top of page
Tìm kiếm

Hội chứng mê mua sắm: Làm lụng 1 tháng, "chốt đơn" 1 giờ


Câu chuyện "hay là mình cứ bất chấp shopping đi" rồi đếm từng ngày cho đến kỳ lương kế tiếp chắc hẳn không còn quá xa lạ với nhiều người. Với một vài người, đó chỉ là sai lầm về quản lý chi tiêu. Nhưng với một nhóm khác, nguyên nhân đằng sau thói quen "vung tay quá trán" còn phức tạp hơn thế. Hơn cả một vấn đề tài chính, nó còn mang những triệu chứng của căn bệnh "rối loạn hành vi hay cảm xúc".


Hội chứng mua sắm quá đà thường xảy ra với những người đã tự chủ về mặt kinh tế

Chứng mua sắm quá đà là gì?


Thực ra, nghiện mua sắm không hẳn là một chứng nghiện theo nghĩa đen. Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) thì việc đam mê “chốt đơn” chỉ có những biểu hiện tương tự với nghiện chất kích thích, nhưng vì chưa có đủ bằng chứng từ tâm lý học thần kinh, nên nó không được xếp vào nhóm vào các rối loạn nghiện ngập. Nhiều người thậm chí còn không mở gói hàng sau khi mua (1). Chúng thường xảy ra cùng lúc với các chứng bệnh tâm lý như rối loạn lo âu, bất ổn về cảm xúc, rối loạn ăm uống, trầm cảm… Một vài hệ quả của nó (nếu có) chính là xung đột hôn nhân hoặc vấn đề tài chính. .


Mặc dù lý trí đôi khi khuyên chúng ta không cần thiết phải sở hữu món đồ đó, nhưng trái tim vẫn không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của việc lướt tin trên các sàn thương mại điện tử. Mỗi khi gặp chuyện buồn, người ta thường nghĩ ngay đến chuyện mua gì cho cho bản thân, tự thưởng sau một thời gian vất vả chạy “deadline”, trang trí lại nhà cửa để giải toả nỗi buồn chán... Khi sở hữu một món đồ mới, ví dụ như cái váy xinh xắn hoặc chiếc điện thoại thông minh vừa ra mắt sẽ mang đến cảm giác hưng phấn khiến chúng ta bị phân tâm, tạm quên đi những vấn đề khó khăn mà bản thân đang phải đối mặt.


Một số biểu hiện của chứng mua sắm quá đà


1. Không có kế hoạch cụ thể về các sản phẩm cần mua: Mua sắm một cách bốc đồng (impulsive buying) là hành vi vung tay hấp tấp, thiếu kế hoạch, chỉ nhằm thỏa mãn niềm vui và sở thích nhất thời. Nó xảy ra khi mong muốn sở hữu thấp hơn ý chí kháng cự. Tâm trạng, đặc điểm tính cách và các nhân tố ngoại cảnh (bắt gặp đúng lúc, mánh khoé quảng cáo...) cũng góp phần đưa đến hành vi mua sắm bốc đồng.


Đặc biệt, hành vi bốc đồng này có thể biến chuyển thành chứng nghiện mua sắm. LeLa Journal tạm chia thành 4 dạng mua sắm đồng:


  • Bốc đồng cơ bản: Thích thì mua chứ không có dự tính trước. Ví dụ tình cờ lướt mạng xã hội, thấy người ta bán túi xách đẹp thì sẽ mua ngay mà không cần suy nghĩ.

  • Bốc đồng được nhắc nhở: Vô tình thấy một món đồ và nhớ ra mình cũng đang cần nó.

  • Bốc đồng từ gợi ý: Thấy một món đồ và tự nghĩ rằng mình sẽ cần nó. Trường hợp này giống như khi bạn mua một cái váy, bỗng nhiên chủ tiệm giới thiệu thêm áo khoác hoặc các phụ kiện đi kèm, thế là bạn "chốt đơn" luôn.

  • Bốc đồng có kế hoạch: Có nhiều nơi bán áp dụng chương trình khuyến mãi mua 2 tặng 1 hoặc thêm một món hàng để đủ điều kiện miễn phí vận chuyển. Nó khiến bạn phải mua thêm một vài món nữa chỉ vì cảm giác "được lợi vì tiết kiệm chi phí chuyển hàng".


2. Không chịu được cảm giác thua kém: Một trong những lý do dẫn đến rỗng túi chính là muốn gây ấn tượng với người khác bằng những món đồ mà chúng ta sở hữu. Thích so sánh bản thân với những người xung quanh, điều này dẫn đến việc bản thân mua đồ chỉ vì bạn bè cũng sở hữu sản phẩm tương tự chứ không phải chính mình thực sự cần đến nó.


Ngoài ra, con người ích kỷ hơn những gì họ nghĩ. Từ trước đến nay, mọi người luôn quan niệm chỉ những kẻ mạnh mới có thể tồn tại đến cuối cùng. Vì vậy, họ không ngừng mua sắm để thể hiện sự dư dả và quyền lực của bản thân.


Tâm lý học cho biết việc tiêu tiền giúp bản thân hạnh phúc hơn, thoải mái hơn

3. Thích trải qua cảm giác tiêu tiền: Về mặt tâm lý học, khi quyết định việc mua 1 món đồ mới, con người đang trông đợi điều đó như một phần thưởng (reward). Việc "chốt đơn" thành công sẽ kích hoạt vùng khen thưởng (reward pathway) trong não bộ, gia tăng sự sản sinh của dopamine, khiến người mua cảm thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Khi cảm giác hưng phấn này nguội đi, họ sẽ thèm được trải nghiệm lại nó.


Với người mắc chứng nghiện mua sắm, suy nghĩ về thành quả sẽ khiến họ liên tục mua sắm để giữ được cảm giác hưng phấn (dopamine rush) (2).


4. Giảm bớt tiêu cực: Mua sắm có thể là một nỗ lực để né tránh cảm xúc tiêu cực như cô đơn, thiếu kiểm soát, tự ti... Khi người ta yếu đuối và cần được công nhận, họ sẽ muốn đi mua một thứ gì đó, với mong muốn cuộc sống sẽ khác đi khi sở hữu sản phẩm đó trong tay. Cũng như khi không có việc gì để làm thì điều duy nhất chúng ta mong muốn chính là tìm thứ gì đó mới lạ để tăng thêm gia vị cho một ngày ảm đạm.


Tâm lý học cũng chỉ ra rằng mức độ căng thẳng tỉ lệ thuận với ý định mua sắm. Những tình huống tạo cảm giác khó chịu như một cuộc cãi nhau hoặc sự ức chế rất dễ kích hoạt cơn thèm mua sắm mạnh mẽ (3).


Khắc phục thói quen này như thế nào?


Nhận biết vấn đề: Tự hỏi cách thức mua sắm hiện tại của bản thân đang có vấn đề ở đâu, ghi chép cụ thể về nhật ký tiêu xài, biết được lý do tác động tới việc mua nhiều đồ là vì nhu cầu cuộc sống hay chỉ vì “thích là mua”.


Ghi chép: Theo dõi và điều tiết tài chính để tránh vung tay quá trán.


Tránh bẫy tâm lý khi mua sắm: Một trong những cách marketing của nhãn hàng chính là cho khách hàng dùng thử sản phẩm. Khoảnh khắc người tiêu dùng cầm trên tay một món hàng mới có thể tạo tâm lý sở hữu, khiến người đó mua thêm nhiều sản phẩm hơn (4).


Tránh các bẫy tâm lý khi mua sắm khiến chúng ta không "vớ" những món đồ vô bổ. Ảnh: ramseysolutions

Để đối phó với điều này, chúng ta cần suy nghĩ kỹ về những thứ mình sẽ mua trước khi bước ra đường. Khi đi mua sắm ở cửa hàng, mọi người có xu hướng vung tiền nhiều hơn lúc mua hàng trực tuyến. Vì vậy, để hạn chế tình trạng mua sắm vô tội vạ, chúng ta cần lập một danh sách những thứ phải mua trước khi ra khỏi nhà và chỉ mua đúng những món đồ có tên trong đó.


Luật 72 tiếng: Khi có cảm giác muốn tiêu tiền, thì hãy đợi 72 tiếng. Đây là một cách đơn giản có thể giúp bạn biết được đâu là ham muốn nhất thời, đâu là cái bạn cần thật sự.


Tránh dùng thẻ: Mang theo một khoản tiền nhất định và nên bỏ thẻ thanh toán tại nhà. Nên gạt bỏ ý nghĩ mình vẫn còn một khoản tiền lớn cất ở nhà chưa dùng đến. Mang ít tiền mặt trong ví sẽ giúp bạn kiểm soát được việc muốn thỏa mãn bản thân khi mua sắm và đến lúc trở về nhà, rất có thể sự ham muốn mua món đồ đó đã lắng xuống và tắt ngóm.





Comentarios


bottom of page