểm quan trọng và rất khác biệt.



Giai đoạn: Sơ sinh


Trong giai đoạn sơ sinh (0-12 tháng), một đứa trẻ cần được hỗ trợ chăm sóc rất nhiều về mặt thể chất. Sự phụ thuộc vào người lớn dẫn đến nhu cầu của trẻ là mong muốn những mối quan hệ có thể tin tưởng được.


Trẻ sơ sinh thích tương tác với người lớn bằng cách nhìn, mỉm cười, chơi trò "ú oà" và nói những từ bập bẹ. Khi bắt đầu biết chơi với đồ chơi, việc chơi của trẻ thường thể hiện qua tính chất chức năng vật lý: đập và thả, cho đồ vào và lấy ra khỏi hộp đựng. Sau các thử nghiệm với những đặc tính vật lý của đồ vật xung quanh, trẻ học được rằng đồ vật và cả con người vẫn tồn tại ngay cả khi khuất tầm nhìn, từ đó trẻ phát triển được nhận thức về "sự tồn tại của sự vật, hiện tượng".


Vào khoảng thời gian gần đến sinh nhật 1 tuổi (dân gian gọi là "thôi nôi"), trẻ bắt đầu tập đi và nói những từ rõ nghĩa đầu tiên. Điều này đánh dấu sự chuyển tiếp sang giai đoạn tiếp theo, trong đó có sự phát triển đáng kinh ngạc về thể chất, nhận thức và xã hội.



Giai đoạn: Chập chững biết đi


Về mặt thể chất, trẻ chập chững tập đi chỉ mới có thể phát triển các kỹ năng vận động thô như đi, nhảy và leo trèo, cũng như các kỹ năng vận động tinh như cầm viết, mở hộp, sử dụng khoá kéo và gài nút. Với những sự phát triển kỹ năng thể chất này, trẻ bắt đầu có thể làm nhiều việc theo ý mình. Trẻ mới biết đi bắt đầu hiểu về bản thân là một cá thể độc lập, nhận thức về khả năng tự kiểm soát cơ thể và muốn chứng tỏ sự độc lập mới được thiết lập bằng cách nói "không". Mặc dù điều này có thể gây khó chịu cho người lớn, nhưng đó là một dấu hiệu của sự phát triển bình thường khi một đứa trẻ đang học cách thế giới vận hành và mức độ kiểm soát của chúng đối với những gì xảy ra trong cuộc sống của xung quanh.


Việc chơi đùa của trẻ cũng phát triển qua những trò chơi nhập vai - giả lập nhiều hơn, trong đó các đồ vật có thể được sử dụng làm biểu tượng cho những thứ khác: quả chuối trở thành điện thoại, cây gậy trở thành thanh gươm...


Giai đoạn: Tuổi mẫu giáo


Trong những năm học mẫu giáo, trẻ em yêu thích tất cả các loại hoạt động vui chơi, bao gồm cả tự chơi một mình, chơi đùa cùng một người thân thiết hoặc với nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Trẻ em ở độ tuổi này thường thích chứng tỏ rằng chúng có thể chạy nhanh như thế nào, khỏe mạnh hoặc khéo tay ra sao, cùng các thể hiện khác về khả năng làm chủ cơ thể. Trẻ cũng học cách chờ đợi, tôn trọng thứ tự luân phiên và chơi các trò chơi có quy tắc.


Trẻ bắt đầu có khả năng sử dụng từ ngữ để giải thích cho các ý tưởng và thường bắt đầu sử dụng hình vẽ để thể hiện ý tưởng của mình. Suy nghĩ của trẻ vẫn khá cụ thể và theo đúng nghĩa đen, nhưng vào vào cuối những năm mẫu giáo, trẻ bắt đầu hiểu lý thuyết về tâm trí: hai người có thể có những quan điểm và suy nghĩ khác nhau.



Giai đoạn: Lứa tuổi tiểu học


Trong những năm bắt đầu lứa tuổi tiểu học, trẻ dần có thể chất mạnh mẽ hơn và phối hợp cơ thể tốt hơn. Khả năng này cho phép trẻ bắt đầu chơi được các môn thể thao và các hoạt động thể chất đòi hỏi nhiều luyện tập và kỹ năng. Trẻ em thể hiện sự quan tâm ngày càng gia tăng trong các mối quan hệ bạn bè đồng trang lứa. Ngoài ra, trẻ cũng thuần thục các nhiệm vụ liên quan đến học tập như đọc, viết, biểu đạt và các khái niệm toán học ngày càng phức tạp. Suy nghĩ của trẻ ngày càng trở nên logic, có khả năng suy nghĩ trừu tượng và hiểu về những giả thuyết. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi tiểu học, trẻ học được các kỹ năng quản lý cảm xúc, phát triển khả năng đồng cảm và thấu hiểu trải nghiệm của người khác nhiều hơn.


Một câu hỏi đặt ra cho các bậc phụ huynh sau khi đọc xong bài viết: "Ngay bây giờ, hãy thử nhìn thế giới của bạn qua đôi mắt của con trẻ, thế giới ấy sẽ trông như thế nào nhỉ?". Hãy nhớ rằng, khi cha mẹ càng hiểu rõ những gì bản thân nên mong đợi ở từng độ tuổi khác nhau của trẻ, người lớn càng có thể dễ dàng cảm thông và kết nối với con hơn, vì đã có thể đặt mình vào cùng quan điểm với trẻ.


Commentaires


bottom of page