top of page
Tìm kiếm

Ý nghĩa thực sự đằng sau nụ cười của trẻ sơ sinh

Rất ít người có thể "cưỡng lại" nụ cười của trẻ sơ sinh. Một nghiên cứu đã kết luận rằng các bà mẹ mới sinh dành trung bình 80% thời gian mỗi ngày để nhìn ngắm đứa con mới chào đời và 34% thời gian trong đó là để mỉm cười với chúng (1). Vậy cha mẹ hiểu gì về nụ cười của bé? Hãy khám phá cách bé cười trong bài viết này cùng LeLa Journal.



Khi nào trẻ sơ sinh cười?


Mỉm cười là một hành động giao tiếp cơ bản của con người. Nụ cười giúp chúng ta bày tỏ niềm vui và hạnh phúc tạo ra sự gần gũi với người khác. Không có gì đáng ngạc nhiên khi cười là một trong những kỹ năng đầu tiên mà trẻ phát triển, trước cả ngôn ngữ và không phụ thuộc vào môi trường. Trẻ sơ sinh có hai kiểu cười là nụ cười phản xạ và nụ cười xã hội (2).


Nụ cười phản xạ (reflexive smile) là cách cười được phát triển từ khi bé còn trong bụng mẹ, thường xảy ra ngắn và ngẫu nhiên, không với mục đích đáp lại cha mẹ, người chăm sóc hay phản chiếu cảm xúc trên gương mặt người đối diện (3). Nụ cười phản xạ cũng thường xuất hiện khi bé ngủ. Nụ cười xã hội (social smile) là cười phản ứng và đáp lại, thường xuất hiện trong tương tác của trẻ với người khác, chẳng hạn như nụ cười khi nghe thấy tiếng trêu đùa của cha mẹ hoặc mỉm cười để thu hút sự chú ý (4).


Cách phân biệt nụ cười phản xạ và nụ cười xã hội


Nụ cười phản xạ đã xuất hiện khi bé còn trong bụng mẹ, vào khoảng tuần thứ 23 của thai kỳ (5). Sau khi chào đời, bé vẫn giữ nụ cười phản xạ khi bé muốn ngủ, mơ màng ngủ hoặc khi muốn bú. Do đó là nụ cười phản xạ thuần túy nên nó gần như không mang cảm xúc của bé.


Nụ cười này là phản xạ tự nhiên của bé trong chu kỳ giấc ngủ mắt cử động nhanh (REM).

Nghiên cứu cho thấy nụ cười trong giấc ngủ REM là nụ cười phản xạ (6). Hiện tượng cười trong khi ngủ thường gặp ở trẻ sơ sinh từ lúc bé chào đời cho đến khi một tuổi. Nụ cười theo phản xạ sẽ biến mất trước khi bé được hai tháng tuổi và nụ cười thực sự sẽ xuất hiện khi bé được khoảng một tháng rưỡi đến ba tháng tuổi (từ sáu đến 12 tuần) (7). Cha mẹ có thể phân biệt nụ cười theo phản xạ và nụ cười thực sự dựa theo thời điểm bé cười và thời lượng của nụ cười đó.


Nụ cười xã hội bé có nhiều giao tiếp bằng ánh mắt nên cha mẹ sẽ nhận thấy bé cười lâu hơn. Nụ cười xã hội thường xuất hiện khi bé hoàn toàn tỉnh táo và đã sẵn sàng kết nối. Đây là một "mốc phát triển" đáng nhớ, khi bé hướng tới giao tiếp và gắn kết với mọi người đặc biệt là ba mẹ. Bé cũng học được việc có thể thu hút sự chú ý bằng nụ cười của mình.


Nụ cười xã hội đầu tiên chứa đựng rất nhiều ý nghĩa về sự phát triển của bé. Đây là dấu hiệu cho thấy thị giác của bé đã được cải thiện và bé có thể nhận ra hình dáng, đường nét khuôn mặt. Bộ não và hệ thần kinh của bé cũng đã trưởng thành để loại bỏ những nụ cười theo phản xạ. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) tại Hoa Kỳ thì hầu hết trẻ nở nụ cười thực sự (không theo phản xạ) khi sắp hai tháng tuổi (8).


Một sự thật thú vị là nụ cười xã hội sẽ ngày càng có tính "chọn lọc đối tượng" hơn. Lúc đầu, bé sẽ mỉm cười với bất kỳ ai, nhưng khi lớn hơn một chút bé học cách phân biệt giữa người lạ và người quen. Cuối cùng, bé sẽ chỉ mỉm cười với những người bé yêu thích (9).

Ý nghĩa của việc đáp lại tiếng cười của bé


Trong những năm tháng đầu đời, nụ cười là một phương thức giao tiếp quan trọng của bé. Vì vậy, cha mẹ hãy cố gắng ở bên, hỗ trợ sự phát triển của bé bằng việc đáp lại nụ cười.


Trong thí nghiệm The still face (tạm dịch là Khuôn mặt không phản ứng), các bà mẹ được yêu cầu không tương tác với con, đặc biệt là không đáp lại nụ cười và cử chỉ giao tiếp của bé. Các nhà quan sát ghi nhận được rằng sau một lúc, các em bé sẽ cố gắng, bằng mọi cách, để có được sự tương tác với mẹ và khi mẹ không phản ứng thì hầu hết các bé sẽ khóc. Kết quả này cho thấy rằng cha mẹ cần chú ý tìm cách phản ứng phù hợp với bé (10).



Nụ cười của bé trong những tháng đầu đời thường là tự phát và là phản xạ tự nhiên cho thấy cảm xúc của bé đang vui, thoải mái, ăn ngon, ngủ ngon và đang phát triển một cách tốt nhất, bao gồm cả sự phát triển trí não - tiền đề cho sự thông minh, lanh lợi của bé sau này.

Đối với một số cha mẹ, nếu vẫn đang đợi để được nhìn thấy nụ cười của con, hãy thử khuyến khích bé bằng một số hành động như làm ra một vẻ mặt vui nhộn, bắt chước âm thanh, hành động của một con vật nào đó, chơi ú òa với bé, tương tác bằng ánh mắt, mỉm cười với bé càng nhiều càng tốt, nói chuyện với bé thường xuyên... Việc thường xuyên trò chuyện này còn mang lại nhiều lợi ích về sự phát triển ngôn ngữ của bé về sau.


Comments


bottom of page