top of page
Tìm kiếm

Hiểu đúng về khái niệm “xanh” và “bền vững” trong vật liệu xây dựng

Nếu bạn quan tâm đến việc tìm hiểu về cách lựa chọn vật liệu xây dựng bền vững hoặc cách đánh giá tính bền vững của vật liệu, hướng dẫn này là dành cho bạn.



Chúng ta thường bắt gặp cụm từ “xanh” và “bền vững” đi kèm với nhau, thậm chí khái niệm “xanh” còn được sử dụng rộng rãi hơn, ví như “công trình xanh”, “kiến trúc xanh”, “vật liệu xanh”… nghe quen tai hơn hẳn “công trình bền vững”, “vật liệu bền vững”…


Dần dà, khái niệm “xanh” còn được đánh đồng là “bền vững”. Nhiều người sử dụng chúng thay thế lẫn nhau khi chúng ta muốn nhắc đến những hoạt động xây dựng, vật liệu tồn tại có ít tác động xấu đến môi trường. Chính việc thường đánh đồng hai khái niệm đã khiến ngày càng nhiều người lầm hiểu cứ vật liệu nào “xanh” đều đồng nghĩa với “bền vững” và ngược lại.


Nhưng liệu cách hiểu đó đã phản ánh đúng bản chất vấn đề?


Điểm chung của vật liệu “xanh” và “bền vững”


Trên thực tế, điểm chung của “xanh” và “bền vững” đều dựa trên nguyên tắc tận dụng tối đa hiệu quả sử dụng vòng đời của vật liệu trong hoạt động sản xuất và tiêu dùng để giảm thiểu tối đa tác động có hại đến môi trường tự nhiên. Điều này bao gồm 4 yếu tố đánh giá cơ bản:

  • Chất liệu tự nhiên và không độc hại: Dễ dàng phân hủy sinh học.

  • Bản địa: Nguồn nguyên liệu tại chỗ.

  • Tái chế, tái sử dụng: Tiết kiệm nguồn tài nguyên, giảm chi phí mua mới.

  • Bền: Ít phải thay thế thường xuyên, không kích thích sản xuất mới nữa.

Ngoài ra còn 2 yếu tố quan trọng làm nên sự khác biệt giữa vật liệu xanh và vật liệu bền vững:

  • Mức độ tổn hại tài nguyên của quá trình sản xuất và hoạt động của vật liệu.

  • Nguồn cung tự tái tạo nhưng có tính quay vòng nhanh hay chậm.

Cùng dựa trên 2 yếu tố trên nhưng giữa hai khái niệm sẽ có sự khác nhau về mức độ chú trọng và ưu tiên.


Vật liệu “bền vững” là gì và khác biệt gì so với vật liệu “xanh”?


Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, tính bền vững có nghĩa là tạo ra và duy trì các điều kiện mà con người và thiên nhiên có thể tồn tại trong sự hài hòa đồng thời đáp ứng nhu cầu về kinh tế, xã hội của hiện tại và thế hệ tương lai [1].


Cụm từ "thế hệ tương lai" là chìa khóa ở đây. Theo đuổi xây dựng bền vững là tập trung vào các tác động trong tương lai có ảnh hưởng thế nào đến thế hệ sau.


Điều này cho thấy vật liệu “bền vững” đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn và bao hàm cả vật liệu “xanh”.


Nghĩa là so với các sản phẩm thông thường, sản phẩm xanh sẽ giúp tiết kiệm năng lượng hơn trong quá trình sử dụng. Nhưng quá trình sản xuất ra vẫn có thể tiêu hao các năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên với vật liệu bền vững thì yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hơn:

  • Cả quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng, vật liệu đều phải tiết kiệm năng lượng. Thậm chí hoạt động sản xuất, vận chuyển không có hại cho sức khỏe con người đồng thời không làm suy thoái môi trường tự nhiên, không góp phần làm cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch.

  • Nguồn cung của vật liệu “xanh” là tự tái tạo, nhưng nếu tốc độ quay vòng không theo kịp tốc độ khai thác thì sẽ làm cạn kiệt nguồn cung. Vật liệu bền vững tuyệt đối không được làm giảm nguồn cung lâu dài. Tức tốc độ tái tạo của vật liệu bền vững phải nhanh, thời gian quay vòng ngắn.

Ví dụ, xét trên khía cạnh nguồn cung tái tạo, gỗ và tre đều là vật liệu xanh nhưng tốc độ tái tạo của tre nhanh hơn nên tre bền vững hơn gỗ.


Tóm lại, hiểu đơn giản rằng vật liệu xây dựng bền vững luôn xanh, nhưng vật liệu xây dựng xanh không phải lúc nào cũng bền vững.

Nguyên liệu bền vững không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, không gây ô nhiễm, đặc biệt là không làm giảm nguồn cung lâu dài. Điều rất quan trọng là đánh giá cách sản xuất và vận chuyển vật liệu.


Một ví dụ rất rõ ràng về sự khác biệt giữa "xanh" và "bền vững" là ván sàn tre



Với những đặc tính như độ đàn hồi tốt, an toàn với sức khỏe và khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, các sản phẩm sàn tre đang rất được ưa chuộng ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tưởng chừng như một sản phẩm được làm từ nguồn nguyên liệu tái tạo như tre, nứa sẽ là bền vững, bởi chúng có vòng đời sinh trưởng nhanh và có thể mọc lại sau khi chặt thế nhưng, các quốc gia này đều phải nhập khẩu ván sàn tre chủ yếu từ Trung Quốc – nơi có ngành công nghiệp chế biến tre đứng đầu thế giới về mọi mặt. Ván sàn tre được sản xuất ở Trung Quốc và vận chuyển đến toàn thế giới bằng các loại phương tiện khác nhau. Từ đây, vấn đề thiếu bền vững mới bắt đầu nảy sinh.


Chính khoảng cách địa lý xa và tần suất vận chuyển liên tục như vậy đã tiêu thụ một lượng nhiên liệu khổng lồ, tạo ra lượng lớn khí thải carbon góp phần gia tăng ô nhiễm không khí. Nếu vẫn để tình trạng vận chuyển xa và phân phối sản phẩm với nhu cầu lớn như vậy diễn ra, không thể coi việc dùng sàn tre là dùng loại vật liệu bền vững, vì việc tiêu thụ lượng lớn năng lượng hóa thạch đã góp phần làm biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng.


Một ví dụ khác là gỗ


Gỗ là loại vật liệu được sử dụng rất phổ biến trong xây nhà và được coi như sản phẩm thân thiện vì tự nhiên và độ bền cao. Nhưng thực tế gỗ không hoàn toàn là vật liệu mang tính bền vững về mặt môi trường.


Lý do là bởi, nếu sử dụng gỗ không có kế hoạch, làm cạn kiệt rừng gây ra nạn phá rừng, xói mòn… và lúc này dùng vật liệu gỗ sẽ không còn là dùng vật liệu bền vững nữa.


Nhưng nếu thay đổi cách khai thác theo hướng bài bản có quy hoạch, như sử dụng gỗ khai hoang hoặc gỗ được kiểm soát FSC, thì nguồn vật liệu gỗ đó sẽ vừa "xanh" vừa "bền vững".



Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu bản địa chính là lựa chọn hàng đầu mà các kiến trúc sư phải chú trọng khi tư vấn người tiêu dùng sử dụng vật liệu bền vững. Vật liệu bền vững không chỉ cần một nguồn cung có tính tái tạo, quay vòng, mà còn phải kết hợp những vật liệu địa phương, hướng đến xây dựng những công trình bền vững có giá trị vượt qua cả kiến trúc, giúp phục vụ và ổn định tương lai của con người, môi trường.

Trên thực tế, sử dụng những vật liệu bản địa không phải một giải pháp mới. Nhưng để ứng dụng nó triệt để trong một công trình lại phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn của kiến trúc sư. Vai trò của kiến trúc sư chính là cầu nối giữa kiến trúc, môi trường và cộng đồng. Kiến trúc sư cần dùng chính kiến thức và tài năng của mình để khơi gợi trách nhiệm sống vì môi trường trong cộng đồng.


Công trình tiêu biểu đã tận dụng tối đa nguồn vật liệu bản địa làm giải pháp bền vững


Ví dụ điển hình cho thấy việc tận dụng tối đa những vật liệu bản địa là một giải pháp bền vững, nổi bật có Francis Kéré – KTS vừa thắng giải Pritzker 2022, đồng thời trở thành KTS châu Phi đầu tiên giành giải thưởng danh giá này.



Năm 2001, khi xây dựng trường tiểu học Gando tại quê hương Burkina Faso, Francis Kéré đã tận dụng luôn nguồn đất sét dồi dào tại địa phương để sản xuất tại chỗ gạch đất sét và bùn lai đất sét, dùng làm cấu trúc và trần nhà.


Đất sét vốn vẫn được người dân địa phương dùng để xây nhà truyền thống, làm mát tốt, tuy nhiên độ bền kết cấu không cao nên không được đánh giá cao. Chỉ khi Francis Kéré thay đổi cách tiếp cận với kỹ thuật hiện đại thì chất liệu này mới phát huy tối đa công dụng của nó. Gạch đất sét có lợi thế là giá rẻ, dễ sản xuất và cũng cung cấp bảo vệ nhiệt chống lại khí hậu nóng. Kết hợp với kỹ thuật làm trần bằng cách để gạch xếp chồng lên nhau cho phép thông gió tối đa, kéo không khí mát từ các cửa sổ bên trong và giải phóng không khí nóng ra ngoài qua trần nhà đục lỗ. Từ đó, dấu chân sinh thái của trường giảm đáng kể bằng cách giảm bớt nhu cầu điều hòa không khí.



Ngoài ra, khi tiếp tục thiết kế thư viện cho trường Gando vào năm 2014, Francis Kéré lại kết hợp một vật liệu bị đánh giá thấp khác – đó là bạch đàn - một loại gỗ thường được sử dụng làm củi ở Burkina Faso vì rễ của bạch đàn làm khô đất và bóng râm thì nhỏ, không hiệu quả. Đồng thời, việc xây dựng mái nhà cũng đại diện cho một sự đổi mới kỹ thuật. Lần đầu tiên, các chậu đất sét truyền thống được sử dụng làm khuôn giếng trời để đảm bảo ánh sáng tự nhiên và lưu thông không khí bên trong thư viện.


Qua đây, ta cũng hiểu, mỗi loại vật liệu có thể bền vững hay không, không chỉ bởi khả năng tự tái tạo, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ tiêu thụ và cách sử dụng của con người. Nếu chúng ta nghĩ chỉ cần lựa chọn nguồn nguyên liệu tự tái tạo là đã đủ cho một giải pháp bảo vệ môi trường, thì đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Sau tất cả, cái thiên nhiên đang thực sự cần chính là tính trách nhiệm trong nhu cầu sử dụng của chúng ta.

Đã qua rồi cái thời con người mang tâm thế của kẻ đi khai thác thiên nhiên, giờ là lúc chúng ta phải sống cộng sinh với môi trường tự nhiên. Điều đó có nghĩa là:

  1. Đầu tư mua vật liệu bền vững, đồng thời tiết chế nhu cầu sử dụng ít hơn. Chúng ta có thể bớt chi phí cho yếu tố thẩm mỹ để tập trung vào chất liệu bền vững của vật liệu.

  2. Sử dụng vật liệu tái chế bất cứ khi nào có thể. Điều này bao gồm tái sử dụng một vật liệu hiện có - như sử dụng gỗ, thép khai hoang từ các công trình cũ.

  3. Nếu bạn không thể mua vật liệu tái chế, hãy tìm lựa chọn bền vững nhất mà bạn có thể đủ khả năng. Lý tưởng nhất là vật liệu mới được làm từ nguyên liệu tái chế.

  4. Cuối cùng, chúng ta hãy cân nhắc mua tại địa phương để có thể giảm lượng khí thải carbon trong vận chuyển vật liệu và sản phẩm.

Nâng cao ý thức về cộng đồng và hiểu đúng bản chất vấn đề sẽ giúp chúng ta hiểu bản thân có thể làm được những gì trong bối cảnh khí hậu đang không ngừng biến đổi. Giống như lời KTS Francis Kéré chia sẻ:


“Không phải vì giàu nên mới lãng phí vật chất, cũng không phải vì nghèo mà không tạo ra những thứ chất lượng, […] Mọi người đều xứng đáng có được những thứ chất lượng, xứng đáng với sự sang trọng và thoải mái. Chúng ta liên kết với nhau và đều có chung mối quan tâm về khí hậu, dân chủ và cả những điều thiếu thốn.” [2]

Comentários


bottom of page