top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảThanh Thanh

"Tâm trí lang thang": Nên khắc phục khi bị mất tập trung hay để mặc sự phân tâm dẫn lối?

Khi mất tập trung, chúng ta dễ phạm phải sai lầm, thậm chí là khó hoàn thành các công việc được đề ra. Harvard Business Review báo cáo rằng trung bình một nhân viên bị phân tâm khoảng 50-60 lần một ngày và 80% số lần sao nhãng đó đều đến từ những chuyện không quan trọng (1). Tuy nhiên, có một sự thật thú vị là nhiều nghiên cứu lại cho thấy "tâm trí lang thang" cũng giúp cải thiện khả năng sáng tạo và trí nhớ (2). Vì vậy, chúng ta buộc phải nhìn nhận việc thỉnh thoảng "tâm hồn treo ngược cành cây" cũng có mặt lợi và hại, để từ đó tìm cách quản lý tâm trí sao cho phù hợp.



Sự phân tâm là lẽ thường của trí não con người


"Phân tâm" là một quá trình mà một cá nhân hay nhóm người chuyển hướng sự tập trung của họ từ một thứ sang thứ khác, khiến cho khả năng tiếp nhận thông tin ban đầu bị giảm đi (dựa theo định nghĩa trong sách "Executive Learning: Successful Strategies for College Reading and Studying”) (3). Cũng theo tác giả sách, sự phân tâm có thể đến từ bên ngoài (khách quan) lẫn bên trong (chủ quan).


Chúng ta thường có xu hướng nghĩ rằng các tác nhân bên ngoài (kích hoạt hình ảnh, tương tác xã hội, âm thanh, thiết bị điện tử…) mới là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự phân tâm của mình. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của hai nhà tâm lý học đến từ Đại học Harvard, nguyên nhân thực sự không nằm ở môi trường mà nằm ở tâm trí của chúng ta nhiều hơn (4).


Trong nghiên cứu này, hai nhà tâm lý Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert kết luận rằng tâm trí con người vẫn thường đi vào trạng thái mất tập trung liên tục. Sau bài trắc nghiệm với 2.250 người ngẫu nhiên trong 5.000 người tham gia khảo sát, Killingsworth và Gilbert phát hiện ra có đến 47% người thường xuyên để mặc "tâm trí đi rong". Đây là một trải nghiệm rất bình thường và tự nhiên với chúng ta, đến mức hầu như ít ai nhận ra nó vẫn luôn diễn ra mỗi ngày.

Các suy nghĩ vẩn vơ ấy có thể là về các món ăn trên thực đơn sắp chọn, những câu nói đùa của đồng nghiệp, hoặc những kỷ niệm xa xưa thời thơ ấu. Đôi khi, chúng ta cứ vô tình để não bộ "lang thang" nghĩ về những việc không thật sự liên quan đến hiện tại. Mặc dù, nghiên cứu trên đã "minh oan" cho thấy sự phân tâm là một hiện tượng hoàn toàn bình thường, nhưng chúng ta cũng không nên cho phép nó làm giảm năng suất làm việc của mình. Nhà tư vấn thời gian và hiệu suất Mark Pettit đã chỉ ra rằng chúng ta vẫn hoàn toàn có thể phòng tránh nó bằng một số phương pháp như sau (5):


1. Loại bỏ phiền nhiễu


Mark Pettit cho rằng khi bị mất tập trung, bạn nên xác định nguyên nhân và loại bỏ nó càng sớm các tốt. Vì nếu cứ để vấn đề đó tồn tại, bạn không thể toàn tâm toàn ý tập trung vào công việc hiện tại. Thế nên trước khi làm việc, bạn cần sắp xếp thời gian ưu tiên dành cho những việc khẩn cấp hoặc quan trọng, đồng thời loại bỏ các thứ có thể khiến bạn phân tâm.


2. Lên kế hoạch vào đêm hôm trước


Để học cách duy trì sự tập trung, hãy thiết lập sẵn ngày mới của bạn từ đêm hôm trước. Vào mỗi buổi tối trước khi ngủ, hãy tạo thói quen viết ra những ưu tiên hàng đầu cho ngày hôm sau. Điều này đảm bảo thói quen "sắp xếp tâm trí" ngăn nắp, trật tự, đồng thời chúng ta cũng có thể tập trung hơn vào buổi sáng để hoàn thành những công việc quan trọng nhất.


3. Cải thiện giấc ngủ của bạn


Chìa khóa để duy trì sự tập trung là có một giấc ngủ ngon mỗi đêm. Nếu không ngủ đủ giấc, bạn dễ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì thiếu ngủ khiến suy giảm năng lượng cơ thể, đồng thời gây ra mức độ căng thẳng cao. Bên cạnh đó, giấc ngủ cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trí nhớ cũng như khả năng tập trung và chú ý của chúng ta trong thời gian dài. Để tăng cường sức khỏe và duy trì sự tập trung, các chuyên gia sức khỏe khuyến nghị người trưởng thành nên ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.


4. Đặt mục tiêu hàng ngày


Có một số mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn cảm thấy bớt nản chí hơn, đồng thời tăng cường và duy trì khả năng tập trung. Khi có những mục tiêu quan trọng, bạn dễ tránh bị phân tâm vì biết đặt sự chú tâm vào những việc cần thiết hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý làm tinh giản và ngắn gọn danh sách mục tiêu hằng ngày.


5. Tránh đa nhiệm (multi-task)


Trái ngược với suy nghĩ "làm nhiều việc cùng lúc mới là hay ho", thực tế cho thấy điều này chỉ gây ra thêm căng thẳng và hạn chế sự sáng tạo cùng năng suất. Thật khó để tập trung vào công việc quan trọng nhất nếu chúng ta cứ liên tục chuyển đổi giữa nhiều thứ bộn bề khác nhau. Để duy trì tối đa hiệu suất làm việc, bạn chỉ nên tập trung vào một nhiệm vụ tại một thời điểm.



Phân tâm cũng giúp giảm đau và kích thích sáng tạo


Trong nghiên cứu đã đề cập ở trên, Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert cũng chỉ ra rằng

những bất hạnh xảy ra trong cuộc sống là một trong những nguyên nhân gây nên sự phân tâm. Khi rơi vào trạng thái tiêu cực, con người thường có xu hướng "thả trôi tâm trí" bằng cách nghĩ mông lung về những chuyện vu vơ để khiến họ đỡ cảm thấy buồn khổ hơn.


Đồng thuận với quan điểm này, trong cuốn sách SuperBetter: The Power of Living Gamefully (6), Tiến sĩ Jane McGonigal đã miêu tả rõ hơn cách lợi dụng sự sao nhãng để làm công cụ giảm thiểu những trải nghiệm tiêu cực hoặc đớn đau. Quyển sách đã nêu ra một nghiên cứu sử dụng trò chơi điện tử nhằm giảm đi mức độ căng thẳng của trẻ em trước phẫu thuật và nó hoàn toàn có hiệu quả.

Trong nghiên cứu của mình, tiến sĩ McGonigal cho rằng sự phân tâm đến từ các thiết bị điện tử cũng có thể giúp chúng ta phát triển khả năng đương đầu với những thách thức trong tương lai. Bởi lẽ, một số thiết bị công nghệ cá nhân (điện thoại, máy tính bảng, laptop…) phần nào xây dựng được lòng can đảm cho con người khi hóa thân vào các trò chơi và ứng dụng trong đó. Khi tham gia vào các hoạt động trong trò chơi hoặc giải quyết các yêu cầu trên các ứng dụng, người sử dụng có thể cảm thấy như họ có đủ khả năng để vượt qua các thử thách - dù là trong thế giới ảo hay thực tế ngoài đời.


Một nghiên cứu khác của đại học Washington (Seattle, Mỹ) cũng đã chứng minh bệnh nhân được phép chơi trò chơi điện tử nhập vai trong quá trình làm sạch vết thương có thể cảm thấy cơn đau của họ giảm đến 50% (7).


Ngoài ra, một nghiên cứu của đại học Northwest University còn phát hiện ra rằng những người dễ bị phân tâm là những người có tính sáng tạo cao (8).

Nghiên cứu chỉ ra rằng tư duy sáng tạo liên quan mật thiết đến việc một người không có khả năng lọc ra các thông tin ít quan trọng. Do đó, dẫn đến hiện tượng họ phải tiếp nhận quá nhiều thông tin cùng lúc, khiến cho não bộ phải phân tán suy nghĩ về các vấn đề không liên quan đến công việc hiện tại.


Những người có tính sáng tạo cao thường luôn có nhiều thông tin trong đầu vì họ ít có khả năng phân loại những thông tin nào cần tập trung, những thông tin nào không cần nghĩ đến. Tuy việc này khiến họ bị phân tâm thường xuyên, nhưng trong trường hợp cần sự sáng tạo, họ có thể là những người có nhiều ý tưởng nhất mà ít ai có thể ngờ đến.


Thế nên, dù rằng sự mất tập trung khiến cho chất lượng công việc giảm sút, nhưng chỉ cần hiểu được bản chất và cách nó vận hành, chúng ta có thể ứng dụng việc "tâm trí lang thang" như một công cụ hỗ trợ, chứ không còn là một trở ngại tiêu cực.

Comments


bottom of page